Bản tin thời sự sáng 7/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội cho phép dịch vụ karaoke, massage, quán bar hoạt động trở lại từ ngày 8/4; kiểm điểm nhân viên không lưu sân bay Cát Bi làm việc riêng khiến phi công mất liên lạc; khởi tố vụ án sai phạm tại Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch; năm thành phố nghiên cứu hạn chế xe máy…

Hà Nội cho phép dịch vụ karaoke, massage, quán bar hoạt động trở lại từ ngày 8/4

Từ 0h ngày 8/4, các dịch vụ karaoke, massage, bar, Internet ở Hà Nội được hoạt động trở lại sau gần một năm đóng cửa để phòng chống dịch.

Hà Nội mở lại dịch vụ karaoke, massage, quán bar từ ngày 8/4

Hà Nội mở lại dịch vụ karaoke, massage, quán bar từ ngày 8/4

Ngày 6/4, UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản về việc điều chỉnh một số biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trong tình hình mới trên địa bàn Thành phố.

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, các đơn vị, tổ chức và người dân trên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Các loại hình kinh doanh dịch vụ như: karaoke, massage, quán bar, trò chơi điện tử, internet hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 8/4 nhưng phải bảo đảm các điều kiện theo quy định, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan; khuyến cáo khách hàng khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh như ho, sốt, khó thở, mất vị giác... không sử dụng dịch vụ và tham gia các hoạt động tại các địa điểm trên, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn.

Kiểm điểm nhân viên không lưu sân bay Cát Bi làm việc riêng khiến phi công mất liên lạc

Phi công mất liên lạc với đài chỉ huy sân bay Cát Bi - Hải Phòng do kiểm soát viên không lưu thực hiện sai quy định. Kiểm soát viên vi phạm đã bị rút khỏi dây chuyền để kiểm điểm và xử lý trách nhiệm.

Cảng Hàng không Cát Bi - Hải Phòng

Cảng Hàng không Cát Bi - Hải Phòng

Tối 6/4, đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) lên tiếng xác nhận về sự cố mất liên lạc của chuyến bay VJ671 hành trình từ sân bay Cát Bi đi Buôn Ma Thuột và trách nhiệm của kiểm soát viên không lưu (KSVKL).

Cụ thể, theo kế hoạch, máy bay dự kiến rút chèn lúc 6h15. Lúc 5h31, phi công liên lạc lần đầu với đài kiểm soát không lưu (KSKL) Cát Bi xin thông tin khí tượng nhưng không thấy đài KSKL Cát Bi trả lời. Từ lúc 5h32 - 5h58, tổ lái chuyến bay VJ671 gọi đài KSKL Cát Bi cũng bất thành.

Do bị mất liên lạc nên tổ lái chuyến bay buộc phải gọi Trung tâm Kiểm soát đường dài (ACC) Hà Nội thông báo việc không liên lạc được với đài KSKL Cát Bi. Sau khi tiếp nhận thông tin, ACC Hà Nội lập tức gọi cho đài KSKL Cát Bi để thông báo về việc này.

Theo đại diện VATM cho biết, lúc 5h59, KSVKL Cát Bi liên lạc với phi công chuyến bay VJ671. KSVKL cung cấp thông tin khởi hành, huấn lệnh đường dài và điều hành đối với chuyến bay VJ671 theo kế hoạch. Chuyến bay VJ671 cất cánh lúc 6h16 đúng giờ dự kiến theo kế hoạch.

Ngay sau khi được báo cáo về sự việc, Tổng giám đốc VATM và Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Bắc đã trực tiếp đến làm việc với đài KSKL Cát Bi để xác minh nhanh sự việc. Chuyến bay VJ671 đậu qua đêm tại sân bay Cát Bi. Phi công của chuyến bay đã liên lạc với Đài KSKL để hỏi thông tin trước giờ dự kiến khởi hành 45 phút.

Sơ bộ xác định tại thời điểm phi công gọi đài KSKL, nhân viên KSKL đã thực hiện không đúng quy định về vị trí trực, có mặt tại cabin kiểm soát nhưng không ngồi đúng vị trí trực, làm việc riêng (đeo tai nghe cá nhân) do đó không nghe thấy tổ lái gọi.

Hiện tại Công ty Quản lý bay miền Bắc thuộc VATM đã rút các KSVKL liên quan ra khỏi dây chuyền để kiểm điểm và xử lý trách nhiệm.

Khởi tố vụ án sai phạm tại Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch

Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án hình sự sau khi xác định có dấu hiệu phạm tội xảy ra tại Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch.

Mô phỏng khu dân cư Long Tân - Phú Thạnh liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty CP đầu tư Nhơn Trạch

Mô phỏng khu dân cư Long Tân - Phú Thạnh liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty CP đầu tư Nhơn Trạch

Ngày 6/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí xảy ra tại Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch, công ty con của Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đồng Nai thụ lý giải quyết nguồn tin tố giác về tội phạm, liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch trong việc thực hiện Dự án Khu dân cư Long Tân - Phú Thạnh ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Quá trình điều tra, Công an Đồng Nai xác định có dấu hiệu của hành vi phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đồng Nai tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.

Năm thành phố nghiên cứu hạn chế xe máy

Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng.

Kẹt xe trên Xa lộ Hà Nội

Kẹt xe trên Xa lộ Hà Nội

Chính phủ nêu yêu cầu trên tại Nghị quyết tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025.

5 thành phố trực thuộc Trung ương được giao tiến tới hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số quận sau năm 2030; nghiên cứu xây dựng đề án thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Chủ trương này nhằm hạn chế số lượng xe cơ giới vào địa bàn.

Cơ quan chuyên môn các thành phố tham mưu HĐND ban hành nghị quyết ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; phấn đấu năm 2030 đạt 30 - 35% khối lượng vận tải hành khách.

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, các thành phố tập trung nguồn lực xử lý điểm thường xuyên ùn tắc; không để xảy ra các vụ ùn tắc trên 30 phút; chỉ phê duyệt đầu tư khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông, có kết nối với trục đường chính trong đô thị.

Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng đón tuyến dịch vụ mới đi trực tiếp

Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa đón thành công “siêu tàu” One Continuity của hãng tàu ONE, trên tuyến dịch vụ hàng hải mới PS3 xuyên Thái Bình Dương đi trực tiếp bờ Tây Hoa Kỳ.

Tàu siêu trọng tải One Continuity có trọng tải gần 90.000 tấn với sức chở 8.102 TEU, chiều dài hơn 320 m.

Tàu siêu trọng tải One Continuity có trọng tải gần 90.000 tấn với sức chở 8.102 TEU, chiều dài hơn 320 m.

Tàu One Continuity dài hơn 320 m, trọng tải gần 90.000 tấn với sức chở 8.102 Teu, là một trong 11 tàu siêu trọng tải thuộc Liên minh The Alliance gồm 4 hãng tàu: One (Nhật Bản), Hapag Lloyd (Đức), Yang Ming (Đài Loan) và HMM (Hàn Quốc).

Dịch vụ khai thác trên tuyến PS3 xuyên Thái Bình Dương kết nối trực tiếp từ Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) với khu vực bờ Tây Hoa Kỳ, có hải trình: Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng - Yantian - Los Angeles - Oakland - Pusan - Shanghai - Ningbo - Shekou - Singapore - Port Klang - Nhava Sheva - Pipavav Port - Colombo - Port Klang - Singapore - TCIT - Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng.

Trước đó, cuối tháng 3 vừa qua, Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng cũng đón thành công tàu Cape Faro (sức chở lên tới 1.440 TEU, chiều dài 170 m) thuộc tuyến dịch vụ mới CI7 của hãng tàu Wan Hai, kết nối trực tiếp Việt Nam với Bờ Đông Ấn Độ.

Xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ sẽ được gộp chung thành loại hình taxi

Xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ được gộp chung thành taxi sẽ khắc phục được các bất cập trong quản lý giá cước, điều kiện gia nhập thị trường.

Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ sẽ được gộp chung thành taxi

Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ sẽ được gộp chung thành taxi

Theo Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi vừa được Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ sẽ được gộp chung thành taxi.

Theo luật hiện hành, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch.

Trong dự thảo mới, Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định taxi là loại hình kinh doanh vận tải khách sử dụng ôtô con. Taxi có thể tính tiền cước qua đồng hồ hoặc phần mềm kết nối với hành khách qua phương tiện điện tử. Như vậy, ôtô kinh doanh vận tải hiện nay như Grab, Be... sẽ được xếp vào loại hình taxi.

Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng ôtô phải có giấy phép kinh doanh; ghi nhận đánh giá của khách hàng về chất lượng phục vụ của người lái xe; lưu trữ giao dịch tối thiểu 2 năm...

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, xét về đặc điểm, bản chất kinh doanh, xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ chính là taxi, cần quản lý như taxi, không nên tạo ra loại hình vận tải mới. Nội dung này đưa vào Luật Đường bộ sẽ đồng nhất với Nghị định 10 trước đó đã có điều khoản này.

Chuyên đề