Bản tin thời sự sáng 5/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khoảng 4 - 6 cơn bão sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam trong tháng 8 - 10; ngân sách hụt thu gần 20.000 tỷ đồng do giảm thuế môi trường xăng dầu; Bình Dương sẽ là thành phố trực thuộc trung ương, GRDP tăng 10%/năm; đề xuất đầu tư 8.100 tỷ đồng xóa giao cắt đường sắt với quốc lộ…

Khoảng 4 - 6 cơn bão sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam trong tháng 8 - 10/2024

Trong tháng 8 - 10/2024, dự báo có 6 - 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 4 - 6 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam.

Mưa lũ gây ngập ở huyện Chương Mỹ

Mưa lũ gây ngập ở huyện Chương Mỹ

Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (IMHEN) cho biết, hiện tượng ENSO, chỉ sự nóng lên, lạnh đi dị thường của nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo phía đông và trung tâm Thái Bình Dương, ở trạng thái trung tính. Sau đó, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong tháng 8 - 10 với xác suất khoảng 70%.

IMHEN nhận định, từ nay đến tháng 10/2024, có 7 - 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và 4 - 6 cơn ảnh hưởng Việt Nam. Con số này nhiều hơn giai đoạn trước. Tháng 8 - 10 thời kỳ 1991 - 2020 mỗi năm có khoảng 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 3 - 4 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam.

"Trong ba tháng tới, tổng lượng mưa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng Trung Bộ sẽ cao hơn. Cần đặc biệt đề phòng mưa lũ, ngập lụt ở Bắc Bộ và Trung Bộ trong những tháng tới", IMHEN cảnh báo.

Nhận định ENSO chuyển sang La Nina với xác xuất 70%, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, trong ba tháng tới, Biển Đông có khả năng xuất hiện 6 - 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 2 - 4 cơn vào đất liền. Rất có thể bão, áp thấp hình thành ngay trên Biển Đông, di chuyển nhanh vào bờ.

Do bão dồn dập, cơ quan khí tượng dự báo tổng lượng mưa tháng 9/2024 ở Bắc Bộ phổ biến cao hơn 5 - 15%, tháng 10/2024 cao hơn 10 - 30%.

Trung Bộ trong 3 tháng tới lượng mưa phổ biến cao hơn 10 - 30%. Riêng tháng 9 - 10/2024, khu vực này xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ ở hạ lưu sông chính lên báo động 1 - 2; sông nhỏ lên báo động 2 - 3 (cao nhất là báo động 3). Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn; lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 104 người chết, mất tích, phần lớn do sạt lở đất, lũ quét. Thiệt hại vật chất ước tính 2.000 tỷ đồng.

Ngân sách hụt thu gần 20.000 tỷ đồng do giảm thuế môi trường xăng dầu

Thu ngân sách nhà nước 7 tháng giảm gần 20.000 tỷ đồng do chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Ngân sách hụt thu gần 20.000 tỷ đồng do giảm thuế môi trường xăng dầu

Ngân sách hụt thu gần 20.000 tỷ đồng do giảm thuế môi trường xăng dầu

Từ đầu năm, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu giảm một nửa so với biểu khung thuế. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng một lít. Nhiên liệu bay, dầu diesel, mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng một lít. Còn mức thuế với dầu hỏa 600 đồng một lít.

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính, tính đến ngày 22/7, việc giảm thuế bảo vệ môi trường nêu trên khiến ngân sách giảm thu khoảng 19.790 tỷ đồng. Trong đó, giảm thu thuế này với các loại xăng, dầu khoảng 18.640 tỷ đồng, còn nhiên liệu bay là 1.150 tỷ đồng.

Trước đó, Chính phủ tính toán tổng ngân sách nhà nước năm nay sẽ giảm thu (đã gồm VAT) gần 39.000 tỷ đồng. Song, việc kéo dài hạ thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm 2024 góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi. Từ 1/1/2025, thuế này sẽ trở lại mức trần trong biểu khung thuế, tức 4.000 đồng một lít với xăng (trừ ethanol); dầu, mỡ nhờn 2.000 đồng (riêng dầu hỏa 600 đồng) và nhiên liệu bay 3.000 đồng một lít.

Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 22 - 23 triệu m3, tấn xăng dầu các loại. Theo số liệu của Bộ Công Thương, nửa đầu năm nay, cả nước tiêu thụ khoảng 13,2 triệu m3, tấn xăng dầu. Mức này giảm khoảng 0,2% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Bình Dương sẽ là thành phố trực thuộc trung ương, GRDP tăng 10%/năm

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa phê duyệt quy hoạch Bình Dương đến 2030 trở thành thành phố trực thuộc trung ương, GRDP bình quân đầu người đạt 15.800 USD.

Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc trung ương

Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc trung ương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại.

Về mục tiêu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD.

Cơ cấu kinh tế đến năm 2030 có 64% tỷ trọng là ngành công nghiệp và xây dựng; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%.

Dân số đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người. Trong đó, dân số chính thức 3,48 triệu người; dân số quy đổi 0,56 triệu người.

Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển.

Trong đó, Bình Dương cần phối hợp với các chương trình phát triển của quốc gia, của vùng Đông Nam Bộ và các địa phương lân cận thực hiện mở rộng các kết nối về giao thông, đặc biệt là các kết nối tới cảng biển (Cái Mép - Thị Vải, Cần Giờ), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài - Tây Ninh, Hoa Lư - Bình Phước).

Ngoài ra, Bình Dương sẽ phân vùng phát triển toàn tỉnh thành 3 khu vực không gian động lực.

Khu vực 1 (gồm TP. Thuận An và TP. Dĩ An) sẽ thực hiện tái thiết, cải tạo đô thị; di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường lên phía Bắc của Tỉnh.

Khu vực 2 (gồm TP. Thủ Dầu Một, TP. Tân Uyên, TP. Bến Cát và huyện Bàu Bàng) có nhiệm vụ phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ cộng đồng cấp vùng và đô thị thông minh làm trụ cột cho tăng trưởng của Tỉnh.

Khu vực 3 (gồm các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng) hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái…

Đề xuất đầu tư 8.100 tỷ đồng xóa giao cắt đường sắt với quốc lộ

Ban Quản lý dự án 2 đề xuất đầu tư xây dựng 21 cầu vượt tại 13 tỉnh thành nhằm nâng cao an toàn chạy tàu, giảm ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông.

Hiện trường tai nạn tại Đồng Nai

Hiện trường tai nạn tại Đồng Nai

Ban Quản lý dự án 2 vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư các công trình khác mức tại 21 vị trí giao cắt giữa 4 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Hải Phòng, Yên Viên - Lào Cai và Hà Nội - Đồng Đăng với các quốc lộ nằm trên 13 tỉnh thành từ Bắc vào Nam.

Tổng mức đầu tư dự án gần 8.150 tỷ đồng (320 triệu USD), trong đó vốn vay ODA khoảng 5.700 tỷ gồm chi phí xây dựng, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công, dự phòng. Vốn đối ứng trong nước khoảng 2.400 tỷ đồng gồm chi phí giải phóng mặt bằng, dự phòng. Nếu được thông qua, dự án sẽ được triển khai từ năm 2025 - 2030.

Dự án nhằm nâng cao an toàn chạy tàu, cắt giảm chi phí duy tu và vận hành hàng năm của các đường ngang hiện tại, xóa bỏ ùn tắc đường bộ khi có tàu thông qua và giảm nguy cơ tai nạn giao thông.

Ban Quản lý dự án 2 nhận định đặc thù đường sắt yêu cầu độ dốc dọc nhỏ và cần hệ thống thông tin tín hiệu, an toàn chạy tàu nên phương án xây dựng cầu đường sắt vượt đường bộ sẽ tốn kém, khó khả thi. Vì thế cơ quan này kiến nghị xây cầu đường bộ vượt qua đường sắt.

Trên dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay có nhiều cầu, hầm và đường ngang bị xuống cấp, cần ưu tiên nguồn vốn để gia cố nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.

Gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn tại các đường ngang dân sinh với đường sắt. Ngày 28/7, tại Đồng Nai, ô tô bán tải chở ba người đi qua giao cắt đường sắt khi rào chắn đã đóng, bị tàu tông văng gần 10 m, làm hai người tử vong…

7 tháng năm 2024, giá trị gạo xuất khẩu tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị gạo xuất khẩu 7 tháng năm 2024 đạt 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% với sản lượng 5,18 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2%.

7 tháng năm 2024, giá trị gạo xuất khẩu tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái

7 tháng năm 2024, giá trị gạo xuất khẩu tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng, cả nước đã gieo cấy 6,25 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa thu hoạch 3,82 triệu ha, tăng 1,3%; năng suất bình quân 65,6 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha. Sản lượng trên diện tích thu hoạch 25 triệu tấn, tăng 2%.

Riêng lúa Thu Đông ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy 306.700 ha, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, giá trị gạo xuất khẩu 7 tháng đạt 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% với sản lượng 5,18 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2%.

Trong tuần qua, theo các nhà giao dịch, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 560 USD/tấn vào ngày 1/8, so với mức từ 550 - 560 USD/tấn một tuần trước đó.

Hết tháng 7/2024, Bình Dương thu hút thêm 1 tỷ USD vốn FDI

Sau 7 tháng đầu năm 2024, Bình Dương đã thu hút được thêm 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, toàn Tỉnh có 4.342 dự án FDI với tổng số vốn lên đến 40,9 tỷ USD.

Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Dương ước gần 94%.

Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Dương ước gần 94%.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương, tính đến hết ngày 31/7, đầu tư nước ngoài trên địa bàn Tỉnh thu hút được thêm 70,2 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đã thu hút được 1,065 tỷ USD, trong đó có 110 dự án đầu tư mới (487 triệu USD), 81 dự án điều chỉnh tăng vốn (566 triệu USD).

“Công tác thu hút đầu tư nước ngoài giảm, một số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động dự án trước thời hạn; tiến độ đầu tư và triển khai các khu công nghiệp (KCN) còn chậm”, báo cáo nêu.

Kinh tế Bình Dương luôn nổi bật trong top đầu cả nước nhờ sự tăng trưởng phần lớn từ các KCN với những dự án đầu tư nước ngoài vốn khủng. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều hạn chế của địa phương cũng dần lộ ra như thiếu quỹ đất sạch, giá cho thuê tăng cao, thiếu nguồn nhân lực… từ những yếu tố đó cũng khiến các nhà đầu tư có sự tính toán chuyển dịch cơ hội sang những vùng đất mới.

Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, CEO Cổng thông tin KCN Việt Nam cho biết, quỹ đất sạch tại các KCN ở Bình Dương hiện không còn lớn cũng là chuyện mà tỉnh cần chú trọng. Bởi khi tỷ lệ lấp đầy đã rất cao thì việc chuyển hướng của các FDI sang những địa phương khác là điều tất yếu, như vậy tốc độ tăng trưởng theo đó cũng giảm dần. Ngoài ra, giá cho thuê tại các KCN tại Bình Dương hiện cũng khá cao so với những vùng lân cận khiến nhà đầu tư e ngại.

Thực tế, theo số liệu từ UBND tỉnh Bình Dương, các KCN đã cho thuê 79,22 ha đất. Như vậy lũy kế đến hết tháng 7/2024, các KCN trên địa bàn đã cho thuê 7.067,49 ha đất, tỷ lệ lấp đầy đạt 93,7%.

Quảng Trị chỉ đạo chấm dứt dự án chợ đêm bỏ hoang

UBND tỉnh Quảng Trị đã có chỉ đạo liên quan đến dự án chợ đêm bỏ hoang nhiều năm ở thành phố Đông Hà theo hướng chấm dứt hợp đồng dự án.

Dự án khu chợ đêm bỏ hoang bị đề nghị chấm dứt

Dự án khu chợ đêm bỏ hoang bị đề nghị chấm dứt

Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, UBND tỉnh Quảng Trị đã có phương án xử lý đối với Dự án Khu ẩm thực và chợ đêm Phường 2, thành phố Đông Hà.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao thành phố Đông Hà rà soát các nội dung vi phạm của nhà đầu tư, nếu đủ điều kiện thì xử lý chấm dứt hợp đồng dự án đã ký kết giữa UBND thành phố Đông Hà và Công ty TNHH MTV Thương mại Triều Phát.

“UBND tỉnh Quảng Trị giao UBND thành phố Đông Hà chịu trách nhiệm xử lý khiếu nại và giải quyết tranh chấp liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng theo quy định”, ông Hà Sỹ Đồng cho biết.

Theo UBND thành phố Đông Hà, trước đó đơn vị này đã có đề xuất chấm dứt hợp đồng thực hiện Dự án Khu ẩm thực và chợ đêm Phường 2, thành phố Đông Hà với Công ty TNHH MTV Thương mại Triều Phát. Đồng thời, nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch để thu hút đầu tư dự án phù hợp, đảm bảo sử dụng đất hiệu quả.

Trước đề xuất của UBND thành phố Đông Hà, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị đã lấy ý kiến của đơn vị liên quan là Sở Tài Chính, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp.

Từ đó, đã đề xuất với UBND tỉnh Quảng Trị giao UBND thành phố Đông Hà thông báo với nhà đầu tư thực hiện dự án chợ đêm (Công ty TNHH MTV Thương mại Triều Phát) về việc tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Dự án chợ đêm có tổng mức đầu tư 11,4 tỷ đồng trên diện tích đất khoảng 13.000 m2. Dự án hoạt động vào cuối năm 2019, hoạt động cầm chừng đến giữa năm 2020 rồi bỏ hoang cho đến nay.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư bị UBND thành phố Đông Hà xử phạt vi phạm hành chính vì tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng; nhà đầu tư đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bị thu hồi con dấu từ năm 2019, không còn tư cách pháp nhân…

Hiện, dự án này bỏ hoang, cỏ rác bao vây làm mất mỹ quan đô thị, lãng phí thửa đất vàng ở ngay trung tâm thành phố.

Chuyên đề