Bản tin thời sự sáng 5/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM đề xuất phương án thu thuế nhà, đất thứ hai; Lâm Đồng cần 177 tỷ đồng đưa nhà kính ra khỏi nội ô Đà Lạt; yêu cầu công an vào cuộc vụ doanh nghiệp trúng đấu giá 1,5 triệu đồng/m2 đất; Hà Nội không ban hành quy định riêng về bồi thường chung cư cũ…

TP.HCM đề xuất phương án thu thuế nhà, đất thứ hai

Thành phố kiến nghị tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên.

Bản tin thời sự sáng 5/2 ảnh 1

Khu vực trung tâm TP.HCM

Đề xuất thu thuế nhà đất được UBND TP.HCM nêu trong Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 vừa gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Chính phủ. Trước đó năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhằm tạo động lực mới để đô thị 13 triệu dân bứt phá.

Dự thảo lần này có nhiều cập nhật so với bản gửi Chính phủ vào tháng 12/2022, trong đó đáng chú ý là đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai trở lên với hai phương án.

Phương án một, Thành phố kiến nghị thí điểm thu thuế nhà và đất ở mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức thuế, phương pháp tính và thời gian áp dụng.

Phương án hai, Thành phố đề xuất tăng mức thu liên quan nhà đất thứ hai trở lên, cụ thể là: lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.

Mức tăng do HĐND Thành phố quyết định, gồm: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức hiện hành) và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành); tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2%, và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng.

Thành phố sẽ hưởng 100% số thu tăng thêm từ khoản này và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương.

Phương án thu thuế nhà đất thứ hai trở lên từng được nêu trong dự thảo chính sách thay thế Nghị quyết 54 mà TP.HCM gửi Chính phủ hồi tháng 12/2022.

Theo quy trình, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và cho ý kiến, Dự thảo được gửi lên Chính phủ để trình Quốc hội.

Lâm Đồng cần 177 tỷ đồng đưa nhà kính ra khỏi nội ô Đà Lạt

Tỉnh Lâm Đồng đang xúc tiến việc xóa bỏ dần diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp ra khỏi nội ô TP Đà Lạt, với tổng kinh phí thực hiện gần 177 tỷ đồng.

Nhà kính sản xuất nông nghiệp đang vây kín đô thị Đà Lạt

Nhà kính sản xuất nông nghiệp đang vây kín đô thị Đà Lạt

Lâm Đồng đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm dần và tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP. Đà Lạt và các huyện lân cận. Mục tiêu đến năm 2025 giảm 20% diện tích nhà kính so với hiện tại, và đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính trong nội ô Đà Lạt.

Để thực hiện mục tiêu này, Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát, xây dựng các bước di dời, giải tỏa diện tích nhà kính xây dựng trái phép; đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, ứng dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp không sử dụng nhà kính; chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ… gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường. Tổng kinh phí thực hiện gần 177 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 1,7%, còn lại là vốn của các tổ chức, cá nhân.

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.500 ha nhà kính, trong đó chủ yếu tại TP. Đà Lạt. Việc xóa bỏ diện tích nhà kính trong nội ô TP. Đà Lạt và các huyện lân cận nhằm tăng cường quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.

Yêu cầu công an vào cuộc vụ doanh nghiệp trúng đấu giá 1,5 triệu đồng/m2 đất

Khu đất 73.842 m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ được bán đấu giá với số tiền 115 tỷ đồng từ năm 2019. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát tính pháp lý.

Hiện trạng Dự án Serenity Phước Hải

Hiện trạng Dự án Serenity Phước Hải

Liên quan đến khu đất 73.842 m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ mà Công ty TNHH Tài Tiến trúng đấu giá với số tiền 115 tỷ đồng vào năm 2019 (tương ứng 1,5 triệu đồng/m2), UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa giao các đơn vị, trong đó có Công an tỉnh, làm rõ việc chưa đảm bảo cơ sở pháp lý, thông tin quy hoạch chi tiết của khu đất có ảnh hưởng đến việc xác định giá khởi điểm đấu giá. Trước ngày 15/2/2023 tham mưu cho UBND Tỉnh giải quyết để đảm bảo không gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, UBND Tỉnh còn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan từ việc xác lập phương án đấu giá, định giá khởi điểm đến công nhận kết quả trúng đấu giá khu đất.

Kiên Giang đề nghị có chiết khấu tối thiểu cho bán lẻ xăng dầu

UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị có quy định về chiết khấu tối thiểu trên mỗi lít xăng cho doanh nghiệp bán lẻ để đảm bảo họ có lãi, duy trì kinh doanh, cung ứng.

UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị có quy định về chiết khấu tối thiểu trên mỗi lít xăng

UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị có quy định về chiết khấu tối thiểu trên mỗi lít xăng

Góp ý sửa Nghị định 95/2021/NQ-CP về kinh doanh xăng dầu cho Bộ Công Thương, tỉnh Kiên Giang cho rằng, các quy định phải hài hoà lợi ích các bên tham gia chuỗi cung ứng, tiêu dùng (Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng).

Theo tỉnh Kiên Giang, đứt gãy chuỗi cung ứng vừa qua có nhiều nguyên nhân, cốt lõi là do doanh nghiệp không thể duy trì kinh doanh do thua lỗ kéo dài. Cả nước hiện có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó số lượng cửa hàng của hai doanh nghiệp nhà nước nắm thị phần chi phối (Petrolimex, PVOil) khoảng trên 3.000 cửa hàng, số còn lại thuộc về các doanh nghiệp tư nhân và hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối khác. Trong khi đó, hệ thống chuỗi các cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp lớn (tập đoàn, công ty có vốn nhà nước chi phối) chưa phủ đều đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, mà do doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp tư nhân... đảm đương.

Tuy nhiên, hiện không có quy định chiết khấu định mức (mức hoa hồng các đầu mối, thương nhân phân phối trích lại) cho các cửa hàng bán lẻ, dẫn tới nhiều đơn vị thua lỗ, phải ngừng kinh doanh, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Do đó, tỉnh này đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy định chiết khấu định mức theo tỷ lệ % nhất định trên mỗi lít xăng, dầu cho các cửa hàng bán lẻ để doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh tình trạng phải ngừng kinh doanh như vừa qua. Tỉnh cũng đề nghị doanh nghiệp bán lẻ được mua hàng từ nhiều nguồn, thay vì một nguồn (nhà cung cấp) như hiện nay, để đảm bảo cạnh tranh, chủ động nguồn cung.

Hà Nội không ban hành quy định riêng về bồi thường chung cư cũ

Đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội quy định cụ thể mức bồi thường khi cải tạo chung cư cũ đã bị bác sau nửa tháng đưa ra lấy ý kiến.

Khu tập thể C8 Giảng Võ

Khu tập thể C8 Giảng Võ

Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ cho hay, UBND TP. Hà Nội sẽ không xem xét, ban hành văn bản về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo đề xuất của Sở Xây dựng. Nội dung chủ yếu của văn bản liên quan đến hệ số bồi thường K và quy trình lựa chọn nhà đầu tư.

Ban Chỉ đạo lý giải, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã tương đối đầy đủ. Việc nghiên cứu, thẩm định để ban hành văn bản mất nhiều thời gian, trong khi tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang bị chậm.

UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành vận dụng tối đa quy định hiện có, phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu, báo cáo Thành phố ban hành văn bản cá biệt để chỉ đạo, nhưng vẫn phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai đối với một số tình huống cụ thể.

Thống kê đến năm 2020, TP. Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, bao gồm gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, còn 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960 - 1994 và trước năm 1954. Giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp, Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.

Để việc cải tạo đạt hiệu quả, Thành phố giao các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy khẩn trương di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp, hoàn thành chậm nhất trong quý I/2023; khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý III/2023.

Ngành vận tải biển nối dài mùa lợi nhuận kỷ lục

Cước vận tải biển đang giảm hơn 80% so với mức đỉnh, trong khi năm 2022, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành lập kỷ lục lợi nhuận.

Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành vận tải biển lập kỷ lục lợi nhuận

Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành vận tải biển lập kỷ lục lợi nhuận

Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans - PVT) và Công ty Vận tải xăng dầu Vipco (VIP) đồng loạt báo lãi cao kỷ lục năm 2022. Hải An năm ngoái đạt hơn 1.050 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 90% so với năm 2021. Vận tải dầu là chủ yếu, PVTrans vẫn lãi hơn 1.160 tỷ đồng, tăng 39%. Riêng lợi nhuận sau thuế của Vipco tăng gần 25 lần, lên 246 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. "Ông lớn" cảng và tàu biển Gemadept (GMD) ghi nhận hơn 1.150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 60%. Đây là mức lãi cao thứ hai kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin vào năm 2000, chỉ xếp sau năm 2018 (năm Gemadept nhận lãi lớn từ chuyển nhượng vốn trong công ty con).

Có quy mô nhỏ hơn, Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco - VOS) báo lãi gần 490 tỷ đồng trong năm ngoái. Con số này giảm nhẹ 0,4% so với năm 2021, nhưng vẫn là mức lợi nhuận lớn thứ hai kể từ khi niêm yết. Tương tự, "anh cả" ngành hàng hải Vinalines (MVN) hụt gần 23% lợi nhuận trong năm ngoái, nhưng mức lãi hơn 2.500 tỷ đồng cũng lớn thứ hai kể từ khi công bố thông tin vào năm 2015.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2022, vận chuyển hàng hóa đường biển đạt hơn 399,5 triệu tấn, tăng khoảng 27% so với năm 2021.

Sau Tết, doanh nghiệp tại Quảng Ngãi tuyển dụng hơn 10.000 lao động

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão, hoạt động tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi bắt đầu sôi động. Theo thống kê sơ bộ, các doanh nghiệp trong Tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 10.000 lao động.

Tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối người lao động tìm việc với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng

Tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối người lao động tìm việc với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng

Tuần qua, lượng lao động tại Quảng Ngãi có nhu cầu tìm kiếm việc làm tăng mạnh. Hầu hết là những lao động trước đây làm việc tại miền Nam, sau khi về quê đón Tết đã quyết định làm việc tại quê nhà.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ngãi Võ Duy Yên, hoạt động tuyển dụng của thị trường lao động trong Tỉnh đang rất sôi động.

Trên cơ sở đó, Trung tâm lên kế hoạch tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm để kết nối người lao động với doanh nghiệp. Theo thống kê sơ bộ, hiện có 42 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng hơn 10.000 lao động.

Ngành nghề tuyển dụng khá đa dạng như may mặc, thủy sản, cơ khí, điện, luyện kim. Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương 7,5 - 10 triệu đồng/tháng, có nhiều vị trí việc làm có mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Bắt giữ 3 tàu vận chuyển khoảng 200.000 lít dầu DO trên biển

Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 liên tiếp bắt giữ 3 tàu vận chuyển khoảng 200.000 lít dầu DO trái phép trên biển.

Lập biên bản với các chủ tàu

Lập biên bản với các chủ tàu

Thực hiện đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong các ngày 3 và 4/2/2023, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên vùng biển Tây Nam của BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện, kiểm tra 3 tàu cá mang số hiệu TG 93627 TS, BV 96789 TS, TG 90767 TS có dấu hiệu nghi vấn vận chuyển dầu DO trái phép trên biển.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu TG 93627 TS có 5 thuyền viên, do ông Nguyễn Thanh Hùng (địa chỉ thường trú tại Hòa Định, Chợ Gạo, Tiền Giang) làm thuyền trưởng; tàu BV 96789 TS có 7 thuyền viên, do ông Lương Văn Trung (tại Tân Long, Mỹ Tho, Tiền Giang) làm thuyền trưởng; tàu TG 90767 TS có 4 thuyền viên, do ông Bùi Thanh Điền (địa chỉ thường trú tại Tân Long, Mỹ Tho, Tiền Giang) làm thuyền trưởng.

Theo lời khai của các thuyền trưởng, tàu TG 93627 TS đang vận chuyển khoảng 30.000 lít dầu DO, tàu BV 96789 TS vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO, tàu TG 90767 TS vận chuyển khoảng 70.000 lít dầu DO. Tổng số khoảng 200.000 lít.

Thuyền trưởng các tàu trên đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu DO trên tàu.

Chuyên đề