Bản tin thời sự sáng 5/9

(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam nhận gần 40 giải thưởng du lịch châu Á 2024; lũ cát đỏ tràn xuống đường nối Phan Thiết - Mũi Né; thông xe đường Tên Lửa, xóa nút cổ chai phía Tây TP.HCM; xe tải biến dạng sau va chạm với tàu SE4 hành trình TP.HCM - Hà Nội…

Việt Nam nhận gần 40 giải thưởng du lịch châu Á 2024

Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) khu vực châu Á vinh danh tại gần 40 hạng mục quan trọng.

Pháo hoa mừng Quốc khánh trên sông Sài Gòn

Pháo hoa mừng Quốc khánh trên sông Sài Gòn

Tại thủ đô Manila, Philippines, Việt Nam được WTA vinh danh tại hạng mục Điểm đến hàng đầu châu Á 2024 (Asia's Leading Destination 2024) và là lần thứ 4 liên tiếp giành được danh hiệu này. Ngoài ra, Việt Nam còn thắng thêm hai giải khác là Điểm đến Di sản và Điểm đến có thiên nhiên đẹp hàng đầu châu Á.

Nhiều tỉnh thành và điểm du lịch tại Việt Nam cũng được WTA đánh giá cao và trao các giải thưởng quan trọng. Hà Nội lần thứ ba liên tiếp thắng giải Điểm đến cho kỳ nghỉ ngắn ngày và Thành phố hàng đầu châu Á.

TP.HCM năm nay được vinh danh "Điểm đến hàng đầu châu Á" ở hai hạng mục: Du lịch kết hợp công tác, lễ hội và sự kiện cùng giải thưởng Thành phố quản lý du lịch hàng đầu châu Á (năm 2023, giải thưởng này thuộc về Hà Nội).

Hà Giang lần đầu được công nhận Điểm đến Văn hóa địa phương hàng đầu châu Á. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam được xướng tên ở hạng mục Cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu; Hội An lần thứ 5 nhận danh hiệu Thành phố văn hóa, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là Sân bay địa phương hàng đầu; Vietravel nhận ba giải thưởng về lữ hành và điều hành tour.

Giống Hà Giang, năm nay Hà Nam cũng là cái tên mới xuất hiện tại WTA và được vinh danh ở hạng mục Thành phố du lịch mới nổi hàng đầu châu Á. Khu du lịch Tam Chúc lần thứ hai liên tiếp đạt giải thưởng Điểm du lịch Văn hóa hàng đầu châu Á. Sun World Ba Na Hills là công viên chủ đề hàng đầu. Mộc Châu lần thứ hai liên tiếp nhận giải Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới.

Hàng chục khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp tại các tỉnh thành ở Việt Nam cũng được vinh danh. InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đạt giải khu nghỉ dưỡng xanh; Capella Hà Nội là khách sạn boutique sang trọng còn Banyan Tree Lăng Cô là khu nghỉ dưỡng ven biển sang trọng hàng đầu châu Á.

Năm nay, WTA khu vực châu Á trao cho Việt Nam gần 40 giải thưởng. Năm 2023, Việt Nam được vinh danh tại 45 hạng mục.

Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) ra đời năm 1993, là giải thưởng uy tín được công nhận trên toàn thế giới và được ví như "Oscar của ngành du lịch". Năm nay là lần thứ 31 WTA diễn ra.

Lũ cát đỏ tràn xuống đường nối Phan Thiết - Mũi Né

Sau mưa lớn, nước lũ kèm theo cát đỏ từ phía đồi tiếp tục tràn xuống đường, uy hiếp người đi đường trên tuyến nối trung tâm Phan Thiết ra Mũi Né, chiều 4/9.

Lũ cát đỏ tràn xuống đường nối Phan Thiết - Mũi Né

Lũ cát đỏ tràn xuống đường nối Phan Thiết - Mũi Né

13h ngày 4/9, nước lũ từ phía trên các dự án bất động sản trên đường 706B lại đổ ào ạt xuống phía dưới, xé toạc các khu đất trống, mang theo cát đỏ tràn xuống đường Nguyễn Thông, TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Giao thông trên tuyến ven biển nối trung tâm Phan Thiết ra khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né tại phường Phú Hài bị ảnh hưởng, ách tắc cục bộ. Các loại xe qua đây lo ngại mất an toàn đã tự quay đầu đi vòng lên đường 706B (ở phía trên song song đường Nguyễn Thông) để ra hướng Mũi Né và ngược lại.

UBND TP. Phan Thiết đã điều động nhân lực và xe múc, xe ben ra hiện dọn dẹp hiện trường. Sau khoảng 30 phút, giao thông qua khu vực thông suốt trở lại.

Hôm 27/7, đường du lịch ra Mũi Né đã bị ách tắc nhiều giờ tại đoạn này. Cát đỏ ngập tràn cao gần 1 m, kéo dài trên đoạn đường hơn 20 m. Một số ôtô cố vượt qua bị mắc kẹt trong bùn cát. Cát đỏ còn tràn vào hàng quán ven đường, vùi lấp bàn ghế, đồ đạc, gây thiệt hại tài sản và đình trệ công việc làm ăn.

Tình trạng này sau đó lại liên tiếp xảy ra, nhưng mức độ ít hơn, gần nhất là vào trưa 3/9. Nguyên nhân được xác định do nước dồn lại ở phía đường 706B sau mưa lớn, nhưng cống thoát tại đây chưa được đấu nối vào hệ thống thoát ra biển ở hạ lưu, do dự án này chưa thi công xong; nước dồn lại ở khu đất trống phía trên đường Nguyễn Thông hình thành lũ cát tràn xuống.

Trong khi chờ dự án thoát nước ở hạ lưu hoàn tất, chiều 4/9, UBND TP. Phan Thiết đã cho triển khai biện pháp khắc phục tạm thời. Theo đó, đơn vị thi công sẽ múc đất, đắp bờ, nắn dòng phía sau cống thoát đường 706B, để khi mưa lớn, nước tỏa đều ra rừng cây xung quanh đồi, giảm lực và ngăn nước tích tụ hình thành dòng gây lũ cát tràn xuống đường Nguyễn Thông cách 250 m.

Thông xe đường Tên Lửa, xóa nút cổ chai phía Tây TP.HCM

Khoảng 300 m đường Tên Lửa, quận Bình Tân (TP.HCM) được mở rộng lên 40 m, 6 làn xe, nối thông ra Tỉnh lộ 10 giúp xóa cảnh kẹt xe, ngập úng kéo dài nhiều năm.

Đoạn cuối đường Tên Lửa được thông xe

Đoạn cuối đường Tên Lửa được thông xe

Đoạn nâng cấp dài 300 m, từ nút giao với đường số 29 đến Tỉnh lộ 10, thông xe sáng 4/9 sau khoảng 5 tháng thi công. Khu vực này trước đây là các hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, được nâng cấp thành đường rộng 6 làn xe cùng hệ thống vỉa hè, thoát nước, chiếu sáng...

Dự án có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây lắp chiếm phần nhỏ với khoảng 40 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Đường Tên Lửa dài khoảng 2,7 km từ nút giao Kinh Dương Vương đến Tỉnh lộ 10. Tên gọi tuyến đường này xuất phát từ việc có một đơn vị tên lửa của quân đội về bố phòng ở đây sau năm 1975. Người dân quen gọi và sau đó trở thành tên đường chính thức là Tên Lửa. Hiện đây là một trong những trục giao thông quan trọng ở Bình Tân, gần các tuyến lớn khác như Mã Lò, Trần Văn Giàu, Quốc lộ 1...

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Chủ đầu tư), công trình bắt đầu thi công từ tháng 4, kế hoạch hoàn thành cuối tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, các đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm hơn 2 tháng để người dân thuận tiện đi lại. Khu vực triển khai dự án có trường học, nên việc cho thông xe đoạn đường trên trước ngày khai giảng cũng tạo thuận lợi cho học sinh, phụ huynh đến trường.

"Dự án nâng cấp đường Tên Lửa tạo kết nối trực tiếp hai trục giao thông lớn ở khu vực là Kinh Dương Vương và Tỉnh lộ 10, góp phần giảm ùn tắc, ngập úng do thời gian thiếu hệ thống thoát nước", đại diện Chủ đầu tư nói.

Xe tải biến dạng sau va chạm với tàu SE4 hành trình TP.HCM - Hà Nội

Băng qua đường sắt khi có đèn cảnh báo và còi hú, xe tải chở phế liệu bị tàu SE4 hành trình TP.HCM - Hà Nội tông biến dạng.

Xe tải dính chặt vào tàu hỏa sau tai nạn

Xe tải dính chặt vào tàu hỏa sau tai nạn

5h20 ngày 4/9, tàu SE4 di chuyển tới trước cửa số nhà 486, đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì (TP. Hà Nội) thì va chạm với xe tải đang băng qua đường sắt để vào Tổng kho 6.

Cú va chạm khiến xe tải gần như gãy đôi, dính chặt vào tàu hỏa, hàng hóa rơi vãi. Tài xế bị thương, được người dân đưa đi cấp cứu. Đầu máy tàu SE4 bị hỏng, ít nhất 3 toa tàu bị ảnh hưởng, 1 cột đèn báo hiệu bị đổ.

Ngay sau tai nạn, nhân viên đường sắt đã tổ chức phòng vệ hai đầu và cử người xuống giải quyết. Đến 7h05, xe tải được cẩu khỏi hiện trường. Giao thông thông suốt sau đó khoảng 10 phút.

Vị trí xảy ra tại nạn có biển cảnh báo chú ý tàu hỏa và đèn báo hiệu đỏ sáng nháy, không có barie.

Tàu SE4 rời Hà Nội đi TP.HCM lúc 19h ngày 2/9, trên đường trở về thì gặp nạn.

Khánh Hòa thu hút 14 dự án mới hơn 10.600 tỷ đồng

8 tháng đầu năm 2024, Khánh Hòa thu hút được 14 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký hơn 10.600 tỷ đồng.

Khánh Hòa thu hút 14 dự án mới hơn 10.600 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Khánh Hòa thu hút 14 dự án mới hơn 10.600 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, địa phương còn có 3 dự án hiện hữu với vốn đầu tư lớn trên 1.000 tỷ đồng như Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Dốc Đá Trắng của Công ty TNHH Viglacera Yên Mỹ, với tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng; Khu đô thị hành chính huyện Diên Khánh của Công ty CP Đầu tư VCN, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.012 tỷ đồng; Khu đô thị cao cấp Cổ Mã, vốn đầu tư hơn 5.970 tỷ đồng.

Đồng thời, Khánh Hòa có 6 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn đăng ký đầu tư tăng gần 7.900 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến 15/8, Khánh Hòa có 1.271 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 0,16% so cùng kỳ năm trước; với tổng số vốn đăng ký hơn 8.474 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tính đến nay đạt 6,7 tỷ đồng, tăng 13,88%.

Theo Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, 8 tháng năm 2024, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý được hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 26,02% so cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh hơn 1.800 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch và tăng hơn 34% do địa phương triển khai nhiều dự án có vốn đầu tư lớn; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện hơn 900 tỷ đồng, bằng 46,5% kế hoạch và tăng 27,31% do nhiều nơi đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn. Vốn ngân sách nhà nước cấp xã hơn 156 tỷ đồng, bằng 50,58% kế hoạch và giảm 29,83%.

Về thực hiện và giải ngân đầu tư công, đến hết ngày 31/7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt khoảng 24,5% so với kế hoạch Thủ tướng giao; nếu so với kế hoạch vốn được UBND Tỉnh giao thực tế, tỷ lệ giải ngân đạt 29,9%.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Khánh Hòa chưa đạt theo yêu cầu. Địa phương vẫn cam kết với Thủ tướng sẽ đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ hơn 95% vào cuối năm nay.

Khởi thông tuyến vận tải bộ cố định Nam Ninh (Trung Quốc) - Hạ Long (Việt Nam)

Tuyến vận tải hành khách đường bộ TP. Nam Ninh và TP. Hạ Long qua Lối thông quan cầu Bắc Luân II (tỉnh Quảng Ninh) vừa đi vào hoạt động.

Hành khách từ trên chuyến xe kết nối Nam Ninh và Hạ Long

Hành khách từ trên chuyến xe kết nối Nam Ninh và Hạ Long

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, tuyến vận tải này dành cho khách từ Trung Quốc, được Sở Giao thông Vận tải Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây và Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh cấp phép cho Công ty TNHH Vận tải Tập đoàn Tuyến quốc gia mới (Trung Quốc) và Công ty CP Tập đoàn hữu nghị Việt Trung Toàn Cầu (Việt Nam) phối hợp thực hiện.

Theo đơn vị tổ chức tuyến, khách từ Trung Quốc sang Hạ Long thực hiện thủ tục nhập cảnh như bình thường, khách dùng giấy thông hành ở lại trong ngày, khách có visa lưu trú tùy theo hạn mức visa.

Việc thử nghiệm tuyến vận tải cố định đã được triển khai cách đây 3 tháng với điểm đầu là ga hành khách Phong Linh (Nam Ninh, Trung Quốc) và điểm cuối là bến xe khách Bãi Cháy (Quảng Ninh).

Tuyến đường đi qua gồm đường cao tốc G75 Lan Hải, đường cao tốc G7511 Tần Đông - Đông Hưng - cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) - cửa khẩu Móng Cái - đường cao tốc Móng Cái - Hạ Long - Bãi Cháy - Hạ Long (Việt Nam).

Hành trình sẽ khởi hành từ phía Trung Quốc vào 11h (giờ Bắc Kinh), các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy hằng tuần, tần suất một chuyến/ngày. Thời gian đến bến xe Bãi Cháy vào 14h30 (giờ Việt Nam).

Tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng mở thêm tuyến vận tải từ Trung Quốc sang sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của du khách đến với TP. Hạ Long, nhằm phát triển du lịch tỉnh này.

Thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, trong 4 ngày nghỉ lễ từ 31/8 - 3/9, các điểm du lịch trong tỉnh đón trên 455.000 lượt, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023; khách lưu trú đạt 174.200 lượt, tăng 16% so với cùng kỳ năm. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.033 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023.

Gojek rút khỏi Việt Nam từ ngày 16/9

Hãng gọi xe Indonesia thông báo từ 16/9 đóng cửa hoạt động tại Việt Nam sau 6 năm kinh doanh tại đây.

Tài xế Gojek tại Việt Nam

Tài xế Gojek tại Việt Nam

Gojek cho biết, công ty mẹ là Tập đoàn GoTo (Indonesia) ra quyết định này khi đánh giá lại sự hiện diện trên thị trường để tối ưu hóa tăng trưởng. Quyết định này nhằm củng cố hoạt động kinh doanh và phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty.

Gojek được thành lập năm 2010, ban đầu tập trung vào các dịch vụ chuyển phát và gọi xe, trước khi ra mắt ứng dụng vào tháng 1/2015 tại Indonesia. Từ đó, Gojek phát triển trở thành nền tảng dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu nước này, mở rộng hoạt động sang thị trường Việt Nam vào năm 2018 với tên gọi GoViet.

Từ năm 2020, GoViet hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek. Trước khi chính thức dừng hoạt động giữa tháng này, Gojek đã đổi tổng giám đốc 4 lần. Họ cung cấp các dịch vụ gồm chở người bằng xe 2 bánh (GoRide), ôtô (GoCar), giao thức ăn (GoFood) và giao hàng (GoSend) tại Việt Nam.

Gojek hoạt động ở TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai trước khi dừng hoạt động.

Trước đó, Gojek đã rút khỏi Thái Lan vào 2021. GoTo hiện tập trung vào thị trường quê nhà và Singapore. Tại Indonesia, tổng giá trị các giao dịch (GTV) và số lượng đơn hàng hoàn thành tại Gojek vào quý II tăng lần lượt 18% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Tuyên án vụ sai phạm đấu giá đất ở huyện Đông Anh (Hà Nội)

Bà Nguyễn Thị Loan là người duy nhất trong số 11 bị cáo phải nhận án tù giam trong vụ “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” liên quan đấu giá đất ở huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Các bị cáo đứng nghe tuyên án

Các bị cáo đứng nghe tuyên án

Ngày 4/9, TAND TP Hà Nội đã tiến hành tuyên án bà Nguyễn Thị Loan và 10 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, liên quan tới quá trình xác định giá, bán đấu giá dự án tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Ở phần tuyên án, bà Nguyễn Thị Loan là người duy nhất không được hưởng án treo. HĐXX tuyên phạt bà Loan 36 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản". Tất cả 10 bị cáo còn lại đều được hưởng án treo. Trong đó, thấp nhất là 15 tháng tù treo và cao nhất là 36 tháng tù treo.

HĐXX đánh giá hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước, gây mất trật tự trị an và thiệt hại kinh tế. Trong vụ án, HĐXX đánh giá bị cáo Nguyễn Thị Loan giữ vai trò cao nhất, nên cần áp dụng mức hình phạt cao hơn các bị cáo khác.

Theo cáo trạng, quá trình định giá đất để xác định giá khởi điểm làm cơ sở tổ chức đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã để xảy ra nhiều sai phạm.

Một số cán bộ huyện Đông Anh và đơn vị thẩm định giá đã không định giá đất khách quan mà thống nhất cố ý hạ giá trị khu đất để ban hành Chứng thư định giá đất không đúng với giá trị thực tế, làm sai lệnh giá khởi điểm đưa vào đấu giá (18,2 triệu đồng/m2).

Quá trình đấu giá, bà Nguyễn Thị Loan bị cáo buộc sử dụng 3 pháp nhân tham gia đấu giá, cùng nhau trả giá theo kịch bản đã lên từ trước, giúp Công ty Bắc Từ Liêm trúng đấu giá với mức giá hơn 326 tỷ đồng, tương đương hơn 20,1 triệu đồng/m2.

Cơ quan tố tụng xác định bị cáo Loan đã có hành vi thông đồng dìm giá đất để trúng đấu giá với mức giá thấp, khiến ngân sách Nhà nước thiệt hại hơn 135 tỷ đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư