Bản tin thời sự sáng 6/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lập đoàn kiểm tra tình trạng sạt lở tại Tây Nguyên; Blackpink giúp du lịch Hà Nội thu hơn 600 tỷ đồng; Hà Nam sẽ có thêm 2 thị xã là Kim Bảng và Lý Nhân; nhiều tuyến đường vùng núi phía Bắc sạt lở vì mưa lũ; đề xuất mở rộng diện được hưởng trợ cấp hưu trí…

Lập đoàn kiểm tra tình trạng sạt lở tại Tây Nguyên

Ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ gửi công điện yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra tình trạng sạt lở tại Tây Nguyên.

Quả đồi trồng sầu riêng ở thị trấn Đạ M'ri (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) bị sạt lở

Quả đồi trồng sầu riêng ở thị trấn Đạ M'ri (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) bị sạt lở

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai) phân công một Thứ trưởng chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng ngừa, khắc phục thiên tai tại khu vực Tây Nguyên, nhất là công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập, sạt lở, sụt lún đất ở các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông.

Đồng thời, các cơ quan cử chuyên gia có kinh nghiệm hỗ trợ đánh giá mức độ an toàn hồ Đông Thanh (tỉnh Lâm Đồng) và Đăk N'Ting (tỉnh Đăk Nông) để xử lý, đảm bảo an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông triển khai lực lượng rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, đảm bảo an toàn dân cư, hồ đập. Chủ tịch các tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra sự cố.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và gió mùa Tây Nam, khu vực Nam Tây Nguyên mưa lớn kéo dài những ngày qua. Nhiều khu vực sụt lún, sạt trượt đất ảnh hưởng đến người dân và giao thông. Tình trạng sụt lún, sạt lở đất tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh và Đăk N'Ting có nguy cơ mất an toàn.

Blackpink giúp du lịch Hà Nội thu hơn 600 tỷ đồng

Các hoạt động du lịch tại Hà Nội hưởng lợi trong hai đêm diễn 29 - 30/7 của Blackpink, tổng thu từ du khách ước đạt 630 tỷ đồng.

Blackpink trong đêm diễn đầu tiên ở Hà Nội

Blackpink trong đêm diễn đầu tiên ở Hà Nội

Thông tin trên được Sở Du lịch Hà Nội đưa ra trong báo cáo về công tác tổ chức chương trình "Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của Blackpink 2023". Trong hai đêm diễn của nhóm nhạc Blackpink tại sân vận động Mỹ Đình, khoảng 170.000 khách đã đến Hà Nội, trong đó khách quốc tế đạt hơn 30.000 lượt. Khoảng 65% khách quốc tế có lưu trú, chủ yếu từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Australia.

Lượng khách tham gia chương trình tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình ước đạt 70.000 lượt, trong đó có 3.000 khách quốc tế. Khách Việt chủ yếu đến từ Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Nha Trang (Khánh Hòa). Về khách quốc tế, khách tham gia từ Trung Quốc đại lục chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là Canada, Hong Kong (Trung Quốc), Australia, Thái Lan...

Trong thời gian diễn ra sự kiện, khách đi tour trong Thành phố bằng xe buýt hai tầng tăng đáng kể. Lượng khách đặt mua vé trực tuyến (chưa tính mua tại chỗ) trong hai ngày 29 - 30/7 tăng 15% so với những ngày trước đó.

Trong thời gian Blackpink biểu diễn tại Hà Nội, công suất phòng của các khách sạn ở khu vực gần sân vận động Mỹ Đình tăng 20% so với các ngày cuối tuần trước. Lượng tìm kiếm về phòng tại Hà Nội trong hai ngày này qua các trang đặt phòng quốc tế như Agoda cao gấp 10 lần so với tuần trước đó. Công suất sử dụng phòng của khối khách sạn trong tháng 7 ước đạt 60,8%, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Hà Nam sẽ có thêm 2 thị xã là Kim Bảng và Lý Nhân

UBND tỉnh Hà Nam định hướng phát triển huyện Kim Bảng và huyện Lý Nhân thành thị xã trong các năm tới.

Huyện Kim Bảng được tỉnh Hà Nam định hướng phát triển thành thị xã

Huyện Kim Bảng được tỉnh Hà Nam định hướng phát triển thành thị xã

UBND tỉnh Hà Nam cho biết, đang chuẩn bị các nội dung trình HĐNĐ Tỉnh tại Kỳ họp chuyên đề năm 2023 (Kỳ họp thứ 14) HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Về nội dung Quy hoạch Tỉnh, Chủ tịch UBND Tỉnh Trương Quốc Huy yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố rà soát việc sáp nhập các xã, phường, bảo đảm phù hợp với quy định, hạn chế tối đa việc sáp nhập lại.

Các ngành tính toán địa giới hành chính, con người, sắp xếp cán bộ bảo đảm theo lộ trình kế hoạch. Đối với một số địa phương đô thị hóa nhanh, có đủ diện tích theo quy định, cần tính toán cả số lượng công dân cơ học về sinh sống để sắp xếp bộ máy hành chính theo hướng đô thị.

Trước đó, theo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Hà Nam thông qua, từ nay đến năm 2025, tỉnh Hà Nam có 14 đô thị, trong đó có thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên, 1 huyện nâng cấp thành thị xã là huyện Kim Bảng và 11 đô thị loại V.

Bước sang giai đoạn 2026 - 2030, Hà Nam định hướng đến năm 2030 sẽ có 9 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I là thành phố Phủ Lý; 1 đô thị loại III là thị xã Duy Tiên và thị xã Kim Bảng cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III.

Với tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam định hướng sẽ phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó khu vực trung tâm là các đô thị Phủ Lý, Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm.

Đồng thời, Tỉnh dự kiến phát triển huyện Lý Nhân thành thị xã; huyện Bình Lục phấn đấu phát triển toàn huyện cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Nhiều tuyến đường vùng núi phía Bắc sạt lở vì mưa lũ

Đá lăn từ trên núi, mặt đường bị sạt lở ở Quốc lộ 6, 4H và các tuyến đường liên xã ở hai tỉnh Hòa Bình và Điện Biên, sáng 5/8.

Đất đá sạt lở tại Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên)

Đất đá sạt lở tại Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên)

Từ đêm 4/8 đến sáng 5/8, nhiều khu vực vùng núi phía Bắc tiếp tục mưa lớn. Tại tỉnh Hòa Bình, mưa tích lũy trong nhiều ngày làm độ ẩm trong đất bão hòa, xuất hiện nhiều điểm sạt lở gây ảnh hưởng tới giao thông. Khoảng 8h, tại Km146 Quốc lộ 6 thuộc xã Đồng Tân, huyện Mai Châu, đất đá từ trên đồi sạt xuống đường. Cách vị trí trên khoảng 20 km, tại đường liên xã Hang Kia, một tảng đá lớn cũng lăn từ trên núi xuống chắn ngang đường.

Tuyến đường 446, khu vực ngầm Bãi Nai thuộc xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) bị ngập, không đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại. Lực lượng cảnh sát giao thông Hòa Bình cùng công an huyện, xã và chính quyền địa phương đã tổ chức khắc phục, ứng trực, phân luồng, cảnh báo phương tiện.

Tại tỉnh Điện Biên, Km421 Quốc lộ 6 thuộc bản Co Ngựu, xã Mương Mùn, huyện Tuần Giáo bị sạt lở hai bên đường làm giao thông đi lại khó khăn. Tại Km3+600 Quốc lộ 4H thuộc huyện Mường Chà sáng 5/8 cũng sạt lở, ô tô không đi được. Đội cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Điện Biên đang phối hợp với Công ty Đường bộ 2 khắc phục sự cố.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai, mưa lớn gây sạt lở đất, ngập lụt cục bộ làm hai người chết, sạt lở 67 vị trí giao thông, thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản của người dân và công trình hạ tầng.

Cơ quan này vừa phát công điện yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc kiểm tra ven sông, ven suối, cắt cử người trực, hướng dẫn phương tiện, cắm biển cảnh báo ở ngầm tràn, vực sâu.

Hậu Giang có thêm 2 khu công nghiệp hơn 600 ha

Khu công nghiệp Sông Hậu 2 và Khu công nghiệp Đông Phú 2 có tổng diện tích 614 ha, đều nằm tại địa bàn huyện Châu Thành.

Tỉnh Hậu Giang định hướng quy hoạch 7 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 1.741 ha trong giai đoạn 2021 - 2030

Tỉnh Hậu Giang định hướng quy hoạch 7 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 1.741 ha trong giai đoạn 2021 - 2030

UBND tỉnh Hậu Giang vừa phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Sông Hậu 2 thuộc thị trấn Mái Dầm và xã Phú Hữu, huyện Châu Thành. Khu công nghiệp có diện tích 380 ha với số công nhân khoảng 20.000 người.

Phía Đông Bắc Khu công nghiệp giáp sông Hậu, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2 và một phần giáp Quốc lộ 91B (Nam Sông Hậu). Phía Đông Nam giáp rạch Ngã Bát, Đường tỉnh 925. Phía Tây Bắc giáp Cụm công nghiệp Phú Hữu A giai đoạn 3 và sông Cái Dầu, phía Tây Nam giáp đất nông nghiệp.

Khu công nghiệp Sông Hậu 2 sẽ là khu công nghiệp đa ngành, phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tiết kiệm tài nguyên, ít sử dụng lao động, ít gây ô nhiễm môi trường.

Cùng ngày, UBND Tỉnh cũng phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Đông Phú 2 tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành. Dự án rộng 234 ha với số công nhân khoảng 13.000 người.

Phía Bắc Dự án giáp sông Cái Cui Bé và Khu công nghiệp Đông Phú. Phía Nam giáp Đường huyện 37. Phía Đông giáp sông Cái Dầu, còn phía Tây giáp Khu đô thị mới và tái định cư Khu công nghiệp Đông Phú.

Khu công nghiệp Đông Phú 2 theo mô hình khu công nghiệp sinh thái. Các ngành nghề chính gồm công nghiệp chế biến, cơ khí, điện tử, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực tại chỗ.

Tỉnh Hậu Giang định hướng quy hoạch 7 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 1.741 ha trong giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài khu công nghiệp Sông Hậu 2 và Khu công nghiệp Đông Phú 2, Tỉnh còn phát triển thêm các khu công nghiệp: Đông Phú (huyện Châu Thành), Nhơn Nghĩa A, Tân Hòa (huyện Châu Thành A) và 2 khu công nghiệp Tân Bình, Long Thạnh (huyện Phụng Hiệp).

Đề xuất mở rộng diện được hưởng trợ cấp hưu trí

Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) dưới 15 năm, nếu không rút một lần, có thể được hưởng trợ cấp hàng tháng ngay khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Người Hà Nội thể dục ven hồ Tây, Hà Nội

Người Hà Nội thể dục ven hồ Tây, Hà Nội

Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đề xuất nội dung nêu trên.

Theo đó, nếu người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp xã hội (75 tuổi), thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng từ số tiền họ đã đóng BHXH.

Mức trợ cấp hàng tháng của nhóm này tùy thuộc thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng, những người này cũng được bảo hiểm y tế do ngân sách chi trả.

Đơn cử, nếu lao động đóng BHXH 5 năm, không rút một lần thì có thể hưởng trợ cấp hàng tháng khi về hưu với mức thấp nhất bằng trợ cấp hưu trí xã hội đang được đề xuất là 500.000 đồng/tháng.

Dự thảo Luật cũng đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 tuổi.

Như vậy, nếu các chính sách nêu trên được Quốc hội chấp thuận, dự kiến sẽ có thêm 1,1 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội, trong đó 800.000 người do hạ tuổi và 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với BHXH bắt buộc.

Đề xuất nêu trên nhằm thể chế chủ trương của Đảng, giảm dần tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng thu ngân sách. Mở rộng diện hưởng trợ cấp hưu trí còn nhằm xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, tăng sự linh hoạt của chính sách.

Chính phủ đánh giá, đề xuất này sẽ tăng diện được hưởng trợ cấp hàng tháng mà ngân sách không phát sinh thêm nhiều bởi trợ cấp hưu trí do BHXH chi trả.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10.

TP.HCM tạm dừng hoạt động tuyến xe buýt Bến Thành - Mộc Bài từ ngày 15/8

Từ ngày 15/8, tuyến xe buýt không trợ giá số 70-3: Chợ Bến Thành - Mộc Bài sẽ tạm dừng hoạt động.

Tuyến xe buýt không trợ giá số 70-3: Chợ Bến Thành - Mộc Bài có hành trình khoảng 80 km

Tuyến xe buýt không trợ giá số 70-3: Chợ Bến Thành - Mộc Bài có hành trình khoảng 80 km

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vừa thông báo ngừng hoạt động trên tuyến xe buýt không trợ giá số 70-3: Chợ Bến Thành - Mộc Bài từ ngày 15/8 tới đây.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã ban hành quyết định về việc ngừng hoạt động khai thác trên tuyến xe buýt tỉnh liền kề không trợ giá số 70-3: Chợ Bến Thành - Mộc Bài do Công ty CP Xe khách Sài Gòn - SaigonBus (phía TP.HCM) và Công ty CP Thương mại Mộc Bài (phía tỉnh Tây Ninh) đảm nhận.

Quyết định này được đưa ra dựa trên đề nghị của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM và ý kiến thống nhất của Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh.

Tuyến buýt 70-3 là tuyến buýt không trợ giá, xuất phát từ TP.HCM đi Mộc Bài với hành trình tuyến khoảng 80 km.

Trước đó, Công ty CP Xe khách Sài Gòn (SaigonBus) - đơn vị khai thác tuyến 70-3 đã có văn bản đề nghị không tiếp tục tham gia khai thác tuyến này.

Chuyên đề