Bản tin thời sự sáng 6/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 4.600 tỷ đồng; ngày 6/3, xử phúc thẩm vụ ông Tất Thành Cang liên quan đến dự án Phước Kiển; 4 nhà máy tại Việt Nam đem về cho Samsung hơn 70 tỷ USD…

Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 4.600 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa cho biết, đến hết năm 2022, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 4.617 tỷ đồng, cao nhất từ quý I/2021 đến nay.

Bản tin thời sự sáng 6/3 ảnh 1

Đến hết năm 2022, quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 4.617 tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, quý cuối năm ngoái, cơ quan quản lý sử dụng hơn 79,2 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn và trích Quỹ 2.155 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư Quỹ trong quý IV/2022 là khoảng 2 tỷ đồng, lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ âm hơn 1,4 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến hết 31/12, số dư trên Quỹ bình ổn giá xăng dầu là khoảng hơn 4.617 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với quý liền trước đó. Đây cũng là mức cao nhất của Quỹ từ đầu năm 2021 đến nay.

Trong 31 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ cao nhất với 1.986 tỷ đồng, chiếm 43% tổng Quỹ. Ngoài Petrolimex, một số thương nhân đầu mối có số dư quỹ cao là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (hơn 561 tỷ đồng); Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (409 tỷ đồng); Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp (371 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (294 tỷ đồng).

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính cũng ghi nhận 7 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Trong đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nhiều nhất với hơn 510 tỷ đồng. Các thương nhân đầu mối khác như Petro Bình Minh, Long Hưng, Trường An, Hải Linh, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn âm từ hơn 10 tỷ đồng đến âm 60 tỷ đồng.

Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước.

Nguồn hình thành quỹ bình ổn này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng một lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành quyết định.

Ngày 6/3, xử phúc thẩm vụ ông Tất Thành Cang liên quan đến dự án Phước Kiển

Dự kiến, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa phúc thẩm vụ án ông Tất Thành Cang, từ ngày 6 - 10/3. Vụ án này liên quan đến các sai phạm tại Dự án Khu dân cư Ven Sông và Phước Kiển.

Bản tin thời sự sáng 6/3 ảnh 2

Bị cáo Tất Thành Cang tại tòa sơ thẩm

Dự kiến, ngày 6/3, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa phúc thẩm vụ án ông Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) và 8 đồng phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (theo Điều 219 Bộ luật Hình sự).

Vụ án này liên quan đến các sai phạm tại hai dự án Khu dân cư Ven Sông và Phước Kiển.

Phiên tòa được mở do có có 9/10 bị cáo kháng cáo; 5 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong đó có Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng có kháng cáo, đồng thời, VKSND TP.HCM cũng có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm của tòa cùng cấp. Vụ án này, ông Tất Thành Cang không kháng cáo.

Trước đó, vào ngày 19/12/2022, xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên bị cáo Thiện 13 năm tù (tổng hợp với bản án trước đó buộc bị cáo chịu hình phạt là 26 năm tù), bị cáo Cang 6 năm tù (tổng hợp với bản án trước đó buộc bị cáo chịu hình phạt là 14 năm 6 tháng tù).

4 nhà máy tại Việt Nam đem về cho Samsung hơn 70 tỷ USD

Cả năm 2022, bốn nhà máy tại Việt Nam mang lại gần 71 tỷ USD cho Samsung, chiếm 30% tổng doanh thu của tập đoàn Hàn Quốc.

Bản tin thời sự sáng 6/3 ảnh 3

Nhân viên sản xuất smartphone Samsung trong nhà máy tại Thái Nguyên

Theo Báo cáo tài chính kiểm toán 2022, Samsung đạt doanh thu 234 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 2021. Trong đó, 4 nhà máy tại Việt Nam đóng góp khoảng 30% vào tổng doanh thu của doanh nghiệp này. Lợi nhuận của các cơ sở ở Việt Nam khoảng 4,6 tỷ USD.

Samsung Thái Nguyên (SEVT) tiếp tục giữ vị trí nhà máy có doanh thu cao nhất tại Việt Nam của Samsung, với hơn 36.300 tỷ Won, tương đương khoảng 28 tỷ USD. Con số này tăng xấp xỉ 13% so với năm 2021. Samsung ghi nhận lợi nhuận cả năm của SEVT tăng 18%, lên hơn 2.710 tỷ Won, khoảng 2,1 tỷ USD.

Hiện tại, SEVT là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất trên thế giới của Samsung. Tập đoàn Hàn Quốc đầu tư vào Thái Nguyên từ năm 2013 với vốn ban đầu 2 tỷ USD và đến nay số vốn đăng ký đã tăng lên đến hơn 7,5 tỷ USD.

Cả năm 2022, Samsung ghi nhận doanh thu của SDV tăng 18,6% lên 25.773 tỷ Won, gần 19,9 tỷ USD. Còn SEV chỉ tăng 9,6% lên 23.667 tỷ Won, khoảng 18,2 tỷ USD. Doanh thu cao hơn, nhưng lợi nhuận của SDV lại thấp hơn SEV. Năm ngoái, SEV lãi 1,27 tỷ USD, còn SDV lãi khoảng 1 tỷ USD. SEV - tổ hợp đầu tiên của Samsung tại Việt Nam đến nay vẫn là một trong những cở sở sản xuất hàng đầu của tập đoàn này trên toàn cầu.

Cở sở duy nhất của tập đoàn này tại TP.HCM - Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) thu hơn 6.200 tỷ Won năm ngoái (4,82 tỷ USD) và lợi nhuận gần 300 triệu USD, giảm nhẹ so với năm 2021.

Hải Phòng sắp khởi công dự án nhà ở xã hội gần 4.900 tỷ đồng

UBND TP. Hải Phòng và Công ty CP Thái-Holding sẽ khởi công dự án nhà ở xã hội có mức đầu tư 4.865 tỷ đồng vào ngày 7/3.

Bản tin thời sự sáng 6/3 ảnh 4

Ngày 7/3, Hải Phòng sẽ khởi công dự án nhà ở xã hội gần 4.900 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Đây là dự án được xây dựng tại Tổng kho 3 Lạc Viên, số 142 Lê Lai thuộc hai phường Cầu Tre và Máy Chai, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Dự án này sẽ được triển khai trên diện tích 16,9 ha, tổng mức đầu tư 4.865 tỷ đồng.

Trong đó, khu nhà ở nhà xã hội gồm 10 block chung cư cao 15 tầng với khoảng 4.456 căn hộ, khu nhà ở thương mại cao 7 tầng với 163 căn hộ. UBND TP. Hải Phòng đánh giá đây là dự án nhà ở xã hội đầu tiên thực hiện theo nghị quyết của HĐND Thành phố.

Trước đó, tháng 8/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng thông báo mời nhà đầu tư quan tâm tham gia dự án nhà ở xã hội này. Công ty CP Thái-Holding là đơn vị trúng thầu. Công ty này được thành lập cuối năm 2021, địa chỉ tại số 1 Lê Thánh Tông, Máy Tơ, Ngô Quyền, TP. Hải Phòng với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Ông Nguyễn Thế Tâm làm Người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Năm 2022, Hải Phòng duyệt kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, trong đó sẽ dành 433,19 ha đất phát triển dự án nhà ở xã hội tại 49 vị trí (khu vực nông thôn 232,67 ha và khu vực đô thị 200,52 ha). Trước đó, dự án nhà ở xã hội cao 19 tầng tại số 39 Lương Khánh Thiện, Ngô Quyền, Hải Phòng cũng vừa được chủ đầu tư động thổ.

Có dấu hiệu “lách luật” khi hoạt động tại bãi giữ xe trúng đấu giá tại Đà Lạt

UBND TP. Đà Lạt nhận định, người trúng đấu giá các bãi giữ xe có dấu hiệu vi phạm quy định và “lách luật” khi khai thác và quản lý bãi giữ xe.

Bản tin thời sự sáng 6/3 ảnh 5

Có dấu hiệu “lách luật” tại bãi giữ xe trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.

UBND TP. Đà Lạt vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về kết quả rà soát trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền thuê mặt bằng làm bãi giữ xe và tình hình hoạt động trên địa bàn Phường 1 và Phường 10, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Trước đó, UBND TP. Đà Lạt đã công bố kết quả trúng đấu giá của 11 vị trí bãi giữ xe trên địa bàn Phường 1 và Phường 10, dự kiến thu về cho ngân sách địa phương khoảng 27,7 tỷ đồng. Kết quả trúng đấu giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, với tổng giá khởi điểm 11 điểm giữ xe gần 4,8 tỷ đồng.

Theo báo cáo, trình tự xây dựng, thẩm định, phê duyệt giá khởi điểm đấu giá và tổ chức đấu giá quyền thuê mặt bằng đối với 7 bãi xe đều được thực hiện đúng quy định. UBND TP. Đà Lạt cho biết, các nguyên nhân giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm là do nhu cầu về kinh doanh bãi đỗ xe khu vực trung tâm lớn...

Sau khi các bãi giữ xe đi vào khai thác, UBND TP. Đà Lạt nhận được các phản ánh về giá dịch vụ giữ xe tại các bãi giữ xe do bà Bạch Thị Thùy Trang đã trúng đấu giá như: tự quy định thời gian 30 phút/lượt và thu giá theo thời gian 30 phút/lượt giữ xe.

Sau đó, Thành phố đã thành lập Đoàn kiểm tra. Qua kiểm tra, ghi nhận các bãi giữ xe đều có niêm yết giá, nhân viên giữ xe thu đúng giá niêm yết. Tuy nhiên, bà Bạch Thị Thùy Trang tự quy định thời gian 30 phút/lượt và thu giá theo thời gian 30 phút/lượt giữ xe là không đúng theo quy định.

Qua làm việc, bà Bạch Thị Thùy Trang thừa nhận, giá trúng thầu các bãi giữ xe là quá cao, có nhiều khách giữ xe quá lâu mà diện tích bãi giữ xe lại nhỏ nên việc thu giá giữ xe không quy định về mặt thời gian sẽ không đảm bảo chi phí thực hiện trông, giữ xe... Do đó, để đảm bảo thu hồi vốn, chi phí phát sinh, bà Trang quy định thêm về thời gian trông giữ xe là 30 phút/lượt (quá 10 phút mới tính lượt tiếp theo).

UBND TP. Đà Lạt nhận định, qua sự việc nêu trên cho thấy bà Bạch Thị Thùy Trang có dấu hiệu vi phạm quy định và "lách luật".

Chủ tịch Gold Time chiếm đoạt hơn 320 tỷ đồng của nhà đầu tư

Nguyễn Khắc Đồi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Gold Time, và 7 đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt 329 tỷ đồng của nhà đầu tư qua sàn giao dịch.

Bản tin thời sự sáng 6/3 ảnh 6

Chủ tịch HĐQT Gold Time Group Nguyễn Khắc Đồi

Hành vi của Đồi và đồng phạm sẽ bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, vào ngày 22 - 23/3.

Tháng 10/2018, Nguyễn Khắc Đồi thành lập Công ty CP Tập đoàn Thời gian Vàng (Gold Time) tại quận Tân Bình, TP.HCM. Ban đầu công ty này đăng ký vốn điều lệ 20 tỷ đồng, sau 4 lần thay đổi (năm 2020) tăng lên 10.000 tỷ đồng với các ngành nghề: xây dựng, buôn bán thực phẩm, cà phê, kinh doanh bất động sản... không đăng ký kinh doanh đa cấp. Đồi làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, sở hữu 55% vốn góp, trực tiếp điều hành mọi hoạt động của Công ty.

Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, thực tế Công ty Gold Time không thực hiện các hoạt động kinh doanh, sản xuất mà huy động tiền trái phép của các nhà đầu tư theo hình thức đa cấp, lấy tiền của nhà đầu tư sau trả hoa hồng, tiền thưởng cho nhà đầu tư trước.

Nguyễn Khắc Đồi thuê người lập website Goldtimecoffee.vn, Logingoldtimecoffee.vn, cài đặt phần mềm Goldtimegroup.vn, Goldtime Key, Goldtime Mark, sàn giao dịch thương mại điện tử Goldtime Pay... để vận hành huy động tiền của các nhà đầu tư phân quyền dưới hình thức bán điểm ví.

Cụ thể, các nhà đầu tư F0 sẽ mở tài khoản trên phần mềm của Gold Time, nộp 3.000.000 đồng, tương đương 3.000.000 điểm ví để trở thành nhà đầu tư. Khi các nhà đầu tư F0 giới thiệu được nhà đầu tư F1 tham gia sẽ được hưởng 10% số tiền của nhà đầu tư F1 nộp vào…

Với cách thức này, Đồi và đồng phạm đã huy động được tổng số tiền 657 tỷ đồng từ hàng trăm nghìn tài khoản trên "cây hệ thống". Trong đó, số tiền đã chi hoa hồng, thưởng cho các nhà đầu tư là 327 tỷ đồng, còn lại chiếm đoạt hơn 329 tỷ.

Quá trình điều tra, Bộ Công an đã phong tỏa tài khoản của Gold Time với số tiền 179 tỷ đồng, tạm giữ 5 ô tô, kê biên 12 nhà đất và tạm ngưng giao dịch 4 bất động sản khác có nguồn gốc từ tiền huy động của nhà đầu tư.

Lập 7 công ty để đòi nợ, khủng bố tinh thần hàng chục nghìn người

Một nhóm người đã mở 7 công ty để thu mua hơn 330.000 hợp đồng khó đòi với tổng số nợ hàng nghìn tỷ đồng, sau đó dùng các thủ đoạn ép người vay phải trả.

Bản tin thời sự sáng 6/3 ảnh 7

Nhóm người trong đường dây đòi nợ thuê bị triệu tập

Ngày 5/3, Công an Hà Nội đã khởi tố, tạm giam 31 người để điều tra hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Trong số này, Trần Hồng Tiến, trú TP.HCM, là Giám đốc điều hành hệ thống.

Nhóm này lập 7 công ty gồm: Công ty CP Đầu tư Omnia, Công ty Luật TNHH Kiên Cường, Công ty TNHH Mua bán nợ DSP, Công ty CP Dịch vụ tài chính Thời Đại, Công ty CP Dịch vụ tài chính Kiên Long, Công ty CP Dịch vụ Bắc Á, Công ty CP Dịch vụ tài chính Nam Á. Tất cả có trụ sở tại Phường 15, Quận 11, TP.HCM.

Theo cảnh sát, Công ty TNHH Mua bán nợ DSP thường mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay của công ty tài chính và một số tổ chức tín dụng khác nhưng không có khả năng trả. Giá mỗi gói nợ bằng khoảng 12 - 15% tổng số tiền khách nợ.

Hệ thống công ty có hơn 100 người, có nhiệm vụ gọi điện thoại đòi nợ. Mỗi tháng, một người phải xử lý 500 hợp đồng, phải đòi được 300 triệu đồng và nếu hai tháng liên tiếp không đủ định mức sẽ bị đuổi việc.

Theo nhà chức trách, nhóm dùng nhiều số điện thoại để liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của người nợ tiền. Chúng còn cắt ghép hình ảnh khách hàng và người thân của họ vào các hình ảnh đồi trụy hoặc thông tin không đúng sự thật rồi đăng lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép...

Quá trình khám xét, cảnh sát thu gần 600 triệu đồng, 100 máy tính, hơn 200 điện thoại và nhiều tài liệu liên quan khác. Dữ liệu từ hệ thống quản trị của các công ty cho thấy, từ tháng 7/2018 đến hết năm 2022, nhóm đã thu mua hơn 330.000 hợp đồng vay nợ có tổng tiền hàng nghìn tỷ đồng; đã đòi được khoảng 500 tỷ đồng.

Đây là chuyên án phối hợp giữa Công an Hà Nội và Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.

Chuyên đề