Bản tin thời sự sáng 7/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đến 15/1 sẽ có báo cáo tổng thể về đường sắt Cát Linh - Hà Đông; hơn 3.100 tỷ đồng xây cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; công bố kết quả xử lý mùi bãi rác Nam Sơn sau 7 ngày thí điểm; đường ống thủy điện A Lưới vỡ do động đất…

Đến 15/1 sẽ có báo cáo tổng thể về đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Dự kiến đến 15/1 tới cơ bản các báo cáo đánh giá an toàn, kỹ thuật, vận hành Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được hoàn tất.

Dự kiến đến 15/1 tới cơ bản các báo cáo đánh giá an toàn, kỹ thuật, vận hành Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được hoàn tất.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn tất vận hành thử nghiệm 20 ngày để đánh giá theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Hiện Bộ GTVT đang chờ tư vấn Pháp và các bên liên quan báo cáo tổng thể.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, suốt quá trình này có sự giám sát chéo, chặt chẽ của nhiều bên là Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Ban Quản lý dự án, tư vấn độc lập của Pháp, Metro Hà Nội, Tổng thầu Trung Quốc.

Hiện, Tổng thầu Trung Quốc và các đơn vị có trách nhiệm đang xây dựng báo cáo chung, đánh giá về quá trình vận hành thử nghiệm này.

Dự kiến, đến 15/1 tới cơ bản các báo cáo đánh giá an toàn, kỹ thuật, vận hành dự án sẽ được hoàn tất.

Hơn 3.100 tỷ đồng xây cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ

Dự án xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ được chuyển đổi hình thức từ Hợp đồng xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT) sang đầu tư công.

Tuyến cao tốc mới sẽ song song với quốc lộ 2 hiện nay

Tuyến cao tốc mới sẽ song song với quốc lộ 2 hiện nay

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40 km, vận tốc 80 km/h. Trong đó, khoảng 11 km đi qua tỉnh Tuyên Quang, còn lại thuộc tỉnh Phú Thọ. Điểm đầu Dự án ở xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang; điểm cuối tại nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc thị xã Phú Thọ.

Dự án chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2023, giải phóng mặt bằng với quy mô 4 làn xe. Giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2025. Tổng mức đầu tư Dự án 3.112 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 là 2.653 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 460 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương và địa phương.

Đầu tháng 12/2019, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ theo hình thức hợp đồng BOT, tổng vốn 3.271 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2020, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ bằng vốn ngân sách.

Công bố kết quả xử lý mùi bãi rác Nam Sơn sau 7 ngày thí điểm

Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia - Bộ TN&MT) cho biết, nồng độ mùi tổng hợp đã giảm nhiều nhất lên tới 98,2% sau 7 ngày thí điểm.

Đơn vị độc lập đo nồng độ mùi tổng hợp trên mặt hồ nước rỉ rác

Đơn vị độc lập đo nồng độ mùi tổng hợp trên mặt hồ nước rỉ rác

Theo đó, sau 7 ngày thí điểm xử lý mùi bãi rác Nam Sơn bằng bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản, sau khi kiểm nghiệm, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nồng độ mùi tổng hợp đã giảm nhiều nhất lên tới 98,2%.

Kết quả này không chỉ được đo nồng độ mùi tổng hợp theo phương pháp định lượng, mà phía đơn vị đánh giá mùi độc lập còn trực tiếp ngửi mùi sát chậu nước rỉ rác để đánh giá theo cảm quan. Sau 7 ngày xử lý bằng công nghệ sục khí nano của Nhật Bản thì ngay cả khi úp mặt sát vào chậu nước rỉ rác cũng không còn cảm nhận được mùi hôi thối bốc lên.

Đơn vị kiểm định cũng thực hiện đo mùi độc lập sử dụng thiết bị đo mùi tổng hợp cầm tay, giá trị trung bình của nồng độ mùi tổng hợp sau xử lý trên mặt hồ giảm mạnh từ 999 xuống 21, tức giảm tới 97,9% lượng mùi hôi thối.

Không chỉ ở khu vực hồ chứa nước thải, mùi không khí tổng hợp xung quanh khu vực thí điểm cũng được đo đạc và đánh giá, đây là chỉ số quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực người dân sinh sống. Kết quả cho thấy, mùi hôi thối đã giảm từ 344 về 20 tức giảm mạnh 94,2%

Thừa Thiên Huế: Đường ống thủy điện A Lưới vỡ do động đất

Công ty CP Thủy điện miền Trung xác định hơn 60 lần rung chấn và động đất đã ảnh hưởng đến mối hàn đường ống cấp nước vào Nhà máy thủy điện A Lưới.

Mái taluy thủy điện A Lưới bị sạt lở khi đường ống ngầm bị vỡ

Mái taluy thủy điện A Lưới bị sạt lở khi đường ống ngầm bị vỡ

Công ty CP Thủy điện miền Trung vừa gửi báo cáo xác định nguyên nhân vỡ đường ống ngầm dẫn nước vào Nhà máy thủy điện A Lưới, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Qua kiểm tra, doanh nghiệp xác định đường hầm lót thép bị nứt khoảng 3/4 chu vi đường ống tại vị trí hàn nối ống (đường kính ống 3,2 m), khoảng hở lớn nhất giữa hai đốt hầm khoảng 20 mm. Các vị trí đã xử lý năm 2018 và phần đường hầm có bê tông áo và không áo không có gì bất thường.

Công ty CP Thủy điện miền Trung (doanh nghiệp quản lý trực tiếp Nhà máy thủy điện A Lưới) cho rằng, khu vực sự cố vỡ đường ống nằm trong vùng phân bố đá phiến sét hệ tầng Long Đại. Từ khi vận hành năm 2012 đến nay, khu vực công trình đã ghi nhận hơn 60 lần rung chấn và động đất, trong đó trận lớn nhất 4,7 độ richter, tâm chấn cách nhà máy 4,9 km.

Trước một tuần xảy ra sự cố, Nhà máy ghi nhận một trận rung chấn. Nhiều lần rung chấn đã gây dịch chuyển các khối đất đá, ảnh hưởng đến sự ổn định của liên kết hàn đường ống áp lực.

Ông Lê Quý Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy thủy điện A Lưới cho biết, đơn vị thi công và giám sát đang kiểm tra, dự kiến một tháng nữa mới khắc phục xong sự cố, đưa Nhà máy mới phát điện trở lại.

Đề nghị xử lý chủ đầu tư Dự án thuỷ lợi hồ chứa nước Ia Rtô nhiều sai phạm

Sở NN&PTNT Gia Lai đề nghị UBND tỉnh này xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư, các đơn vị tham gia thực hiện Dự án thuỷ lợi hồ chứa nước Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, Gia Lai) gây nhiều sai phạm.

Dự án công trình thuỷ lợi hồ chứa nước Ia Rtô vẫn đang thi công

Dự án công trình thuỷ lợi hồ chứa nước Ia Rtô vẫn đang thi công

Được biết, Dự án công trình thuỷ lợi hồ chứa nước Ia Rtô được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt với nhiệm vụ cấp nước cho 600 ha cây trồng và hàng chục nghìn người dân thị xã Ayun Pa; tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, dự kiến làm từ năm 2017 - 2020. Chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý các công trình NN&PTNT tỉnh Gia Lai, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH Tư vấn Trường Đại học Thuỷ lợi.

Tuy nhiên, Dự án công trình thuỷ lợi hồ chứa nước Ia Rtô đến thời điểm này vẫn đang thi công, ngổn ngang vật liệu xây dựng. Mới đây, Sở NN&PTNT Gia Lai có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xử lý trách nhiệm đối với Chủ đầu tư, các đơn vị tham gia thực hiện dự án trên.

Cụ thể là, Chủ đầu tư đã vượt thẩm quyền khi thực hiện một số việc như xử lý thấm nền đập, bổ sung biệp pháp dẫn dòng trong mùa lũ năm 2020, các khối lượng phát sinh trong quá trình thi công…

Ngoài ra, Đơn vị tư vấn thiết kế đã khảo sát đánh giá địa chất nền đập, xác định trữ lượng và chỉ tiêu cơ lý của mỏ vật liệu đất đắp không phù hợp, dẫn đến thiếu đất trong quá trình thi công; xác định đất đá không phù hợp.

Còn đơn vị tư vấn giám sát đã vi phạm khi chưa được người quyết định đầu tư cho phép, đã tổ chức thi hạng mục xử lý nền đập.

32,1 triệu người bị mất việc, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập do Covid-19

Dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 đã khiến 32,1 triệu người lao bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Năm 2020 cả nước có tới 1,2 triệu người mất việc làm vì Covid-19. Ảnh minh hoạ

Năm 2020 cả nước có tới 1,2 triệu người mất việc làm vì Covid-19. Ảnh minh hoạ

Theo Tổng cục Thống kê, đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp, trong đó có cả các biện pháp tinh giảm lao động (cắt giảm, nghỉ luân phiên…), tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. Điều này làm số lao động chính thức giảm và số lao động phi chính thức tăng, dẫn đến tình trạng tăng trở lại tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 sau nhiều năm liên tục giảm.

Tính chung năm 2020, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi là gần 1,2 triệu người, tăng 277,8 nghìn người so với năm 2019.

TP.HCM: Triệt phá đường dây mua bán hoá đơn cực lớn

Các đối tượng dùng CMND trôi nổi, thuê hoặc khai man địa chỉ thành lập hàng loạt doanh nghiệp để phát hành, mua bán hoá đơn khống.

Tang vật công an thu giữ

Tang vật công an thu giữ

Công an quận Bình Tân, TP.HCM vừa kết thúc chuyên án về đường dây mua bán trái phép hoá đơn cực lớn hoạt động trên địa bàn.

Hiện công an đã khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng gồm: Lê Hoàng Nhớ và Phạm Thị Mỹ Hoa về hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước. Chuyên án vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Trước đó, qua các hoạt động nghiệp vụ, Công an quận Bình Tân phát hiện một đường dây mua bán hoá đơn trái phép. Chuyên án được lập và giao cho đội Cảnh sát Kinh tế chủ trì.

Chiều 30/12/2020, trinh sát phục kích bắt quả tang Lê Hoàng Nhớ điều khiển xe gắn máy mang theo lượng lớn hoá đơn GTGT đi bán. Từ khai báo của Nhớ, ban chuyên án tiến hành khám xét ba địa điểm tại quận Bình Thạnh và Quận 2.

Ban chuyên án bắt giữ Phạm Thị Mỹ Hoa và mời làm việc đối với một số đối tượng để phục vụ công tác điều tra.

Tại các điạ điểm, công an đã thu giữ tang vật gồm: 48 sổ hoá đơn GTGT liên 2 đã ghi nội dung; 4 máy tính xách tay cùng nhiều giầy tờ uỷ nhiệm chi, giấy rút tiền đã ký tên giám đốc của nhiều doanh nghiệp; 190 sổ hoá đơn GTGT của 10 doanh nghiệp chưa ghi nội dung; 20 con dấu tròn của 20 doanh nghiệp; một lượng tiền mặt lớn, một ô tô.

Công an đã đề nghị các ngân hàng phong toả 50 tài khoản ngân hàng có liên quan.

Ban chuyên án làm rõ, Hoa, Nhớ cùng các đồng bọn đã thu thập, sử dụng giấy CMND trôi nổi, thuê hoặc khai man địa điểm để đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký in và phát hành hóa đơn GTGT tại các chi cục thuế trên địa bàn TP.HCM. Nhóm đối tượng này đã thành lập khoảng 20 công ty khác nhau.

Chuyên đề