Bản tin thời sự sáng 6/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhà đầu tư được giao dịch cổ phiếu lẻ từ 12/9; giá xăng giảm nhẹ, dầu tăng mạnh; Hà Nội nghiên cứu thí điểm làn đường cho xe đạp; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm…

Nhà đầu tư được giao dịch cổ phiếu lẻ từ 12/9

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa thông báo sẽ triển khai giao dịch lô lẻ (từ 1 - 99 cổ phiếu) từ thứ hai tuần sau.

Tất cả công ty chứng khoán đều báo cáo thử nghiệm hệ thống đạt yêu cầu và sẵn sàng triển khai từ 12/9

Tất cả công ty chứng khoán đều báo cáo thử nghiệm hệ thống đạt yêu cầu và sẵn sàng triển khai từ 12/9

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) phát thông tin này sau khi được Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và công ty mẹ là Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam chấp thuận.

Giao dịch lô lẻ có thể thực hiện bằng phương thức thoả thuận lẫn khớp lệnh liên tục. Thời gian, bước giá, biên độ dao động giá, thao tác huỷ hoặc sửa lệnh đối với chứng khoán lô lẻ được tính như chứng khoán lô chẵn.

Tuy nhiên, theo HoSE, giao dịch lô lẻ hoàn toàn tách biệt với giao dịch lô chẵn. Các lệnh giao dịch chứng khoán lô lẻ chỉ được khớp với nhau và không khớp với lệnh chứng khoán lô chẵn. Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư phải đặt lệnh sao cho thoả mãn quy định về khối lượng lô chẵn và lô lẻ.

Ngoài ra, giá khớp chứng khoán lô lẻ không được sử dụng để tính chỉ số. Nhà đầu tư cũng không được giao dịch chứng khoán lô lẻ trong ngày giao dịch đầu tiên của chứng khoán mới niêm yết.

HoSE cho biết, tất cả công ty chứng khoán đều báo cáo thử nghiệm hệ thống đạt yêu cầu và sẵn sàng triển khai từ 12/9.

Giao dịch lô lẻ được triển khai trở lại sau gần hai năm gián đoạn. HoSE bắt đầu nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 (tức khối lượng mỗi lệnh đưa vào thị trường phải là bội số của 100) từ ngày 4/1/2021 để hạn chế tình trạng nghẽn lệnh.

Giá xăng giảm nhẹ, dầu tăng mạnh

Trong khi mỗi lít xăng giảm 370 - 430 đồng, dầu lại tăng 1.390 - 1.430 đồng, ghi nhận lần đầu giá dầu đắt hơn giá xăng.

Từ 15h ngày 5/9, mỗi lít xăng RON 95-III giảm về 24.230 đồng và E5 RON 92 là 23.350 đồng.

Từ 15h ngày 5/9, mỗi lít xăng RON 95-III giảm về 24.230 đồng và E5 RON 92 là 23.350 đồng.

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 5/9, mỗi lít xăng RON 95-III giảm về 24.230 đồng và E5 RON 92 là 23.350 đồng. Như vậy, giá xăng trong nước có kỳ giảm giá lần thứ sáu từ đầu tháng 7.

Trong khi đó, dầu diesel tăng 1.430 đồng một lít, lên mức 25.180 đồng. Mỗi lít dầu hoả cũng đắt thêm 1.390 đồng, tăng lên 25.440 đồng. Riêng dầu mazut sau nhiều kỳ liên tục giữ ổn định, thì tại kỳ điều hành hôm nay giảm 470 đồng, về 16.070 đồng một kg.

Với ngưỡng giá hiện tại thì lần đầu, giá bán lẻ dầu (diesel, dầu hoả) đã vượt giá xăng các loại.

So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 8.640 đồng; E5 RON 92 hạ 7.950 đồng; dầu diesel giảm hơn 4.770 đồng.

Ở kỳ điều hành ngày 5/9, cơ quan quản lý tiếp tục không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá với xăng, còn dầu diesel chi 300 đồng mỗi lít từ Quỹ bình ổn, dầu hoả là 100 đồng.

Mức trích lập vào Quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng, dầu mazut giữ nguyên, giảm trích với dầu hoả và diesel về 0 đồng.

Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá dầu diesel, dầu hoả thành phẩm thế giới vừa qua tăng cao; còn xăng và dầu mazut giảm nhẹ. Bình quân mỗi thùng RON 92 (loại xăng dùng để pha chế E5 RON 92) giảm hơn 2%, về 105,4 USD; RON 95 cũng hạ còn 108,86 USD. Trong khi đó, dầu diesel tăng 9,3%, lên mức 143,02 USD; dầu hoả cũng tăng thêm hơn 9%, lên 140,78 USD.

Hà Nội nghiên cứu thí điểm làn đường cho xe đạp

TP. Hà Nội nghiên cứu làn đường cho xe đạp khi phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo trật tự, an toàn, giảm ùn tắc.

TP. Hà Nội nghiên cứu làn đường cho xe đạp khi phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông

TP. Hà Nội nghiên cứu làn đường cho xe đạp khi phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông

Trong kế hoạch chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 vừa ban hành, chính quyền Thủ đô đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó có rà soát, bố trí điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại đô thị, các công trình đảm bảo cho những người dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.

Những năm qua, Hà Nội thí điểm phân làn, tách dòng phương tiện giữa ô tô, xe máy, xe thô sơ ở nhiều tuyến đường, nhưng chưa có làn riêng cho xe đạp. Thành phố cũng nhiều lần có kế hoạch cho thí điểm dịch vụ xe đạp cho thuê tại một số quận nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Đến tháng 7, Hà Nội có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn một triệu ô tô, gần 6,5 triệu mô tô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện. Riêng xe đạp, nhiều năm qua không có số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng của Thành phố.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện xuống 390 - 393 USD một tấn, giảm 25 USD so với tháng trước, thấp hơn gạo Thái Lan.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện xuống 390-393 USD một tấn

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện xuống 390-393 USD một tấn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt lần lượt 4,73 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 18,6% về khối lượng và 8,1% về giá trị so với cùng kỳ 2021.

Sản lượng tăng tốt nhưng giá gạo xuất khẩu liên tục đi xuống. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 8 ở mức 390 - 393 USD một tấn, giảm 25 USD so với tháng trước và là đợt giảm lần thứ 4 liên tiếp. Hiện giá gạo Việt Nam thấp hơn Thái Lan do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào từ thu hoạch vụ Hè Thu. Giá gạo Thái Lan tăng 4 USD một tấn trong tháng 8, còn gạo Ấn Độ tăng 1 USD mỗi tấn.

Liên tục giảm nên giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng của Việt Nam ước đạt 487 USD một tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 46,4% thị phần. 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt tổng cộng 1,98 triệu tấn và hơn 924 triệu USD, tăng 56,9% về khối lượng và 39,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giai đoạn này, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tăng mạnh nhất với 67,6%.

Bộ GTVT kiến nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 3 dự án BOT giao thông

Trên cơ sở thống nhất với địa phương, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 3/4 dự án BOT giao thông.

Bộ GTVT đề xuất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 3 BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Bộ GTVT đề xuất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 3 BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Theo báo cáo gửi đến Chính phủ Bộ GTVT cho biết, trong tổng số hơn 70 dự án BOT quản lý, Bộ đã rà soát, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đã thống nhất giải pháp xử lý được 14 trạm thu phí đưa vào hoạt động bình thường.

Đến nay, còn tồn tại 4 trạm thu phí BOT chưa xử lý bất cập nên chưa được thu phí, gồm: Trạm thu phí La Sơn - Túy Loan; trạm thu phí Bỉm Sơn; trạm thu phí Quốc lộ 3; trạm thu phí trên Quốc lộ 91.

Đề xuất giải pháp xử lý, Bộ GTVT kiến nghị không sử dụng trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, bổ sung vốn nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng) để hỗ trợ cho dự án.

Đối với trạm thu phí Bỉm Sơn (hoàn vốn cho đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6), Bộ GTVT cho biết, thực hiện kết luận của lãnh đạo Chính phủ, Bộ đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu phương án di dời trạm Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn.

Về trạm thu phí Quốc lộ 3 (hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100), UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo phương án chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn nhà nước (khoảng 3.250 tỷ đồng) để thanh toán cho doanh nghiệp dự án.

Đề cập đến trạm thu phí trên Quốc lộ 91 (hoàn vốn cho Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889), trên cơ sở nghiên cứu kỹ các phương án, Bộ GTVT và UBND TP. Cần Thơ thống nhất kiến nghị Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước hạn, bố trí ngân sách nhà nước (khoảng 1.879 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Saigon Petro cùng 4 doanh nghiệp xăng dầu bị tước giấy phép

5 doanh nghiệp đầu mối vừa bị tước giấy phép một tháng do vi phạm quy định, không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối.

5 doanh nghiệp đầu mối vừa bị tước giấy phép một tháng

5 doanh nghiệp đầu mối vừa bị tước giấy phép một tháng

Thanh tra Bộ Công Thương vừa có quyết định xử phạt hành chính với 5 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, 5 doanh nghiệp bị phạt hành chính và tạm tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu bao gồm: Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty CP Dầu khí Đông Phương.

Các doanh nghiệp này bị tạm tước giấy phép trong một tháng, từ ngày 31/8. Thông tin xử phạt nêu trên được đưa ra tại văn bản Thanh tra Bộ Công Thương gửi tới 5 doanh nghiệp vi phạm. Còn trên trang minh bạch kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương tính đến chiều 5/9, thông tin này vẫn chưa được cập nhật.

Thị trường xăng dầu đang có nhiều biến động về nguồn cung. Trước kỳ điều chỉnh giá vài ngày, không ít cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng hết hàng.

Trước đó, 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng bị phạt hành chính và tạm tước giấy phép kinh doanh 1 - 1,5 tháng. Hiện có 5 doanh nghiệp đã được nhà chức trách trả giấy phép sau khi hết thời hạn xử phạt, 2 doanh nghiệp khác tới ngày 14/9 sẽ được hoàn trả giấy phép.

Chuyên đề