Bản tin thời sự sáng 6/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đào 10 hồ chứa nước chống bụi sân bay Long Thành; kiến nghị Trung ương hỗ trợ 2.900 tỷ đồng làm cao tốc Mộc Bài; tranh Lê Phổ bán giá 2,37 triệu USD; Đồng Nai sẽ xây trung tâm hành chính 19 ha bên sông; Đà Nẵng huỷ kết quả trúng đấu giá khu đất gần 3.000 m2 ở huyện Hòa Vang…

Đào 10 hồ chứa nước chống bụi sân bay Long Thành

Các nhà thầu thi công san lấp nền sân bay Long Thành đào 10 hồ chứa cung cấp nước tưới trên công trường để hạn chế bụi.

Xe tưới nước bên trong dự án sân bay Long Thành

Xe tưới nước bên trong dự án sân bay Long Thành

Thông tin được Trung tá Võ Thanh Phong, Giám đốc Ban điều hành liên danh Gói thầu 3.4 (Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành) cho biết, ngày 5/4, 10 hồ chứa được đào nhằm cung cấp nước cho 60 xe tưới (trong đó có 2 xe chữa cháy được điều từ Miền Tây lên) chống bụi ở công trường thi công sân bay.

Mỗi hồ có thể chứa 1.200 m3 nước lấy từ các giếng khoan, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho toàn công trường.

Liên quan đến tình trạng bụi ở Dự án sân bay Long Thành, Đoàn kiểm tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, bụi phát tán do đơn vị thi công tưới nước không đầy đủ toàn công trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt. Quá trình san lấp nền hơn 2.500 ha, lớp đất hữu cơ bề mặt bị bóc để lộ toàn bộ phần đất không được thực vật che phủ.

Bên cạnh đó, áp lực thời gian khiến lượng phương tiện di chuyển lớn, hoạt động liên tục phát sinh bụi. Ngoài ra, Nam Bộ đang là mùa khô nên thường có lốc xoáy, cuốn nhiều bụi lên cao, phát tán ra xung quanh.

Để hạn chế bụi phát tán thời gian tới, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ đầu tư phải cho tưới nước thường xuyên hơn trên các đường vận chuyển, đồng thời lắp biển báo hạn chế tốc độ trên đường; kiểm soát nghiêm việc xe chở đất không phủ bạt, che chắn; lu, lèn chặt các vị trí đã san lấp xong và trên bãi lưu trữ đất đào dư thừa để giảm thiểu phát tán bụi do lốc, gió xoáy gây ra...

Kiến nghị Trung ương hỗ trợ 2.900 tỷ đồng làm cao tốc Mộc Bài

TP.HCM kiến nghị Trung ương hỗ trợ 2.900 tỷ đồng để phân bổ cho việc giải phóng mặt bằng làm cao tốc dài 50 km, kết nối tỉnh Tây Ninh.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khi xây dựng sẽ phá thế độc đạo của Quốc lộ 22 nối TP.HCM sang Tây Ninh

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khi xây dựng sẽ phá thế độc đạo của Quốc lộ 22 nối TP.HCM sang Tây Ninh

Trong công văn vừa trình Thủ tướng, UBND TP.HCM cho biết, số tiền trên sẽ phân bổ cho hai địa phương tuyến cao tốc đi qua. Kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dự án hơn 7.400 tỷ đồng (chiếm 44% tổng mức đầu tư), riêng tại Thành phố hơn 5.900 tỷ, còn lại ở Tây Ninh. Hai địa phương sẽ tự bố trí 4.500 tỷ đồng còn lại sau khi được Trung ương hỗ trợ 2.900 tỷ đồng.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 50 km, bắt đầu từ điểm giao Tỉnh lộ 15 với Vành đai 3, kết nối với Quốc lộ 22 ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Dự án được giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh từ đầu với tổng diện tích hơn 435 ha, hơn 570 hộ dân bị ảnh hưởng. Giai đoạn một, tuyến được xây dựng trước 4 làn xe, sau đó sẽ mở rộng lên 6 - 8 làn. TP.HCM được giao chủ trì xây dựng tuyến đường.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 16.700 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia Dự án là kinh phí giải phóng mặt bằng. Phần còn lại gần 9.300 tỷ đồng sẽ do nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Chính quyền Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng cho điều chỉnh một phần hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, để không ảnh hưởng các khu đất quân đội ở huyện Củ Chi.

Theo UBND Thành phố, dự kiến công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai tuyến đường bắt đầu trong năm nay, cơ bản hoàn thành năm 2026 và khai thác một năm sau đó. Cao tốc khi hoàn thành giúp tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TP.HCM với Campuchia, đồng thời phá thế độc đạo của Quốc lộ 22 nối thành phố với Tây Ninh.

Tranh Lê Phổ bán giá 2,37 triệu USD

Bức "Gia đình trong vườn" của danh họa Lê Phổ bán với giá 2,37 triệu USD (hơn 55 tỷ đồng) trong phiên của Sotheby's, tối 5/4.

Tác phẩm trưng bày tại nhà đấu giá. Ảnh: Sotheby's

Tác phẩm trưng bày tại nhà đấu giá. Ảnh: Sotheby's

Mức giá bao gồm phí, được ấn định trong phiên 50th Anniversary Contemporary Evening Auction, kỷ niệm 50 năm tại thị trường châu Á của Sotheby's.

Gia đình trong vườn (La famille dans le jardin), chất liệu mực và bột màu trên lụa, kích thước 91,3x61,5 cm, mô tả cảnh một phụ nữ mặc áo dài trắng đang ngồi khâu vá trên chiếc chõng giữa vườn, bên cạnh là em bé đọc sách. Phía xa còn có ba người mặc trang phục truyền thống, đang thực hiện những công việc khác nhau. Tác phẩm ra đời khoảng năm 1938, có chữ ký, đóng dấu của họa sĩ ở phía dưới bên phải. Tranh có kèm giấy chứng nhận hàng thật do con trai nghệ sĩ cung cấp.

Người mua là nhà sưu tập ẩn danh, đấu giá qua điện thoại. Tác phẩm từng được đấu giá tại Christie's Singapore tháng 3/1999.

Đây là bức tranh lụa duy nhất Lê Phổ sáng tác sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cho đến khi qua đời.

Theo Sotheby's, tranh tựa như một tác phẩm nhiếp ảnh, thể hiện kỹ thuật và trí tưởng tượng sống động của Lê Phổ. Tương tự các bức tranh trường phái nghệ thuật ấn tượng Pháp, tác phẩm của Lê Phổ gợi lên sự riêng tư và nhàn nhã trong không gian ngoài trời. Bố cục nhiều lớp, trải dài tạo chiều sâu cho tác phẩm. Ông chú trọng từng chi tiết nhỏ như cỏ cây, con vật. Đây là tranh lụa có kích thước lớn thứ hai do Lê Phổ sáng tác xuất hiện trên thị trường đấu giá.

Gia đình trong vườn trở thành tác phẩm cao thứ hai trong lịch sử đấu giá tranh Việt, sau Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ với 3,1 triệu USD.

Đồng Nai sẽ xây trung tâm hành chính 19 ha bên sông

Trung tâm hành chính Đồng Nai mới sẽ được xây trên khu đất rộng 19 ha nằm bên sông sau khi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 chuyển đổi công năng.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay

Chủ trương di dời, xây mới Trung tâm hành chính chính trị tỉnh tại khu công nghiệp Biên Hòa 1, phường An Bình, TP. Biên Hòa được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai thông qua ngày 5/4.

Công trình sẽ được triển khai sau khi khu công nghiệp này chuyển đổi công năng thành khu đô thị thương mại dịch vụ vào năm 2025. Kinh phí xây dựng từ nguồn thu đấu giá đất khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Theo chính quyền Đồng Nai, Trung tâm hành chính mới khi hoàn thành sẽ là nơi làm việc của nhiều cơ quan trong bộ máy hành chính tỉnh, giúp thuận lợi cho giao dịch của người dân.

15 năm trước, Đồng Nai từng lập Đề án xây Trung tâm hành chính chính trị tại phường Tam Phước, TP. Biên Hòa với tòa nhà 15 tầng và khu dịch vụ công, tổng vốn dự kiến 2.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó Tỉnh quyết định quy hoạch công trình sang vị trí mới ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Khu vực quy hoạch mới được đánh giá là vị trí đắc địa vì nằm bên cạnh sông Đồng Nai, giáp Quốc lộ 1, 51, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên... Ngoài ra, Trung tâm sẽ kết nối với đô thị 300 ha, kinh phí 72.000 tỷ đồng ở Cù lao Phố vừa được phê duyệt.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (trước đây là Khu kỹ nghệ Biên Hòa) rộng 327 ha, được lập năm 1963 - là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, nơi đây bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có nguy cơ ảnh hưởng môi trường nước sông Đồng Nai.

Năm 2009, Chính phủ cho Đồng Nai chuyển đổi khu công nghiệp này thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Hai năm trước, khu công nghiệp này cũng được Chính phủ đưa ra khỏi danh sách Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam. Hiện Đồng Nai đang lên phương án di dời, đấu giá cuốn chiếu đất để thực hiện chuyển đổi công năng theo lộ trình.

Sản lượng điện sản xuất quý I giảm 1,6%

Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống của Tập đoàn Điện lực (EVN) quý I/2023 đạt 61,83 tỷ kWh, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhân viên EVN kiểm tra đường dây truyền tải điện

Nhân viên EVN kiểm tra đường dây truyền tải điện

Tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện gồm: thủy điện chiếm 24,9%; nhiệt điện than 45,3%; tua bin khí 11,6%; năng lượng tái tạo 16,5%; điện nhập khẩu 1,5%.

Sản lượng điện truyền tải tháng 3/2023 đạt 17,91 tỷ kWh. Lũy kế quý I/2023, sản lượng điện truyền tải đạt 48,27 tỷ kWh, giảm 1,4% so với cùng kỳ.

Trong ba tháng đầu năm, EVN đã tổ chức vận hành tối đa các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ điện cho các trạm bơm hoạt động phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023 các tỉnh Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Tính cả 2 đợt lấy nước đổ ải (12 ngày), tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện là 3,62 tỷ m3 - tiết kiệm được 1,14 tỷ m3 nước so với kế hoạch.

Trong công tác đầu tư xây dựng, trong quý I, EVN tiếp tục xử lý vướng mắc, thi công các dự án nguồn và lưới điện; đặc biệt là các Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch 1.

Về lưới điện, EVN và các đơn vị đã khởi công 12 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 26 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV trong quý I.

Với nhận định quý II hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý II.

Đà Nẵng huỷ kết quả trúng đấu giá khu đất gần 3.000 m2 ở huyện Hòa Vang

Do doanh nghiệp không thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính sau khi trúng đấu giá, UBND TP. Đà Nẵng đã quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất khu đất ký hiệu C2-9B thuộc vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến Quốc lộ 1A…

Đà Nẵng huỷ kết quả trúng đấu giá khu đất gần 3.000 m2 ở huyện Hòa Vang. Ảnh minh họa

Đà Nẵng huỷ kết quả trúng đấu giá khu đất gần 3.000 m2 ở huyện Hòa Vang. Ảnh minh họa

UBND TP. Đà Nẵng vừa ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất Khu đất ký hiệu C2-9B thuộc vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến Quốc lộ 1A, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.

Theo đó, Đà Nẵng hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất khu đất nói trên đối với Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Sản xuất Xuất nhập khẩu Thiên Kim (Công ty Thiên Kim).

Lý do hủy bởi Công ty Thiên Kim không thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính theo phương án đấu giá quyền sử dụng đất được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt vào năm 2021.

UBND TP. Đà Nẵng giao Cục Thuế Đà Nẵng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan thu hồi số tiền đặt trước của Công ty Thiên Kim là hơn 41,8 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước.

TP. Đà Nẵng cũng giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp tục thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất khu đất này.

Khu đất ký hiệu C2-9B có diện tích 2.974 m2, mục đích sử dụng là đất thương mại - dịch vụ (xây dựng kho tàng).

Khu đất đấu giá có vị trí nằm ở ngã ba đường Huỳnh Tịnh Của - Nguyễn Văn Vĩnh thuộc vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến Quốc lộ 1A (xã Hòa Phước) với đơn giá thuê 722.362 đồng/m2/năm. Thời hạn sử dụng 50 năm, trả tiền thuê đất hằng năm.

Đốn hạ, di dời hơn 1.300 cây xanh ở cửa ngõ TP.HCM

Hơn 1.300 cây xanh trên đường Mai Chí Thọ, TP. Thủ Đức và gần sân bay Tân Sơn Nhất bị đốn hạ, di dời để thi công hai công trình giao thông trọng điểm.

Hàng cây xanh trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức bị cắt nhánh để di dời

Hàng cây xanh trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức bị cắt nhánh để di dời

Ngày 5/4, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho biết, việc đốn hạ, di dời hơn 1.081 trên dải phân cách và vỉa hè đường Mai Chí Thọ dự kiến hoàn thành cuối tháng 4.

14 loại cây xanh gồm: sọ khỉ, lim xanh, giáng hương, bàng Đài Loan... từ 13 đến hơn 20 năm tuổi được mé nhánh, tỉa cành, đào gốc đưa về vườn ươm chăm sóc trước khi trồng lại ở nơi khác. Hơn 200 cây cao tuổi, thân yếu khó phục hồi sẽ bị đốn hạ.

Việc di dời hàng cây trên đường Mai Chí Thọ để lấy mặt bằng thi công nút giao ba tầng An Phú ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM với tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng.

Công trình này gồm hầm chui hai chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ; hai cầu vượt, một nối đường Mai Chí Thọ với Lương Định Của qua đường dẫn cao tốc, một cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc qua Mai Chí Thọ; một đảo tròn trung tâm, tháp biểu tượng, cùng các hạng mục đài phun nước, chiếu sáng mỹ thuật...

Ngoài khu vực trên, khoảng 110 cây lim sét, căm xe... ở đường Trần Quốc Hoàn và Phan Thúc Duyện, quận Tân Bình cũng được di dời để làm đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoàn, tổng vốn 4.800 tỷ đồng.

Đường nối dài khoảng 4 km, bắt đầu ở nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, kết thúc tại đoạn giao đường C12 - Cộng Hoà - Trường Chinh. Trên tuyến có một cầu cạn dài gần một km, 4 làn xe; hai hầm chui ở các nút giao, mỗi hầm cho 2 làn xe.

Bắt nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam

Chiều 5/4, Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thành Nam - cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam - để điều tra về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Nguyễn Thành Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hà Nam, đánh dấu X màu đỏ.

Nguyễn Thành Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hà Nam, đánh dấu X màu đỏ.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hà Nam, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Viện KSND tỉnh Hà Nam thu thập tài liệu, chứng cứ, đấu tranh mở rộng vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tỉnh từ năm 2010 - 2021.

Căn cứ tài liệu thu thập, ngày 5/4/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Thành Nam (sinh năm 1958, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hà Nam) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Quyết định tố tụng và lệnh nêu trên đối với Nguyễn Thành Nam đã được Viện KSND tỉnh Hà Nam phê chuẩn. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã thi hành quyết định và lệnh nêu trên.

Chuyên đề