Đà Nẵng đề xuất sáp nhập hàng loạt sở, ngành
Ban cán sự Đảng UBND TP. Đà Nẵng vừa trình phương án chấm dứt hoạt động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hợp nhất nhiều sở, ban, hội để tinh gọn bộ máy.
Công chức Sở Thông tin và Truyền thông làm việc tại bộ phận một cửa Trung tâm hành chính Đà Nẵng |
Thành phố dự kiến hợp nhất Sở Tài chính và Sở Kế hoạch Đầu tư thành Sở Tài chính - Đầu tư, trên cơ sở bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ, nhân sự từ 2 sở trước đây (106 biên chế, 13 phòng) và 2 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (trước đây thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư), Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Thành phố. Sau hợp nhất sẽ giảm 1 văn phòng và 1 cơ quan thanh tra.
Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải được hợp nhất thành Sở Giao thông - Xây dựng, gồm 11 phòng (giảm 4 phòng), giữ nguyên 13 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch hợp nhất thành Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, tiếp nhận quản lý thông tin, báo chí và xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông chuyển sang.
Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ hợp nhất thành Sở Khoa học - Thông tin. Tổng biên chế là 58, chuyển 8 biên chế sang Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch mới.
Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên Môi trường hợp nhất thành Sở Tài nguyên và Môi trường - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thành phố dự kiến chấm dứt hoạt động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển lĩnh vực quản lý giáo dục nghề nghiệp về Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội về Sở Y tế; chuyển lĩnh vực lao động, tiền lương, việc làm, bảo hiểm xã hội, người có công về Sở Nội vụ.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 22 sở, ban ngành (bao gồm Văn phòng UBND, Văn phòng HĐND Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, Ban Quản lý An toàn thực phẩm); 8 chi cục và tương đương; 126 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở (115 đơn vị) và trực thuộc UBND Thành phố (11 đơn vị).
Phương án giảm 8 sở, 5 cơ quan hành chính ở TP.HCM
TP.HCM định hướng sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động hai sở, chuyển các ban quản lý từ đơn vị hành chính thành đơn vị trực thuộc UBND Thành phố.
Trụ sở UBND TP.HCM |
Thông tin được bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM nêu tại Hội nghị triển khai việc tổng kết Nghị quyết 18 trên địa bàn, chiều 4/12.
Sau khi rà soát hệ thống cơ sở đảng cùng các cơ quan trực thuộc chính quyền TP.HCM, Ban Thường vụ Thành ủy đã đưa ra định hướng sắp xếp bộ máy bước đầu.
Đối với khối chính quyền, TP.HCM nghiên cứu: sáp nhập Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chuyển Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc; sáp nhập Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, chuyển Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được nghiên cứu sáp nhập để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường. Một số nhiệm vụ của hai sở này sẽ chuyển về các sở khác liên quan.
TP.HCM chuyển Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc; nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa - Thể thao.
Sở Thông tin và Truyền thông được nghiên cứu sáp nhập với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số; kết thúc hoạt động Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chuyển các chức năng qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao.
Sở An toàn thực phẩm dự kiến kết thúc nhiệm vụ, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương; nghiên cứu sáp nhập Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) và Ban Dân tộc thành phố; sáp nhập Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM.
Nếu thực hiện theo phương án này, TP.HCM sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính.
Tàu Tết Ất Tỵ 2025 'cháy vé'
Do nhiều chuyến tàu ngày cao điểm trước Tết Ất Tỵ hết vé, ngành đường sắt bổ sung 11 chuyến với 5.000 chỗ từ TP.HCM đến Quảng Ngãi và Hà Nội.
Khách mua vé tàu Tết tại ga Sài Gòn |
Chiều 4/12, Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết, sau gần 2 tháng, đơn vị bán gần 137.000 vé, trong tổng số khoảng 167.000 vé, đạt 82%. Trong đó, hành khách mua vé online chiếm tỷ lệ khoảng 58%.
Tốc độ bán vé năm nay khá nhanh. Sản lượng vé bán hiện nay bằng 123% và doanh thu bằng 124% so với cùng kỳ năm trước. Theo đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt, trước Tết nhiều chuyến tàu đi các ngày từ 22/1 (23 tháng Chạp) đến 26/1/2025 (27 tháng Chạp) đã hết vé chiều từ Nam ra Bắc.
Các chuyến tàu còn vé đi các ga từ ngày 21/1 trở về trước và 27, 28/1/2025 (22 tháng Chạp trở về trước và 28, 29 tháng Chạp). Các ngày từ 22/1 đến 26/1/2025 (23 đến 27 tháng Chạp) còn nhiều vé đến ga Phan Thiết, Nha Trang.
Sau Tết, từ ngày 29/1 đến ngày 16/2/205 (mùng 1 đến 19 tháng Giêng) còn nhiều vé đi các ngày, các ga.
Do nhu cầu tăng, Công ty CP Vận tải đường sắt sẽ tổ chức chạy thêm 11 chuyến tàu từ ga Sài Gòn đến Quảng Ngãi, Hà Nội và ngược lại, cung cấp thêm 5.000 chỗ. Cụ thể, từ ga Sài Gòn đến ga Hà Nội chạy thêm các tàu SE12 ngày 17, 18/1; tàu TN6 ngày 18, 19/1; tàu SE24 ngày 17/1/2025.
Từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn, ngành đường sắt chạy thêm các tàu SE11 ngày 18, 19/1; tàu TN5 ngày 20, 21/1; tàu SE23 ngày 15/2; từ Sài Gòn đến Quảng Ngãi chạy thêm tàu SE26 ngày 19/1/2025.
Tết Nguyên đán năm nay, người lao động nghỉ 9 ngày, từ 26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng (25/1 - 2/2/2025). Trong kế hoạch phục vụ đi lại dịp này, ngành đường sắt dự kiến cung ứng khoảng 167.000 vé, giảm khoảng 38.000 chỗ so với cùng kỳ năm ngoái do thay đổi phương án khai thác.
Đồng Nai đề xuất xây hầm vượt sông thay cầu Cát Lái
Đồng Nai đề xuất xây hầm vượt sông nối TP.HCM thay phương án cầu nhằm hạn chế giải phóng mặt bằng, đảm bảo mỹ quan, tránh ảnh hưởng hoạt động của cảng Cát Lái.
Khu vực dự kiến xây hầm Cát Lái vượt sông |
Phương án được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đề xuất tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh 8 năm trước, Dự án cầu Cát Lái, nối TP. Thủ Đức, TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng cho bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Tuy nhiên, hiện kế hoạch triển khai công trình vẫn chưa thống nhất sau nhiều năm bàn thảo.
Trước đó, khi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Fecon và đối tác là Công ty Shanghai Tunnel Engineering Co.STEC đưa ra 2 phương án xây hầm Cát Lái vượt sông. Trong đó, phương án một xây hầm dài hơn 2,3 km, với 8 làn đường (4 làn đường mỗi hầm), vận tốc thiết kế 80 km/h. Với phương án hai, đơn vị đề xuất quy mô 6 làn đường với 3 làn đường mỗi hầm; chiều dài tuyến hơn 1,7 km.
Đại diện Công ty CP Fecon cho biết, phương án đầu tiên phần hầm kín, hầm hở và 2 hố shaft (giếng phục vụ thi công ngầm) được bố trí tại các vị trí đất trống, giảm thiểu diện tích giải phóng mặt bằng và không ảnh hưởng lưu thông các tuyến đường hiện hữu.
Tương tự, với phương án hai, phần hầm kín, hầm hở và 2 hố shaft được bố trí tại các vị trí trên mặt đường hiện hữu (đường Lý Thái Tổ và đường Nguyễn Thị Định) nên không cần giải phóng mặt bằng trong lúc thi công hầm. Tuy nhiên, có ảnh hưởng giao thông ở 2 tuyến đường trên.
Theo đại diện Công ty CP Fecon, đây chỉ là những phương án gợi mở do thời gian nghiên cứu ngắn và chưa có số liệu đầy đủ, chi tiết về địa chất, các quy hoạch liên quan. Qua nghiên cứu, phương án rẻ nhất và nhanh nhất để thi công hầm thay cho xây dựng cầu Cát Lái có chi phí 9.000 - 10.000 tỷ đồng, thời gian thi công dưới 2 năm.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương cho Đồng Nai nghiên cứu xây hầm vượt sông thay cầu Cái Lái kết nối TP.HCM để đồng bộ giao thông khi sân bay Long Thành vào hoạt động.
Doanh thu bảo hiểm nhân thọ vẫn giảm
11 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ bảo hiểm nhân thọ đạt 132.200 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Tài chính.
11 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ bảo hiểm nhân thọ đạt 132.200 tỷ đồng |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) 11 tháng đạt 200.109 tỷ đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.905 tỷ đồng, tăng gần 13,02%. Còn doanh số bảo hiểm nhân thọ vẫn đi lùi sau cuộc khủng hoảng vào năm ngoái, khi giảm 5,5% sau 11 tháng, đạt 132.204 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, 11 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi khoảng 86.368 tỷ đồng, tăng 17,13% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 838.319 tỷ đồng, tăng 12,6%. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 986.586 tỷ đồng, tăng 9,7%.
Thực tế, gần 2 năm qua, ngành bảo hiểm nhân thọ đối diện với nhiều thay đổi. Luật Kinh doanh bảo hiểm (hiệu lực từ đầu 2023) và Thông tư 67 đưa ra chính sách chặt chẽ hơn, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đồng thời, tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn. Các kỳ thi với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, khiến tỷ lệ đỗ xuống thấp.
Hiện, thị trường bảo hiểm có 85 doanh nghiệp kinh doanh. Trong đó, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, gồm 2 công ty trong nước (Bảo Việt, Bảo Minh), còn lại là đơn vị nước ngoài, liên doanh. 2 năm qua, 10 đơn vị bảo hiểm nhân thọ có gần 97% doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance đã bị thanh tra, và hiện 5 kết luận được cơ quan quản lý hoàn thành.
Năm nay, Bộ Tài chính thanh tra tiếp 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 2 đơn vị bán sản phẩm liên kết đầu tư.
Hải Phòng dự kiến xây thêm cầu vượt biển dài nhất Việt Nam
Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện 2 sẽ được xây dựng bên trái cầu hiện có vào giai đoạn 2026 - 2030 với tổng đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng.
Năm 2017, cầu vượt Tân Vũ - Lạch Huyện được thông xe, trở thành cầu vượt biển dài nhất Việt Nam |
Trả lời cử tri tại Kỳ họp thứ 18 HĐND TP. Hải Phòng sáng 4/12, lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng cho biết, Đề án xây dựng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 và đường dẫn đã được Sở Giao thông vận tải hoàn thiện để gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND Thành phố xem xét. Dự kiến, Đề án sẽ được trình Thủ tướng xem xét phê duyệt trong quý I/2025.
Theo Đề án, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 được xây bên trái cầu hiện có, dài 5,44 km, mặt cắt ngang 16 m; mở rộng đường dẫn 2 đầu cầu (tổng chiều dài 9,86 km) lên 6 làn xe cơ giới và 4 làn xe hỗn hợp. Đường dẫn cầu Tân Vũ - Lạch Huyện hiện nay có 4 làn xe chạy, mỗi bên 2 làn, ngăn cách bởi dải phân cách giữa rộng 3 m.
Đề án có tổng mức đầu tư hơn 8.710 tỷ đồng, bao gồm cả lãi vay. Nguồn vốn gồm 6.455 tỷ đồng từ vốn vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và 2.255 tỷ đồng từ vốn đối ứng ngân sách địa phương.
Năm 2017, cầu vượt Tân Vũ - Lạch Huyện được thông xe, trở thành cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Công trình dài 5,44 km nằm trong hợp phần Dự án đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện nối bán đảo Đình Vũ với huyện Cát Hải, tổng vốn đầu tư xây dựng gần 12.000 tỷ đồng.
Hai tuyến cáp quang biển đang gặp sự cố
APG và AAE-1 (2 trong 5 tuyến cáp quang biển cập bờ tại Việt Nam) cùng gặp sự cố khiến việc kết nối Internet quốc tế có thể bị ảnh hưởng.
Một đội xây dựng cáp quang biển của Google đang thi công hệ thống cáp ở bờ biển nước Anh |
Chiều 4/12, một nhà cung cấp dịch vụ Internet xác nhận, từ ngày 29/11, tuyến cáp APG gặp lỗi trên nhánh S8 gần Thái Lan. Sau gần 1 tuần, nhánh này vẫn chưa xác định được nguyên nhân sự cố, nên kế hoạch và thời gian dự kiến hoàn thành việc khắc phục chưa được ấn định cụ thể.
Một tuyến khác là AAE-1 cũng gặp trục trặc ở hai nhánh S1H5 hướng kết nối đi Singapore và S1H3 nằm giữa trạm cập bờ Cambodia với Việt Nam. Vấn đề được phát hiện từ tháng 5 và được sửa chữa từ đó. Nhánh S1H3 đã khắc phục xong cuối tháng 9, còn nhánh S1H5 ba lần lùi kế hoạch sửa chữa. Do đó, tuyến này hiện chưa thể khôi phục hoàn toàn dung lượng kết nối trên tuyến. Đại diện một nhà mạng cho biết đã nhận thông báo tuyến AAE-1 sẽ được khôi phục kết nối vào ngày 5/12.
Việt Nam hiện kết nối Internet quốc tế qua năm tuyến cáp quang biển gồm APG, AAP, AAE-1, IA, SMW-3 với tổng dung lượng 18,7 Tbps. Tình trạng gián đoạn với những tuyến cáp này không hiếm. Hồi giữa năm, ba trong năm tuyến là IA, APG, AAE-1 cùng gặp sự cố khiến việc truy cập đến dịch vụ quốc tế của nhiều người dùng trong nước bị ảnh hưởng.
Tháng 2/2023, có giai đoạn cả năm tuyến đều gặp sự cố khiến đường truyền Internet của Việt Nam mất 75% dung lượng, buộc các nhà mạng phải mua thêm dung lượng theo hướng đất liền. Sau đó, nhiều sự cố đơn lẻ tiếp tục xảy ra khiến đường truyền này gần như không trọn vẹn, cho tới những tháng cuối năm.
Khi sự cố xảy ra, các nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ làm việc với đối tác phụ trách để tìm cách khắc phục sớm nhất. Ngoài ra, tương tự những tình huống đứt cáp trước đây, nhà mạng đưa ra nhiều biện pháp như san tải sang các hướng khác hoặc qua đường cáp đất liền.
Theo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, Việt Nam sẽ bổ sung để nâng số lượng lên 7 - 9 tuyến vào 2025 và 9 - 11 tuyến vào 2030.
Kiến nghị xử lý tài chính hơn 5,7 nghìn tỷ đồng qua thanh tra trong tháng 11/2024
Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 11/2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 7.351 cuộc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị; kiểm tra 116.249 hồ sơ tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 5.704.717 triệu đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 1.856.417 triệu đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 3.848.300 triệu đồng); xử phạt vi phạm hành chính 394.937 triệu đồng; số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ 1.559.122 triệu đồng.
Ngành Hải quan đã thực hiện 132 cuộc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị; và kiểm tra 82 hồ sơ sau thông quan tại trụ sở cơ quan |
Trong đó, Thanh tra Bộ đã ban hành 6 kết luận thanh tra. Kiến nghị xử lý tài chính 302.092 triệu đồng, trong đó kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 133.010 triệu đồng, xử lý tài chính khác 169.082 triệu đồng. Trong kỳ, đã xử lý nộp ngân sách nhà nước số tiền 719 triệu đồng. Ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 70 triệu đồng.
Toàn hệ thống thuế đã thực hiện 7.060 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 116.167 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý tài chính qua thanh tra, kiểm tra là 5.266.584 triệu đồng, bao gồm kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 1.587.378 triệu đồng; xử lý tài chính khác 3.679.206 triệu đồng. Xử phạt vi phạm hành chính 373.285 triệu đồng. Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1.333.169 triệu đồng.
Ngành Hải quan đã thực hiện 132 cuộc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị; và kiểm tra 82 hồ sơ sau thông quan tại trụ sở cơ quan. Kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 135.299 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 21.576 triệu đồng. Số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính là 224.906 triệu đồng.
Việt Nam chi 2,2 tỷ USD nhập khẩu cao su
Campuchia là nhà cung cấp cao su lớn nhất cho Việt Nam, tiếp đến là Trung Quốc, Hàn Quốc.
Việt Nam chi 2,2 tỷ USD nhập khẩu cao su. Ảnh minh họa |
Cao su từng là cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, giá giảm sâu trong nhiều năm qua đã khiến diện tích trồng thu hẹp, nông dân chuyển đổi cây trồng khác. Hệ quả, Việt Nam phải tăng nhập khẩu nguyên liệu này trong hai năm gần đây.
Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 1,4 triệu tấn cao su, trị giá hơn 2,2 tỷ USD. Con số này tăng 8,9% về lượng và 30,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan. Điều này phản ánh sự thay đổi trong cán cân cung cầu khi nguồn cung trong nước sụt giảm đáng kể.
Campuchia là nhà cung cấp cao su lớn nhất cho Việt Nam với hơn 649.000 tấn, trị giá 802 triệu USD. Mặc dù lượng nhập khẩu giảm 7%, giá trị tăng 22%, đạt trung bình 1.235 USD một tấn, tăng 31% so với năm trước. Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt đứng thứ hai và ba, với trị giá 316 triệu USD và 261 triệu USD, giá bình quân từ 1.734 đến 1.962 USD một tấn.
Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu là do người dân thu hẹp diện tích trồng cao su trong những năm gần đây, đặc biệt khi giá cả liên tục duy trì ở mức thấp. Biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mủ cao su. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cao su tự nhiên trên toàn cầu lại tăng trưởng đều đặn ở mức 4 - 6% mỗi năm, đặc biệt từ các ngành sản xuất lốp xe và thiết bị công nghiệp. Điều này tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới.
Ở khía cạnh xuất khẩu, Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ ba toàn cầu, chiếm 17,4% thị phần. Trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu loại này đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.