Bản tin thời sự sáng 5/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quảng Nam dự kiến đầu tư gần 1.700 tỷ đồng bảo tồn phố cổ Hội An; giá USD tự do tăng mạnh; gần 2.000 tỷ đồng làm 3 km đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; bãi nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh An Giang với ông Nguyễn Thanh Bình…

Quảng Nam dự kiến đầu tư gần 1.700 tỷ đồng bảo tồn phố cổ Hội An

Nhằm đưa Hội An thành điểm đến hấp dẫn của thế giới, tỉnh Quảng Nam đã trình đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản phố cổ, kinh phí 1.670 tỷ đồng.

Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao

Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao

Theo đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản phố cổ Hội An đến năm 2030, định hướng 2035 mới được trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Nam định hướng Hội An thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, hướng đến xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh sẽ trùng tu, tôn tạo tất cả di tích được xếp hạng song hiện xuống cấp; nâng cấp bảo tàng, nhà hát, điểm dừng chân, thư viện, phòng trưng bày truyền thống. Các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu có giá trị được nhận diện, kiểm kê, quản lý bằng hồ sơ khoa học và bảo tồn.

Quảng Nam cũng hoàn thiện quy hoạch không gian và đưa vào mở rộng khoanh vùng bảo vệ khu phố cổ, qua đó góp phần tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh. Tỉnh sẽ đầu tư phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2, phòng chống mối mọt cho di tích, xây kè bảo vệ khu phố cổ...

Trong gần 1.700 tỷ đồng đầu tư, nguồn vốn trung ương, Quảng Nam và TP. Hội An là 1.470 tỷ đồng; 200 tỷ đồng còn lại là nguồn vốn tài trợ ODA.

TP. Hội An nằm bên bờ bắc hạ lưu sông Thu Bồn, nằm trong tam giác di sản văn hóa thế giới Huế - Hội An - Mỹ Sơn. Thành phố hiện có 1.439 di tích, riêng vùng lõi 1.175 di tích kiến trúc nghệ thuật. Cuối năm 1999, đô thị cổ Hội An được UNESCO công là di sản văn hóa thế giới.

Theo đánh giá của tỉnh Quảng Nam, hiện phố cổ Hội An tồn tại nhiều thách thức đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của di sản. Mỗi ngày phố cổ đón hàng nghìn lượt khách, lượng rác, nước thải gia tăng, nhưng chưa được giải quyết triệt để. Mỗi năm, nơi đây hứng chịu 2 - 3 đợt bão lụt, sạt lở bờ sông, biển, thủy triều…

Giá USD tự do tăng mạnh

Tỷ giá chợ đen tăng mạnh hơn 100 đồng lên vùng cao nhất lịch sử gần 25.600 đồng, vênh tới 1.000 đồng mỗi USD so với ngân hàng.

Giao dịch USD tại ngân hàng thương mại

Giao dịch USD tại ngân hàng thương mại

Sáng 4/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm 24.004 đồng, tăng nhẹ 2 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 22.803 - 25.204 đồng.

Trên thị trường ngân hàng, các ngân hàng cũng đồng loạt nâng giá USD so với cuối tuần. Vietcombank tăng 30 đồng cả hai chiều mua bán, lên 24.440 - 24.810 đồng. BIDV tăng 45 đồng lên 24.495 - 24.805 đồng. Tỷ giá tại Eximbank cũng tăng 40 đồng so với cuối tuần, lên 24.530 - 24.840 đồng.

Các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường chợ đen ngày 4/3 tiếp tục tăng mạnh hơn 100 đồng mỗi USD, nâng giá mua bán lên 25.480 - 25.580 đồng. Đây là vùng giá cao nhất của giá USD trên thị trường tự do từ trước đến nay. Tháng 10/2022, giá USD tự do cũng giao dịch xấp xỉ vùng 25.500 đồng trước sức ép từ thị trường quốc tế.

Hiện, chênh lệch giữa thị trường tự do và ngân hàng được đẩy lên cao. Mỗi đồng USD ngân hàng mua vào hiện thấp hơn 1.000 đồng so với chợ đen còn giá ngân hàng bán ra kém hơn khoảng 700 đồng.

Gần 2.000 tỷ đồng làm 3 km đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Đường trục chính dài gần 3 km, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng kết nối cao tốc tạo tuyến thông suốt từ Biên Hòa đến TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thiết kế đường trục chính Vũng Tàu

Thiết kế đường trục chính Vũng Tàu

Thông tin được nêu trong nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường trục chính Vũng Tàu vừa được HĐND Tỉnh thông qua.

Dự án dài gần 3 km, điểm đầu nối đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển ĐT994, cách nút giao Cửa Lấp khoảng 350 m); điểm cuối nối vào đường 2 Tháng 9, cách nút giao Quốc lộ 51B và 51C hơn 500 m.

Mặt đường rộng 29,5 m, trên tuyến xây cầu vượt với 4 làn xe; vận tốc thiết kế 80 km/h. Công trình có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, riêng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 1.100 tỷ đồng. Dự án triển khai trong giai đoạn 2024 - 2028.

Khi hoàn thành, đường trục chính Vũng Tàu thúc đẩy phát triển đô thị dọc tuyến, tạo động lực thu hút đầu tư vào các dự án quan trọng trong khu vực, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội của thành phố biển cũng như cả Tỉnh.

Ngoài ra, cùng với đường nối cao tốc đang được triển khai đầu tư, Dự án sẽ tạo thành một tuyến thông suốt giúp rút ngắn thời gian di chuyển bằng ôtô từ TP.HCM đến Vũng Tàu từ 120 phút xuống còn 70 phút; đồng thời liên kết với đường ven biển nối Bình Thuận tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.

Khởi công giữa tháng 6/2023, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54 km, quy mô 4 - 6 làn xe, tùy đoạn tuyến, với tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Trong đó, đoạn một dài 16 km do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; đoạn hai dài 18,2 km do Bộ Giao thông vận tải phụ trách và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng đoạn 3 dài 19,5 km.

Bãi nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh An Giang với ông Nguyễn Thanh Bình

HĐND tỉnh An Giang bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND Tỉnh đối với ông Nguyễn Thanh Bình, bãi nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND Tỉnh đối với ông Trần Anh Thư.

Ông Nguyễn Thanh Bình (trái) và ông Trần Anh Thư

Ông Nguyễn Thanh Bình (trái) và ông Trần Anh Thư

Ngày 4/3, HĐND tỉnh An Giang khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) họp, biểu quyết và đi đến thống nhất bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND Tỉnh, đại biểu HĐND Tỉnh (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đối với ông Nguyễn Thanh Bình; bãi nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đối với ông Trần Anh Thư.

Trước đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng có quyết định thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối ông Nguyễn Thanh Bình (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) và ông Trần Anh Thư (Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh).

Ông Nguyễn Thanh Bình bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Ông Trần Anh Thư đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt giam về tội Nhận hối lộ.

Cũng tại kỳ họp lần này, các đại biểu HĐND tỉnh An Giang đã biểu quyết thống nhất miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh An Giang đối với ông Nguyễn Bảo Trung (nguyên Chánh văn phòng UBND Tỉnh), do nhận nhiệm vụ mới.

Cũng tại kỳ họp, ông Trần Hòa Hợp (Chánh Văn phòng UBND tỉnh) và ông Nguyễn Quốc Cường (Giám đốc Sở Xây dựng) được bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh An Giang.

Tập đoàn Thái Lan muốn đầu tư khu công nghiệp 1.200 ha tại Vũng Tàu

Tập đoàn WHA đề xuất đầu tư Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Châu Đức với quy mô dự kiến lớn thứ hai tại Vũng Tàu.

Một góc huyện Châu Đức, Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu

Một góc huyện Châu Đức, Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu

Đề xuất trên được Tập đoàn WHA Thái Lan đưa ra tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tháng 3.

Bà Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành WHA cho biết, huyện Châu Đức có tiềm năng phát triển tốt. Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được phê duyệt, huyện Châu Đức có một khu vực được quy hoạch phát triển khu công nghiệp với diện tích 4.200 ha.

Do đó, WHA đề xuất nghiên cứu, đầu tư Dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Châu Đức tại huyện Châu Đức với diện tích 1.200 ha. Nếu được triển khai, dự án này sẽ có quy mô lớn thứ hai tại Vũng Tàu sau Khu công nghiệp Châu Đức (hơn 1.500 ha).

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Tỉnh cũng đang có chủ trương thu hút nhà đầu tư xây hạ tầng khu công nghiệp tại huyện Châu Đức với diện tích 4.200 ha. Tỉnh sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn WHA tham gia.

Tập đoàn WHA có mặt tại Việt Nam từ năm 2017 với dự án đầu tiên tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An quy mô gần 1.900 ha. Thời gian qua, doanh nghiệp này liên tiếp đề xuất đầu tư dự án khu công nghiệp quy mô hàng trăm ha tại Thanh Hóa, Quảng Nam.

Đại diện tập đoàn cho biết, mục tiêu trong 5 năm tới đầu tư ít nhất 1 tỷ USD để phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thông minh tại Việt Nam. Doanh nghiệp dự kiến thu hút thành công các dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ USD.

Đề xuất mở đường tiếp cận ga trên cao metro ở nội đô TP.HCM

Chủ đầu tư đề xuất mở đoạn đường khoảng 150 m dọc ga trên cao Văn Thánh thuộc Metro số 1 ở nội thành để thêm hướng tiếp cận phòng cháy, chữa cháy.

Tàu Metro số 1 chạy thử, đoạn qua ga Văn Thánh, quận Bình Thạnh

Tàu Metro số 1 chạy thử, đoạn qua ga Văn Thánh, quận Bình Thạnh

Nội dung nêu trong công văn Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vừa gửi Sở Giao thông vận tải để bổ sung quy hoạch và xây dựng. Việc mở đoạn đường dọc nhà ga nhằm phục vụ nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy cho Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), khi dự án vận hành thương mại trong năm nay.

Đoạn đường mới được đề xuất nằm song song hẻm 602 hiện hữu, ở phía Tây đoạn trên cao của tuyến metro thuộc quận Bình Thạnh. Tuyến này khi hình thành, cùng hẻm 602 sẽ tạo lối tiếp cận hai bên ga Văn Thánh, phục vụ cứu nạn, cứu hộ nếu xảy ra sự cố. Việc mở thêm đoạn đường cũng giúp người dân thuận tiện đi lại, tránh ùn tắc quanh nhà ga.

Trước đó, chủ đầu tư cho biết, Metro Bến Thành - Suối Tiên chuẩn bị nghiệm thu để vận hành, bao gồm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy ở các nhà ga. Theo thiết kế trước đây, ga trên cao Văn Thánh có 2 lối ra vào cho xe cứu hoả rộng khoảng 5,1 m, đi dọc 2 bên. Tuy nhiên, việc này chưa đảm bảo do hướng tiếp cận từ phía Tây chưa quy hoạch và xây dựng.

Hiện, ga Văn Thánh chỉ có một lối tiếp cận thông qua hẻm 602 hiện hữu, chiều rộng khoảng 7 m. Theo chủ đầu tư, việc này có thể gây tắc nghẽn cục bộ trong quá trình Metro số 1 vận hành; đồng thời ảnh hưởng khả năng tiếp cận của xe cứu hoả cùng các phương tiện cứu nạn, cứu hộ.

Metro Bến Thành - Suối Tiên tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao. Văn Thánh là ga trên cao đầu tiên trên tuyến, sau khi chuyển tiếp từ ga ngầm Ba Son trên hành trình từ trung tâm Quận 1 về depot Long Bình, TP. Thủ Đức. Hiện, toàn tuyến metro này đã hoàn thành khoảng 98% khối lượng, dự kiến vận hành thương mại thử nghiệm vào tháng 7 năm nay, chở khách chính thức sau đó 1 tháng.

Nghệ An sẽ xây nhà máy điện rác 3.100 tỷ đồng

Dự án nhà máy đốt rác kết hợp phát điện tổng vốn đầu tư 3.100 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2027, xử lý 1.500 tấn rác thải mỗi ngày.

Rác thải quá tải tại huyện Quỳ Hợp hồi cuối năm 2023

Rác thải quá tải tại huyện Quỳ Hợp hồi cuối năm 2023

Dự án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua hồi cuối tháng 2. Nhà máy đốt rác do Công ty CP Galax làm chủ đầu tư, xây dựng tại Khu liên hiệp chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc.

Sau khi hoàn thành, Nhà máy sẽ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, thông thường và nguy hại phát sinh của TP. Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu.

Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động quý IV/2027, công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn, 3 tấn chất thải y tế mỗi ngày, phát điện 20 MW.

Giai đoạn hai tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, dự kiến hoạt động quý IV/2030, xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn, tái chế 6 tấn nhựa FE và 3 tấn dầu DO mỗi ngày, phát điện 10 MW.

Dự án sử dụng công nghệ lò ghi cơ học của Đức, kết hợp phát điện. Công nghệ này đang được sử dụng tại một số nhà máy điện rác ở Việt Nam vì không kén chọn loại và kích cỡ rác thải.

Nghệ An hiện nay chưa có nhà máy điện rác. Năm 2023, lượng chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương là hơn 1.700 tấn mỗi ngày, nhưng mới thu gom được hơn 1.400 tấn, đạt 81%. Nhiều huyện đang trong tình trạng quá tải rác thải như Quỳ Hợp, Quế Phong, Con Cuông...

Quảng Bình công khai 42 doanh nghiệp nợ thuế 769 tỷ, FLC đầu bảng

Tỉnh Quảng Bình vừa công khai danh sách 42 đơn vị còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác với số tiền 769 tỷ đồng. Đứng đầu bảng là Công ty CP Tập đoàn FLC khi số tiền nợ lên đến gần 278 tỷ đồng.

Một trong những hạng mục còn dang dở tại dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC ở Quảng Bình

Một trong những hạng mục còn dang dở tại dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC ở Quảng Bình

Ngày 4/3, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cho biết vừa công khai danh sách 42 đơn vị nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, với số tiền 769 tỷ đồng.

Đứng đầu danh sách này là Công ty CP Tập đoàn FLC với số tiền nợ là gần 278 tỷ đồng. Đứng thứ hai là Công ty CP Khai thác, sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành Quảng Bình nợ hơn 134,6 tỷ đồng.

Tiếp theo là Công ty CP Sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1 với số tiền nợ là hơn 76,2 tỷ đồng. Công ty TNHH Sơn Hải Riversude nợ hơn 53,7 tỷ đồng.

Sau đó lần lượt là Công ty CP Xây dựng Đại Phúc Quảng Bình với số tiền nợ hơn 17,1 tỷ đồng và Công ty CP Tập đoàn Trường Sơn nợ hơn 14,1 tỷ đồng...

Theo ông Ngô Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Bình, trước mắt, những đơn vị nằm trong danh sách này đã bị Cục Thuế thực hiện biện pháp cưỡng chế hóa đơn trong thời hạn 1 năm. Sau 1 năm, nếu việc nộp thuế vẫn chưa hoàn thành thì sẽ tiếp tục gia hạn biện pháp cưỡng chế.

Ngoài ra, hàng tháng, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cũng ban hành thông báo nợ và tiền chậm nộp tiền thuế gửi đến từng doanh nghiệp và cá nhân nợ thuế, phối hợp Kho bạc Nhà nước Tỉnh thực hiện khấu trừ tại nguồn đối với số tiền nợ thuế của các đơn vị xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách, thực hiện thu nợ đọng thuế qua công tác hoàn thuế.

Hơn 6.000 m dây cáp kết nối camera ở TP.HCM bị mất

Hơn 6.000 m dây điện, cáp kết nối camera tại nhiều cây cầu trên địa bàn TP.HCM bị mất trộm gây thiệt hại hơn 300 triệu đồng, ảnh hưởng giám sát giao thông.

Cầu Bình Triệu 1 nối Thủ Đức với Bình Thạnh - một trong những công trình bị mất trộm hệ thống dây điện, cáp kết nối camera

Cầu Bình Triệu 1 nối Thủ Đức với Bình Thạnh - một trong những công trình bị mất trộm hệ thống dây điện, cáp kết nối camera

Thông tin vừa được Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi các địa phương liên quan như: TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Quận 8... Trong đó, bị mất phổ biến là các đường dây nguồn điện, cáp đồng trần, ống nhựa xoắn HDPE. Đây là hệ thống dây truyền tải kết nối camera ở các dạ cầu để giám sát giao thông thuỷ.

Cụ thể, hệ thống cáp đồng trần (loại dây được làm từ các sợi đồng bện lại với nhau) bị mất nhiều nhất, với gần 3.700 m. Ngoài ra, khoảng 1.600 m cáp nguồn DSTS, hơn 880 m cáp nguồn Duplex CV cũng bị mất. Để hạn chế, nhiều ống nhựa bọc dây bên trong được bơm keo vào để cố định, giảm việc rút ra ngoài, song vẫn chưa thể xử lý triệt để.

Theo đơn vị trên, ngoài thiệt hại ngân sách, tình trạng mất trộm dây cáp còn gây khó khăn cho việc điều hành do không kiểm soát được tàu thuyền qua khu vực dạ cầu, hoặc xử lý nhanh sự cố va đụng vào trụ, thành cầu. Trong đó, nhiều công trình lớn bắc qua sông, rạch bị mất như Thủ Thiêm, Bình Lợi, Bình Triệu, Chợ Đệm... Đây là những cầu nằm trên các tuyến giao thông thuỷ quan trọng của Thành phố, mỗi ngày có nhiều tàu chở khách, container chạy qua.

Để đảm bảo an toàn, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đề nghị các địa phương và đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền. Đồng thời, lực lượng công an, dân phòng thường xuyên kiểm soát địa bàn để sớm phát hiện, xử lý.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư