Bản tin thời sự sáng 5/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tạm dừng vận hành một số thủy điện thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn; gần 16.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn trong 5 ngày nghỉ lễ; lao động đăng ký đi Hàn Quốc tăng đột biến; ngành đăng kiểm cần ít nhất 6 tháng để giải quyết ùn tắc phương tiện…

Tạm dừng vận hành một số thủy điện thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn

Ngày 4/5, Công ty Thủy điện A Vương (tỉnh Quảng Nam) chính thức dừng vận hành để trữ nước phòng chống hạn cho hạ du trong mùa khô năm nay.

Các Công ty Thủy điện A Vương, Sông Tranh, Sông Bung đều tuân thủ yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam

Các Công ty Thủy điện A Vương, Sông Tranh, Sông Bung đều tuân thủ yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam

Trước đó ngày 27/4, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản yêu cầu các công ty thủy điện Sông Bung, A Vương, Sông Tranh tổ chức vận hành các nhà máy thủy điện nhằm đưa dần mực nước các hồ chứa về khoảng mực nước theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ban hành kèm theo Quyết định 1865 ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Nhà máy Thủy điện A Vương từ ngày 30/4 - 2/5, mỗi ngày vận hành liên tục không quá 12 giờ/ngày, với lưu lượng trung bình ngày không lớn hơn 15 m3/s; từ ngày 3/5 - 10/5, dừng vận hành. Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 dừng vận hành từ ngày 28/4 - 10/5.

Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 từ ngày 28/4 - 10/5, mỗi ngày vận hành không quá 12 giờ/ngày, với lưu lượng trung bình ngày không lớn hơn 25 m3/s. Trong quá trình vận hành, nếu lưu lượng đến hồ nhỏ hơn lưu lượng tối thiểu theo quy trình thì thực hiện vận hành xả nước qua phát điện theo lưu lượng đến hồ.

Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 do Công ty Thủy điện Sông Tranh vận hành từ ngày 28/4 - 10/5, mỗi ngày vận hành liên tục không quá 12 giờ/ngày, với lưu lượng trung bình ngày không lớn hơn 27 m3/s. Trong quá trình vận hành, nếu lưu lượng đến hồ nhỏ hơn lưu lượng tối thiểu theo quy trình thì thực hiện vận hành xả nước qua phát điện theo lưu lượng đến hồ.

Gần 16.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn trong 5 ngày nghỉ lễ

Từ 29/4 - 3/5, gần 16.000 lái xe bị xử lý vì vi phạm nồng độ cồn, khoảng 11.000 người bị phạt do đi quá tốc độ, theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT).

Vụ tai nạn giao thông ở TP.HCM

Vụ tai nạn giao thông ở TP.HCM

Trong 5 ngày nghỉ lễ, cả nước xảy ra 129 vụ tai nạn giao thông khiến 67 người chết, 90 người bị thương. So với 5 ngày cùng kỳ năm 2022, tai nạn giao thông năm nay giảm 9 vụ, giảm 5 người chết và giảm 16 người bị thương.

Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra ở đường bộ với 125 vụ, làm chết 64 người, bị thương 90 người; đường sắt xảy ra 4 vụ, làm chết 3 người.

Tổng số lái xe vi phạm quy định an toàn giao thông là 49.300. Lực lượng chức năng đã phạt tiền gần 108 tỷ đồng; tạm giữ 847 ôtô, hơn 20.000 mô tô; tước hơn 11.000 giấy phép lái xe.

CSGT cũng đã xử lý gần 900 xe ôtô chở quá số người, khoảng 500 xe chở quá tải, hơn 100 xe quá khổ và 33 trường hợp vi phạm liên quan ma túy.

Trên cao tốc, các đội tuần tra kiểm soát của Cục CSGT đã lập biên bản hơn 550 trường hợp, phạt tiền gần 1,2 tỷ đồng, tước gần 120 giấy phép lái xe. Qua hệ thống camera, cảnh sát cũng phát hiện hơn 1.600 trường hợp vi phạm trên cao tốc.

Trên đường thủy, CSGT xử lý gần 570 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 830 triệu đồng, tước giấy phép, chứng chỉ chuyên môn của 2 người. 34 trường hợp vi phạm trên đường sắt cũng bị xử phạt với tổng số tiền 16 triệu đồng.

Lao động đăng ký đi Hàn Quốc tăng đột biến

Kỳ thi tuyển chọn 12.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS song số đăng ký lên tới gần 23.500, cao nhất trong 10 năm qua.

Lao động xem danh sách phòng thi trong Kỳ thi năng lực tiếng Hàn tại Hà Nội

Lao động xem danh sách phòng thi trong Kỳ thi năng lực tiếng Hàn tại Hà Nội

Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kỳ thi sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8/5 - 10/6, tại Đà Nẵng tổ chức sau một ngày.

Lao động đăng ký ngành sản xuất chế tạo đông nhất, tới 19.200 lao động, trong khi Hàn Quốc cần tuyển 6.300 lao động. Các ngành khác có số người dự thi thấp hơn, cụ thể gần 2.600 thí sinh thi ngành ngư nghiệp, 1.300 người thi ngành nông nghiệp và 343 lao động xây dựng. Trong khi số cần tuyển lần lượt hơn 4.000, 841 và 901 người.

Bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, số đăng ký dự thi năm nay gấp đôi so với 2022 và cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trước đó năm 2022, Chương trình EPS lựa chọn và đưa hơn 8.900 lao động đi Hàn Quốc.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam từ năm 1992. Hơn 90% người đi tuyển chọn từ Chương trình EPS, bắt đầu từ năm 2004. Lao động chủ yếu là thuyền viên tàu cá, người có chuyên môn kỹ thuật; làm việc thời vụ nông nghiệp, thủy sản sang Hàn Quốc theo cơ chế hợp tác giữa địa phương hai nước. Lao động hiện có thu nhập dao động 1.400 - 1.800 USD mỗi tháng.

Ngành đăng kiểm cần ít nhất 6 tháng để giải quyết ùn tắc phương tiện

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cần ít nhất 6 tháng để kiểm định hết khoảng 2,5 triệu phương tiện trên cả nước, chưa kể số xe phải kiểm định lại.

Đăng kiểm xe tại một đơn vị ở Hà Nội

Đăng kiểm xe tại một đơn vị ở Hà Nội

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhiều trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội đang phải đặt lịch hẹn cho người dân trong 1 - 2 tháng tới. Các đơn vị đã tăng ca, làm thêm giờ, cả ngày nghỉ lễ nhưng tình trạng quá tải vẫn xảy ra vì thiếu nhân lực.

Ông Phùng Thế Ghi, phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 2902V (Gia Lâm) cho biết, hiện chỉ có hai trong bốn dây chuyền hoạt động do thiếu đăng kiểm viên. Lịch hẹn kiểm định đã được xếp kín hết tháng 5.

Phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 2905V (quận Long Biên), ông Đặng Tuấn Anh cho hay, dịp cao điểm tháng 4 dù chỉ có một dây chuyền hoạt động song mỗi ngày tiếp nhận 120 - 130 lượt xe. Trong đó, số xe tải không đạt chiếm 20%, chủ yếu mắc các lỗi về đèn, phanh, sai kích cỡ thùng. Các xe không đạt phải kiểm định lại khiến tình trạng quá tải diễn ra nghiêm trọng hơn.

Ông Trần Nguyên Sinh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 2908D (huyện Hoài Đức) cho biết, dù nghỉ lễ, số lượng xe tới kiểm định vẫn rất đông. Hiện đơn vị chỉ có 5 đăng kiểm viên làm việc nên mới vận hành được một dây chuyền.

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam gửi Bộ Giao thông vận tải cuối tuần qua, tình trạng ùn tắc tại các trung tâm kiểm định có xu hướng gia tăng do năng lực hiện tại của các đơn vị không đáp ứng nhu cầu. 241 trung tâm (384 dây chuyền) của cả nước có thể kiểm định 550.000 xe mỗi tháng. Trong khi đó, số ô tô đến kỳ hạn chưa được kiểm định khoảng 800.000; số phải kiểm định trong 6 tháng tới khoảng 1,7 triệu. Như vậy tổng số xe cần kiểm định trong nửa năm tới khoảng 2,5 triệu.

"Ngành đăng kiểm cần 6 tháng để giải quyết tình trạng ùn tắc, đặc biệt là khu vực Thủ đô Hà Nội và TP.HCM có mật độ phương tiện cao nên sẽ phải kéo dài thời gian hơn", báo cáo của Cục nêu.

Đã thông đường sắt Bắc - Nam sau vụ tàu SE1 trật bánh tại Thừa Thiên - Huế

Đoàn tàu SE1 chạy tuyến Bắc - Nam bị trật bánh đã được lực lượng chức năng cứu viện thành công và đã thông đường vào chiều ngày 4/5.

Tàu SE1 trật bánh tại Huế

Tàu SE1 trật bánh tại Huế

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, vào lúc 16 giờ 15 phút chiều ngày 4/5, tuyến đường sắt Bắc - Nam đã được thông đường sau sự cố tàu SE1 trật bánh khiến hai toa tàu bị nghiêng tại Thừa Thiên - Huế.

Trước đó, trưa ngày 4/5, chuyến tàu SE1 (xuất phát từ ga Hà Nội đi TP.HCM), chở theo 355 hành khách khi vừa rời ga Huế đến đoạn giao nhau với tuyến đường Điện Biên Phủ, thành phố Huế thì bị trật bánh khiến hai toa tàu bị nghiêng. Thời điểm này, do mới rời ga nên tàu đi chậm, không ảnh hưởng đến hành khách.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, ngành đường sắt đã bố trí đưa hành khách đến phòng đợi ga Huế để nghỉ ngơi, cung cấp suất ăn, nước uống miễn phí, đồng thời thực hiện chuyển tải khách có vé xuống ga Đà Nẵng.

Song song đó, các cán bộ, công nhân ngành đường sắt và đơn vị chức năng tổ chức cứu viện, điều 2 xe cẩu lớn nhằm hỗ trợ công tác khắc phục sự cố nhằm đưa 2 toa tàu trật bánh lên đường ray.

Công an TP.HCM chuyển Bộ Công an đơn khách hàng tố SCB và Manulife

Vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB đang được Cục Cảnh sát kinh tế (C03) Bộ Công an thụ lý. Công an TP.HCM sẽ phối hợp xác minh, chuyển giao vụ án theo quy định của pháp luật.

Ngày 18/4, nhiều người dân đã tới văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nộp đơn tố cáo Ngân hàng SCB liên kết với Manulife có hành vi chiếm đoạt tiền của khách hàng
Ngày 18/4, nhiều người dân đã tới văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nộp đơn tố cáo Ngân hàng SCB liên kết với Manulife có hành vi chiếm đoạt tiền của khách hàng

Liên quan việc nhiều người dân gửi đơn tố giác, phản ánh về việc tiền gửi tiết kiệm của họ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị “hô biến” sang đầu tư gói bảo hiểm nhân thọ Manulife, đại diện Công an TP.HCM cho biết, đơn vị này đã thực hiện tiếp nhận và đang xử lý, phân loại đơn theo quy định.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu - Công an TP.HCM cho biết, vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB đang được Cục Cảnh sát kinh tế (C03) Bộ Công an thụ lý. Do đó, Công an TP.HCM sẽ phối hợp xác minh, chuyển giao vụ án theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào ngày 18 và 20/4, nhiều người dân đã tới văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nộp đơn tố giác, phản ánh tiền gửi tiết kiệm của họ tại Ngân hàng SCB bị “hô biến” sang đầu tư gói “Tâm an đầu tư” của Bảo hiểm nhân thọ Manulife.

Theo các nguyên đơn, đây thực chất là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Manulife, chứ không phải hình thức gửi tiết kiệm đầu tư như đã được tư vấn.

Bình Thuận có văn bản hoả tốc về vụ sạt lở tại khu du lịch Bàu Trắng

Theo báo cáo nhanh, khu vực ven bờ Bàu Trắng xảy ra hiện tượng sạt lở đất cát, với chiều dài vòng cung khoảng 115 m, chiều rộng 21 m, chiều cao 4 m, diện tích bị sạt lở khoảng 1.590 m2.

Địa điểm sạt lở thuộc Khu du lịch Bàu Trắng với chiều dài khoảng 70 - 80 m, chiều ngang nước lấn vào đồi cát khoảng 25 m

Địa điểm sạt lở thuộc Khu du lịch Bàu Trắng với chiều dài khoảng 70 - 80 m, chiều ngang nước lấn vào đồi cát khoảng 25 m

Sáng 4/5, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản hỏa tốc gửi các sở, ngành, địa phương liên quan đến việc sạt lở ở ven bờ Bàu Trắng (vị trí điểm du lịch Bàu Trắng), xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.

UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị UBND huyện Bắc Bình chủ trì, phối hợp với các sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khảo sát trực tiếp khu vực sạt lở, báo cáo UBND Tỉnh.

Ngoài ra, sau khi khảo sát, các đơn vị liên quan có đánh giá tác động ảnh hưởng (sơ bộ) và đề xuất giải pháp xử lý tình trạng nêu trên trong ngày 7/5 để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Bắc Bình, khoảng 10 giờ 30 phút ngày 3/5, khu vực ven bờ Bàu Trắng thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, xảy ra hiện tượng sạt lở đất cát bờ Bàu Trắng, với chiều dài vòng cung khoảng 115 m, chiều rộng 21 m, chiều cao 4 m, diện tích bị sạt lở khoảng 1.590 m2.

Sau khi nhận được tin báo hiện tượng sạt lở đất ven bờ Bàu Trắng, vị trí điểm du lịch Bàu Trắng, đại diện lãnh đạo UBND huyện Bắc Bình đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo UBND xã Hòa Thắng, Ban Quản lý điểm du lịch Bàu Trắng, triển khai cắm cọc, biển cảnh báo khu vực sạt lở để người dân, du khách và các xe hoạt động du lịch không được đến gần khu vực sạt lở.

Bàu Trắng ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình là một thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng cho Bình Thuận - vùng đất quanh năm nắng và gió.

Bàu Trắng là vùng hồ nước ngọt tự nhiên rộng lớn được chia thành 2 phần bởi một đồi cát chắn ngang qua. Người dân nơi đây từ xưa gọi là Bàu Ông và Bàu Bà (nay gọi là Bàu Trắng và Bàu Sen).

Chuyên đề