Bản tin thời sự sáng 6/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công an đề nghị Khánh Hòa cung cấp tài liệu về 5 dự án của Phúc Sơn; Tổ hợp hóa dầu Long Sơn lùi thời gian vận hành thương mại đến quý III/2024; Thanh tra chỉ rõ nhiều thiếu sót trong quản lý, sử dụng đất ở TP. Bắc Giang; 25 trái chủ đồng ý đổi 284 triệu USD nợ trái phiếu lấy cổ phiếu Novaland…

Bộ Công an đề nghị Khánh Hòa cung cấp tài liệu về 5 dự án của Phúc Sơn

Khánh Hòa đang tổng hợp các thông tin, tài liệu về 5 dự án do Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và các công ty thành viên làm chủ đầu tư, thi công trên địa bàn tỉnh này để cung cấp cho Bộ Công an.

Một phần đất ở sân bay Nha Trang (cũ) được giao cho Tập đoàn Phúc Sơn phân lô, bán nền để thu hồi vốn 3 hợp đồng BT

Một phần đất ở sân bay Nha Trang (cũ) được giao cho Tập đoàn Phúc Sơn phân lô, bán nền để thu hồi vốn 3 hợp đồng BT

Ngày 5/4, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản khẩn giao các sở, ngành tập hợp thông tin liên quan đến 5 dự án mà Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và các công ty thành viên làm chủ đầu tư, thi công ở tỉnh Khánh Hòa để cung cấp cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an).

5 dự án gồm: Hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh đến đầu sông Tắc - Nha Trang; 2 dự án Đường Nha Trang đi Đà Lạt (Lâm Đồng) giai đoạn 1 và 2; Dự án đường Phong Châu và Dự án Cảng hàng không quốc tế sân bay Cam Ranh.

Tỉnh Khánh Hòa đề nghị cung cấp chi tiết tổng vốn đầu tư, trong đó nêu rõ vốn trung ương, vốn địa phương, vốn nhà đầu tư cụ thể là bao nhiêu. Thời gian thực hiện trước 11h30 ngày 6/4 và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu có văn bản gửi tỉnh Khánh Hòa đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu về 5 dự án trên.

Ngoài 5 dự án vừa nêu, tỉnh Khánh Hòa đã ký 3 hợp đồng BT với Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, đổi lại doanh nghiệp này được khai thác một phần quỹ đất sân bay Nha Trang (cũ) để hoàn vốn.

Tập đoàn Phúc Sơn còn được giao thực hiện 2 dự án bất động sản Khu đô thị Phúc Khánh 1 và 2 với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay các dự án này vẫn "nằm trên giấy".

Trước đó, cuối tháng 2, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Hậu (tức "Hậu Pháo", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn), về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng…

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn lùi thời gian vận hành thương mại đến quý III/2024

Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) cho biết, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ chính thức vận hành thương mại vào quý III tới.

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn

Theo LSP, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (NIC) đã chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành Tổ hợp vào tháng 2 vừa qua và LSP đang tiếp tục vận hành thử nghiệm toàn bộ Tổ hợp bao gồm nhà máy thượng nguồn Olefins và 3 nhà máy hạ nguồn Polyolefin (HDPE, LLDPE và PP).

Tuy nhiên, quá trình vận hành thử đã xảy ra sự cố kỹ thuật làm gián đoạn việc vận hành của Tổ hợp. Vì vậy, LSP dự kiến tiếp tục vận hành thử nghiệm vào giữa năm 2024 để có thể chính thức vận hành thương mại vào quý III tới đây.

Trước đó, LSP cho biết, toàn bộ Tổ hợp hóa dầu Long Sơn vận hành chạy thử 100% công suất từ tháng 11/2023, dự kiến hoàn thành vào quý I/2024 và quý II/2024 sẽ vận hành thương mại.

Đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam, được khởi công xây dựng tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu vào ngày 28/2/2018. Với tổng vốn đầu tư khoảng 5,4 tỷ USD, Dự án có tổng công suất thiết kế 1,4 triệu tấn hạt nhựa olefins/năm, được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hoá dầu, bao gồm nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen..., giúp thay thế các sản phẩm polyolefin nhập khẩu cũng như tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà sản xuất hạ nguồn tại thị trường nội địa.

LSP là tổ hợp hóa dầu quy mô lớn, được ứng dụng công nghệ vi tính hóa, số hóa trong quy trình sản xuất. Tổ hợp có đội ngũ nhân sự khoảng 1.000 nhân viên chất lượng cao, trong đó 80% là nhân sự người Việt Nam. Khi đi vào vận hành thương mại, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn sẽ tạo việc làm ổn định cho 10.000 lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng/năm. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 7/2008, có tổng vốn đầu tư ban đầu là 3,77 tỷ USD, sau đó tăng lên 4,5 tỷ USD và 5,4 tỷ USD vào giai đoạn cuối.

Thanh tra chỉ rõ nhiều thiếu sót trong quản lý, sử dụng đất ở TP. Bắc Giang

Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã chỉ ra nhiều vi phạm, thiếu sót trong quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng tại TP. Bắc Giang và yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang phải thu hồi số tiền sai phạm hơn 2,5 tỷ đồng.

Toàn cảnh Dự án Khu đô thị phường Mỹ Độ, TP. Bắc Giang

Toàn cảnh Dự án Khu đô thị phường Mỹ Độ, TP. Bắc Giang

Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kết luận thanh tra về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với UBND và Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang, giai đoạn 2020 - 2022.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang cũng chỉ ra nhiều vi phạm, thiếu sót trong quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng tại TP. Bắc Giang và yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang phải thu hồi số tiền sai phạm hơn 2,5 tỷ đồng.

Cụ thể, việc lập, giao dự toán ngân sách hàng năm chưa sát với thực tế khả năng thu của địa phương. Việc chấp hành dự toán chi tại một số đơn vị còn vi phạm, chưa đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, xem xét kết quả 25 dự án, công trình do UBND TP. Bắc Giang quyết định đầu tư, giao cho các đơn vị thuộc UBND Thành phố làm chủ đầu tư, còn có một số thiếu sót, sai phạm sau: nhiệm vụ thiết kế tại một số công trình, dự án đầu tư được chủ đầu tư phê duyệt còn thiếu chi tiết; một số công trình có sai sót về khối lượng, việc áp dụng đơn giá, định mức chưa phù hợp.

Với 25 dự án, công trình (tổng giá trị xây lắp là 348,19 tỷ đồng) đã phát hiện có sai phạm về giá trị, khối lượng nghiệm thu, thanh toán với tổng số tiền là 1,277 tỷ đồng...

Trong giai đoạn đầu tư xây dựng còn tính toán, tổng hợp chưa đảm bảo chính xác khối lượng thi công. Đối với UBND một số phường, xã chưa bố trí đảm bảo đầy đủ nguồn vốn thanh toán khi công trình hoàn thành, việc lập hồ sơ phê duyệt quyết toán còn chậm.

Trong công tác quản lý đất đai, việc triển khai công bố công khai quy hoạch sử dụng đất còn chậm; công tác kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thường xuyên. Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa sát với thực tế, nhu cầu sử dụng đất và nhiệm vụ phát triển.

25 trái chủ đồng ý đổi 284 triệu USD nợ trái phiếu lấy cổ phiếu Novaland

Thỏa thuận này của Novaland và các trái chủ sẽ chính thức có hiệu lực khi Tòa thương mại quốc tế Singapore (SICC) phê duyệt.

Novaland vừa dàn xếp với các trái chủ về khoản nợ gần 300 triệu USD

Novaland vừa dàn xếp với các trái chủ về khoản nợ gần 300 triệu USD

Công ty CP Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) vừa thông báo kết quả tái cấu trúc khoản nợ trái phiếu chuyển đổi trị giá gần 300 triệu USD thành cổ phần phổ thông. Trái phiếu này có lãi suất 5,25%/năm và dự kiến đáo hạn vào năm 2026.

Theo đó, 25 trái chủ đại diện cho phần dư nợ 284 triệu USD đồng ý với phương án chuyển đổi của Novaland. Tất cả lá phiếu hợp lệ và được thống kê trong bảng kết quả bỏ phiếu trên dư nợ trái phiếu 298,6 triệu USD.

Novaland cho biết, thỏa thuận dàn xếp cần được phê duyệt bởi Tòa thương mại quốc tế Singapore (SICC) và phụ thuộc vào việc hoàn thành các điều kiện khác được quy định bởi thỏa thuận dàn xếp. Công ty dự kiến sẽ gửi hồ sơ thỏa thuận dàn xếp cho SICC để được phê duyệt.

Ngày diễn ra phiên điều trần để tòa án xem xét phê duyệt sẽ thực hiện theo thông báo của SICC. Nếu được SICC phê duyệt, thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực và Novaland sẽ hoàn tất việc tái cấu trúc khoản nợ gần 300 triệu USD.

Báo cáo kiểm toán năm 2023 của Novaland nêu ý kiến từ kiểm toán viên lưu ý về giả định hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng Tập đoàn có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như có giải pháp tạo dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.

Giải trình vấn đề này, Novaland cho biết đang đàm phán một số khoản nợ vay, thành công đạt được thỏa thuận tái cấu trúc với một số đối tác.

Cổ phiếu NVL vừa qua cũng được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào danh sách chứng khoán đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) vào quý II. Năm 2023, Novaland đạt lợi nhuận gần 486 tỷ đồng, giảm 78% so với năm trước.

11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chưa gửi báo cáo kiểm toán quỹ bình ổn

Cơ quan quản lý cho biết, 11 thương nhân đầu mối chưa gửi báo cáo kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu tới Liên Bộ Công Thương - Tài chính đúng hạn.

Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải gửi báo cáo kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu 6 tháng một lần. Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải gửi báo cáo kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu 6 tháng một lần. Ảnh minh họa

Theo Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu, các thương nhân đầu mối xăng dầu phải gửi báo cáo kiểm toán (độc lập) quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Liên Bộ Tài chính - Công Thương, định kỳ 6 tháng một lần.

Quá hạn nộp báo cáo về tình hình quản lý quỹ từ ngày 1/7 - 31/12/2023, 11 doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa gửi thông tin.

Trong danh sách này có Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty TNHH Trung Linh Phát và Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức. Đây là những doanh nghiệp từng bị cơ quan quản lý phát hiện có nhiều sai phạm trong trích lập, sử dụng quỹ bình ổn.

Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp như: Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Xăng dầu Hồng Đức, Tập đoàn Dương Đông, Xăng dầu Tây Nam S.W.P, Xăng dầu Tân Nhật Minh, Phúc Lộc Ninh, Xăng dầu Hùng Hậu, Appollo Oil.

Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân trên phải nghiêm túc báo cáo, trích lập, chi sử dụng và quản lý quỹ bình ổn xăng dầu đúng quy định. Các doanh nghiệp phải tiếp tục cập nhật số tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu, tên ngân hàng gửi Liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Cơ quan này cho biết, những thương nhân đầu mối báo cáo chậm hoặc không gửi sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những trường hợp vi phạm về trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng sẽ bị xử lý.

Hải Phòng dôi dư 1.000 cán bộ sau sáp nhập xã, phường

Sau khi sáp nhập các xã, phường để tinh gọn bộ máy, TP. Hải Phòng sẽ dôi dư 1.000 cán bộ và 50 trụ sở hành chính công.

Người dân huyện An Dương bỏ phiếu góp ý Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở TP. Hải Phòng

Người dân huyện An Dương bỏ phiếu góp ý Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở TP. Hải Phòng

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 vừa được công bố, TP. Hải Phòng sẽ giảm 50 đơn vị hành chính cấp xã, phường và dôi dư 1.000 cán bộ làm việc tại đây.

Sở Nội vụ TP. Hải Phòng đề xuất cán bộ đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định sẽ sắp xếp, điều động sang xã, phường khác nếu còn chỉ tiêu biên chế. Trường hợp không bố trí được sang đơn vị khác thì động viên nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc.

Hải Phòng sẽ tạm dừng bầu, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức danh lãnh đạo, quản lý; tuyển dụng người mới ở đơn vị thuộc diện phải sắp xếp kể từ ngày UBND Thành phố trình Chính phủ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025.

Ông Trần Huy Kiên, Chánh văn phòng UBND TP. Hải Phòng cho biết, cơ chế chính sách cho người phải tinh giản, nghỉ chế độ đang được xây dựng để trình HĐND Thành phố ra nghị quyết.

Việc bố trí, sắp xếp để giảm số cán bộ, công chức cấp xã bảo đảm chậm nhất sau 60 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện giai đoạn 2023 - 2025 của TP. Hải Phòng có hiệu lực.

50 trụ sở hành chính dôi dư sẽ được sử dụng làm điểm sinh hoạt cộng đồng hoặc trụ sở các cơ quan khác phù hợp.

Việc giảm đơn vị hành chính cấp xã ở TP. Hải Phòng thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Đề án thành lập TP. Thủy Nguyên, quận An Dương và mở rộng quận Hồng Bàng.

Sau sắp xếp, Hải Phòng có 1 thành phố, 8 quận, 6 huyện và 167 đơn vị hành chính cấp xã (79 phường, 7 thị trấn và 81 xã). Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về Dự thảo Đề án đã được thực hiện. Sau khi có kết quả, Sở Nội vụ tham mưu hoàn thiện hồ sơ Đề án trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong tháng 8.

Hủy niêm yết cổ phiếu QBS của Xuất nhập khẩu Quảng Bình

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) có thông báo gửi Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu QBS do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Công ty.

Trụ sở Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình

Trụ sở Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình

Theo HoSE, ngày 2/4/2024, HoSE nhận được Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình. Theo đó, tổ chức kiểm toán năm 2023 của QBS là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY, Chi nhánh Hà Nội đã từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Công ty.

HoSE thông báo sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu QBS theo quy định.

Về kết quả kinh doanh, QBS ghi nhận năm 2023 lỗ 41,04 tỷ đồng, giảm 97,67 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái (lỗ 138,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, so với báo cáo tự lập, số lỗ tăng gấp đôi từ lỗ hơn 22 tỷ lên lỗ hơn 41 tỷ đồng. QBS cho biết, nguyên nhân là do Công ty đánh giá lại các khoản nợ đã quá hạn thanh toán nên trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi với tổng số tiền gần 19 tỷ đồng.

Đối với báo cáo tài chính năm 2023, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến là do tại thời điểm ngày 31/12/2023, bên kiểm toán không thể tham gia chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho cũng như không thực hiện được thủ tục thay thế.

Theo đó, bên kiểm toán không đánh giá được tính hiện hữu và tính giá trị của hàng tồn kho với giá trị là 55.308.044.791 đồng và bên kiểm toán cũng không đánh giá được giá trị dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần phải trích lập.

Cũng tại thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023, bên kiểm toán cũng chưa nhận được thư xác nhận số dư của các khoản công nợ như phải thu ngắn hạn của khách hàng, trả trước cho người bán ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác tại ngày 31/12/2023 với số tiền lần lượt khoảng 404,52 tỷ đồng; 43,08 tỷ đồng và 0,74 tỷ đồng.

Việt Nam vượt Thái Lan về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

Nhờ lợi thế hàng trái vụ, Việt Nam lần đầu vượt Thái Lan về kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, với 32.750 tấn trong 2 tháng đầu năm.

Thu hoạch sầu riêng tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang

Thu hoạch sầu riêng tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang

Đây là số liệu được Hiệp hội Rau quả Việt Nam dẫn nguồn từ Hải quan Trung Quốc. Theo đó, 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập 53.110 tấn sầu riêng tươi từ các nước, tăng 0,4% so với năm ngoái.

Trong đó, Việt Nam vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu loại nông sản này vào thị trường tỷ dân, với 32.750 tấn, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ đó, thị phần sầu riêng Việt Nam tăng lên 57% tại Trung Quốc, so với mức 32% năm ngoái.

Thái Lan tụt xuống vị trí thứ 2, đạt 19.016 tấn, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc cũng nhập trái sầu riêng tươi từ Philippines, nhưng thị phần nhỏ, khoảng 1%.

Xét về giá, bình quân mỗi tấn sầu riêng Việt xuất sang Trung Quốc là 4.916 USD, thấp hơn so với mức 6.133 USD của Thái Lan.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, nhờ khí hậu thuận lợi, sầu riêng Việt cho trái quanh năm. Việt Nam có đường biên giới giáp Trung Quốc, thuận lợi cho vận chuyển, giá cạnh tranh.

Cũng nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi, giá sầu riêng đạt kỷ lục trong tháng 3. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, mặt hàng này tăng giá liên tục. Mỗi kg sầu riêng Monthong loại A khoảng 218.000 - 230.000 đồng; loại B là 195.000 - 200.000 đồng, còn loại C trên 100.000 đồng. Giá này tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và tháng trước đó. Đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay. Riêng giá sầu riêng Ri 6 đang giảm vì nguồn cung dồi dào.

Chuyên đề