Bản tin thời sự sáng 6/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 27 địa phương xin trả lại 5.000 tỷ đồng vốn vay; Hà Nội chi trả hơn 130 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini; Cần Thơ dừng xây bệnh viện 1.700 tỷ đồng; 10 tháng đầu năm 2023, Facebook, Google và các 'ông lớn' nước ngoài nộp thuế hơn 8.000 tỷ đồng…

27 địa phương xin trả lại 5.000 tỷ đồng vốn vay

Cả nước có 27 địa phương vừa xin trả hơn 5.500 tỷ đồng vốn vay lại từ nguồn vay nước ngoài năm nay. Nguyên nhân đề nghị giảm kế hoạch vốn vay lại do dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, gặp vướng mắc như giải phóng mặt bằng, đấu thầu; khi dự án không giải ngân được hết kế hoạch vốn, địa phương đề nghị giảm vốn vay lại.

Cả nước có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay với tổng số vốn hơn 5.500 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Cả nước có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay với tổng số vốn hơn 5.500 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, đến hết tháng 8 năm nay có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay với tổng số vốn hơn 5.500 tỷ đồng.

Các địa phương trả lại vốn vay gồm: An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, TP.HCM, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Tiền Giang.

Năm nay có nhiều địa phương xin trả lại vốn vay hơn năm 2022. Tính đến hết tháng 8 năm 2022, chỉ có 7 địa phương xin trả lại vốn vay khoảng 1.500 tỷ đồng.

Các địa phương xin trả lại vốn vay theo cơ quan quản lý, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều địa phương xin điều chuyển chủ yếu do dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân, phần vốn tỉnh chưa phân bổ. Bên cạnh đó, chiếm phần lớn khoản tiền xin hoàn trả là do các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư.

Trái với nhóm xin trả lại, có 6 địa phương đề nghị tăng dự toán vay năm 2023 thêm 350 tỷ đồng gồm Bình Định, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định và Phú Thọ.

Nhóm này xin thêm vốn do có dự án sẽ hết thời hạn giải ngân trong năm nên cần bổ sung kế hoạch vốn hoặc để phù hợp với tiến độ triển khai dự án.

Theo kế hoạch 2023 được Chính phủ phê duyệt, các địa phương vay từ nguồn vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác là 27.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương phải trả nợ gần 5.000 tỷ đồng, gồm tiền gốc 2.800 tỷ đồng và tiền lãi gần 2.200 tỷ đồng.

Giữa tháng 10, Chính phủ đã có Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh dự toán vốn vay lại của các địa phương, theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Hà Nội chi trả hơn 130 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini

Gần hai tháng sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân tổ chức phân phối hơn 130 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ để hỗ trợ nạn nhân, sáng 5/11.

Chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, Thanh Xuân bị cháy đêm 12/9

Chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, Thanh Xuân bị cháy đêm 12/9

Theo phương án công bố, mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt đảm bảo ổn định cuộc sống cho 88 người còn sống là 700 triệu đồng mỗi người, tổng 61,6 tỷ đồng. Mức hỗ trợ thờ cúng đối với thân nhân của 56 người tử vong là 500 triệu đồng mỗi người, tổng 28 tỷ đồng.

Ba người bị thương, phải điều trị tại bệnh viện 3 - 7 ngày được hỗ trợ 300 triệu đồng mỗi người, tổng 900 triệu đồng; 33 người phải điều trị tại bệnh viện trên 7 ngày được hỗ trợ 400 triệu đồng mỗi người, tổng 13,2 tỷ đồng; một người bị thương nặng, hiểm nghèo được hỗ trợ một tỷ đồng.

Trẻ em mồ côi được hỗ trợ sổ tiết kiệm, trong đó một cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ được hỗ trợ 2 tỷ đồng; 4 cháu mất cha hoặc mẹ được hỗ trợ một tỷ đồng mỗi cháu. Có 22 trẻ dưới 16 tuổi có cha, mẹ còn sống được hỗ trợ 600 triệu đồng mỗi cháu. Ngoài ra, quận cũng hỗ trợ bổ sung một trường hợp sau khi Ủy ban MTTQ phường Khương Đình hỗ trợ đợt một 40 triệu đồng.

Trước khi xây dựng phương án phân bổ cụ thể, MTTQ quận Thanh Xuân đã chi hơn 6,1 tỷ đồng từ khoản ủng hộ ban đầu để hỗ trợ các gia đình ngay sau hỏa hoạn với 40 triệu đồng mỗi người. Thành phố trích riêng ngân sách 9 tỷ đồng để giúp các hộ tạm cư, mai táng phí, đóng học phí cho học sinh, sinh viên trở lại trường...

Theo Ban Vận động ủng hộ nạn nhân vụ hỏa hoạn tại phường Khương Đình, số tiền ủng hộ trên 132 tỷ đồng, bao gồm các khoản lãi phát sinh gửi tại ngân hàng.

Sau khi chi trả hỗ trợ cả hai đợt trên 130 tỷ đồng, Ban vận động thống nhất dùng 2,2 tỷ đồng còn lại để xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực xảy ra hỏa hoạn.

Cần Thơ dừng xây bệnh viện 1.700 tỷ đồng

Do hiệp định vay hết hiệu lực nhưng phía Hungary không gia hạn, công trình Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ mới đạt 21% phải tạm dừng, chờ tìm nguồn vốn khác.

Hiện trạng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ sau 6 năm khởi công

Hiện trạng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ sau 6 năm khởi công

Ngày 5/11, Sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết, hợp đồng xây dựng Bệnh viện Ung bướu quy mô 500 giường giữa đơn vị và liên danh nhà thầu đã hết hiệu lực từ ngày 10/7/2022. Hiệp định vay của dự án ký kết lần hai giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Eximbank Hungary cũng hết hiệu lực ngày 11/7/2022. Công trình mới hoàn thành 21%, phải tạm ngưng xây dựng hơn một năm qua.

"Mới đây, phía Hungary đã quyết định không tiếp tục gia hạn hiệp định vay. Vì thế, công trình phải tạm dừng chờ phương án khác", ông Cao Hoàng Anh, Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ nói và cho biết thêm, nơi này đã thuê công ty kiểm toán độc lập để tính toán những hạng mục đã thực hiện, từ đó quyết toán với các đơn vị liên quan.

Ngoài ra, theo ông Hoàng Anh, khi công ty kiểm toán tính toán xong thì sẽ hoàn lại nguồn vốn tạm ứng khoảng 10 triệu Euro cho Chính phủ Hungary. Phần hoàn ứng đó có thể từ ngân sách trung ương hoặc địa phương.

"Để hoàn thành công trình này sẽ sử dụng nguồn vốn khác, có thể từ nguồn tài trợ hoặc ngân sách nhà nước", ông Hoàng Anh nói.

Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ được xây dựng trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, khởi công tháng 10/2017, có vốn đầu tư 1.727 tỷ đồng. Trong đó có 1.395 tỷ đồng từ vốn ODA Chính phủ Hungary, còn lại vốn đối ứng của địa phương. Công trình có quy mô 500 giường, được xây trên diện tích gần 15.500 m2, gồm 4 khối nhà chính, tổng diện tích sử dụng gần 48.000 m2. Đây là bệnh viện ung bướu quy mô hiện đại nhất miền Tây, dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.

Đến nay, Dự án mới hoàn thành hơn 21% giá trị khối lượng hợp đồng tổng thầu EPC (tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công). Trong đó, hạng mục xây dựng đạt 82%, hạng mục cung cấp và lắp đặt thiết bị xây dựng hơn 16%. Do vướng mắc về việc điều chỉnh các trang thiết bị y tế, hạng mục cung cấp và lắp đặt chưa thực hiện được. Dự án ngưng thi công hơn một năm qua.

10 tháng đầu năm 2023, Facebook, Google và các 'ông lớn' nước ngoài nộp thuế hơn 8.000 tỷ đồng

Đến cuối tháng 10/2023, 74 nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có Google, Facebook, Netflix đã trực tiếp nộp thuế trên 8.000 tỷ đồng, tăng hơn hai lần so với cuối năm 2022.

10 tháng đầu năm 2023, Facebook, Google và các 'ông lớn' nước ngoài nộp thuế hơn 8.000 tỷ đồng

10 tháng đầu năm 2023, Facebook, Google và các 'ông lớn' nước ngoài nộp thuế hơn 8.000 tỷ đồng

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, số doanh nghiệp nước ngoài kê khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử tăng thêm 17 đơn vị so với cuối tháng 6. Số thuế các nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có Google, Facebook, Netflix... đã nộp là 8.020 tỷ đồng, tính từ đầu năm tới 30/10. Năm ngoái, họ nộp gần 3.480 tỷ đồng qua cổng thông tin điện tử.

Như vậy, từ tháng 3/2022 - khi cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài được vận hành, các doanh nghiệp này đã nộp gần 11.500 tỷ đồng tiền thuế.

Ngành thuế cho biết sẽ tiếp tục rà soát và đôn đốc những nhà cung cấp nước ngoài chưa đăng ký thuế và phối hợp các đơn vị khác nâng cấp cổng thông tin điện tử.

Cũng theo Tổng cục Thuế, đến 18/10, có 375 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh qua kênh này. Ngành thuế cũng tiếp nhận, xử lý hơn 5,6 tỷ hóa đơn điện tử, trong đó trên 71% là hóa đơn không mã.

Thu ngân sách nhà nước do ngành thuế quản lý lũy kế 10 tháng đầu năm thấp hơn gần 7% cùng kỳ, khi chỉ đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng. Thu từ nội địa vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 96% tổng thu ngân sách 10 tháng, ước đạt 1,15 triệu tỷ đồng…

Bình Định thu hút 72 dự án đầu tư

Tỉnh thu hút 72 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 14.700 tỷ đồng, vượt kế hoạch được giao, sau 10 tháng.

Cánh đồng điện gió ở Khu kinh tế Nhơn Hội

Cánh đồng điện gió ở Khu kinh tế Nhơn Hội

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, trong số các dự án đầu tư mới có 6 dự án FDI. Đơn vị vượt chỉ tiêu được giao hồi đầu năm (60 dự án) và đạt gần 83% chỉ tiêu lãnh đạo Tỉnh giao mới. Cùng thời gian, có 61 dự án điều chỉnh với vốn tăng thêm hơn 3.478 tỷ đồng.

Trong 72 dự án mới, có 47 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, tổng vốn đăng ký hơn 5.330 tỷ đồng. Một số dự án đáng chú ý như Nhà máy Gạch, ngói Takao do Công ty CP Takao Bình Định làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.920 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào quý IV/2024.

Dự án Nhà máy Sản xuất và chế biến gỗ Tekcom Central do Công ty CP Tekcom Central làm chủ đầu tư với vốn đăng ký 980 tỷ đồng sẽ hoạt động vào quý I/2026; Nhà máy Sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ vốn đăng ký 840 tỷ đồng do Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) làm chủ đầu tư, sẽ vận hành quý IV/2030.

Những dự án còn lại thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, bất động sản, xây dựng, hạ tầng, nông nghiệp. 6 dự án FDI đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng (toàn Tỉnh có 91 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên một tỷ USD).

Theo ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, trong các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, có một số dự án FDI và của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Các dự án khi hoạt động sẽ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, đồng thời thu hút một lượng lớn lao động chất lượng cao đến Bình Định làm việc, góp phần thúc đẩy mảng bất động sản, thương mại dịch vụ phát triển trong thời gian tới.

Thép, tấm pin mặt trời của Việt Nam bị nước ngoài tăng điều tra phòng vệ thương mại

Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, không giới hạn ở các mặt hàng kim ngạch lớn như thép, gỗ, pin mặt trời… mà mở rộng sang những sản phẩm có giá trị nhỏ.

Số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời... gia tăng

Số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời... gia tăng

Thông tin này được Bộ Công Thương cảnh báo trước tình trạng sản phẩm bị điều tra đa dạng và ngày càng khắt khe hơn ở các thị trường xuất khẩu. Tính đến nay, tổng số vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do các nước khởi kiện là 234. Riêng trong 9 tháng, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc.

Đánh giá về xu hướng này, bà Nguyễn Hằng Nga - Phó trưởng Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, các vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ.

Riêng năm 2022, Hoa Kỳ khởi xướng 11/35 vụ việc điều tra lẩn tránh với Việt Nam (gần 1/3 tổng số vụ việc điều tra lẩn tránh thuế của nước ngoài với Việt Nam từ trước tới nay). Ngoài ra, thị trường điều tra ngày càng mở rộng. Hầu hết thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam.

"Số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng nhanh, hay Mexico cũng bắt đầu điều tra khi lượng xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, cạnh tranh với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu", bà Nga nêu.

Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng. Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời… mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, giấy bọc thuốc lá, ghim dập...

Bộ Công Thương sắp nhận 4.900 tỷ đồng từ VEAM

VEAM vừa công bố nghị quyết chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 41,869%. Với số cổ phần nắm giữ chiếm tỷ lệ lớn, Bộ Công Thương sắp nhận về 4.900 tỷ đồng.

Bộ Công Thương sắp nhận 4.900 tỷ đồng từ VEAM. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương sắp nhận 4.900 tỷ đồng từ VEAM. Ảnh minh họa

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã: VEA) vừa công bố nghị quyết chi trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 41,869% (mỗi cổ phiếu sẽ nhận 4.186,9 đồng). Ngày chốt danh sách cổ đông đăng ký cuối cùng nhận cổ tức là 20/11. Thời gian thanh toán đợt chia cổ tức này dự kiến vào ngày 20/12.

Với 1,33 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEAM dự kiến sẽ chi đến gần 5.570 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức lần này.

Theo danh sách cổ đông, Bộ Công Thương đang nắm giữ 1,175 tỷ cổ phiếu, tỷ lệ 88,47%. Như vậy, Bộ Công Thương sẽ nhận hơn 4.900 tỷ đồng cổ tức từ VEAM.

Theo Báo cáo tài chính riêng công ty mẹ trong quý III/2023, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của VEAM đạt 1.116 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ do doanh thu hoạt động tài chính gồm cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị có góp vốn, lãi tiền gửi.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 7.743 tỷ đồng, tăng 33%. Trong đó, khoản lợi nhuận hơn 1.929 tỷ đồng ghi nhận từ cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị có góp vốn, lãi tiền gửi.

VEAM là doanh nghiệp hoạt động chính lĩnh vực sản xuất lắp ráp và kinh doanh ô tô, kinh doanh thương mại, đầu tư vốn vào các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực động cơ máy và nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, ô tô xe máy. Nhóm 4 công ty có doanh thu lớn đóng góp 80% cho VEAM là Disoco, Sveam, Futu1, Fomeco.

VEAM chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 40 - 50%/năm. Với số lượng cổ phiếu nắm giữ lớn, Bộ Công Thương nhận về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm từ VEAM.

Năm 2023, VEAM đặt mục tiêu doanh thu của công ty mẹ là 1.187 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 1% lên mức 5.694 tỷ đồng.

Bắt giữ 2 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng

Trong hai tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng (thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) vừa bị lực lượng chức năng bắt giữ, một tàu không có biển kiểm soát.

Lực lượng chức năng kiểm tra tàu hút cát trên sông Hồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra tàu hút cát trên sông Hồng.

Khoảng 2h30 ngày 4/11, qua công tác tuần tra, kiểm soát, Tổ công tác Đội cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Bình phối hợp với Công an huyện Hưng Hà bắt quả tang hai tàu đang có hành vi hút cát trái phép trên sông Hồng (thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà).

Hai tàu bị bắt giữ gồm: 1 phương tiện biển kiểm soát NĐ-2966 có trọng tải 801,2 tấn do P.N.H (trú xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) làm chủ và 1 phương tiện không có biển kiểm soát, vỏ xi măng (chưa xác định được trọng tải và công suất máy) do B.V.H (trú tại xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) điều khiển.

Tại thời điểm kiểm tra, các phương tiện đang thả neo cố định tàu và hút cát dưới lòng sông lên khoang chứa.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vụ việc và tạm giữ phương tiện để hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề