Bản tin thời sự sáng 7/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nghiên cứu giảm 2% thuế VAT năm 2024; thu hồi hơn 386.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng; chậm nhất 31/12, Quảng Ngãi bàn giao 100% mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam; VEC chuẩn bị tăng giá dịch vụ 4 tuyến cao tốc; sẽ thanh tra thêm 6 doanh nghiệp bảo hiểm trong quý IV/2023…

Nghiên cứu giảm 2% thuế VAT năm 2024

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) năm 2024 và giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất giảm thuế VAT năm 2024. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất giảm thuế VAT năm 2024. Ảnh minh họa

Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở cuộc họp của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu 2 nội dung: thực hiện tiếp việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2024 và trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong năm 2024.

“Bộ Tài chính đang tiến hành các bước theo quy trình, thủ tục nghiên cứu chính sách để đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội”, ông Tuấn cho biết.

Năm nay, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 196.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 121.000 tỷ đồng. Số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75.000 tỷ đồng, trong đó có giảm VAT 2% cho một số nhóm hàng hóa dịch vụ.

Bộ Tài chính cũng đang đánh giá các giải pháp hỗ trợ đã thực hiện và tham mưu Chính phủ chính sách hỗ trợ thời gian tới.

Thu hồi hơn 386.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 386.000 tỷ đồng; kê biên 249 bất động sản và hơn 56 triệu cổ phần, cổ phiếu từ việc xử lý các vụ án tham nhũng.

Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng ngày càng được nâng cao. Ảnh minh họa

Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng ngày càng được nâng cao. Ảnh minh họa

Nội dung trên được nêu trong báo cáo tổng hợp các nội dung thẩm tra của các cơ quan Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 15.

Theo báo cáo, việc phát hiện, xử lý tham nhũng 2 năm qua đã có bước đột phá; kết hợp giữa xử lý kỷ luật, hành chính của Đảng, Nhà nước với xử lý hình sự. Các cơ quan đã chủ động phát hiện, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp. Nhiều người nguyên là lãnh đạo các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng.

Viện Kiểm sát phối hợp với cơ quan điều tra thu hồi hơn 386.000 tỷ đồng; phong tỏa 9 triệu USD, 10 triệu yên, 117 kg vàng; thu hồi 393.115 m2 đất. Một số vụ án thu hồi tài sản cao như vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối hộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tổng tài sản thu hồi trị giá 1.400 tỷ đồng.

Vụ án Nguyễn Văn Minh và đồng phạm "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương, Tổng công ty đã nộp 452 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Các cơ quan Quốc hội đánh giá tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày càng được nâng cao và vượt so với chỉ tiêu của Quốc hội giao. Tuy nhiên, chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có lúc chưa kịp thời, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản.

Chậm nhất 31/12, Quảng Ngãi bàn giao 100% mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, chậm nhất đến 31/12/2023, Tỉnh phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Quảng Ngãi

Thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Quảng Ngãi

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi dài hơn 60 km, tổng diện tích đất thu hồi hơn 494 ha. Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã bàn giao 88% mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Tỉnh cũng cơ bản hoàn thiện hạ tầng 23 khu tái định cư, tổng diện tích 122 ha để bố trí cho hơn 1.000 hộ dân trong diện giải tỏa. Hiện nay, tại một số nơi, người dân chưa thống giá tiền đền bù nên chưa bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, trên tuyến còn hệ thống điện, viễn thông chưa được di dời.

Ông Đặng Văn Minh khẳng định, bằng mọi cách, chậm nhất đến ngày 31/12, Tỉnh phải bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Theo ông Minh, trong việc di dời điện cao thế, đối với các điểm vướng hiện nay nhà thầu không tiếp cận được, Chủ tịch UBND Tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án cụ thể từng điểm, vị trí cần phải di dời để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tỉnh quyết liệt chỉ đạo và phát động cam kết của các địa phương để công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng qua tỉnh Quảng Ngãi đến ngày 31/12/2023 phải xong.

VEC chuẩn bị tăng giá dịch vụ 4 tuyến cao tốc

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang chuẩn bị kế hoạch tăng giá sử dụng dịch vụ đường bộ đối với 4 dự án đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, mức tăng có thể trên 10%.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ tăng giá sử dụng dịch vụ đường bộ trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ tăng giá sử dụng dịch vụ đường bộ trong thời gian tới. Ảnh minh họa

VEC cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, lưu lượng phương tiện của các tuyến cao tốc do VEC làm chủ đầu tư và quản lý khai thác, bao gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng trưởng ổn định với 45,3 triệu lượt phương tiện, tăng 12,41% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo lộ trình tăng phí định kỳ 3 năm 1 lần căn cứ Quyết định số 2323/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư, VEC đang xây dựng kế hoạch tăng giá sử dụng dịch vụ đường bộ đối với 4 dự án đường cao tốc vào năm 2024 để đảm bảo phương án tài chính cũng như khả năng trả nợ.

Theo Quyết định số 2323/QĐ-BGTVT, tốc độ tăng phí là định kỳ 3 năm tăng 1 lần, mỗi lần tăng 12%.

Được biết, Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng mức đầu tư 8.579 tỷ đồng, được đưa vào khai thác năm 2011. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đầu tư với mức 26.737 tỷ đồng, đưa vào khai thác năm 2014.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng mức đầu tư 18.058 tỷ đồng, được khai thác vào năm 2014. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có mức vốn 26.525 tỷ đồng, đưa vào khai thác năm 2017.

Chính phủ yêu cầu thống nhất cách ghi số nhà

Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu thống nhất giải pháp quản lý cách đánh số nhà và gắn biển số để hướng dẫn địa phương thực hiện.

Một căn nhà tại thị trấn Nhà Bè, TP.HCM

Một căn nhà tại thị trấn Nhà Bè, TP.HCM

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công an phối hợp với Bộ Xây dựng thống nhất cách ghi số nhà. Bộ Xây dựng rà soát quy chuẩn nhà ở riêng lẻ, chung cư, trong đó có vấn đề phòng cháy, chữa cháy để khắc phục bất cập hiện nay, đảm bảo an toàn cho người dân.

Từ năm 2006, Bộ Xây dựng đã quy định nguyên tắc đánh số nhà mặt đường và trong ngõ theo thứ tự 1, 2, 3... Nhà bên trái lấy số lẻ 1, 3, 5... Nhà bên phải lấy số chẵn 2, 4, 6... Chiều ghi số nhà từ nhỏ đến lớn theo hướng Bắc xuống Nam, Đông sang Tây, Đông Bắc sang Tây Nam, Đông Nam sang Tây Bắc.

Nếu ngõ chỉ có một đầu thông ra đường hoặc phố thì lấy chiều ghi số từ phía sát đường đến cuối ngõ. Ngách chỉ có một đầu thông ra ngõ áp dụng tương tự.

Căn hộ chung cư cũng được đánh theo dãy số tự nhiên, trong đó hai chữ số hàng chục và đơn vị ghi số căn hộ, hai chữ số hàng nghìn và trăm chỉ số tầng…

Tuy nhiên, thời gian qua, việc đánh số nhà ở nhiều nơi, nhất là nhà trong ngõ tại Hà Nội và TP.HCM không theo quy tắc, gây khó khăn cho người dân.

Năm 2014, Hà Nội từng yêu cầu xử lý tình trạng loạn số nhà, như cùng một đường có nhiều nhà trùng số vì thuộc các phường khác nhau, hoặc một đường mới mở có nhiều biển số nhà theo tên đường khác nhau.

TP.HCM cũng có nhiều đường đánh số nhà không theo thứ tự và quy tắc. Đơn cử, đường Phan Xích Long đoạn qua các phường 1, 2, 7 (quận Phú Nhuận), mỗi nhà mang ít nhất hai số, hai căn cạnh nhau nhưng cách mấy số.

Sẽ thanh tra thêm 6 doanh nghiệp bảo hiểm trong quý IV/2023

Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, vừa hoàn tất thanh tra AIA, Dai-ichi, đang kiểm tra hai đơn vị và dự kiến thanh tra 6 doanh nghiệp khác trong quý IV.

Việc thanh tra tập trung vào liên kết hoạt động, kinh doanh giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng. Ảnh minh họa

Việc thanh tra tập trung vào liên kết hoạt động, kinh doanh giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng. Ảnh minh họa

Thông tin này được ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm cho biết trong họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính. "Việc thanh tra 6 doanh nghiệp này là theo kế hoạch", ông Tuấn cho biết.

Theo kế hoạch công bố trước đó, nửa cuối năm nay, Bộ sẽ thanh, kiểm tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 4 đơn vị phi nhân thọ, tập trung vào liên kết hoạt động, kinh doanh giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Trước đó, theo kết luận thanh tra ngày 30/6, 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm Prudential, MB Ageas Life, Sun Life và BIDV Metlife đều có sai phạm khi bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance), nhất là khâu tư vấn của giao dịch viên, nhân viên môi giới.

Một số vi phạm điển hình như nhân viên không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục, hồ sơ yêu cầu theo quy định. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng không đảm bảo chất lượng tư vấn, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm.

Theo ông Tuấn, sau khi có kết luận, cơ bản các doanh nghiệp này đã có biện pháp khắc phục.

Thời gian qua, nhiều khách hàng đồng loạt khiếu nại về sản phẩm "Tâm an đầu tư" của Manulife được phân phối qua Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Điểm chung của khiếu nại là khách hàng nói khi đến gửi tiền tại Ngân hàng bị dụ gửi "tiết kiệm đầu tư để lãi hơn" nhưng lại thành bảo hiểm nhân thọ.

Trước bối cảnh khủng hoảng niềm tin của thị trường bảo hiểm (khách hàng bị ép mua bảo hiểm khi vay ngân hàng, sổ tiết kiệm bị hô biến thành bảo hiểm nhân thọ), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ chấn chỉnh, xử lý nghiêm các doanh nghiệp sai phạm.

TP.HCM thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng

UBND TP.HCM vừa gửi văn bản đến các sở, ngành, địa phương chỉ đạo về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”.

TPHCM thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ảnh minh họa

TPHCM thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ảnh minh họa

UBND TP.HCM yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM chủ động tham mưu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân.

Đồng thời tăng cường ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động “tín dụng đen”.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an TP.HCM tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử, không để các đối tượng móc nối hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định.

UBND TP.HCM đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Phối hợp chặt chẽ với Công an TP.HCM rà soát, xác thực các thuê bao internet, thuê bao di động, loại bỏ ngay các sim “rác” nhằm tránh để các đối tượng lợi dụng hoạt động “tín dụng đen”.

Liên đoàn Lao động TP.HCM chủ động nắm chắc tình hình hoạt động “tín dụng đen” liên quan đến công nhân, người lao động; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức, thủ đoạn và hậu quả của “tín dụng đen” để công nhân, người lao động nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác…

Phát hiện Doanh nghiệp tư nhân XD LP bán hàng nghìn lít xăng giả

Doanh nghiệp tư nhân XD LP ở Hậu Giang vừa bị xử phạt gần 400 triệu đồng do có hành vi buôn bán 4.000 lít xăng giả và 6.000 lít dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại doanh nghiệp

Lực lượng chức năng kiểm tra tại doanh nghiệp

Trước đó, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT Hậu Giang xây dựng phương án phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hậu Giang, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Hậu Giang tổ chức kiểm tra đột xuất đối với Doanh nghiệp tư nhân XD LP tại TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 1 mẫu xăng RON 95-III và 1 mẫu dầu diezen DO 0,05S để kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Căn cứ vào kết quả thử nghiệm mẫu và qua quá trình xác minh làm việc, đoàn kiểm tra xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm, với hành vi “Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng”, hàng hóa là xăng RON 95-III số lượng 4.000 lít, trị giá hơn 88 triệu đồng.

Đội QLTT số 1 báo cáo trình Cục trưởng Cục QLTT Hậu Giang xem xét, chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tỉnh xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Tuy nhiên, do không đủ yếu tố khởi tố vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Cục QLTT để xử lý theo thẩm quyền.

Qua quá trình xác minh, đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính chuyển hồ sơ về Cục QLTT Hậu Giang trình Chủ tịch UBND Tỉnh ban hành quyết định xử phạt đối với Doanh nghiệp tư nhân XD LP về 2 hành vi vi phạm: “Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng” (hàng hóa là xăng RON 95-III số lượng 4.000 lít, trị giá hơn 88 triệu đồng) và “Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng” (hàng hóa là dầu diezen DO 0,05S số lượng 6.000 lít, trị giá hơn 100 triệu đồng).

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Doanh nghiệp tư nhân XD LP với tổng số tiền phạt gần 400 triệu đồng. Doanh nghiệp này đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư