Bản tin thời sự sáng 7/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là gần 1.300 tỷ đồng quyên góp vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19; hai cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ được khởi công trong tháng 6/2021; robot truy vết Covid-19 bắt đầu gọi điện đến người dân TP.HCM; Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo tập trung…

Gần 1.300 tỷ đồng quyên góp vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19

Tính đến thời điểm 17h ngày 6/6/2021, đã có 1.299 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi) được các tổ chức và cá nhân đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19.

Gần 1.300 tỷ đồng quyên góp vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19

Gần 1.300 tỷ đồng quyên góp vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19

Ban Quản lý Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 vừa có báo cáo tình hình huy động từ các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào Quỹ, trong đó cập nhật số tiền, hiện vật đã huy động được sau một ngày ra mắt.

Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 cho biết, tính đến thời điểm 17h ngày 6/6/2021, đã có 1.299 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi) được các tổ chức và cá nhân đóng góp vào Quỹ.

Ngoài ra, còn 4.367,66 tỷ đồng nhà tài trợ đã cam kết nhưng chưa chuyển tiền. Tổng số tiền dự kiến ở thời điểm này là 5.666,66 tỷ đồng.

Cũng theo Ban Quản lý Quỹ, cơ quan quản lý đã mở 12 tài khoản do Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 đứng tên, cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và 3 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank và HDBank.

Thực hiện quy định tại Thông tư số 41/2021 của Bộ Tài chính, Ban Quản lý Quỹ sẽ công khai số dư quỹ và danh sách các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ Quỹ hàng ngày.

Hai cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ được khởi công trong tháng 6/2021

Dự kiến, trong tháng 6/2021, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ khởi công xây dựng những gói thầu xây lắp đầu tiên của hai dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.

Hai cao tốc QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ được khởi công trong tháng 6/2021. Ảnh minh họa

Hai cao tốc QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ được khởi công trong tháng 6/2021. Ảnh minh họa

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đang chuẩn bị hoàn thiện công tác lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công trong tháng 6/2021.

Đối với đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Dự án đã mở thầu 3/3 gói thầu xây lắp. Ngày 18/5/2021, Ban Quản lý dự án (QLDA) 2 - đại diện chủ đầu tư đã trình kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật Gói thầu XL03, dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà thầu gói thầu này trong đầu tháng 6/2021 để khởi công xây dựng trước 25/6/2021. Còn lại 2 gói thầu (XL01, XL02) sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và khởi công trong tháng 6 - 7/2021.

Còn Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu cũng đã mở thầu 4 gói thầu xây lắp.

Ban QLDA 6 - đại diện chủ đầu tư đã trình kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật Gói thầu xây lắp XL01 ngày 24/5/2021, dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà thầu gói thầu này và khởi công xây dựng trước ngày 20/6/2021. Còn lại 3 gói thầu xây lắp (XL02, XL03, XL04) dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà thầu và khởi công trong tháng 6/2021.

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.534 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Thời gian tổ chức thi công xây dựng dự án trong khoảng 2 năm.

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km đi qua hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.293 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thời gian thi công dự án trong khoảng 2 năm.

Robot truy vết Covid-19 bắt đầu gọi điện đến người dân TP.HCM

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, robot truy vết Covid-19 đã bắt đầu gọi điện tới người dân trên địa bàn. Khi nhận cuộc gọi, mọi người nên nghe máy và làm theo hướng dẫn.

Người dân có thể gọi điện đến tổng đài 18001119 để được hướng dẫn khai báo y tế và giải quyết vấn đề cần thiết

Người dân có thể gọi điện đến tổng đài 18001119 để được hướng dẫn khai báo y tế và giải quyết vấn đề cần thiết

Nhiều người dân sinh sống tại TP.HCM đã nhận được cuộc gọi từ số 18001119 hoặc 018001119. Do chưa có nhiều thông tin về số máy này, nhiều người tỏ ra e ngại không bắt máy, có người nghe nhưng cung cấp thông tin cầm chừng vì đề phòng tình trạng lừa đảo qua mạng.

Sáng 6/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) xác nhận đây là số máy của robot đang cập nhật dữ liệu sức khỏe cộng đồng. Việc người dân tại TP.HCM nhận được cuộc gọi từ tổng đài này là hoàn toàn bình thường. Trường hợp có yếu tố dịch tễ, đang trong vùng dịch hay không đều có thể nhận được cuộc gọi từ tổng đài miễn phí 18001119. Người dân nên bắt máy và làm theo hướng dẫn để ngành y tế có dữ liệu đầy đủ.

Về cơ chế hoạt động, HCDC cho biết robot truy vết Covid-19 là tổng đài viên ảo, có khả năng trò chuyện với người gọi để hiểu và giải quyết vấn đề tự động. Công nghệ này đang được các doanh nghiệp viễn thông di động hỗ trợ 2 địa phương Bắc Giang, Bắc Ninh. Cuộc gọi sẽ được hiển thị bằng nhiều tên khác nhau gồm BCĐ COVID-19, BCĐ COVID-313158, 18001119, 018001119.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị chỉ đạo thực hiện, ngoài việc nhận được các cuộc gọi phục vụ công tác truy vết, người dân có thể gọi đến đầu số trên để khai báo y tế. Người gọi sẽ được các tổng đài viên, tình nguyện viên hướng dẫn lựa chọn hình thức khai báo phù hợp, tất cả cuộc gọi đều được miễn cước.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng, giải pháp gọi điện truy vết bằng robot có thể áp dụng trên địa bàn. Ông Đức đề xuất kết quả của những cuộc gọi sẽ được cập nhật mỗi ngày để sàng lọc, đảm bảo thông suốt thông tin.

Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo tập trung

Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự, điểm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và treo biển cảnh báo tại các cơ sở, điểm nhóm nhằm phòng dịch Covid-19.

Trụ sở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp, TP.HCM

Trụ sở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp, TP.HCM

Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) vừa có công văn gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo trong tình hình mới.

Theo đó, trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là liên quan đến ổ dịch tại điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung "Hội thánh Truyền giáo Phục hưng" tại TP.HCM được phát hiện vào chiều tối ngày 26/5. Từ điểm nhóm này, một số tín đồ của 3 Hội thánh Tin lành khác cũng trở thành F1 và F2 (đến nay chưa phát hiện có F0).

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, ngoài 20/22 quận, huyện, thành phố của TP.HCM, đến nay đã có 8 tỉnh, thành phố có F0 (gồm Hà Nội, Bình Dương, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Đắc Lắc, Trà Vinh, Đồng Tháp) và 7 tỉnh có F1 hoặc F2 (gồm Tiền Giang, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Cần Thơ).

Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự, các điểm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và treo biển cảnh báo tại các cơ sở, điểm nhóm nhằm thực hiện triệt để công tác phòng dịch.

Đối với các cơ sở, điểm nhóm có người nghi nhiễm, cần phối hợp với các cấp chính quyền để truy vết dịch tễ, khai báo lịch trình di chuyển, thực hiện cách ly theo quy định.

Cảnh sát biển tạm giữ 25.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc

Tại thời điểm kiểm tra, các thuyền viên không xuất trình được các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu trên tàu, không xuất trình được hồ sơ phương tiện...

25.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc trên tàu HP-3839 bị tạm giữ

25.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc trên tàu HP-3839 bị tạm giữ

Sáng ngày 6/6, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại khu vực biển giáp ranh giữa Hải Phòng và Thái Bình, Tổ công tác thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phát hiện và kiểm tra tàu vỏ sắt chở dầu mang số hiệu HP-3839 đang hành trình có biểu hiện nghi vấn.

Tàu HP-3839 gồm hai thuyền viên do anh Lê Văn Bắc, quê ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) làm đại diện tàu.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tàu đang vận chuyển khoảng 25.000 lít dầu DO.

Tại thời điểm kiểm tra, các thuyền viên không xuất trình được các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu trên tàu, không xuất trình được hồ sơ phương tiện và bằng cấp, chứng chỉ thuyền viên.

Theo khai báo, số dầu trên được tàu mua trôi nổi ở khu vực biển giáp ranh giữa Hải Phòng và Thái Bình. Khi tàu đang trên đường vận chuyển về Hải Phòng để tiêu thụ thì bị lực lượng cảnh sát biển kiểm tra.

Hiện, lực lượng chức năng đã lập biên bản ban đầu, đưa tàu HP-3839 về neo đậu an toàn tại khu vực bến Gót, huyện Cát Hải để ra quyết định tạm giữ phương tiện, hàng hóa và tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bắt giữ 2 tàu khai thác cát trái phép trên tuyến sông Lạch Tray

Theo Công an huyện Kim Thành cho biết, rạng sáng ngày 6/6/2021, trong quá trình tuần tra kiểm soát, công an huyện đã bắt giữ 2 tàu mang số hiệu PT.2666 và HP 2313 đang có hành vi khai thác cát trái phép trên tuyến sông Lạch Tray đoạn thuộc địa phận thôn Đại Tiến, xã Đại Đức, huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương).

Công an huyện Kim Thành tạm giữ phương tiện vi phạm để tiếp tục điều tra làm rõ

Công an huyện Kim Thành tạm giữ phương tiện vi phạm để tiếp tục điều tra làm rõ

Theo thông tin ban đầu, tại thời điểm kiểm tra, tàu số hiệu PT.2666 do Lê Đình Trưởng, trú tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc điều khiển và tầu mang số hiệu HP 2313 do Phạm Văn An và Đàm Xuân Chiến cùng trú tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng điều khiển. Các cá nhân này đều không xuất trình được giấy tờ đăng ký, đăng kiểm và các giấy phép liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Qua xác minh, tàu HP 2313 có hành vi dùng cẩu xúc trọng tải lớn khai thác gần 800m3 đất lòng sông, chuyển sang tàu PT.2666 để vận chuyển đi tiêu thụ.

Hiện Công an huyện Kim Thành đã lập biên bản tạm giữ 2 phương tiện, điều tra làm rõ vụ việc và đề nghị hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề