Bản tin thời sự sáng 5/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Đức viện trợ Việt Nam 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca; đề xuất thu tối đa 1.500 đồng/km tại 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam đầu tư công; Đà Nẵng cấp giấy đi đường trực tuyến từ 8h ngày 5/9; Samsung dự định mở rộng nhà máy tại Việt Nam; Sân bay Vân Đồn đón chuyến bay thí điểm “Hộ chiếu vaccine” đầu tiên từ Nhật Bản; Công an Hà Nội phát hiện hơn 30.300 viên thuốc điều trị Covid-19 không nguồn gốc…

Đức viện trợ Việt Nam 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca

Chính phủ Đức viện trợ 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca để hỗ trợ Việt Nam ứng phó đợt bùng phát Covid-19.

Đức viện trợ Việt Nam 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca

Đức viện trợ Việt Nam 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca

Quyết định trên được Chính phủ Đức vừa đưa ra, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao. Đức trước đó cũng thông báo tặng Việt Nam lô trang thiết bị y tế gồm 75 máy thở, 15 màn hình điều trị bệnh và 20.000 máy đo nồng độ oxy.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tiếp cận được nhiều nguồn vaccine được Chính phủ Việt Nam xác định là giải pháp và ưu tiên cấp bách để có thể triển khai chiến dịch tiêm chủng mở rộng nhanh và hiệu quả, góp phần sớm kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Viện trợ của Chính phủ Đức hiện là sự hỗ trợ lớn nhất của một nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đối với Việt Nam. Đây là kết quả của sự vận động tích cực ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, gồm việc Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư và điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, cũng như các nỗ lực vận động mà Tổ công tác Chính phủ về ngoại giao vaccine, các bộ, ngành và cơ quan đại diện Việt Nam tại Đức đã triển khai trong thời gian qua.

Đức là một trong những nước tài trợ lớn nhất cho cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX với tổng cam kết đóng góp trị giá 2,6 tỷ USD. Dự kiến đến cuối năm 2021, Đức sẽ tài trợ 30 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển.

Đề xuất thu tối đa 1.500 đồng/km tại 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam đầu tư công

Với 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ hoàn thành vào cuối năm nay tới đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất mức thu từ 1.000 - 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn (xe 12 chỗ ngồi) tuỳ đoạn.

Bộ GTVT đề xuất thu tối đa 1.500 đồng/km tại 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam đầu tư công. Ảnh minh họa

Bộ GTVT đề xuất thu tối đa 1.500 đồng/km tại 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam đầu tư công. Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa xây dựng xong phương án thu phí để thu hồi vốn đối với các đoạn cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020, và đang lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng.

Theo đó, trong 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam đang triển khai thi công, có 8 đoạn đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, kiến hoàn thành từ cuối năm nay đến đầu năm 2023, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2. Các dự án này có tổng vốn đầu tư ngân sách trên 65.268 tỷ đồng.

Do đó, để thu hồi vốn đầu tư, Bộ GTVT đề xuất mức thu phí từ 1.000 - 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn (xe dưới 12 chỗ ngồi) tùy từng tuyến. Các trạm thu phí trên tuyến sẽ thu phí tự động không dừng.

Bộ GTVT đánh giá, mức thu trên tương ứng với mức phí tại các tuyến cao tốc đang khai thác, khả năng chi trả của người dân (hiện các tuyến cao tốc đang thu phí mức từ 1.000 - 2.100 đồng/km/xe tiêu chuẩn).

Với mức phí trên, sau khi trừ chi phí vận hành, bảo dưỡng, bình quân 5 năm (2025 - 2030) ngân sách sẽ thu được khoảng 2.130 tỷ đồng/năm từ 8 tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Số tiền này sẽ giúp phát triển thêm hệ thống đường cao tốc, vừa giảm gánh nặng ngân sách cho việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường.

Bộ GTVT kiến nghị giao Tổng cục Đường bộ là đơn vị quản lý tài sản, trực tiếp tổ chức khai thác, đấu thầu chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí.

Đà Nẵng cấp giấy đi đường trực tuyến từ 8h ngày 5/9

Công nhân, công chức, viên chức... được cấp giấy có mã QR Code để đi đường trong thời gian thành phố tiếp tục cách ly xã hội.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường ngày đầu Đà Nẵng cách ly xã hội "cao hơn chỉ thị 16"

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường ngày đầu Đà Nẵng cách ly xã hội "cao hơn chỉ thị 16"

Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết đã hướng dẫn các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn cấp giấy đi đường trực tuyến; thời gian áp dụng từ 8h ngày 5/9.

Có hai địa chỉ đăng ký giấy đi đường, gồm web giaydiduong.danang.gov.vn và tải ứng dụng eTicket-DaNang trên điện thoại thông minh. Người đăng ký thành công được cấp mã QR Code để in ra giấy (lưu lại một bản ở cơ quan, đơn vị). Công an sẽ lập các chốt kiểm soát cứng, tuần tra lưu động.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết ứng dụng cho phép thực hiện các bước đăng ký, phê duyệt, cấp giấy đi đường QR Code và nhận giấy đều trực tuyến. Thành phố dựa trên dữ liệu để kiểm tra, xử lý các hành vi đăng ký, cấp và sử dụng không đúng giấy đi đường.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được phép hoạt động mới có quyền đăng ký người tham gia giao thông, đến nơi làm việc và trở về nhà; số lượng khống chế từ 30 đến 50%; nếu đáp ứng 3 tại chỗ thì một số lĩnh vực được tối đa 70% lao động.

Để thuận lợi cho việc giám sát, Đà Nẵng yêu cầu người đăng ký giấy đi đường phải cung cấp thông tin biển số xe dùng để đi lại thường xuyên; chi tiết mục đích đi lại và thông tin về nơi cư trú. Người đang ở vùng đỏ không được cấp giấy đi đường.

Đối với doanh nghiệp thay ca hoặc thay đổi nhân viên, giấy đi đường đã cấp trước đó phải được thu hồi và cập nhật danh sách nhân viên mới…

Sân bay Vân Đồn đón chuyến bay thí điểm “Hộ chiếu vaccine” đầu tiên từ Nhật Bản

Chiều 4/9, sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đón chuyến bay đầu tiên thí điểm chương trình cách ly y tế 7 ngày của bộ Y tế. Toàn bộ hành khách trên chuyến bay đều đã tiêm 2 mũi vaccine.

Những hành khách có hộ chiếu vaccine đầu tiên nhập cảnh sân bay Vân Đồn

Những hành khách có hộ chiếu vaccine đầu tiên nhập cảnh sân bay Vân Đồn

Chuyến bay mang số hiệu VN5311 chở 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản đã hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh. Sau khi nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn, hành khách đã di chuyển về khách sạn Novotel Hạ Long (Quảng Ninh) thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày (rút ngắn 7 ngày so với quy định bình thường).

Là chuyến bay đầu tiên áp dụng thí điểm chương trình cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế, toàn bộ hành khách trên chuyến bay cần đáp ứng đủ 2 điều kiện: tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận.

Các chuyến bay đưa khách quốc tế về Việt Nam áp dụng hình thức thí điểm cách ly y tế 7 ngày sẽ tạo tiền đề cho việc mở rộng phạm vi, hướng tới những người có nhu cầu đi lại thực sự và đảm bảo các yêu cầu theo quy định.

Dự kiến, ngày 12/9 sân bay Vân Đồn sẽ đón chuyến bay tiếp theo đưa các công dân hồi hương từ Hoa Kỳ.

Samsung dự định mở rộng nhà máy tại Việt Nam

Trước nhu cầu smartphone gập tăng đột biến, Samsung sẽ thực hiện dự án mở rộng nhà máy ở Bắc Ninh, dự kiến tăng 50% năng suất hoạt động.

Nhà máy Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh nhìn từ trên cao

Nhà máy Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh nhìn từ trên cao

Hãng công nghệ Hàn Quốc Nhận thấy dòng smartphone gập có thể trở thành vũ khí để cạnh tranh với Apple và Xiaomi, Công ty Samsung Electronics sẽ tăng năng suất hoạt động đối với các sản phẩm như Samsung Galaxy Z Fold 3 và Z Flip 3.

Đơn vị sản xuất màn hình Samsung Display có dự án mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh trong nửa cuối năm nay, mục tiêu đưa vào hoạt động toàn bộ vào cuối năm hoặc chậm nhất là đầu năm sau. Các chuyên gia cho rằng một khi Samsung hoàn thành mở rộng nhà máy này, công ty sẽ có thể sản xuất 10 triệu chiếc Z Fold và 15 triệu chiếc Z Flip mỗi năm.

Quyết định mở rộng nhà máy của Samsung chủ yếu do nhu cầu thị trường tăng cao. Smartphone mẫu gập lại thế hệ thứ ba của hãng ghi nhận 920.000 đơn hàng đặt trước tại Hàn Quốc, gấp 1,8 lần so với mẫu trước đó Galaxy S21. Số lượng đặt trước cho bộ đôi Z Fold và Z Flip ở Trung Quốc thậm chí còn cao hơn với trên 1 triệu đơn. Số lượng đơn hàng đặt trước ở Mỹ cũng vượt qua mẫu "đàn anh" trước đó.

Đến thế hệ thứ ba, Samsung mới thành công trong việc sản xuất smartphone màn hình gập. Chỉ với hai tháng qua, Samsung đã sản xuất hơn 3 triệu chiếc Galaxy Z Fold 3 và Z Flip 3 để đáp ứng nhu cầu tăng cao, bằng cách vận hành các nhà máy hết công suất 1,5 triệu chiếc mỗi tháng.

Tại Việt Nam, Samsung có 6 nhà máy và đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển. Samsung đã đầu tư hơn 17,7 tỷ USD vào Việt Nam và hiện có 110.000 cán bộ, nhân viên với kim ngạch xuất khẩu trị giá hơn 56 tỷ USD năm 2020.

Dự kiến cuối năm 2022, Samsung sẽ khánh thành trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội, đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam. Dự kiến, khoảng 3.000 kỹ sư người Việt Nam làm việc tại đây.

Lâm Đồng đón gần 300 thai phụ từ 11 tỉnh, thành có dịch Covid-19 về quê

Ngày 4/9, ba chuyến bay chở thai phụ ở 11 tỉnh, thành đang có dịch Covid-19, xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất đã đáp xuống sân bay Liên Khương, Lâm Đồng.

Lâm Đồng đón gần 300 thai phụ từ 11 tỉnh, thành có dịch Covid-19 về quê

Lâm Đồng đón gần 300 thai phụ từ 11 tỉnh, thành có dịch Covid-19 về quê

Chuyến bay đầu tiên đã đáp an toàn xuống sân bay Liên Khương vào lúc 10h ngày 4/9. Đây là chuyến mở đầu cho chương trình đưa các phụ nữ mang thai là người Lâm Đồng đang ở các tỉnh, thành giãn cách xã hội trở về địa phương.

Bà Lê Thị Thêu, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng, cho biết theo kế hoạch, hôm nay Lâm Đồng đón về quê khoảng 533 người, trong đó có 297 thai phụ và 236 người thân đi kèm. Toàn bộ tiền vé máy bay do tỉnh chi trả từ nguồn xã hội hóa.

Theo quy định, những người được đón về là phụ nữ mang thai từ 6 tháng trở lên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lâm Đồng đang sống, làm việc tại 11 tỉnh, thành phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều nhất là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu có nguyện vọng về sinh con tại địa phương.

Theo quy định, các công dân được đón về phải có phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ, chấp hành nghiêm quy định cách ly tập trung sau khi về đến địa phương.

Hệ thống kiểm tra y tế tại sân bay hoạt động hết công suất từ khu vực đoàn thai phụ vừa bước xuống máy bay cho tới phía sảnh trước.

Tất cả 12 huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng đều chuẩn bị xe đón đoàn phụ nữ mang thai trở về địa phương tại sân bay. Họ sẽ được chở thẳng đến khu cách ly tập trung để cách ly thêm 14 ngày trước khi trở về với gia đình.

Trong chiều 4/9, có thêm 2 chuyến bay chở các phụ nữ mang thai về đến tỉnh Lâm Đồng.

Đồng Tháp tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15/9

Đây là giai đoạn thứ 5, kể từ ngày 14/7 đến nay tỉnh Đồng Tháp áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Đồng Tháp tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15/9

Đồng Tháp tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15/9

Ngày 4/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, ký quyết định tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo quyết định này, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giãn cách đến ngày 15/9. Các sở ban ngành, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách đảm bảo mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9.

Người đứng đầu UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường tầm soát diện rộng nhằm hạn chế bỏ sót và nhanh chóng tách hết F0 ra khỏi cộng đồng. Các tiểu ban có giải pháp kéo giảm số ca mắc trong các khu cách ly, khu phong tỏa và kéo giảm ca chuyển biến nặng và tử vong.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong lưu ý chấn chỉnh, củng cố hoạt động các đường dây nóng ở cấp xã, bố trí người trực 24/24h, ghi nhận, báo cáo và xử lý đầy đủ, kịp thời các kiến nghị của người dân. Các địa phương đảm bảo thực hiện nghiêm quy định giãn cách theo Chỉ thị 16 và đẩy mạnh hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản cho người dân.

Đồng Tháp là địa phương này có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao thứ 3 ở miền Tây, sau Tiền Giang (10.838 ca) và Long An (25.541 ca).

Công an Hà Nội phát hiện hơn 30.300 viên thuốc điều trị Covid-19 không nguồn gốc

Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội phát hiện hai vụ buôn bán 30.300 viên thuốc "điều trị Covid-19" không rõ nguồn gốc.

Số thuốc chữa Covid- 19 bị phát hiện

Số thuốc chữa Covid- 19 bị phát hiện

Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội phát hiện một phụ nữ ở Thanh Trì tàng trữ tàng trữ 55 hộp loại 40 viên một hộp và 210 hộp loại 10 viên một hộp. Sau đó, một người ở quận Cầu Giấy bị phát hiện tàng trữ 400 hộp loại 40 viên một hộp và 50 hộp thuốc loại 200 viên một hộp. Tổng giá trị hai lô hàng khoảng 2 tỷ đồng.

Công an Hà Nội cho biết vào thời điểm bị kiểm tra, cả hai không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc số thuốc và hoá đơn liên quan. Họ khai nhập thuốc được cho là "điều trị Covid-19" về rao bán kiếm lời.

Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội cho biết, lợi dụng tình hình Covid-19 phức tạp nhiều người đã nhập lậu các mặt hàng không rõ nguồn gốc bán kiếm lời. Họ thường dùng mạng xã hội để rao bán và chọn những nơi khó phát hiện làm kho cất giấu hàng.

Vừa qua, nhà chức trách Hà Nội liên tiếp phát hiện các loại thuốc, dụng cụ y tế không rõ nguồn gốc liên quan Covid-19.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư