Bản tin thời sự sáng 6/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần hơn 13.800 người vận hành; Đà Nẵng phân công ông Trần Phước Sơn phụ trách HĐND Thành phố; sát Tết, giá xăng vẫn được điều chỉnh vào thứ Năm ngày 8/2; giá vàng bật tăng nửa triệu đồng…

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần hơn 13.800 người vận hành

Dựa trên kinh nghiệm nước ngoài, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tính tổng nhân lực dự kiến cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đến 2040 là 13.880 người.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tính tổng nhân lực dự kiến cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đến 2040 là 13.880 người. Ảnh minh họa

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tính tổng nhân lực dự kiến cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đến 2040 là 13.880 người. Ảnh minh họa

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa lập Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp để quản lý, khai thác đường sắt tốc độ cao, trình Bộ Giao thông vận tải.

Trên cơ sở kinh nghiệm nước ngoài và nhu cầu nhân lực, VNR tính toán, để quản lý, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần 8,98 người cho mỗi km. Giai đoạn một từ năm 2027 - 2035 với hai phân đoạn đầu tiên dài 651 km dự kiến cần hơn 5.940 người; giai đoạn hai từ 2035 - 2040 hoàn thiện đoạn còn lại dài 894 km, cần hơn 7.930 người. Giai đoạn đến 2027, VNR dự kiến đào tạo 200 cán bộ chủ chốt gồm giáo viên, kỹ thuật, tài chính, quản lý dự án... bằng nguồn vốn của Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc.

VNR dự kiến lập hai đầu mối để quản lý, bảo trì và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Quản lý, bảo trì, khai thác đường sắt tốc độ cao sẽ tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được bàn giao từ Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, gồm: cầu, hầm, nền đường, hệ thống thông tin tín hiệu, điện và các tài sản hạ tầng đường sắt tốc độ cao.

VNR cũng đưa ra lộ trình tái cơ cấu tương ứng với dự án đường sắt tốc độ cao. Cụ thể, giai đoạn 2025 - 2030, mô hình tổ chức quản lý của VNR cơ bản giữ nguyên hiện nay, song các đơn vị đều tăng về năng lực, quy mô nhân sự để vừa khai thác hệ thống đường sắt hiện tại, vừa tham gia xây dựng đường sắt tốc độ cao.

Giai đoạn 2030 - 2032, mô hình tổ chức quản lý của VNR bắt đầu điều chỉnh lớn, tách bạch hai tổ chức riêng biệt là đường sắt thường và đường sắt tốc độ cao; thành lập hai đơn vị quản lý, khai thác đường sắt tốc độ cao. Giai đoạn 2032 - 2045, VNR sẽ điều hành tập trung, thống nhất toàn mạng đường sắt hiện có thông qua Trung tâm điều hành giao thông vận tải đường sắt.

Đà Nẵng phân công ông Trần Phước Sơn phụ trách HĐND Thành phố

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phân công ông Trần Phước Sơn phụ trách HĐND Thành phố đến khi kiện toàn chức danh lãnh đạo.

Ông Trần Phước Sơn được phân công phụ trách HĐND thành phố Đà Nẵng đến khi kiện toàn chức danh lãnh đạo

Ông Trần Phước Sơn được phân công phụ trách HĐND thành phố Đà Nẵng đến khi kiện toàn chức danh lãnh đạo

Chiều 5/2, Đảng đoàn HĐND thành phố Đà Nẵng ra thông báo về thông báo về việc phân công phụ trách Đảng đoàn HĐND Thành phố.

Theo đó, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất phân công ông Trần Phước Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng - phụ trách Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân Thành phố đến khi kiện toàn chức danh Bí thư Đảng đoàn.

Đồng thời ông Trần Phước Sơn cũng được thống nhất phân công phụ trách HĐND thành phố Đà Nẵng đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch HĐND Thành phố.

Ông Trần Phước Sơn có trình độ Thạc sĩ Kinh tế, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản lý kinh tế. Ông Sơn từng giữ các chức vụ Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Cũng trong sáng cùng ngày, tại Kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND thành phố Đà Nẵng đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND Thành phố và cho thôi làm đại biểu HĐND Thành phố đối với ông Lương Nguyễn Minh Triết.

Trước đó, ngày 24/1, ông Triết được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Sát Tết, giá xăng vẫn được điều chỉnh vào thứ Năm ngày 8/2

Việc điều hành giá xăng dầu liền kề sau kỳ điều hành ngày 1/2/2024 sẽ được thực hiện vào thứ Năm ngày 8/2/2024.

Sát Tết, giá xăng vẫn được điều chỉnh vào thứ Năm ngày 8/2

Sát Tết, giá xăng vẫn được điều chỉnh vào thứ Năm ngày 8/2

Bộ Công Thương vừa có Văn bản số 805/BCT-TTTN về thời gian điều hành giá xăng dầu. Theo đó, bộ này cho biết, theo Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, việc điều hành giá xăng dầu liền kề sau kỳ điều hành ngày 1/2/2024 sẽ được thực hiện vào thứ Năm ngày 8/2/2024.

Bộ Công Thương cho biết, ngày 17/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Nghị định số 80 quy định: Thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Trường hợp thời gian điều hành giá trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết nguyên đán), việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu thứ Năm là ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.

Trường hợp thời gian điều hành giá trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu ngày thứ Năm trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

“Do vậy, việc điều hành giá xăng dầu liền kề sau kỳ điều hành ngày 1/2/2024 sẽ được thực hiện vào thứ Năm ngày 8/2/2024”, văn bản của Bộ Công Thương cho hay.

Giá vàng bật tăng nửa triệu đồng

Ngày 5/2, giá vàng miếng SJC tăng mạnh 500.000 đồng mỗi lượng so với đầu giờ cùng ngày, lên 78,4 triệu đồng/lượng.

Ngày 5/2, giá vàng miếng SJC tăng mạnh 500.000 đồng mỗi lượng so với đầu giờ cùng ngày

Ngày 5/2, giá vàng miếng SJC tăng mạnh 500.000 đồng mỗi lượng so với đầu giờ cùng ngày

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng giá mua vàng miếng SJC lên 76,2 triệu đồng/lượng, bán ra 78,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC tại Tập đoàn Doji ở mức 76,05 triệu đồng/lượng, bán ra 78,35 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vàng với giá 76,23 triệu đồng, bán ra 78,35 triệu đồng… Chênh lệch giá mua và bán vàng miếng SJC duy trì ở mức 2 - 2,2 triệu đồng.

Trong khi đó, vàng nhẫn đứng giá, Công ty SJC mua vào 63,2 triệu đồng/lượng, bán ra 64,4 - 64,5triệu đồng/lượng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 64,48 triệu đồng, bán ra 65,58 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào 63,85 triệu đồng, bán ra 65,1 triệu đồng…

Giá vàng miếng SJC tăng cao, ngược chiều đi xuống của vàng quốc tế. Kim loại quý trên thị trường thế giới giảm 16 USD/ounce so với đầu giờ sáng, xuống còn 2.020 USD/ounce. Chính vì điều này, giá vàng miếng SJC càng gia tăng mức đắt đỏ với vàng thế giới tới 18,7 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao hơn 4,8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng quốc tế giảm khi thị trường tài chính quốc tế lùi kỳ vọng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.

Việt Nam là nhà cung cấp cá thịt trắng lớn thứ hai cho Mỹ

VASEP cho biết nhờ cá tra, Việt Nam thành nhà cung cấp cá thịt trắng lớn thứ hai cho Mỹ năm 2023.

Việt Nam là nhà cung cấp cá thịt trắng lớn thứ hai cho Mỹ

Việt Nam là nhà cung cấp cá thịt trắng lớn thứ hai cho Mỹ

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ năm ngoái đạt 271 triệu USD, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Tuy giảm mạnh, Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ cá tra Việt lớn thứ hai, sau Trung Quốc (gồm Hong Kong).

Ngoài ra, theo số liệu của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), 10 tháng đầu năm 2023, Mỹ nhập khẩu hơn 1,4 tỷ USD cá thịt trắng từ thế giới, chủ yếu là các sản phẩm phi lê đông lạnh. Trong đó, số lượng nhập từ Việt Nam chiếm 19% thị phần, trở thành nhà cung cấp cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) lớn thứ hai của Mỹ, chỉ sau Trung Quốc (chiếm 45%).

