Bản tin thời sự sáng 5/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Vietnam Post bị gián đoạn dịch vụ vì mã độc tống tiền; Chủ tịch TP.HCM yêu cầu bảo đảm việc sản xuất vàng miếng SJC; Hải Phòng xin ý kiến Trung ương lập khu kinh tế 20.000 ha; giá tiêu lên cao nhất 8 năm…

Vietnam Post bị gián đoạn dịch vụ vì mã độc tống tiền

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post cho biết bị tấn công ransomware ảnh hưởng đến dịch vụ chuyển phát.

Ứng dụng Vietnam Post dừng ở màn hình khởi động, không thể truy cập ngày 4/6

Ứng dụng Vietnam Post dừng ở màn hình khởi động, không thể truy cập ngày 4/6

Từ sáng 4/6, nhiều người dùng dịch vụ Vietnam Post phản ánh không thể truy cập ứng dụng và website của đơn vị này.

Trên một số cộng đồng của người bán hàng online tại Việt Nam, hàng loạt thành viên than phiền không thể tạo đơn giao hay sử dụng dịch vụ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Hiện website của đơn vị cũng trong tình trạng "Không thể truy cập".

Trong thông báo đưa ra trưa ngày 4/6, Vietnam Post cho biết, hệ thống công nghệ thông tin của họ bị tấn công ransomware (mã độc tống tiền). Sự cố diễn ra lúc 3h, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các hoạt động liên quan đến dịch vụ bưu chính chuyển phát.

"Các dịch vụ tài chính bưu chính, hành chính công và phân phối hàng hóa hiện vẫn hoạt động bình thường", đại diện Tổng công ty nói.

Ngoài ra, đơn vị này cũng khẳng định đã kích hoạt kịch bản hành động, bám sát hướng dẫn của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó có việc ngắt kết nối hệ thống công nghệ thông tin để cô lập sự cố và bảo vệ dữ liệu. Đây cũng là lý do website và ứng dụng liên quan bị gián đoạn.

"Bưu điện Việt Nam đang làm việc với cơ quan chức năng và phối hợp với đối tác là các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam để nỗ lực xử lý, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất", Tổng công ty nói thêm.

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là một trong những công ty lớn tiếp theo trở thành nạn nhân của mã độc tống tiền ransomware. Trước đó, tin tặc cũng tấn công hệ thống của chứng khoán VnDirect, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và một nhà mạng, giai đoạn cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Ở các cuộc tấn công trước đây, đại diện cơ quan an ninh mạng cho biết, tin tặc đã xâm nhập và nằm vùng trong hệ thống thời gian dài, tìm ra dữ liệu quan trọng và tiến hành mã hóa, sau đó yêu cầu nạn nhân trả tiền chuộc để mở khóa.

Chủ tịch TP.HCM yêu cầu bảo đảm việc sản xuất vàng miếng SJC

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC đáp ứng việc sản xuất vàng miếng SJC với số lượng lớn, bảo đảm kinh doanh liên tục.

Chủ tịch TP.HCM yêu cầu bảo đảm việc sản xuất vàng miếng SJC

Chủ tịch TP.HCM yêu cầu bảo đảm việc sản xuất vàng miếng SJC

Ngày 4/6, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đã ký văn bản gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC về việc bảo đảm gia công vàng miếng SJC cho Ngân hàng Nhà nước.

SJC cần thực hiện nghiêm việc tập trung huy động năng lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước với khối lượng lớn. Điều này nhằm phục vụ việc can thiệp bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng.

Đồng thời, SJC cần tổ chức tốt hoạt động kinh doanh, bảo đảm việc kinh doanh được thực hiện liên tục. Nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc về kế hoạch tài chính, kinh doanh, sản xuất vàng miếng, SJC cần báo cáo kịp thời cho UBND TP.HCM.

Từ ngày 3/6, các chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM của 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank được bán vàng SJC. Các ngân hàng khẳng định đáp ứng mọi nhu cầu mua vàng SJC của người dân. Mức giá bán thống nhất giữa 4 ngân hàng và công khai.

Hải Phòng xin ý kiến Trung ương lập khu kinh tế 20.000 ha

Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam TP. Hải Phòng là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, có quy mô 20.000 ha, trải dọc địa phận 4 quận huyện. Khu kinh tế này sẽ được định hướng triển khai khu thương mại tự do, ưu tiên các dự án khu cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế...

Phối cảnh Đề án Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng

Phối cảnh Đề án Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng

Tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hải Phòng ngày 4/6, ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Thành ủy Hải Phòng đã đồng ý, thống nhất cao và xin ý kiến Trung ương về Đề án thành lập Khu kinh tế Nam Hải Phòng.

Theo Đề án, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có tổng diện tích 20.000 ha, ven theo đường cao tốc ven biển, khu vực sông Văn Úc, khu vực cảng và logistics Nam Đồ Sơn, khu vực sân bay Tiên Lãng, thuộc địa phận 4 quận/huyện, gồm: Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo.

Ông Lê Trung Kiên cho biết, đây là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại. Là đầu mối của Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới, đồng thời quan tâm giữ gìn giá trị văn hóa và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.

Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng sẽ được định hướng triển khai khu thương mại tự do, được ưu tiên phát triển các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế, các đô thị dọc theo tuyến đường bộ ven biển, tận dụng lợi thế của khu quy hoạch cảng Nam Đồ Sơn và cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.

Dự kiến đến năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế Thành phố, tương đương với 80% năng lực của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải năm 2023.

Giá tiêu lên cao nhất 8 năm

Ngày 4/6, giá tiêu lên 144.000 đồng một kg, tăng 112% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất 9 năm qua.

Hạt tiêu tại nhà vườn ở Tây Nguyên

Hạt tiêu tại nhà vườn ở Tây Nguyên

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group cho rằng, giá tiêu tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp không mua được hàng vì nông dân trữ chờ giá tăng thêm. Điều này đang tạo áp lực lên một số doanh nghiệp phải gom đủ hàng cho đối tác.

Theo các doanh nghiệp, giá tiêu sẽ còn tăng cao và có thể lặp lại đỉnh lịch sử năm 2015. Nguyên nhân là do tồn kho hồ tiêu tại các nước sản xuất chính như Việt Nam, Ấn Độ và Brazil đều ở mức thấp do nhu cầu tiêu thụ cao trong thời gian qua.

Ông Thông cho rằng, cây tiêu khó trồng và khó chăm sóc, nếu không được tưới theo chu kỳ và chăm sóc thường xuyên rất dễ chết. Cơn khủng hoảng hồi năm 2015 khiến nhiều người bỏ bê mảng tiêu. Tính đến cuối năm 2023, sản lượng tiêu cả nước đạt khoảng 170.000 tấn và năm 2024 giảm còn khoảng 160.000 tấn, tức là giảm mạnh so với thời đỉnh cao 300.000 tấn năm 2015.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.308 USD một tấn, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Hạt tiêu cùng với gạo và cà phê là những mặt hàng có giá xuất khẩu tăng cao nhất.

Ngành hạt tiêu Việt Nam chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần thế giới. Theo Hiệp hội Hạt tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), quy mô thị trường hạt tiêu toàn cầu có giá trị khoảng 5,4 tỷ USD và dự báo đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% giai đoạn 2024 - 2032.

Tính hết năm 2023, Mỹ là khách hàng lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 23,5% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, chiếm 14,1%; tiếp sau là Ấn Độ và Đức lần lượt chiếm 5,4% và 4,3% trong tổng giá trị xuất khẩu tiêu.

Đầu tư hơn 244 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng đường kết nối Bình Thuận - Lâm Đồng

Tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt chủ trương nâng cấp, mở rộng 9,5km đường kết nối huyện Tánh Linh với thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Đầu tư hơn 244 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng đường kết nối Bình Thuận - Lâm Đồng. Ảnh minh họa

Đầu tư hơn 244 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng đường kết nối Bình Thuận - Lâm Đồng. Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết, Ban đang hoàn thiện hồ sơ mời thầu dự án nâng cấp mở rộng 9,5km tuyến đường ĐT 717 đoạn kết nối huyện Tánh Linh với TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).

ĐT717 đoạn giáp ranh hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng xuống cấp, thường xuyên sạt lở mùa mưa bão.

"Vào giữa tháng 5, HĐND Tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng 9,5 km ĐT717 đoạn ngã ba P'Lao đến giáp ranh Lâm Đồng. Dự kiến, cuối tháng 12/2024 sẽ lựa chọn được nhà thầu và triển khai thi công. Sau hoàn thành, tuyến đường này sẽ giải quyết bức xúc khơi thông cửa ngõ giao thông đi lại giữa huyện Tánh Linh (Bình Thuận) và kết nối với thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng)", ông Hiền cho hay.

Trước đó, ngày 15/5, HĐND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt chủ trương Dự án nâng cấp, mở rộng hơn 9,5km tuyến ĐT717 nêu trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Giai đoạn thực hiện 2021 - 2025 và chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030. Tổng mức đầu tư Dự án hơn 244 tỷ đồng.

Đây là tuyến đường quan trọng kết nối Quốc lộ 55 và Quốc lộ 20, kết nối giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Lâm Đồng và là cửa ngõ kết nối khu vực Tây Nguyên, giúp điều tiết lưu lượng, lưu thông vận chuyển hàng hóa nông sản, giữa hai tỉnh.

Một cá nhân bị hủy giao dịch hàng triệu cổ phiếu

HoSE và HNX quyết định loại bỏ giao dịch của ông Trần Minh Hoàng trong phiên 30/5. Tại phiên giao dịch này, ông Hoàng đã bán 8,78 triệu cổ phiếu AAS và 60.500 cổ phiếu POB.

Ông Trần Minh Hoàng bị hủy giao dịch hàng triệu cổ phiếu do bị cấm tham gia hoạt động chứng khoán trong 3 năm

Ông Trần Minh Hoàng bị hủy giao dịch hàng triệu cổ phiếu do bị cấm tham gia hoạt động chứng khoán trong 3 năm

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 2 sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM mới đây đã có thông báo loại bỏ giao dịch của nhà đầu tư Trần Minh Hoàng trong ngày 30/5.

Tại phiên giao dịch này, ông Hoàng đã bán 8,78 triệu cổ phiếu AAS (chiếm tỷ lệ 3,82% vốn) của Công ty CP Chứng khoán Smart Invest và 60.500 cổ phiếu POB (chiếm tỷ lệ 0,56% vốn) của Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Thái Bình.

Việc loại bỏ giao dịch của ông Trần Minh Hoàng diễn ra sau khi cá nhân này cùng với 3 người khác (gồm ông Mai Hữu Phúc, bà Võ Như Thảo, bà Đỗ Thủy Tiên) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt do có hành vi thao túng cổ phiếu PSH của Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu - NSH Petro.

Cụ thể, từ ngày 1/2/2021 đến ngày 27/5/2022, 4 cá nhân trên đã sử dụng 26 tài khoản đứng tên 15 nhà đầu tư để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu PSH giữa các tài khoản với nhau nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu PSH. Trong đó, ông Mai Hữu Phúc (sinh năm 1988) là con trai ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT công ty này.

Bên cạnh việc xử phạt hành chính mỗi người 1,5 tỷ đồng, Ủy ban Chứng khoán đã ra quyết định cấm giao dịch chứng khoán 2 năm kể từ ngày 27/5 với 3 cá nhân gồm ông Mai Hữu Phúc, bà Võ Như Thảo và bà Đỗ Thủy Tiên. Riêng ông Trần Minh Hoàng bị cấm giao dịch chứng khoán 3 năm và cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, quỹ chứng khoán.

Cơ quan chức năng cũng quyết định xử phạt 13 cá nhân do có hành vi cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu PSH.

Hà Nội xử lý xong 7 điểm đen ùn tắc giao thông

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị liên quan xử lý 7 điểm đen ùn tắc giao thông, giảm từ 33 xuống còn 26 điểm.

Ùn tắc giao thông sẽ làm ảnh hưởng tới thời gian đi lại của người dân. Ảnh minh họa.

Ùn tắc giao thông sẽ làm ảnh hưởng tới thời gian đi lại của người dân. Ảnh minh họa.

Tin từ Sở GTVT Hà Nội, bước sang năm 2024, trên địa bàn Thành phố còn tồn tại 33 điểm đen ùn tắc giao thông, gồm 22 điểm chuyển tiếp từ năm 2023 và 11 điểm phát sinh mới.

5 tháng qua, Sở GTVT đã phối hợp, thống nhất với Công an Thành phố, Ban An toàn giao thông (ATGT) Thành phố cũng như các đơn vị liên quan xử lý được 7 điểm đen ùn tắc giao thông.

Các điểm đen được xử lý gồm: Khu vực đường Nguyễn Trãi, cạnh hầm chui Thanh Xuân, hướng đi Nguyễn Xiển; Nút giao Sa Đôi - đường 70.

Điểm đen trên đường Nguyễn Xiển, đoạn từ Nguyễn Trãi - Phạm Tu (đường bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An); Nút giao Nút giao Lê Đức Thọ - Hàm Nghi - Nguyễn Hoàng.

Nút giao Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu - Trần Vỹ; Đầu cầu Mai Dịch, hướng từ đường Phạm Văn Đồng đi Phạm Hùng; nút giao Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy (Cầu vượt Mai Dịch).

Ngoài việc xử lý các điểm đen ùn tắc giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, nhiều điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông cao cũng đã được giải quyết.

Được biết, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng Ban ATGT Thành phố, Phòng CSGT, Công an Thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý 5 vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao.

TP.HCM tăng phà cho tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu, Cần Giờ - Cần Giuộc

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM dự kiến sẽ nâng công suất phà Cần Giờ - Vũng Tàu, phà Cần Giờ - Cần Giuộc để phục vụ nhu cầu hành khách.

Phà Cần Giờ - Vũng Tàu sắp tới sẽ đưa thêm phà phục vụ hành khách, nâng tổng số 5 chiếc phà hoạt động từ 6h - 21h hằng ngày

Phà Cần Giờ - Vũng Tàu sắp tới sẽ đưa thêm phà phục vụ hành khách, nâng tổng số 5 chiếc phà hoạt động từ 6h - 21h hằng ngày

Theo Sở GTVT, hành khách đi lại qua phà dự kiến mỗi năm tăng khoảng trên 10%, do đó, trong giai đoạn từ năm 2025 - 2030 lượng hành khách sẽ tăng cao, không đáp ứng được nếu không có kế hoạch nâng công suất các phà.

Đối với phà Cần Giờ - Cần Giuộc dự kiến tăng số lượng phà và tần suất khai thác, rút ngắn thời gian không để khách chờ đợi (từ 1 tiếng giảm xuống 30 phút).

Hiện nay phà chỉ có 2 chiếc, tải trọng 30 và 60 tấn vận chuyển người và các loại xe như xe máy, xe tải 12 tấn, xe khách 30 chỗ ngồi. Thời gian hoạt động từ 5h - 18h các ngày trong tuần.

Phà Cần Giờ - Vũng Tàu cũng tăng số lượng phà, khoảng 6 - 7 phà và tăng thời gian phục vụ khách (24/24h).

Theo đại diện bến phà Cần Giờ - Vũng Tàu, hiện phà hoạt động 4 chiếc, thời gian từ 6h - 21h. Trong tháng 6 dự kiến thêm 1 chiếc, nâng tổng số 5 chiếc phà. Thời gian tiếp theo, lượng khách đông có thể tăng thêm từ 2 - 3 chiếc phà. Đó là trong tương lai, còn hiện tại, bến phà này mới chỉ chạy từ 40 - 50% công suất phà vào những ngày nghỉ cuối tuần.

Tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu từ bến Tắc Xuất (huyện Cần Giờ, TP.HCM) đến bến Cảng vụ đường thủy nội địa Vũng Tàu khai trương từ năm 2021. Phà này rút ngắn thời gian từ Long An, Tiền Giang đến Vũng Tàu so với đi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 51.

Tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu có cự ly khoảng 15km (1 chiều), thời gian hành trình khoảng 30 phút, phương tiện có sức chở hơn 250 hành khách, 100 xe máy và 15 ô tô/xe tải.

Chuyên đề