Bản tin thời sự sáng 6/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội điều chỉnh việc cho học sinh THPT trở lại trường từ 6/12; khởi công nhà ga sân bay Long Thành vào tháng 3/2022; Bộ Y tế thúc địa phương triển khai tiêm mũi 3 vaccine ngừa Covid-19; Hà Nội sẽ sửa chữa tổng thể cầu Chương Dương; hợp long công trình cầu vượt biển dài nhất Quảng Ninh; vận hành thử đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội ở tốc độ tối đa vào ngày 6/12…

Hà Nội điều chỉnh việc cho học sinh THPT trở lại trường từ 6/12

Học sinh lớp 10 và 11 sẽ không đến trường từ ngày 6/12 như kế hoạch trước đó, trong khi học sinh lớp 12 sẽ học kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Học sinh lớp 10 và 11 sẽ không đến trường từ ngày 6/12 như kế hoạch trước đó. Ảnh minh họa

Học sinh lớp 10 và 11 sẽ không đến trường từ ngày 6/12 như kế hoạch trước đó. Ảnh minh họa

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa thông báo điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.

Theo đó, từ ngày 6/12, học sinh lớp 12 của các trường học tập theo phương án 50% số lớp học trực tiếp vào thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu, 50% số lớp còn lại đến trường vào thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy. Những ngày không học trực tuyến, học sinh học online.

Việc mở cửa trường học được thực hiện tại các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn các quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp 1 và cấp 2.

Học sinh khối 9 tại 18 huyện, thị ngoại thành tiếp tục học trực tiếp như cũ. Các khối còn lại học trực tuyến. Trẻ mầm non nghỉ học tại nhà. Sở lưu ý các trường chỉ bố trí cho học sinh đến trường một buổi/ngày.

Điều chỉnh này được đưa ra dựa trên thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng đột biến so với thời gian trước, trong đó có nhiều ca cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường.

Trước đó, Hà Nội quyết định cho toàn bộ học sinh THPT các trường đến địa bàn có dịch cấp độ 1, cấp độ 2 đi học trực tiếp từ ngày 6/12.

Khởi công nhà ga sân bay Long Thành vào tháng 3/2022

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đảm bảo hoàn thành thẩm định thiết kế kỹ thuật các hạng mục cọc nhà ga, tiến hành khởi công nhà ga vào tháng 3/2022.

ACV hoàn thiện các thủ tục pháp lý tiến hành khởi công nhà ga sân bay Long Thành vào tháng 3/2022

ACV hoàn thiện các thủ tục pháp lý tiến hành khởi công nhà ga sân bay Long Thành vào tháng 3/2022

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu ACV đẩy nhanh tiến độ Dự án sân bay Long Thành.

Bộ GTVT yêu cầu ACV rà soát lại tiến độ tổng thể, lập tiến độ chi tiết cho từng hạng mục của Dự án sân bay Long Thành, kiểm soát chặt chẽ chất lượng của các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, thẩm tra trong bối cảnh dịch Covid-19.

Với vai trò là chủ đầu tư, ACV phải đảm bảo hoàn thành thẩm định thiết kế kỹ thuật các hạng mục cọc nhà ga hành khách trong tháng 1/2022 để đấu thầu, khởi công hạng mục cọc nhà ga vào tháng 3/2022. Phần thân nhà ga phải được khởi công vào tháng 10/2022.

Bộ GTVT yêu cầu các hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn; hệ thống giao thông nội cảng; hạ tầng điện, nước, viễn thông, chiếu sáng; hệ thống cung cấp nhiên liệu; tòa nhà điều hành phải khởi công vào tháng 6/2022.

Đối với những hạng mục chưa có thiết kế cơ sở, sau khi đấu thầu tư vấn thiết kế, ACV khẩn trương chỉ đạo khảo sát, thiết kế, lập tiến độ chi tiết theo tiến độ tổng thể, hoàn thành trong tháng 12/2022 để triển khai các bước tiếp theo.

Đối với công trình đài kiểm soát không lưu cao 123 m và hệ thống điều hành bay do Tổng công ty Quản lý bay (VATM) làm chủ đầu tư, Bộ GTVT đánh giá việc thiết kế kỹ thuật phải phụ thuộc vào tư vấn nước ngoài nên tiềm ẩn rủi ro chậm tiến độ. Do đó, VATM cần có báo cáo cụ thể về tiến độ, trình Bộ GTVT xem xét, chấp thuận làm cơ sở kiểm tra.

Bộ Y tế thúc địa phương triển khai tiêm mũi 3 vaccine ngừa Covid-19

Bộ Y tế có văn bản hỏa tốc thúc các tỉnh đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19, đồng thời lên kế hoạch và triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi tăng cường cho người đã tiêm đủ liều.

Tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho người dân

Tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho người dân

Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêm chủng vaccine Covid-19.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua Bộ Y tế đã phân bổ kịp thời vaccine Covid-19 đến các địa phương, đơn vị để triển khai tiêm chủng. Nhiều địa phương đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên cao (trên 90% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 1) và đang triển khai tiêm chủng cho nhóm đối tượng từ 12 - 17 tuổi.

Tuy nhiên, còn một số địa phương tỷ lệ sử dụng vaccine/số vaccine Covid-19 được phân bổ và độ bao phủ vaccine còn thấp, còn nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để tăng cường công tác tiêm vaccine Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai việc tiêm mũi tăng cường, mũi bổ sung vaccine Covid-19 cho những người đã tiêm chủng đủ liều cơ bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, tính đến chiều 5/12, cả nước đã tiêm gần 127,5 triệu liều vaccine Covid-19 các loại khác nhau.

Bộ Y tế cho biết đến nay cả nước đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vaccine Covid-19. Đơn vị chuyên môn đã tiến hành phân bổ 95 đợt vaccine Covid-19 với tổng số 141,5 triệu liều, số còn lại mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng.

Hà Nội sẽ sửa chữa tổng thể cầu Chương Dương

Đơn vị quản lý cầu Chương Dương đang chờ kiểm định đánh giá mức độ xuống cấp và các hạng mục hư hỏng công trình, lên phương án sửa chữa tổng thể.

Cầu Chương Dương thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm

Cầu Chương Dương thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm

Theo bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Công ty Công trình giao thông Hà Nội (đơn vị quản lý, duy tu cầu Chương Dương), đơn vị đã bàn giao mặt bằng cầu cho đơn vị kiểm định xem xét. Dự kiến đến hết tháng 12, việc kiểm định hoàn thành, khi đó cơ quan quản lý sẽ lên phương án sửa chữa tổng thể cầu Chương Dương.

Theo Công ty Công trình giao thông Hà Nội, trong năm 2021, mỗi ngày có tới hơn 95.000 lượt xe qua cầu, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Để giảm tải và tránh ùn tắc lối lên xuống cầu từ hướng đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật, Hà Nội đã xây dựng thêm hệ thống vòng xoay ở phía Nam, song hiện phương án này không còn khả thi vì lượng phương tiện cá nhân qua khu vực này quá lớn.

Thời gian gần đây, đi dọc theo cầu, dễ dàng nhận thấy những hư hỏng, xuống cấp của nhiều hạng mục cầu. Ở hướng từ Long Biên vào trung tâm, khe co giãn số 7 bị nứt với độ rộng khoảng 5 cm, khiến một phần đường tách rời khỏi thành cầu. Cạnh đó, một khe co giãn khác nhô lên hẳn so với mặt đường tạo thành gờ, khiến nhiều người đi qua phải giảm tốc độ đột ngột.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy xác nhận, cầu có 11 khe co giãn, trước đây 8 khe co giãn đã được sửa chữa song vẫn còn 3 khe chưa được sửa gồm T4, T7 và T8A.

Cầu Chương Dương là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Công trình này bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên, được đưa vào sử dụng năm 1985.

Hợp long công trình cầu vượt biển dài nhất Quảng Ninh

Sau 11 tháng thi công, cây cầu Vân Tiên dài nhất tỉnh Quảng Ninh thuộc tuyến cao tốc hơn 3.000 tỷ đồng Vân Đồn - Móng Cái đã chính thức hợp long ngày 5/12.

Cầu Vân Tiên dài hơn 1,5 km, nối liền hai huyện Vân Đồn và Tiên Yên

Cầu Vân Tiên dài hơn 1,5 km, nối liền hai huyện Vân Đồn và Tiên Yên

Được khởi công vào đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cầu Vân Tiên được đánh giá là cây cầu lớn nhất trong tổng số 32 cầu trên toàn tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đồng thời cũng là cây cầu dài nhất tỉnh Quảng Ninh đến thời điểm này với tổng kinh phí đầu tư hơn 800 tỷ đồng.

Cầu được thiết kế kết cấu vĩnh cửu BTCT dài 1.515 m gồm 3 nhịp đúc hẫng; bề rộng mặt cầu 25,25 m; tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng khẩn cấp đảm bảo tốc độ tối đa 120 km/h…

Theo đơn vị thi công, trong quá trình triển khai, công trình được các chuyên gia đánh giá là có độ khó cao do điều kiện địa hình, địa chất khu vực phức tạp, dòng nước thủy triều chảy siết, chênh lệch 3 - 5 m, dưới đáy là tầng đá, chiều sâu mức nước trên 17 m (tương đương cầu Bãi Cháy). Do đó, việc định vị khoan nhồi, neo hệ thống nổi để phục vụ thi công cầu mất nhiều thời gian.

Những ngày này, trên công trường thường xuyên duy trì gần 300 cán bộ, công nhân, tổ chức thi công liên tục trong ba ca, lượng phương tiện, thiết bị, nhân lực bố trí tăng gấp đôi so với phương án tổ chức thi công theo dự thầu.

Với sự nỗ lực của lực lượng thi công, tháng 4/2021 công trình cơ bản các hạng mục cọc khoan nhồi cầu chính đã hoàn thành để chuyển sang giai đoạn thi công bệ mố, trụ và thân cầu.

Đến nay, công trình cầu đã được hợp long để chuyển sang giai đoạn các hạng mục hoàn thiện như điện chiếu sáng, thảm nhựa mặt cầu, hệ thống an toàn giao thông và cảnh quan…

Vận hành thử đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội ở tốc độ tối đa vào ngày 6/12

Ngày 6/12, Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vận hành liên tiếp các đoàn tàu với tốc độ 80km/h ở chế độ tự động để kiểm tra, đánh giá.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội có 10 đoàn tàu, được chế tạo tại Pháp

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội có 10 đoàn tàu, được chế tạo tại Pháp

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, ngày 6/12, nhà thầu gói CP06 (đầu máy toa xe, thiết bị Depot, tín hiệu, thông tin…) Dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội tiến hành chạy thử liên tiếp các đoàn tàu của Dự án ở chế độ vận hành tự động với tốc độ tối đa theo thiết kế.

Theo đó, các đoàn tàu sẽ chạy với tốc độ 80km/h trên chính tuyến, từ ga S1 đến ga S8 (Nhổn - Cầu Giấy, khoảng 8,5km) để kiểm tra sự hoạt động của đoàn tàu, tính đồng bộ giữa hệ thống thông tin, tín hiệu của đoàn tàu và hệ thống điều khiển. Đây là bước quan trọng trong quy trình kiểm tra đoàn tàu ở trạng thái động, phục vụ kiểm tra nghiệm thu chạy thử và đánh giá độc lập về an toàn vận hành đoàn tàu.

Cũng theo MRB, từ tháng 7/2021, Dự án đã vận hành thử nghiệm liên động các đoàn tàu tại Depot và trên tuyến từ ga S1 đến S8 và đã vận hành thành công chế độ tự động tốc độ gần 80km/h.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Dự án có 10 đoàn tàu được chế tạo tại Pháp, mỗi đoàn gồm 4 toa, có khả năng chở 944 - 1.124 người, mật độ khoảng từ 6,6 - 8 người/m2.

Khi đi vào vận hành chính thức, metro Nhổn - ga Hà Nội vận hành, tốc độ khai thác thương mại trung bình 35km/h và có 8 đoàn tàu cùng hoạt động, 1 đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm khi quá tải và 1 đoàn tàu phục vụ cứu hộ khi có trường hợp khẩn cấp.

Thông xe cầu hơn 500 tỷ đồng ở TP.HCM

Ngày 5/12, nhánh cầu bắc qua kênh Tham Lương thuộc Dự án cầu Bưng, vốn đầu tư 515 tỷ đồng ở cửa ngõ Tây Bắc Thành phố đưa vào khai thác sau 4 năm xây dựng.

Nhánh cầu Bưng nối hai quận Bình Tân, Tân Phú thông xe vào ngày 5/12

Nhánh cầu Bưng nối hai quận Bình Tân, Tân Phú thông xe vào ngày 5/12

Công trình nằm trên đường Lê Trọng Tấn, nối hai quận Bình Tân và Tân Phú, thông xe sớm hơn 45 ngày so với kế hoạch. Nhánh cầu này rộng 11 m, cho ôtô, xe máy chạy hai chiều. Đây là một trong hai nhánh cầu với tổng chiều dài 207 m, thuộc Dự án cầu Bưng mới. Ngoài phần cầu, Dự án làm đường dẫn dài 348 m, rộng 35 m và xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh...

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP - chủ đầu tư) cho biết, Dự án thi công giữa năm 2017 nhưng nhiều lần tạm ngưng vì vướng mặt bằng và Covid-19. Công trình bắt đầu thi công trở lại từ đầu tháng 10, dù chưa được bàn giao toàn bộ mặt bằng phía quận Tân Phú.

Ông Phúc cho biết thêm, sau khi nhánh đầu tiên của Dự án đưa vào khai thác, nhánh cầu thứ hai sẽ được đẩy nhanh khi mặt bằng được bàn giao. Dự kiến toàn bộ Dự án hoàn thành vào tháng 9 năm 2022.

Chuyên đề