Theo VASEP, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ đang từng bước khả quan hơn vào tháng cuối cùng của năm ngoái, giúp bù đắp phần nào sự suy giảm diễn ra trước đó. Cụ thể, trong tháng 12/2023, lần đầu Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra Việt, kim ngạch đạt gần 20 triệu USD, tăng 20%. Trước đó, giá trị xuất khẩu giảm 22 - 81% trong 11 tháng.

Hủy quyết định bổ nhiệm chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy ở Gia Lai

Huyện ủy Đắk Đoa, Gia Lai vừa thu hồi quyết định điều động, bổ nhiệm chức danh Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, do chưa đúng quy trình công tác cán bộ.

Trụ sở UBND huyện Đắk Đoa, nơi ông Nguyễn Tiến Dũng đang làm việc

Trụ sở UBND huyện Đắk Đoa, nơi ông Nguyễn Tiến Dũng đang làm việc

Ngày 5/2, Huyện ủy Đắk Đoa, Gia Lai xác nhận vừa hủy quyết định điều động, bổ nhiệm chức danh Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy đối với ông Nguyễn Tiến Dũng. Ông Dũng giữ lại chức vụ cũ là Phó Chủ tịch Huyện.

Trước đó, ông Nguyễn Hữu Thọ, Bí thư huyện ủy Đắk Đoa, thay mặt Ban Thường vụ Huyện ủy ký quyết định điều động, phân công ông Nguyễn Tiến Dũng, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện, đến nhận công tác và giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy kể từ ngày 5/1.

Quyết định điều động, phân công cán bộ được gửi đến các đơn vị liên quan, UBND huyện, Ban Tổ chức Huyện ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Nhận thấy văn bản chưa đúng quy trình, quy định pháp luật về thủ tục công tác cán bộ nên Huyện ủy đã quyết định thu hồi lại quyết định điều động, bổ nhiệm trên.

Được biết, ông Dũng là nhân sự do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai quản lý. Việc điều động, bổ nhiệm đối với ông Dũng mà Huyện không xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ý kiến Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, là chưa đúng quy trình.

Chuyên viên thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chiếm đoạt 5,5 tỷ đồng

Chuyên viên Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM làm giả giấy tờ, thuê người đóng giả cán bộ ngân hàng để lừa đảo một công ty tài chính 5,5 tỷ đồng.

Phạm Trọng Cường khi bị bắt giữ

Phạm Trọng Cường khi bị bắt giữ

Ngày 5/2 Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Trọng Cường (ngụ quận Phú Nhuận) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Cường là chuyên viên Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM.

Cơ quan CSĐT nhận đơn của ông V.Q.M. (quê Hà Nội) tố cáo Cường có hành vi chiếm đoạt 5,5 tỷ đồng thông qua hoạt động vay tài chính.

Vào cuộc điều tra, Công an xác định, Cường có khoản vay tại Ngân hàng Bản Việt đã quá hạn, không có tiền trả lãi và đồng thời vay nợ ngoài xã hội khoảng 4 - 5 tỷ đồng.

Do đó, Cường muốn thanh lý tài sản là nhà đất tại đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, để trả nợ. Tuy nhiên tài sản nhà đất này đang thế chấp tại Ngân hàng Bản Việt.

Cường đã nhờ người làm giả tài liệu là văn bản chấp thuận cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Tây Sài Gòn, với nội dung: Ngân hàng đã đồng ý cho vay số tiền 9,3 tỷ đồng. Mục đích là Cường dùng văn bản này cung cấp cho các nhân, tổ chức khác để tạo lòng tin để vay tiền.

Khi ông V.Q.M. (đại diện Công ty CP Công nghệ tài chính Vay online247) liên hệ tìm hiểu thì Cường nhờ người đóng giả nhân viên Agribank để giao tài liệu giả là quyết định chấp thuận cho vay và cung cấp thông tin gian dối về dư nợ khoản vay tại Ngân hàng Bản Việt.

Do đó, ông M. tin tưởng, báo về Công ty Vay online247 chuyển số tiền 5,5 tỷ đồng vào tài khoản của Cường để cho vay.

Chuyên đề