Bản tin thời sự sáng 7/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất giảm nhiều loại phí giao thông; kiến nghị chuyển công an điều tra vụ CDC Bắc Ninh mua sắm kit xét nghiệm Việt Á; giá xăng bớt 1.000 đồng thuế môi trường từ 11/7; đề xuất hơn 24.300 tỷ đồng đầu tư Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh…

Đề xuất giảm nhiều loại phí giao thông

Bộ trưởng Giao thông vận tải đề xuất giảm nhiều loại phí cho phương tiện sử dụng đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không và hàng hải.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải đề xuất giảm nhiều loại phí giao thông

Bộ trưởng Giao thông Vận tải đề xuất giảm nhiều loại phí giao thông

Công văn kiến nghị Bộ Tài chính được Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể ký sáng 6/7. Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo các cơ quan nỗ lực tháo gỡ một phần khó khăn của người dân, doanh nghiệp khi chi phí vận tải tăng do giá xăng, dầu lên cao.

Trong lĩnh vực đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đề nghị giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách, 10% với xe kinh doanh vận tải hàng hóa. Thời gian giảm phí đến hết năm 2022.

Trong lĩnh vực hàng hải nội địa, Bộ đề nghị giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền; phí bảo đảm hàng hải; lệ phí vào, rời cảng biển. Thời gian giảm từ tháng 8 đến hết tháng 12/2022.

Lĩnh vực hàng không, cơ quan chủ quản ngành giao thông đề nghị giảm 20% mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay. Thời gian giảm đến hết năm 2022.

Lĩnh vực đường sắt chịu ảnh hưởng của Covid-19 nên đã được hỗ trợ giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng từ 8/2/2021 đến hết 3/6/2022. Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục kéo dài mức giảm trên đến hết năm nay.

Còn với lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ kiến nghị miễn 100% lệ phí ra vào cảng bến, giảm 50% phí trình báo. Thời gian thực hiện đến hết năm 2022.

Kiến nghị chuyển công an điều tra vụ CDC Bắc Ninh mua sắm kit xét nghiệm Việt Á

Do có dấu hiệu không khách quan, minh bạch, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh kiến nghị chuyển thông tin, tài liệu của 4 gói thầu mua sắm hàng hóa của Công ty Việt Á tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Ninh sang công an điều tra.

Trụ sở Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh

Trụ sở Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh, có 4 gói thầu mua sắm sản phẩm của Công ty Việt Á tại CDC Bắc Ninh với tổng trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng có dấu hiệu không minh bạch.

Cụ thể, đó là các gói thầu: Mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm SARS- CoV- 2 phục vụ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 (mua sắm lần 2, gọi là gói thầu 2 -CDC) với giá trị thanh toán 5,4 tỷ đồng; Gói thầu mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm SARS- CoV- 2 năm 2021 (đợt 3, gọi là gói thầu 4- CDC) với giá trị thanh toán hơn 8,1 tỷ đồng; Gói thầu mua sắm 20.000 kit xét nghiệm sinh phẩm Realtime PCR và 5.000 kit chiết tách ARN của hãng Việt Á (Gọi là gói thầu 7- CDC) với giá trị thanh toán hơn 9,6 tỷ đồng; Gói thầu mua sắm bổ sung 10.000 kit xét nghiệm sinh phẩm Realtime RT-PCR của Công ty Việt Á ( gọi là gói thầu 8- CDC) với giá trị thanh toán hơn 4,7 tỷ đồng.

Theo Kết luận của Thanh tra Tỉnh về quá trình lập giá của 4 gói thầu nêu trên, CDC tỉnh Bắc Ninh đã căn cứ vào báo giá của các công ty. Tuy nhiên, các công ty báo giá nêu trên lại có quan hệ gia đình, quan hệ mật thiết với nhau.

Công ty Thành An và Công ty An Việt đã thay nhau cùng trúng thầu trong các gói thầu về mua sắm kit xét nghiệm RT-PCR do Công ty Việt Á sản xuất.

Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh kiến nghị chuyển thông tin, tài liệu về mối quan hệ của các công ty trong việc báo giá, được chỉ định thầu, thực hiện mua sắm hàng hóa của Công ty Việt Á sản xuất có dấu hiệu không khách quan, minh bạch đến Công an tỉnh Bắc Ninh tiếp tục điều tra, xử lý.

Giá xăng bớt 1.000 đồng thuế môi trường từ 11/7

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500 - 700 đồng với dầu; yêu cầu áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh tuần sau (11/7).

Giá xăng bớt 1.000 đồng thuế môi trường từ 11/7

Giá xăng bớt 1.000 đồng thuế môi trường từ 11/7

Sáng 6/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, thảo luận dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong khung thuế.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, người thừa uỷ quyền Chính phủ cho biết, để giảm tác động tới sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn khung thuế suất theo thẩm quyền quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, từ 1/8 tới hết 31/12/2022.

Cụ thể, thuế này với xăng (trừ ethanol) sẽ giảm từ 2.000 đồng xuống 1.000 đồng một lít. Các loại dầu, mỡ khác giảm 500 - 700 đồng một lít. Riêng mức thuế với dầu hoả giữ nguyên 300 đồng một lít do đây là mức sàn trong khung thuế.

Tức là mức giảm giá bán lẻ với xăng, dầu, mỡ nhờn tương ứng hạ 550 - 1.100 đồng một lít, gồm thuế VAT.

Biểu quyết sau đó, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất giảm về mức sàn thuế bảo vệ xăng dầu, mỡ nhờn từ 11/7 tới.

Đề xuất hơn 24.300 tỷ đồng đầu tư Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

Trong các năm gần đây, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã có tốc độ tăng trưởng hành khách thông qua vượt dự báo trong hồ sơ quy hoạch được duyệt.

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, trong thời kỳ 2021 - 2030, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp 1, công suất thông qua đạt 25 triệu hành khách/năm và 55.000 tấn hàng hóa/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, cảng hàng không này sẽ có công suất 36 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm.

Về nhà ga hàng không, thời kỳ 2021 - 2030, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây dựng nhà ga hành khách T1 theo nhu cầu, công suất quy hoạch 21 triệu hành khách/năm (quốc nội 8,5 triệu hành khách/năm, quốc tế 12,5 triệu hành khách/năm), giữ nguyên nhà ga T2 (quốc tế) công suất 4 triệu hành khách/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, cảng hàng không sẽ cải tạo nhà ga T2 và hợp khối nhà ga T1 thành nhà ga T1 (quốc tế) mới công suất 24 triệu hành khách/năm; xây mới nhà ga T3 (quốc nội) công suất 12 triệu hành khách/năm đảm bảo theo dự báo tầm nhìn đến năm 2050 đạt 36 triệu hành khách/năm.

Đối với nhà ga hàng hóa, Cục Hàng không đề xuất quy hoạch diện tích đất cho khu ga hàng hóa là 12,1 ha.

Thời kỳ 2021 - 2030, cảng hàng không sẽ xây dựng mới nhà ga hàng hóa tại vị trí về phía Bắc sân đỗ máy bay, tiếp giáp đường ven biển; công suất nhà ga hàng hóa đáp ứng khoảng 55.000 tấn hàng hóa/năm giai đoạn đến năm 2030.

Cục Hàng không Việt Nam xác định nhu cầu vốn đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến là 39.376 tỷ đồng. Trong đó, thời kỳ 2021 - 2030 dự kiến là 24.311 tỷ đồng; giai đoạn sau 2030 tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến là 15.065 tỷ đồng.

Quảng Nam truy quét hai bãi vàng trái phép

Lực lượng chức năng huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, đốt các lán trại, phá hủy máy móc của "vàng tặc" ở bãi Cây Đa, Cầu Ván, xã Phước Lộc.

Một lán trại bị chặt hạ, châm lửa đốt cháy

Một lán trại bị chặt hạ, châm lửa đốt cháy

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phước Sơn vừa cùng công an huyện và chính quyền xã Phước Lộc kiểm tra hoạt động khai thác vàng tại hai bãi nêu trên. Thời điểm kiểm tra, khu vực này không một bóng người nhưng có nhiều lán trại, một số thiết bị máy móc, đường dây dẫn ống nước và nhiều dụng cụ phục vụ khai thác vàng.

Khoảng 15 người của tổ liên ngành đã chặt hạ các lán trại, sau đó gom thành đống, đổ xăng dầu đốt cháy. Các dụng cụ, máy móc bị phá hủy.

Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phước Sơn, tình trạng khai thác vàng trái phép những năm qua vẫn diễn ra dù chính quyền thường xuyên truy quét. Nguyên nhân là "vàng tặc" thường lựa chọn rừng sâu, địa hình hiểm trở. Khi tổ kiểm tra liên ngành đến, người cảnh giới sẽ báo tin để phu vàng tẩu tán, cất giấu thiết bị, máy móc rồi chạy trốn vào rừng. Sau khi lực lượng chức năng rút đi, người làm vàng tiếp tục khai thác lén lút.

Huyện miền núi Phước Sơn có trữ lượng vàng lớn thứ hai cả nước, chỉ sau mỏ Bồng Miêu, huyện Phú Ninh. Tại huyện này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hai mỏ vàng; UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép 11 mỏ vàng.

Cục Hàng không đề xuất tăng trần giá vé máy bay

Cục Hàng không vừa đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định tại thời điểm năm 2014, tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành.

Cục Hàng không đề xuất tăng trần giá vé máy bay

Cục Hàng không đề xuất tăng trần giá vé máy bay

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn chịu ảnh hưởng do giá nhiên liệu tăng cao, các doanh nghiệp chủ yếu đề xuất các giải pháp liên quan đến việc miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường; giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không và cho phép phụ thu nhiên liệu hoặc điều chỉnh tăng trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có văn bản báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải, trong đó đề xuất các giải pháp về giảm phí chuyên ngành hàng không; giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm giá dịch vụ chuyên ngành hàng không và điều chỉnh tăng mức tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa.

Cụ thể, Cục Hàng không đề nghị áp dụng mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không… bằng 80% mức quy định. Cơ quan này cũng đề nghị mức giảm tương tự với phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay.

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tiếp tục miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2023.

Liên quan đến việc điều chỉnh tăng mức tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã có văn bản đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định tại thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).

Chuyên đề