Bản tin thời sự sáng 5/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục; xử nghiêm sai phạm cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương; Nhật Bản là nhà nhập khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam quý II/2023; Hà Nội khắc phục hậu quả sạt lở đất ở huyện Sóc Sơn; các nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế 3.405 tỷ đồng trong 7 tháng…

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục

Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tuần trước đạt 590 USD, nay có doanh nghiệp bán giá 660 USD mỗi tấn, mức kỷ lục từ trước tới nay.

Gạo ST25 bày bán tại một đại lý trên Đường 3/2, Quận 10 (TP.HCM)

Gạo ST25 bày bán tại một đại lý trên Đường 3/2, Quận 10 (TP.HCM)

Thông tin trên được công bố tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm 2023, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/8, tại TP. Cần Thơ.

Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, quý I, kinh tế thế giới biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực các nước tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức 450 USD mỗi tấn, có thời điểm vượt giá gạo Thái Lan cùng chủng loại. Sang quý II, nhu cầu nhập khẩu gạo tiếp tục tăng trong khi nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu hàng đầu như Ấn Độ, Pakistan hạn chế. Gạo 5% tấm của Việt Nam khi đó tăng lên 535 USD mỗi tấn vào tháng 5.

Ông Đông cho biết thêm, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) dẫn đến giá gạo xuất khẩu của các nước càng tăng mạnh. Gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD mỗi tấn so với thời điểm trước lệnh cấm của Ấn Độ. Đầu tháng 8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên 590 USD mỗi tấn, cao nhất 11 năm và tăng khoảng 80 USD mỗi tấn so tháng trước.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến năm 2023, cả nước gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, sản lượng đạt trên 43 triệu tấn (tương đương hơn 20 triệu tấn gạo). Đến đầu tháng 8, các địa phương đã thu hoạch hơn 24 triệu tấn lúa (riêng miền Tây 15 triệu tấn). Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa thu hoạch sẽ đảm bảo nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng trên 15 triệu tấn (tương đương 7 - 7,5 triệu tấn gạo).

Xử nghiêm sai phạm cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu xử nghiêm sai phạm, tồn tại về kinh tế, đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương, sau kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu xử nghiêm sai phạm, tồn tại về kinh tế, đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu xử nghiêm sai phạm, tồn tại về kinh tế, đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa được Văn phòng Chính phủ công bố. Theo đó, các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), địa phương phải thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại kết luận thanh tra.

Các cơ quan này phải xử nghiêm những tổ chức, cá nhân có sai phạm và giải quyết triệt để các tồn tại về kinh tế, đất đai, bảo đảm không thất thoát tài sản nhà nước. Quá trình thực hiện nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện với nội dung kết luận, kiến nghị tại Kết luận thanh tra ngày 7/7, bảo đảm chính xác, khách quan, đúng pháp luật, không để thất thoát tài sản Nhà nước. Phó Thủ tướng giao cơ quan này thực hiện theo thẩm quyền về kiến nghị chuyển thông tin một số vụ việc vi phạm sang cơ quan điều tra và rút kinh nghiệm khi chậm ban hành kết luận thanh tra.

Trước đó, theo Kết luận thanh tra về việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2017, Thanh tra Chính phủ cho biết, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương giai đoạn này chậm, xác định giá trị chưa chính xác dẫn tới hàng nghìn tỷ đồng chưa tính đủ.

Một số doanh nghiệp không hoàn thành theo đề án được duyệt, xử lý tài chính, công nợ, đất đai sai quy định; tỷ lệ vốn nhà nước bán được quá thấp so với phương án, không chọn được nhà đầu tư chiến lược. Cùng với đó, quản lý đất đai gắn với cổ phần hóa còn vướng mắc, thiếu chặt chẽ, quyết toán cổ phần hóa chậm.

Từ những vi phạm này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan xử lý hơn 2.338 tỷ đồng; chuyển vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại Fococev ở Khánh Hòa, Đắk Lắk sang cơ quan điều tra Bộ Công an.

Nhật Bản là nhà nhập khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam quý II/2023

Với kim ngạch xuất khẩu đạt 713 triệu USD, Nhật Bản đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong quý II/2023, theo báo cáo mới cập nhật của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Mỹ không còn là thị trường nhập khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam trong quý II/2023. Ảnh minh họa

Mỹ không còn là thị trường nhập khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam trong quý II/2023. Ảnh minh họa

VASEP cho biết, nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sụt giảm mạnh nhất (-46%) trong số các thị trường chính do lượng tồn kho tôm và cá tra tại thị trường này lớn, lạm phát tăng khiến nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ giảm. Do vậy, Mỹ đã mất vị trí thị trường số 1 cho Nhật Bản.

Về doanh số, xuất khẩu sang Nhật Bản cao hơn Mỹ không đáng kể, và hai thị trường này vẫn chiếm 17% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đạt lần lượt 713 triệu USD và 706 triệu USD.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 với kim ngạch 636 triệu USD, chiếm trên 15%. Nếu tính cả Hongkong thì thị trường Trung Quốc - Hongkong là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong nửa đầu năm nay với doanh số 716 triệu USD.

Tuy nhiên, nhìn tổng quan thì xuất khẩu sang các thị trường chính đều có xu hướng tăng dần qua các tháng, hầu hết lên mức cao nhất trong tháng 5, rồi hạ xuống một chút trong tháng 6, điển hình là Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU.

Xuất khẩu thủy sản sang EU trong nửa đầu năm nay mang về 459 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Khối thị trường này chiếm 11% kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm nay đạt 357 triệu USD, giảm 21%. Tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Hàn Quốc đều sụt giảm doanh số so với nửa đầu năm 2022.

Hà Nội khắc phục hậu quả sạt lở đất ở huyện Sóc Sơn

Theo đại diện UBND xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội), do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, tại khu vực hồ Ban Tiện vừa xảy ra vụ sạt lở đất khiến nhiều ô tô mắc kẹt trong bùn đất.

Nhiều ô tô bị mắc kẹt tại khu vực thôn Phú Minh, xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội
Nhiều ô tô bị mắc kẹt tại khu vực thôn Phú Minh, xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội

Sáng 4/8, tại đường giao thông nội bộ của thôn Phú Minh, xã Minh Phú, khu vực hồ Ban Tiện xảy ra vụ sạt lở đất. Đất đá bị sạt lở bất ngờ tràn xuống đường giao thông khiến nhiều phương tiện bị mắc kẹt. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người.

Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã huy động người, phương tiện máy xúc để di dời đất đá, cứu hộ các ô tô; đồng thời cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm.

Đại diện UBND xã Minh Phú khẳng định, vụ sạt lở không phải do lũ quét, lũ ống. Khu vực xảy ra sạt lở có địa hình dốc, đường đất đỏ. Vì vậy, mưa lớn kéo dài khiến đất đá bị sạt trượt.

Lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi sát khu vực sạt lở, bảo đảm an toàn giao thông.

Các nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế 3.405 tỷ đồng trong 7 tháng

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, 58 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký, khai và nộp thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số tiền lên tới 3.405 tỷ đồng; trong đó thuế giá trị gia tăng là trên 1.717 tỷ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp gần 1.688 tỷ đồng.

58 nhà cung cấp nước ngoài đã khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Ảnh minh họa

58 nhà cung cấp nước ngoài đã khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, 334 sàn thương mại điện tử đã gửi dữ liệu và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, trong đó có nhiều sàn thương mại điện tử chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki…

Như vậy, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 7 tháng do cơ quan thuế quản lý đã đạt 868.000 tỷ đồng, bằng 63% so với dự toán pháp lệnh và gần bằng 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, thu từ dầu thô đạt xấp xỉ 36.000 tỷ đồng, bằng 86% so với dự toán, tương ứng 80% so với cùng kỳ (trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 86,2 USD/thùng); thu nội địa đạt 832.600 tỷ đồng, bằng 63% dự toán và 95% so với cùng kỳ năm 2022.

TP.HCM giới thiệu 5 sản phẩm du lịch đường sông mới

TP.HCM mở thêm 5 tour tuyến đường thuỷ mới, có tiềm năng trở thành sản phẩm đặc thù của ngành du lịch địa phương.

Bến buýt sông Bình An ở TP. Thủ Đức

Bến buýt sông Bình An ở TP. Thủ Đức

5 tour du lịch đường sông mới được Sở Du lịch TP.HCM giới thiệu trong khuôn khổ Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ nhất diễn ra từ 4 - 6/8, gồm tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến Bình Quới, tuyến du lịch Củ Chi, Cần Giờ (xuất phát từ Bến Bạch Đằng), tuyến kết nối đến các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Tây hay sang Campuchia.

Các sản phẩm du lịch đường thuỷ của TP.HCM cung cấp trải nghiệm về cảnh quan, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và các hệ sinh thái điển hình lưu vực một số con sông lớn là sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu và đảo ven bờ lớn nhất Việt Nam.

Các chương trình tour này đang được một số doanh nghiệp lữ hành tại Thành phố khai thác như Vietravel, Vietluxtour, TST Tourist, Chim Cánh Cụt Travel JSC.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel đánh giá, 5 sản phẩm du lịch đường sông mới được trải đều trên các tuyến chính của Thành phố, từ trung tâm nội thành đến các điểm ngoại thành và cả Đông - Tây Nam Bộ. Đây sẽ là những sản phẩm tiềm năng, tạo thêm cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về TP.HCM cho du khách trong và ngoài nước. Đồng thời còn là cơ sở để kết nối các tuyến liên vùng trong tương lai.

"Điểm hạn chế của các sản phẩm du lịch đường sông là chưa đủ hấp dẫn đối với du khách bởi thiếu tính đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Tuyến du lịch đường sông hiện nay còn thiếu về số lượng điểm dừng và hạn chế về chất lượng lẫn sự hấp dẫn", bà Hoàng nói.

Đồng Nai yêu cầu chủ đầu tư giao sổ đỏ cho khách sau 13 năm chậm trễ

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty CP Đầu tư LDG giải chấp ngay gần 600 sổ đỏ từ ngân hàng, giao cho khách hàng mua nhà đất tại dự án.

Dự án Khu dân cư dịch vụ Giang Điền (khu A)

Dự án Khu dân cư dịch vụ Giang Điền (khu A)

Yêu cầu trên được ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đưa ra cho Công ty CP Đầu tư LDG - Chủ đầu tư Dự án Khu dân cư dịch vụ Giang Điền (khu A) tại huyện Trảng Bom, trong buổi đối thoại với 1.000 khách hàng.

Theo người dân, họ đã mua đất tại Khu dân cư dịch vụ Giang Điền (tên thương mại là Viva City) từ năm 2010 và đóng tiền đến 95% nhưng 13 năm nay chưa được cấp sổ đỏ, hiện cũng không được xây nhà. Dù cơ quan chức năng cấp sổ đỏ cho từng nền, song Công ty đã dùng thế chấp ngân hàng, ảnh hưởng quyền lợi người mua.

Ông Trần Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, Dự án Khu dân cư Giang Điền (khu A) được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2016 với 87 ha tại xã Giang Điền với quy hoạch đất nền nhà phố và biệt thự hơn 3.200 nền. Thời gian thực hiện từ khi có quyết định đến năm 2022.

Trong thời gian này, Công ty đã cơ bản xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường, đèn, hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, nhiều cơ sở hạ tầng xã hội như trường mầm non, trường THCS và cơ sở y tế chưa được thực hiện.

Sau khi hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, LDG được Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cấp hơn 1.658 sổ đỏ nền đất ở (có thổ cư) nhưng Chủ đầu tư đã dùng 894 sổ thế chấp ngân hàng. "Đến nay Công ty đã giải chấp 298 sổ, còn lại hơn 596 sổ vẫn còn nằm trong các đơn vị tín dụng", ông Vinh cho biết.

Hiện thời gian đầu tư đã hết, Công ty đề xuất gia hạn để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội nhưng chưa được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận. Ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho rằng, Dự án chưa được gia hạn do phía Công ty chưa ký quỹ, đồng thời cơ quan chức năng phải thẩm định lại năng lực tài chính chủ đầu tư theo quy định.

Đường tránh Quốc lộ 20 qua thành phố Bảo Lộc sụt lún

Sau nhiều trận mưa lớn, đường tránh Quốc lộ 20 qua phường Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) bất ngờ bị nứt toác, có đoạn sâu hơn 30 cm, sáng 4/8.

Đường tránh Quốc lộ 20, qua TP. Bảo Lộc bị sụt lún sáng 4/8

Đường tránh Quốc lộ 20, qua TP. Bảo Lộc bị sụt lún sáng 4/8

Theo ông Trần Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn, đoạn đường dài khoảng 50 m xuất hiện những vết nứt cách đây hai ngày, sau những cơn mưa lớn, đến sáng 4/8 thì sụt lún.

Hiện trường cho thấy kết cấu mặt đường bị phá vỡ, lớp nhựa bị đứt gãy, một vệt nứt chạy dài giữa con đường. Đoạn sâu nhất bị lún hơn 30 cm.

Ngay khi phát hiện vết nứt, chính quyền phường Lộc Sơn đã giăng dây hai đầu cảnh báo, cấm phương tiện (chủ yếu là xe máy của người dân) đi qua khu vực này.

Dự án tuyến tránh Quốc lộ 20 phía Nam TP. Bảo Lộc dài 15,6 km, tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành sau 2 năm, song Dự án bị chậm tiến độ và ngừng thi công, khiến các hạng mục xuống cấp. Cuối tháng 3, một ô tô 4 chỗ đi qua con đường này rơi xuống vực khiến hai ông cháu tử vong. Cơ quan chức năng sau đó cấm xe qua con đường này.

Vĩnh Long thu hồi đất tại 11 dự án chậm triển khai

Qua rà soát, tỉnh Vĩnh Long đã thu hồi đất 11 dự án, với diện tích 31,83 ha, gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 1 dự án có diện tích 32,93 ha.

Dự án Xây dựng nhà ở xã hội Khu công nghiệp Bình Minh bị "điểm mặt" là dự án vi phạm pháp luật về đất đai

Dự án Xây dựng nhà ở xã hội Khu công nghiệp Bình Minh bị "điểm mặt" là dự án vi phạm pháp luật về đất đai

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long vừa có báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Long về việc rà soát các "dự án đầu tư không đưa đất sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất".

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, qua rà soát, trên địa bàn Tỉnh có 12 tổ chức không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, chậm triển khai thực hiện dự án, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với tổng diện tích 64,67 ha.

Trong đó, Vĩnh Long đã thu hồi đất 11 dự án, với diện tích 31,83 ha, gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 1 dự án có diện tích 32,93 ha.

Các dự án vi phạm pháp luật về đất đai tại Vĩnh Long gồm: Nhà máy sơ chế và chế biến nông sản của Công ty Nông nghiệp Kiên Giang; Dự án Xây dựng nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Phú của Doanh nghiệp tư nhân Xí nghiệp xây dựng Hồng Trung; Dự án Xây dựng khu nhà ở xã hội HQC Hòa Phú của Công ty CP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Kông; Dự án Nuôi trồng thủy sản của Công ty CP Đầu tư phát triển du lịch Vĩnh Long; Dự án Đầu tư nuôi trồng thủy sản và kết hợp du lịch sinh thái của Công ty TNHH MTV Việt Úc.

Ngoài ra, danh sách dự án vi phạm pháp luật về đất đai còn có: Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở thu mua và sơ chế ca cao của Công ty CP Thương mại và Sản xuất nông sản Thảo Li; Dự án Nhà máy đóng hộp trái cây, rau củ quả Sông Hậu của Công ty TNHH WEMAKESOHAFARM; Dự án Xây dựng nhà máy bánh kẹo của Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu; Dự án Xây dựng nhà ở xã hội Khu công nghiệp Bình Minh của Công ty CP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Kông; Dự án Xây dựng Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Long của Công ty TNHH Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Long.

Chuyên đề