Bản tin thời sự sáng 6/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hợp long cầu vượt sông Hậu kết nối Trà Vinh với Sóc Trăng; TP.HCM sẽ có tuyến metro từ nội đô đến Cần Giờ; Shopee, Dược phẩm Hoa Linh, chủ chuỗi Aristino... sắp bị thanh tra; Bình Định đấu thầu 29 khu đất xây dựng đô thị, bệnh viện quốc tế…

Hợp long cầu vượt sông Hậu kết nối Trà Vinh với Sóc Trăng

Cầu Đại Ngãi 2 nằm trên quốc lộ 60, vượt cửa Trần Đề, giúp kết nối Trà Vinh với Sóc Trăng hợp long ngày 5/1, sau hơn một năm thi công.

Cầu Đại Ngãi 2 nối huyện Cù Lao Dung với đất liền Sóc Trăng

Cầu Đại Ngãi 2 nối huyện Cù Lao Dung với đất liền Sóc Trăng

Ban Quản lý dự án 85 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư) cho biết đây là 1 trong 2 hạng mục thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu. Trong đó, cầu Đại Ngãi 2 và đường dẫn 5 km phía bờ Sóc Trăng, nối huyện Cù Lao Dung với huyện Long Phú, triển khai từ tháng 12/2023. Phần cầu dài hơn 862 m, rộng 17,5m, với 13 nhịp (nhịp chính dài 330 m).

Các nhà thầu đã huy động 253 nhân sự, 91 máy móc thiết bị và triển khai 19 mũi thi công. Đến nay, công trình đạt hơn 59%, vượt tiến độ 6 tháng, cố gắng hoàn thành vào tháng 6.

Trước đó, ngày 9/12/2024, một nhánh cầu khác của Dự án là Đại Ngãi 1 được thi công, dự kiến hoàn thành năm 2028. Công trình dài 3,3 km, phần cầu chính dạng dây văng, trụ tháp chữ A cao 110 (tính từ mặt cầu), dài 2,59 km, rộng 21,5 m đi qua luồng Định An của sông Hậu. Đây là cầu dây văng lớn thứ hai cả nước, sau cầu Cần Thơ và tương đương với cầu Vàm Cống.

Dự án cầu Đại Ngãi có tổng chiều dài 15,1 km, bắc qua sông Hậu, giúp rút ngắn 80 km từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau về TP.HCM. Đây là công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Công trình có điểm đầu giao Quốc lộ 54 (xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh), điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu (xã Long Đức, huyện Long Phú, Sóc Trăng). Đây là cầu thứ tư bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ, Vàm Cống (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang).

TP.HCM sẽ có tuyến metro từ nội đô đến Cần Giờ

Tuyến đường sắt đô thị dài gần 49 km nối Quận 7 sang Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được bổ sung vào quy hoạch TP.HCM, giúp mở thêm không gian phát triển mới.

Hướng tuyến metro nối trung tâm TP.HCM xuống Cần Giờ được quy hoạch

Hướng tuyến metro nối trung tâm TP.HCM xuống Cần Giờ được quy hoạch

Thông tin được nêu trong Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Đây là tuyến đường sắt đô thị "tiềm năng" kết nối từ khu nội thành đến Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, giúp phát triển giao thông, du lịch trên địa bàn.

Tuyến metro này dài khoảng 48,7 km, bắt đầu từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (Quận 7), theo đường Nguyễn Lương Bằng, vượt sông tới đường Rừng Sác xuống Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Tuyến dự kiến liên kết với Metro số 4 (depot Nhị Bình, Hóc Môn - Khu đô thị Hiệp Phước, Nhà Bè).

Dự án được nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn 2031 - 2050, trong đó, giai đoạn đầu có thể xem xét sử dụng loại hình buýt nhanh trước khi đầu tư tàu điện.

Tại hội nghị công bố Quy hoạch TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã đề nghị Tập đoàn Vingroup xây dựng hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm Thành phố đến Cần Giờ. Ông cũng gợi ý Thành phố nên giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn để tạo thêm các động lực, nguồn lực mới thúc đẩy phát triển.

Cần Giờ cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km, là huyện duy nhất của Thành phố giáp biển với chiều dài 23 km. Địa phương có tổng diện tích hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là rừng ngập mặn và sông rạch. Nơi đây có nhiều làng nghề truyền thống và các lễ hội văn hóa đặc sắc, thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa - tín ngưỡng. Định hướng của TP.HCM đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch của Cần Giờ, xây dựng và phát triển khu đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế tại đây.

Tại Cần Giờ, Khu đô thị lấn biển diện tích 2.870 ha được quy hoạch tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Dự án có tổng mức đầu tư trên 282.800 tỷ đồng. Khi hình thành, Dự án kỳ vọng trở thành nơi sinh sống của hơn 228.000 người - gấp 3 lần dân số Cần Giờ hiện tại, thu hút gần 9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và tạo ra hơn 36.000 việc làm.

Shopee, Dược phẩm Hoa Linh, chủ chuỗi Aristino... sắp bị thanh tra

Hà Nội sẽ thanh tra Shopee và loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ thời trang, công nghệ, mỹ phẩm... về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.

Shopee, Dược phẩm Hoa Linh, chủ chuỗi Aristino... sắp bị thanh tra

Shopee, Dược phẩm Hoa Linh, chủ chuỗi Aristino... sắp bị thanh tra

Theo kế hoạch công tác thanh tra của UBND TP. Hà Nội vừa ban hành, trong năm nay, Sở Công Thương Thành phố sẽ tiến hành thanh tra 40 doanh nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp bị thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.

Theo danh sách, có một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử như Công ty TNHH Shopee - đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Shopee tại Việt Nam. Hay Công ty TNHH Công Nghệ Số Trung Trần và Công ty CP Đầu tư Công nghệ HACOM là các doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực bán lẻ thiết bị công nghệ, điện tử tại TP. Hà Nội.

Công ty CP Đầu tư K&G Việt Nam - chủ nhiều thương hiệu thời trang như Aristino, Insidemen, Bizmen..., Công ty TNHH Bán Lẻ Sammishop - chuỗi siêu thị mỹ phẩm lớn tại Việt Nam hay Công ty TNHH Thương mại và đầu tư xuất nhập khẩu Việt Nam - chủ sở hữu chuỗi bán lẻ mỹ phẩm Cocolux.

Ngoài thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử, trong năm nay, Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ thanh tra 5 doanh nghiệp về việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm.

Các đơn vị bao gồm: Công ty CP Bánh kẹo Tràng An, Công ty TNHH LIBRA Việt Nam, Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh, Công ty CP Thực phẩm Richy Miền Bắc, Công ty TNHH MTV TM và DV Bách Linh.

Bên cạnh đó, có 3 doanh nghiệp bị thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong quý II và quý III. Cụ thể, Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam, Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam dự kiến thanh tra trong quý II và Công ty TNHH GCOOP Việt Nam dự kiến thanh tra trong quý III.

Bình Định đấu thầu 29 khu đất xây dựng đô thị, bệnh viện quốc tế

Khu đô thị du lịch - văn hóa - thể thao Hồ Phú Hòa tại thành phố Quy Nhơn có diện tích gần 300 ha là 1 trong 29 khu đất được tỉnh Bình Định đưa ra đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.

Một góc khu đô thị - du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa

Một góc khu đô thị - du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa

Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, HĐND Tỉnh đã phê duyệt danh mục 29 khu đất để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án có sử dụng đất. Các dự án này bao gồm xây dựng khu đô thị, nhà ở xã hội và bệnh viện quốc tế.

Có 6 khu đất được quy hoạch cho việc xây dựng nhà ở xã hội. Tại thành phố Quy Nhơn, các dự án nhà ở xã hội bao gồm: Nhơn Phú 1 ở phường Nhơn Phú, Long Vân 1 ở phường Trần Quang Diệu, Bông Hồng ở phường Ghềnh Ráng và 1 dự án tại Khu vực 6 ở phường Bùi Thị Xuân.

Thị xã Hoài Nhơn có dự án nhà ở xã hội Hoài Châu ở xã Hoài Châu và 1 dự án tại khu vực Khu công nghiệp Nhơn Hòa, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn.

Trong giai đoạn 2025 - 2026, tỉnh Bình Định dự kiến tổ chức đấu thầu 12 khu đất để phát triển khu đô thị.

Tại thành phố Quy Nhơn, các dự án bao gồm: Khu đô thị Tường Vân 1 và Tường Vân 2 ở phường Nhơn Phú; Khu đô thị 3 thuộc khu đô thị phía đông đầm Thị Nại, ở xã Nhơn Hội và Khu đô thị - du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa tại các phường Nhơn Phú, Quang Trung và Đống Đa.

Thị xã Hoài Nhơn sẽ có các khu đô thị Bình Phú, phường Hoài Thanh Tây; Trường An, phường Hoài Thanh và khu đô thị mới phường Tam Quan Bắc.

Huyện Phù Cát sẽ phát triển Khu đô thị Cát Hải, xã Cát Hải và Khu đô thị Cát Khánh tại cụm công nghiệp chế biến thủy sản Cát Khánh.

Huyện Phù Mỹ có Tiểu khu số 10 và Khu đô thị Mỹ Thành, tại xã Mỹ Thành, cùng với Khu đô thị và du lịch biển Phù Mỹ.

Thêm vào đó, một khu đất sẽ được đấu thầu để phát triển Khu dân cư kết hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Mỹ Thành tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.

Bên cạnh các dự án đô thị, có 10 khu đất được đấu giá cho các dự án khác như Bệnh viện Quốc tế Long Vân tại Khu đô thị mới Long Vân, thành phố Quy Nhơn; Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ, sử dụng công nghệ đốt rác phát điện tại xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn; Nhà máy Điện gió Vân Canh Bình Định tại huyện Vân Canh và Chợ nông sản phía bắc tỉnh Bình Định tại thị xã Hoài Nhơn.

Đồng Nai cho thuê hơn 67 ha đất để đầu tư khu công nghiệp

UBND tỉnh Đồng Nai cho Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Sông Mây thuê hơn 67 ha đất để đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

Một góc Khu công nghiệp Sông Mây, tỉnh Đồng Nai

Một góc Khu công nghiệp Sông Mây, tỉnh Đồng Nai

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã quyết định về việc cho Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Sông Mây thuê diện tích 672.174,7 m2 (hơn 67 ha) đất, thuộc xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu và xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom.

Mục đích sử dụng là đất khu công nghiệp, để đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Sông Mây - giai đoạn 2.

Trong đó, đất công nghiệp là 420.972,2 m2, đất cây xanh là 196.869,3 m2 và đất giao thông là 54.333,2 m2. Thời hạn sử dụng đất đến ngày 18/11/2057. Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, giá tính tiền thuê đất phải nộp là 1,8 triệu đồng/m2.

Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 31 khu công nghiệp đang hoạt động; Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành đang triển khai, Khu công nghiệp Long Đức 3 đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trong 31 khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy hơn 86% diện tích đất cho thuê, phần diện tích còn lại khoảng 752 ha nằm rải rác trong nhiều khu và bị vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Hàng trăm công trình chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng ở TP.HCM

TP.HCM đang có 211 công trình chưa thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC, 122 công trình đã thẩm duyệt nhưng chưa được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu đã đưa vào sử dụng.

Chung cư Nguyễn Quyền ở quận Bình Tân, TP.HCM được đưa vào sử dụng hơn chục năm nay nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.

Chung cư Nguyễn Quyền ở quận Bình Tân, TP.HCM được đưa vào sử dụng hơn chục năm nay nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý trật tự xây dựng và đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy cho nhà ở và công trình.

Theo UBND TP.HCM, qua rà soát, trên địa bàn hiện còn 333 cơ sở, công trình chưa được thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng.

Trong đó có 211 cơ sở, công trình chưa thực hiện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, 122 cơ sở, công trình đã thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy nhưng chưa được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã được đưa vào sử dụng.

Các cơ sở, công trình nêu trên thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy, đồng thời thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Bên cạnh đó, trên địa bàn TP.HCM còn nhiều công trình nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê cần quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy chữa cháy.

Để đảm bảo công tác quản lý trật tự xây dựng và công tác phòng cháy chữa cháy cho nhà ở và công trình, Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao các đơn vị có liên quan tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về công tác phòng cháy chữa cháy với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh và tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, công trình có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ.

Kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, chất lượng công trình xây dựng, trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy; quản lý việc chuyển đổi công năng sử dụng của công trình hoặc một phần công trình theo đúng quy định.

"Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm về đất đai, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật", văn bản nêu.

Phát hiện hơn 3.000 mỹ phẩm nhập lậu từ Trung Quốc tại Đà Nẵng

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng vừa phát hiện một hộ kinh doanh chứa gần 3.300 đơn vị mỹ phẩm nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu.

Lô hàng hóa có giá trị khoảng 39 triệu đồng

Lô hàng hóa có giá trị khoảng 39 triệu đồng

Trong cuộc kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh M.P.T.T trên địa bàn quận Thanh Khê, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT Đà Nẵng đã phát hiện 3.292 sản phẩm là mỹ phẩm các loại do Trung Quốc sản xuất gồm chai xịt tóc, dầu gội, mặt nạ dưỡng da.

Toàn bộ hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, với tổng giá trị 39 triệu đồng.

Lực lượng chức năng còn phát hiện hộ kinh doanh này đang bày bán nước hoa gắn thương hiệu Gucci, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện hộ này có hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.

Đội QLTT số 3 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo quy định, đồng thời hoàn thiện hồ sơ, trình cấp thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh nêu trên theo quy định pháp luật.

Trước đó, Đội QLTT số 1 tại Cục QLTT Đà Nẵng cũng kiểm tra đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên địa bàn quận Hải Châu có hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử; thu xử phạt nộp ngân sách Nhà nước 103 triệu đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư