Bản tin thời sự sáng 6/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thêm bệnh viện dã chiến 300 giường cho F0 nặng ở TP.HCM vào hoạt động; đưa vào khai thác đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài từ ngày 9/9; trạm Km6 cao tốc Nội Bài - Lào Cai thu phí trở lại từ ngày 6/9; Công an TP.HCM không đổi giấy đi đường sau 6/9 nếu kéo dài giãn cách; đề xuất làm cao tốc nối Đồng Tháp - Tiền Giang gần 7.000 tỷ đồng…

Thêm bệnh viện dã chiến 300 giường cho F0 nặng ở TP.HCM vào hoạt động

Bộ Quốc phòng vừa đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5G (Bệnh viện 5G) đặt tại Phân viện Y học cổ truyền quân đội TP.HCM (Phường 13, Quận 6).

Bệnh viện dã chiến 5G có quy mô 300 giường vừa đưa vào hoạt động

Bệnh viện dã chiến 5G có quy mô 300 giường vừa đưa vào hoạt động

Bệnh viện 5G có quy mô 300 giường, trong đó có 50 giường hồi sức, 200 giường điều trị bệnh nhân nặng, 50 giường điều trị bệnh nhân vừa có nguy cơ chuyển nặng và sẵn sàng nâng công suất điều trị lên 500 giường.

Bệnh viện 5G có sự kết hợp của 2 bệnh viện đầu ngành của quân đội về y học hiện đại (Bệnh viện Quân y 103/Học viện Quân y) và y học cổ truyền (Viện Y học cổ truyền quân đội). Bệnh viện có điều kiện áp dụng các biện pháp phối hợp tốt giữa y học hiện cổ truyền và y học hiện đại với phục hồi chức năng trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bệnh viện 5G được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại như có 1 hệ thống ECMO, 2 máy siêu lọc máu, 35 máy thở, 60 máy HFNC, hệ thống máy xét nghiệm tự động; có hệ thống oxy trung tâm với bồn chứa 20 m3, hệ thống camera giám sát… Bệnh viện được biên chế nhiều bác sĩ có kinh nghiệm về chuyên ngành hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, hô hấp, lọc máu, tim mạch… của Bệnh viện Quân y 103, đủ khả năng cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch.

Hiện nay, lực lượng quân đội đã triển khai 11 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với tổng số 6.150 giường, gồm 8 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm và 3 bệnh viện tăng cường thu dung điều trị; 660 tổ quân y về các trạm y tế lưu động tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Riêng TP.HCM triển khai 475 tổ quân y lưu động.

Đưa vào khai thác đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài từ ngày 9/9

Đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn tương ứng tại sân bay Nội Bài đã hoàn thành và dự kiến đưa vào vận hành, khai thác từ ngày 9/9 tới.

Đường cất hạ cánh 1B, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài dự kiến được đưa vào khai thác từ ngày 9/9

Đường cất hạ cánh 1B, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài dự kiến được đưa vào khai thác từ ngày 9/9

Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không Nội Bài (Ban Quản lý dự án Thăng Long) cho biết, ngày 9/9 tới sẽ tiến hành nghiệm thu, khai thác đường cất hạ cánh 1B, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Thăng Long, Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được khởi công từ ngày 29/6/2020; hoàn thành, bàn giao khai thác bước 1 đoạn 3.000 m đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn từ ngày 1/1/2021 đảm bảo chất lượng, tiến độ và khai thác an toàn cho hơn 7.500 chuyến bay.

Hiện nay, Dự án đang triển khai thi công bước 2 gồm nghiệm thu, khai thác đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn tương ứng từ ngày 9/9/2021. Dự kiến triển khai thi công đường cất hạ cánh 1A từ ngày 1/10/2021 phấn đấu cơ bản hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022.

Trạm Km6 cao tốc Nội Bài - Lào Cai thu phí trở lại từ ngày 6/9

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, từ 6h ngày 6/9, trạm thu phí Km6 trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức thu phí trở lại sau hơn 45 ngày tạm dừng hoạt động để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.

Trạm thu phí Km6 cao tốc Nội Bài- Lào Cai.

Trạm thu phí Km6 cao tốc Nội Bài- Lào Cai.

Theo đại diện VEC, kể từ thời điểm 6h ngày 6/9/2021, trạm Km6 tiếp tục thu phí, các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ từ trạm thu phí đầu vào đến nút giao xe ra.

Trạm Km6 là trạm thu phí đầu tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, (TP. Hà Nội). Khu vực trạm thu phí thuộc vùng 2 theo quy định tại Chỉ thị 20 của UBND TP. Hà Nội áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9/2021.

Trước đó, ngày 19/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản về việc tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, việc tạm dừng thu phí được thực hiện đến khi địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, trên cả nước có 26 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, 3 dự án đường cao tốc do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý và 23 trạm thu phí do UBND tỉnh, thành phố quản lý đang tạm dừng thu phí.

Bộ GTVT đề nghị Hà Nội cho nhân viên hàng không dùng giấy đi đường cũ

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị UBND, Công an Hà Nội gia hạn áp dụng việc phải dùng giấy đi đường do công an cấp đối với cán bộ, nhân viên hàng không làm việc trên địa bàn sân bay Nội Bài.

Sân bay Nội Bài có trên 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không; 55 hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đang khai thác

Sân bay Nội Bài có trên 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không; 55 hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đang khai thác

Đề nghị trên được đưa ra sau khi UBND TP. Hà Nội có quy định mới về việc giãn cách xã hội và giấy đi đường trong trường hợp cần thiết.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký, đề nghị UBND, Công an TP. Hà Nội gia hạn thời gian áp dụng việc phải dùng giấy đi đường do công an cấp đối với cán bộ, nhân viên hàng không làm việc trên địa bàn sân bay Nội Bài.

Trong thời gian này, việc kiểm soát tạm thời với cán bộ, nhân viên ngành hàng không hoạt động tại sân bay Nội Bài thực hiện trên cơ sở giấy đi đường của cá nhân từng đơn vị theo mẫu đã thực hiện trong giai đoạn trước ngày 4/9 và thẻ kiểm soát an ninh hàng không.

Bộ GTVT đề nghị bố trí một đầu mối để thực hiện cấp giấy đi đường theo mẫu mới và ưu tiên triển khai sớm cho cán bộ, nhân viên toàn bộ các đơn vị ngành hàng không hoạt động tại địa bàn sân bay Nội Bài.

Theo Bộ GTVT, sân bay Nội Bài có trên 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không; 55 hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài; 5 cơ quan quản lý Nhà nước với trên 10.000 nhân viên thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động.

Các đơn vị trên hoạt động trong một dây chuyền hàng không đồng bộ từ quản lý nhà nước chuyên ngành (hàng không, công an, hải quan, kiểm dịch y tế) tới duy trì hoạt động của sân bay, quản lý hoạt động bay, tổ chức các chuyến bay quốc tế, nội địa, cung cấp dịch vụ mặt đất, xăng dầu, suất ăn, kho hàng, dịch vụ phi hàng không… Phần lớn nhân viên của các đơn vị ở sân bay Nội Bài đang sinh sống tại trung tâm Thành phố (vùng 1).

Đề xuất làm cao tốc nối Đồng Tháp - Tiền Giang gần 7.000 tỷ đồng

Nếu được thông qua, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh nối tỉnh Đồng Tháp với tỉnh Tiền Giang sẽ hoàn thành vào năm 2025. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của Dự án gần 7.000 tỷ đồng theo hình thức BOT.

Đề xuất làm cao tốc nối Đồng Tháp – Tiền Giang gần 7.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Đề xuất làm cao tốc nối Đồng Tháp – Tiền Giang gần 7.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa gửi văn bản lấy ý kiến các đơn vị liên quan thuộc bộ, Sở GTVT Đồng Tháp và Tiền Giang về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh (nối Đồng Tháp - Tiền Giang). Đây là cơ sở để hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đoạn cao tốc An Hữu - Cao Lãnh có tổng chiều dài trên 33 km được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc và là một phần tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp), Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường Hồ Chí Minh.

Nếu được thông qua, tuyến cao tốc sẽ xây dựng đưa vào sử dụng từ năm 2025.

Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 (bao gồm lãi vay) dự kiến trên 6.944 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng trên 933 tỷ đồng, chi phí xây dựng trên 4.239 tỷ đồng, dự phòng 934 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý dự án và chi phí khác. Giai đoạn hoàn thiện tổng mức đầu tư khoảng 9.508 tỷ đồng.

Đơn vị lập báo cáo đề xuất thực hiện dự án theo hình thức BOT, trong đó vốn nhà nước tham gia khoảng 3.472 tỷ đồng (toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng 934 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng công trình khoảng 2.539 tỷ đồng).

Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 3.472 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 520 tỷ đồng (tương ứng mức tối thiểu 15% tổng vốn), vốn vay khoảng 2.950 tỷ đồng.

Nhà đầu tư thu hồi vốn qua thu phí, với mức phí và lộ trình tăng áp dụng theo phương án của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, khởi điểm là 1.700 đồng/km/xe dưới 12 chỗ ngồi.

Điểm trung chuyển ở chợ Bình Điền mở cửa lại từ ngày 7/9

TP.HCM sẽ xem xét mở điểm trung chuyển hàng hoá tại chợ đầu mối Bình Điền vào ngày 7/9 và cho hoạt động lại một số chợ truyền thống khác trong thời gian tới.

Điểm trung chuyển ở chợ Bình Điền mở cửa lại từ ngày 7/9

Điểm trung chuyển ở chợ Bình Điền mở cửa lại từ ngày 7/9

Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết đang tính toán mở lại các chợ truyền thống để tăng nguồn cung ứng. Trước mắt, Sở sẽ cho mở lại điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền từ 7/9.

Đây là một trong số các phương án được triển khai lần lượt nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân sau 15/9.

Việc tổ chức lại các điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ Bình Điền nhằm giúp các thương nhân đưa hàng hóa về cung ứng các hệ thống phân phối, các bếp ăn tập thể...

Chợ này nằm ở Phía Tây Nam TP.HCM, là chợ nông sản thực phẩm đầy đủ và lớn nhất TP.HCM. Chợ đầu mối Bình Điền giữ vai trò trọng yếu trong cung cấp thủy hải sản, gia súc gia cầm, rau củ quả cho thành phố.

Ông Phương cho biết thêm, với trách nhiệm được giao, Sở Công Thương vẫn có những phương án để đảm bảo lưu trữ, cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân và đơn vị đang có kế hoạch cho mở lại các chợ truyền thống nhiều hơn trong tương lai gần.

Từ 23/8 đến hết 6/9, TP.HCM thực hiện tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó". Theo đó, Thành phố cũng thực hiện giải pháp "đi chợ hộ" cho dân. Thời gian đầu, việc đi chợ hộ xảy ra tình trạng quá tải nhưng đến nay, hoạt động này đã thông suốt hơn.

Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, từ ngày 23 - 30/8 lượng đơn hàng "đi chợ hộ" tăng vọt từ 51.188 đơn lên 176.907 đơn. Đến ngày 2/9, lượng đơn hàng đăng ký đi chợ hộ giảm còn 100.745 đơn, đồng thời, số đơn giao thành công đến các hộ dân cũng tăng lên, đạt mức trên 90 - 100%. Đặc biệt, trong ngày 2/9, không có đơn hàng tồn đọng.

Đà Lạt mở rộng hàng loạt nút giao thông

Bốn vòng xoay, giao lộ thường xuyên kẹt xe tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đang được mở rộng với kỳ vọng giải quyết ùn tắc giao thông cho thành phố này.

Ngã năm Đại học Đà Lạt được mở rộng trong những ngày đầu tháng 9

Ngã năm Đại học Đà Lạt được mở rộng trong những ngày đầu tháng 9

Động thái này của tỉnh Lâm Đồng nằm trong chiến lược dài hạn nâng cấp đô thị giao thông, hạn chế kẹt xe cho thành phố du lịch.

Bốn giao lộ, vòng giao xoay đang được mở rộng thêm làn, bỏ các đảo giao thông, bổ sung biển báo, xây dựng lại vỉa hè gồm: Kim Cúc (giao các đường Ba Tháng Tư - Hồ Tùng Mậu - Khởi Nghĩa Bắc Sơn - Trần Hưng Đạo); Ngã ba Nhà máy nước (giao đường Trần Quý Cáp và Hùng Vương); Ngã năm Đại học (giao các đường Trần Nhân Tông - Đinh Tiên Hoàng - Bùi Thị Xuân - Nguyễn Công Trứ - Phù Đổng Thiên Vương); Bà Triệu - Trần Phú - Đào Duy Từ.

Tại các nút giao này cùng với giao lộ Hải Thượng - Ba Tháng Hai, Hoàng Văn Thụ - Ba Tháng Hai và nút giao Phan Chu Trinh sẽ được lắp đặt đèn xanh đèn đỏ. Đây là những đèn tín hiệu giao thông đầu tiên của Đà Lạt.

Dự án có tổng mức đầu tư 142 tỷ đồng từ ngân sách Tỉnh, dự kiến hoàn thành vào tháng 11. Riêng nút giao Hoàng Văn Thụ - Ba Tháng Hai cũng nằm trong Dự án hiện đã hoàn tất mở rộng.

Phát hiện kho thuốc trị Covid-19 không rõ nguồn gốc tại Bình Dương

Tại nhà kho Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Xây dựng SH - XY ở khu phố 1B, phường An Phú, TP. Thuận An, Bình Dương, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn thuốc đông dược và thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch Covd-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Kho hàng không rõ nguồn gốc tại Bình Dương bị tạm giữ

Kho hàng không rõ nguồn gốc tại Bình Dương bị tạm giữ

Chiều 5/9, Công an phường An Phú (TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật xây dựng SH - XY tại địa chỉ 12/12, khu phố 1B.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện Công ty đang kinh doanh, tàng trữ 19.860 viên đông dược hiệu LIANHUA QINGWEN; 460 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19; hơn 4.600 sản phẩm đồ bảo hộ dùng trong y tế các loại; 1.600 kính chống giọt bắn hiệu FaceShield; 516 chai cồn sát khuẩn, bề mặt hiệu SaSaKura; hàng nghìn khẩu trang các loại...

Phần lớn số hàng hóa trên có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, vi phạm nhãn hàng hóa, có dấu hiệu là hàng nhập lậu.

Mặt khác, trong tổng số tang vật được phát hiện, đông dược hiệu LIANHUA QINGWEN hiện nay trên mạng xã hội là một trong các loại đông dược của Trung Quốc được quảng cáo hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19 (có giá khoảng 120.000 đồng/hộp).

Toàn bộ lô hàng có tổng trị giá 725.191.000 đồng. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ chứng từ, hóa đơn do người đứng đầu chi nhánh công ty này cung cấp cho đoàn kiểm tra không trùng khớp với số lượng, chủng loại, nhãn hiệu của hàng hóa thực tế.

Lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ toàn bộ tang vật để tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm, và xử lý nghiêm đúng theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề