Bản tin thời sự sáng 7/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất trích 30% tiền đấu giá biển số ô tô để đảm bảo an toàn giao thông; từ ngày 12/5, cổ phiếu Vietnam Airlines chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát; Cục Thuế TP. Hà Nội cưỡng chế hơn 11.700 tỷ đồng thuế quá hạn; Hải quan tìm chủ xe Rolls-Royce Cullinan bị bỏ quên ở cảng Hải Phòng…

Đề xuất trích 30% tiền đấu giá biển số ô tô để đảm bảo an toàn giao thông

Bộ Công an đề xuất sử dụng 30% số tiền thu được qua đấu giá biển số ô tô để đầu tư cơ sở vật chất, tập huấn cán bộ, phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Ô tô Mercedes bốc được biển số có đuôi 28 được quan niệm là số đẹp

Ô tô Mercedes bốc được biển số có đuôi 28 được quan niệm là số đẹp

Bộ Công an vừa hoàn thiện Dự thảo nghị định về trình tự, thủ tục, nội dung liên quan thí điểm đấu giá biển số xe ô tô và chuyển đến Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo Dự thảo, số tiền đấu giá thu được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương. Bộ Công an mở một tài khoản để thu tiền trúng đấu giá. Tiền lãi phát sinh trên số dư tài khoản nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.

Căn cứ vào nhu cầu kinh phí, Bộ Công an xây dựng dự toán tương ứng với 30% số tiền thu được từ đấu giá biển số xe năm trước đã nộp ngân sách nhà nước để phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Theo Bộ Công an, số tiền này nhằm đầu tư cơ sở vật chất, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ làm đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đấu tranh phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự.

Theo Dự thảo, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ phê duyệt kế hoạch tổ chức cho từng phiên đấu giá, gồm danh sách biển số, giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước, hình thức, phương thức tổ chức đấu giá. Kế hoạch phải công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an trong 5 ngày từ khi phê duyệt.

Bộ trưởng Công an cũng quyết định số lượng biển số ô tô đưa ra đấu giá tại mỗi phiên. Trường hợp chưa đến kỳ đấu giá tiếp theo mà công an các tỉnh, thành phố đã hết biển số để đăng ký thì Bộ Công an giao Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông quyết định.

Khi đã có danh sách biển số để đấu giá, Bộ Công an sẽ công khai trên cổng thông tin điện tử Bộ, trang thông tin Cục Cảnh sát giao thông. Danh sách này cũng được chuyển tới tổ chức đấu giá để niêm yết trong 30 ngày.

Từ ngày 12/5, cổ phiếu Vietnam Airlines chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa ra quyết định chuyển cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 12/5.

Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022
Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022

Lý do mà HoSE đưa ra là Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết. Cũng theo quy chế này, cổ phiếu sẽ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch nếu tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Theo quy định, doanh nghiệp niêm yết phải nộp báo cáo tài chính kiểm toán trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tức nộp chậm nhất vào ngày 31/3. Tuy nhiên, Vietnam Airlines đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE xin tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Lý do xin tạm hoãn công bố thông tin của Vietnam Airlines không thuộc các trường hợp trên. Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị hãng hàng không quốc gia khẩn trương khắc phục công tác kế toán để hoàn thành việc công bố thông tin theo quy định.

Cục Thuế TP. Hà Nội cưỡng chế hơn 11.700 tỷ đồng thuế quá hạn

Thông tin từ Cục Thuế TP. Hà Nội cho hay, tính đến hết quý I/2023, cơ quan thuế đã phải áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với trên 11.700 doanh nghiệp, người nộp thuế, với số tiền cưỡng chế trên 11.700 tỷ đồng. Trung bình mỗi doanh nghiệp đang nợ khoảng 1 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế với doanh nghiệp chây ì không nộp thuế

Cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế với doanh nghiệp chây ì không nộp thuế

Đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, cơ quan thuế sẽ phân thành 2 nhóm nợ. Đối với các doanh nghiệp nợ mới phát sinh, do gặp khó khăn ngắn hạn về dòng tiền, cơ quan thuế sẽ hỗ trợ giải quyết cho nộp dần, không tính tiền chậm nộp, hoặc thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế sẽ tuyên truyền, làm thủ tục giúp doanh nghiệp được gia hạn.

Còn đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm chây ì không nộp, cơ quan thuế buộc phải tiến hành áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế từ thấp đến cao như: ngừng sử dụng hóa đơn, phong tỏa tài khoản, thậm chí cả cấm xuất cảnh với chủ doanh nghiệp.

Hải quan tìm chủ xe Rolls-Royce Cullinan bị bỏ quên ở cảng Hải Phòng

Chiếc Rolls-Royce Cullinan được nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 5/7/2022, gửi từ Công ty Hollman International (trụ sở tại Đức) đến Công ty CP Đầu tư ASC ở Hà Nội.

Tại Việt Nam, số lượng người sở hữu Rolls-Royce Cullinan không nhiều

Tại Việt Nam, số lượng người sở hữu Rolls-Royce Cullinan không nhiều

Theo thông báo của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ - Cục Hải quan TP. Hải Phòng, cơ quan này đang tìm chủ nhân của lượng hàng tồn đọng ở cửa khẩu cảng biển trên địa bàn. Đây là số hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày phát sinh tại Chi cục.

Đáng chú ý, trong các lô hàng bị bỏ quên có một chiếc ô tô nhãn hiệu Rolls-Royce Cullinan (VIN: SCATF2108NU212867). Phía gửi hàng là Công ty Hollman International (trụ sở ở Đức) - chuyên phân phối xe cao cấp trên thế giới, bên nhận là Công ty CP Đầu tư ASC (trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Chiếc siêu xe này nhập cảnh vào ngày 5/7/2022 tại Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng, tức đến nay là 305 ngày. Theo cơ quan hải quan, số ngày tồn của chiếc siêu xe này tại cảng là 104 ngày.

Từ khi ra mắt vào năm 2018, Rolls-Royce Cullinan liên tục giữ vững vị trí xe SUV sản xuất thương mại đắt nhất thế giới, xếp trên những mẫu xe của Bentley, Lamborghini. Sau khi ra đời, Cullinan trở thành chiếc SUV sang trọng và đắt giá nhất thế giới (chỉ tính những xe sản xuất thương mại).

Tại Việt Nam, đa số xe Rolls-Royce Cullinan đang lăn bánh được nhập khẩu bởi đại lý tư nhân. Dù có giá bán cao lên tới 32 tỷ đồng đến hơn 40 tỷ đồng, Rolls-Royce Cullinan vẫn thường xuyên được nhập về theo đơn đặt hàng.

Tương tự, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 cũng đang tìm chủ hàng hóa tồn đọng là 111 chiếc ô tô nhập cảnh từ 19/12/2022 đến 2/1/2023. Theo danh sách của cơ quan hải quan, lô xe này không có thông tin của người gửi và người nhận nhưng có số vận đơn, tên tàu vận chuyển. Địa điểm lưu giữ là cảng Tân Vũ.

FLC nợ gần 290 tỷ đồng tiền thuế ở Quảng Bình

Toàn tỉnh Quảng Bình có 71 doanh nghiệp và 1 cá nhân nợ thuế lớn với tổng số tiền nợ hơn 730 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn FLC đứng đầu danh sách với số tiền nợ thuế hơn 289 tỷ đồng.

Tại Quảng Bình, Tập đoàn FLC đứng đầu danh sách nợ tiền thuế

Tại Quảng Bình, Tập đoàn FLC đứng đầu danh sách nợ tiền thuế

Cục Thuế tỉnh Quảng Bình vừa công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Theo cơ quan này, tính đến ngày 31/3, trên địa bàn Tỉnh có 72 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước với tổng số tiền hơn 730 tỷ đồng.

Đại diện Cục thuế tỉnh Quảng Bình cho biết, lý do công khai là người nộp thuế vi phạm quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 100 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và điểm g Khoản 1 Điều 29 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đáng chú ý, đứng đầu trong danh sách nợ thuế là Công ty CP Tập đoàn FLC (Cầu Giấy, Hà Nội) với số tiền nợ hơn 289 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 7 năm ngoái, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án của FLC ở Quảng Bình.

Tại tỉnh Quảng Bình, Tập đoàn FLC có 10 dự án, gồm Dự án Trung tâm hội nghị khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình; 2 dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh và Hải Ninh 2; Dự án Công viên động vật hoang dã FLC Quảng Bình; Dự án Sân golf Golf Links; 2 dự án công viên thể thao mạo hiểm FLC và FLC Faros; Dự án Đầu tư xây dựng công trình Clubhouse; 2 dự án khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Hải Ninh và FLC Faros.

Trong đó, nổi bật nhất là quần thể FLC Quảng Bình Beach & Golf Resort (FLC Quảng Bình) được triển khai tại xã Hải Ninh. Đây là tổ hợp dự án có diện tích gần 2.000 ha, trải dọc bờ biển hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Theo công bố, tổng mức đầu tư toàn bộ các dự án gần 20.000 tỷ đồng.

Đứng sau FLC trong danh sách nợ thuế là Công ty CP Khai thác sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành Quảng Bình (Đồng Hới) với số tiền nợ hơn 125,4 tỷ đồng, Công ty CP Sản xuất vật liệu và Xây dựng Cosevco 1 (thị xã Ba Đồn) nợ hơn 78 tỷ đồng…

Vi phạm giao dịch tài sản ủy thác, Công ty CP Quản lý quỹ Kỹ Thương bị phạt 85 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định phạt hành chính Công ty CP Quản lý quỹ Kỹ Thương, mức phạt 85 triệu đồng, do thực hiện giao dịch tài sản cho khách hàng ủy thác đầu tư với giá trị giao dịch trong năm thông qua một công ty chứng khoán vượt quá giới hạn về tỷ lệ tổng giá trị giao dịch trong năm của khách hàng ủy thác.

Công ty CP Quản lý quỹ Kỹ Thương bị phạt 85 triệu đồng. Ảnh minh họa

Công ty CP Quản lý quỹ Kỹ Thương bị phạt 85 triệu đồng. Ảnh minh họa

Theo đó, Công ty CP Quản lý quỹ Kỹ Thương bị xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định số 114/QĐ-XPVPHC, số tiền 85 triệu đồng, do đã thực hiện giao dịch tài sản cho khách hàng ủy thác đầu tư với giá trị giao dịch trong năm thông qua một công ty chứng khoán vượt quá giới hạn về tỷ lệ tổng giá trị giao dịch trong năm của khách hàng ủy thác.

Cụ thể, trong năm 2022, Công ty CP Quản lý quỹ Kỹ Thương thực hiện giao dịch tài sản cho Quỹ đầu tư trái phiếu Techcom (Quỹ TCBF) với giá trị giao dịch trong năm thông qua Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (người liên quan của Công ty CP Quản lý quỹ Kỹ Thương) là 33,36% tổng giá trị giao dịch trong năm của Quỹ TCBF (vượt quá 20% tổng giá trị giao dịch trong năm của Quỹ theo quy định của pháp luật).

TP.HCM chấn chỉnh tuyến xe buýt trên địa bàn huyện Cần Giờ

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản về việc chấn chỉnh hoạt động của các tuyến xe buýt, xe đưa rước học sinh trên địa bàn huyện Cần Giờ.

TP.HCM có 2 tuyến xe buýt đi Cần Giờ là số 77 và 90

TP.HCM có 2 tuyến xe buýt đi Cần Giờ là số 77 và 90

Việc chấn chỉnh này nhằm giám sát xử lý các trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách, bán vé không đúng quy định, phân biệt đối xử đối với hành khách là học sinh.

Cụ thể, Sở GTVT yêu cầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tuyến xe buýt số 77 (Đồng Hòa - Cần Thạnh) và tuyến xe buýt số 90 (phà Bình Khánh - Cần Thạnh).

Tuyến 77 có 40 chuyến/ngày, 30 phút/chuyến, thời gian hoạt động từ 5h30 - 19h45. Tuyến xe buýt số 90 có 152 chuyến/ngày, thời gian xuất bến/đến bến từ 4h45 - 21h30.

Theo Sở GTVT, việc chấn chỉnh hoạt động các tuyến xe buýt ở Cần Giờ cũng để xem xét, đánh giá năng lực của các đơn vị vận tải đảm nhận những tuyến xe buýt trên. Đồng thời, kiểm tra và xử lý các trường hợp đơn vị đưa phương tiện vào hoạt động đưa rước học sinh không đảm bảo chất lượng theo quy định.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng chủ động phối hợp với UBND huyện Cần Giờ trong việc nghiên cứu lắp đặt bổ sung trạm dừng, nhà chờ xe buýt để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn Huyện.

Sở GTVT yêu cầu đơn vị quản lý tuyến số 77 và 90 là Hợp tác xã Vận tải số 26 và Hợp tác xã Vận tải và Du lịch Thanh Sơn tổ chức tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ lái xe, tiếp viên chấp hành nội quy về an toàn giao thông.

Chuyên đề