Bản tin thời sự sáng 6/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Tài chính lên tiếng vụ ngân hàng tự ý thu nợ 270 tỷ từ Quỹ bình ổn xăng dầu; nhà đầu tư ngoại rót tiền vào chứng khoán thấp nhất hơn 3 năm; Nghệ An sẽ sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh; hàng loạt vi phạm của TikTok tại Việt Nam…

Bộ Tài chính lên tiếng vụ ngân hàng tự ý thu nợ 270 tỷ từ Quỹ bình ổn xăng dầu

Lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết sẽ phối hợp cùng các cơ quan có thẩm quyền làm rõ việc ngân hàng tự ý thu nợ 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ bình ổn xăng dầu do doanh nghiệp mở tại ngân hàng.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang có nhiều vấn đề về quản lý

Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang có nhiều vấn đề về quản lý

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính diễn ra chiều 5/10, Phó Cục trưởng Cục quản lý Giá thuộc Bộ Tài chính Phạm Văn Bình đã lên tiếng về việc ngân hàng cấn nợ gần 270 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn giá của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Ông Bình thông tin, doanh nghiệp báo cáo về Bộ số tài khoản này là số tài khoản dành cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo ông, hiện nay, quy định tại Nghị định 95 buộc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá, đồng thời hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bằng tài khoản mở tại ngân hàng. Thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm trước pháp luật việc lựa chọn ngân hàng mở tài khoản, đảm bảo bảo toàn số dư quỹ theo đúng quy định về trích lập, chi.

Đối với trường hợp Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, thương nhân này cũng như các thương nhân đầu mối xăng dầu khác đã thực hiện theo quy định về Quỹ và báo cáo số tài khoản Quỹ bình ổn giá về Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Công tác giám sát và kiểm tra số dư quỹ này là nhiệm vụ và trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

"Thương nhân đầu mối đã gửi thông tin số tài khoản này về Bộ, đồng thời hàng tháng có báo cáo kết chuyển số dư Quỹ theo điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nội dung về sao kê tài khoản cũng thể hiện rõ nội dung liên quan việc trích lập và chi quỹ bình ổn giá này”, ông Bình khẳng định.

Về việc đòi lại gần 270 tỷ đồng bị cấn nợ từ tài khoản mà Công ty Hải Hà cho là tài khoản Quỹ bình ổn giá, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước để cùng chỉ đạo phối hợp thực hiện, rồi có văn bản gửi ngân hàng tự ý thu nợ về vấn đề này.

Nhà đầu tư ngoại rót tiền vào chứng khoán thấp nhất hơn 3 năm

Phiên giao dịch ngày 5/10, nhà đầu tư đứng ngoài quan sát thị trường, riêng khối ngoại giải ngân chưa đến 380 tỷ đồng mua cổ phiếu, thấp nhất từ tháng 8/2020.

Nhà đầu tư ngoại rót tiền vào chứng khoán thấp nhất hơn 3 năm. Ảnh minh họa

Nhà đầu tư ngoại rót tiền vào chứng khoán thấp nhất hơn 3 năm. Ảnh minh họa

Giao dịch ảm đạm là tình trạng chung của thị trường ngày 5/10. Kết thúc buổi sáng, sàn HoSE chỉ có thanh khoản gần 4.300 tỷ đồng, bằng 2/3 so với phiên sáng ngày 4/10. Giá trị giao dịch được nâng lên dần trong buổi chiều nhưng phải sau 14h mới ghi nhận mức tăng đáng kể.

Tuy nhiên chốt phiên, sàn HoSE chỉ đạt hơn 13.000 tỷ đồng tổng giá trị giao dịch, thấp hơn 13% so với phiên trước và thấp hơn 44,5% so với mức trung bình của tháng 9.

Riêng nhà đầu tư nước ngoài ngày 5/10 chỉ giải ngân gần 380 tỷ đồng mua cổ phiếu. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8/2020, tức hơn 3 năm qua. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ra hơn 1.100 tỷ đồng. Tổng lại, khối ngoại bán ròng khoảng 730 tỷ đồng, cao nhất kể từ giữa tháng 9.

Ngày 5/10 không có cổ phiếu nào được sang tay hơn nghìn tỷ đồng. SSI là mã có thanh khoản cao nhất thị trường, chỉ đạt hơn 700 tỷ đồng, trong khi nhiều phiên trước đó đều vượt nghìn tỷ đồng. Các mã có thanh khoản cao trong ngày 5/10 chủ yếu quanh 100 - 300 tỷ đồng.

Thanh khoản thấp nên đồ thị VN-Index ít biến động hơn. Chỉ số này tiếp tục dao động quanh 1.125 điểm trong buổi chiều. Đến khoảng 14h, lực bán bắt đầu xuất hiện dồn dập, trong đó có nhiều mã Bluechip, khiến VN-Index giảm điểm nhanh chóng. Chốt phiên, chỉ số này sụt gần 15 điểm, về khoảng 1.113,9 điểm.

Toàn sàn HoSE có 386 cổ phiếu giảm, cao hơn gần 4 lần so với 103 cổ phiếu tăng. Giảm điểm nhiều nhất là các ngành chứng khoán, ngân hàng và bất động sản.

Nghệ An sẽ sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh

Tỉnh Nghệ An thống nhất sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính và dân số thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh theo theo Đề án điều chỉnh đơn vị hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh.

Thị xã Cửa Lò theo lộ trình sẽ sáp nhập vào Thành phố Vinh

Thị xã Cửa Lò theo lộ trình sẽ sáp nhập vào Thành phố Vinh

Ngày 5/10, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên họp cho ý kiến về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn Tỉnh.

Theo quy định trong giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An có 1 đơn vị cấp huyện chưa đạt 70% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số thuộc diện sắp xếp là thị xã Cửa Lò. Bên cạnh đó, Nghệ An có 89 đơn vị hành chính cấp xã không đủ tiêu chuẩn thuộc diện sắp xếp, trong đó có 79 xã, 4 phường, 6 thị trấn.

Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã Cửa Lò sẽ sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính và dân số vào thành phố Vinh theo Đề án điều chỉnh đơn vị hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh.

Đối với cấp xã, có 89 đơn vị hành chính cấp xã không đủ tiêu chuẩn thuộc diện sắp xếp, trong đó có 66 đơn vị không đủ tiêu chuẩn đã được UBND các huyện, thành, thị xây dựng phương án sắp xếp; 23 đơn vị không đủ tiêu chuẩn nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do yếu tố đặc thù.

Bên cạnh đó, có 29 đơn vị hành chính liền kề đủ tiêu chuẩn nhưng thực hiện sắp xếp với đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn liền kề, trong đó có 26 đơn vị nhập toàn bộ, 3 đơn vị điều chỉnh một phần để phù hợp với địa giới hành chính.

Như vậy, toàn Tỉnh có 95 đơn vị hành chính cấp xã liên quan đến phương án sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó 66 đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn thuộc diện sắp xếp đã được UBND các huyện, thành, thị xây dựng phương án và 29 đơn vị hành chính thuộc diện liền kề.

Sau sắp xếp, thành lập 44 đơn vị hành chính mới, gồm 34 đơn vị hành chính xã và 3 phường, 7 thị trấn; trong đó có 15 đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn; 29 đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn và xin áp dụng yếu tố đặc thù. Sau sắp xếp, Nghệ An còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện; 412 đơn vị hành chính cấp xã.

Hàng loạt vi phạm của TikTok tại Việt Nam

Theo kết luận từ đoàn kiểm tra tại Việt Nam, TikTok có 7 vi phạm liên quan tới dịch vụ thương mại điện tử, nội dung độc hại, gây hại cho trẻ em.

Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kết quả kiểm tra TikTok

Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kết quả kiểm tra TikTok

Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kết quả kiểm tra TikTok tại cuộc họp chiều 5/10. Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, đại diện đoàn kiểm tra cho biết, vi phạm của TikTok tập trung vào nội dung trên mạng xã hội và hoạt động thương mại điện tử, được chia thành 7 phần chính.

Thứ nhất, nền tảng lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam tại các máy chủ CDN trong nước, gồm thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội, thông tin gây hại cho trẻ em.

Thứ hai, quy trình kiểm duyệt chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật. Theo kết luận thanh tra, cách thức phân phối, đề xuất dựa trên sự tương tác, sở thích, mối quan tâm của người dùng dễ dẫn đến việc nội dung vi phạm lại được lan truyền với tốc độ nhanh chóng.

Thứ ba, TikTok không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn thông tin bí mật, đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp hoặc thay đổi thông tin liên quan tới đời sống riêng tư; không thực hiện việc phát hiện và loại bỏ hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ. Là nền tảng cho người trên 13 tuổi, nhưng trẻ em chưa đủ tuổi vẫn có thể mở tài khoản, theo kết luận kiểm tra…

Trong việc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, TikTok có 3 vi phạm, trong đó chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop theo quy định, vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Ông Do cũng cho biết, văn phòng và công ty TikTok Việt Nam không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, mà việc này là do TikTok Singapore vận hành.

Tuy nhiên, với dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, văn phòng TikTok thực hiện thủ tục đăng ký thiết lập "sàn giao dịch thương mại" thông qua ứng dụng theo ủy quyền của TikTok Singapore, nên theo quy định về thương mại điện tử, văn phòng TikTok phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ này theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Từ những vi phạm trên, đoàn kiểm tra yêu cầu, TikTok tại Việt Nam chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật Việt Nam và cần được TikTok Singapore ủy quyền trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Chưa dừng hợp đồng BOT Quốc lộ 51

Sau 19 lần đàm phán, nhà đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 51 (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) chưa thống nhất với Cục Đường bộ Việt Nam việc chấm dứt hợp đồng trước hạn.

Xe qua trạm thu phí T1 ở Đồng Nai không bị thu phí

Xe qua trạm thu phí T1 ở Đồng Nai không bị thu phí

Bộ Giao thông vận tải vừa trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về Dự án xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn 73 km qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án này đã tạm dừng thu phí từ ngày 13/1 song đến nay vẫn chưa chấm dứt hợp đồng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, sau 19 lần đàm phán, doanh nghiệp dự án (BVEC) đã bàn giao trạm thu phí và các hạng mục công trình cho Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam) tiếp nhận, nhưng chưa thống nhất với cơ quan chức năng về việc chấm dứt hợp đồng trước hạn. Do đó, công tác bảo trì công trình không kịp thời, phát sinh hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ngày 13/9, Cục Đường bộ Việt Nam đã mời doanh nghiệp dự án tiếp tục đàm phán lần thứ 20 để hai bên thống nhất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, từ đó cơ quan quản lý đường bộ bố trí kinh phí bảo quản công trình theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tuy nhiên, doanh nghiệp dự án đề nghị hoãn để các nhà đầu tư trao đổi thống nhất nội bộ trước khi đàm phán.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, khi hai bên không chấm dứt hợp đồng thông qua đàm phán, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ căn cứ Điều 52 Luật Đầu tư theo phương thức PPP để thực hiện chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn.

Khi chưa chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp dự án vẫn có trách nhiệm tiếp tục bảo trì công trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tai nạn. Hiện Cục Đường bộ Việt Nam vẫn tăng cường tổ chức kiểm tra, chủ động phối hợp các đơn vị bảo dưỡng, duy tu, khơi thông hệ thống thoát nước và đảm bảo giao thông trên tuyến.

Nhật cấp e-visa cho khách đoàn Việt từ 1/11

Từ đầu tháng 11, Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán tại TP.HCM sẽ cấp e-visa cho đoàn du khách Việt Nam.

Đền Daigo-ji tại Kyoto vào mùa thu

Đền Daigo-ji tại Kyoto vào mùa thu

Theo thông báo trên website của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, loại thị thực được cấp theo hình thức điện tử là lưu trú ngắn hạn, nhập cảnh một lần với mục đích du lịch trong vòng 15 ngày và chỉ cấp cho người mang hộ chiếu Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam. Việc cấp thị thực điện tử bắt đầu được thực hiện lần lượt từ trong số các công ty du lịch được chỉ định tổ chức đoàn tour trọn gói (packagetour).

Nguồn tin từ Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam cho biết, ban đầu chính sách mới chưa áp dụng cho khách đi tự túc mà được áp dụng với các công ty ủy thác, sau sẽ là công ty chỉ định. Công ty chỉ định chỉ được nộp visa cho đoàn tour du lịch còn công ty ủy thác có thể được nhận nộp cho nhiều mục đích khác ngoài du lịch như đi công tác, du học. "Công ty ủy thác thường cũng là công ty chỉ định", nguồn tin từ JNTO cho biết.

Người xin cấp thị thực cần xuất trình tại sân bay hiển thị "Thông báo cấp thị thực - Visa issuance notice" trên màn hình điện thoại di động, iPad... kết nối Internet. Dữ liệu PDF, ảnh chụp màn hình hay bản cứng không được chấp nhận.

Theo JNTO, với 397.000 lượt khách trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam là một trong 7 thị trường gửi khách lớn nhất đến Nhật.

Ở chiều ngược lại, Nhật Bản cũng là một trong những thị trường gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất, với hơn 414.000 lượt 8 tháng đầu năm, đứng sau Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục và Đài Loan.

Xử phạt 350 triệu đồng Công ty CP Thủy điện Đông Nam Á Nậm Lúc ở Lào Cai

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa xử phạt Công ty CP Thủy điện Đông Nam Á Nậm Lúc (Lào Cai) số tiền 350 triệu đồng vì không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, làm sai lệch số liệu quan trắc.

Thủy điện Nậm Lúc thường xuyên tích nước gây ngập úng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Thủy điện Nậm Lúc thường xuyên tích nước gây ngập úng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Theo quyết định, Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt Công ty CP Thủy điện Đông Nam Á Nậm Lúc (có địa chỉ tại số nhà 182, đường Hoàng Liên, phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) số tiền 220 triệu đồng do không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định đối với hồ chứa và đập dâng trong 152 ngày từ tháng 1/2023 đến tháng 6/2023 tại công trình thủy điện Nậm Lúc ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Công ty CP Thủy điện Đông Nam Á Nậm Lúc còn bị phạt 130 triệu đồng do làm sai lệch số liệu quan trắc, giám sát tài nguyên nước tại công trình thủy điện Nậm Lúc trong 152 ngày từ tháng 1/2023 đến tháng 6/2023.

Tổng số tiền xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên là 350 triệu đồng.

Được biết, Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc được khởi công xây dựng vào tháng 1/2018 và hoàn thành, đi vào sử dụng cuối năm 2020. Công suất thiết kế 24MW với 2 tổ máy.

Trước đó, năm 2020, Thanh tra tỉnh Lào Cai tiến hành thanh tra đột xuất tại thủy điện này cũng đã phát hiện việc chồng lấn diện tích đất giữa Dự án Thủy điện Nậm Lúc và Dự án Thủy điện Bảo Nhai 2, khiến cho việc phân định ranh giới, thực hiện giải phóng mặt bằng còn nhập nhằng với nhiều hộ dân.

Ngoài ra, trong quá trình vận hành hoạt động, người dân thường xuyên phản ánh về việc thủy điện tích nước gây sạt lở, khiến nhiều diện tích hoa màu, đất đai bị nhấn chìm.

Chuyên đề