Bản tin thời sự sáng 5/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là EVN đề xuất thí điểm tính giá điện 2 thành phần; thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND 2 huyện ở tỉnh Đồng Nai; cả nước có thêm 615 giáo sư, phó giáo sư năm 2024; TP.HCM sẽ chi 33 tỷ đồng để người dân đi metro miễn phí trong tháng đầu khai thác…

EVN đề xuất thí điểm tính giá điện 2 thành phần

Việc triển khai áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần cho khách hàng sản xuất có thể được thực hiện từ 1/1/2025.

EVN đề xuất thí điểm thực hiện giá điện 2 thành phần

EVN đề xuất thí điểm thực hiện giá điện 2 thành phần

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa báo cáo Bộ Công Thương về giá điện 2 thành phần (gồm giá công suất và giá điện năng). Bộ Công Thương sẽ xem xét xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện và đối tượng áp dụng.

Theo đề án, EVN đề xuất phương án cơ sở là hệ thống giá thuần túy phản ánh chi phí cung cấp điện, có xét tới đặc điểm tiêu dùng điện của các nhóm khách hàng. Theo đó, phân loại theo nhóm khách hàng gồm khách hàng ngoài sinh hoạt; khách hàng sinh hoạt có sản lượng tới 2.000 KWh/tháng; khách hàng có sản lượng trên 2.000 KWh/tháng. Phân loại theo cấp điện áp gồm 4 cấp: siêu cao cáp, cao áp, trung áp và hạ áp.

Với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt, EVN đề xuất chung một biểu giá điện 2 thành phần theo dạng giá công suất (đồng/KWh) và giá điện năng cao thấp điểm (đồng/KWh). Đây là ba nhóm gồm sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp trong hệ thống giá hiện hành.

Với khách hàng sinh hoạt có quy mô, sản lượng tiêu dùng lớn hơn 2.000 KWh/tháng, giống như khách hàng ngoài sinh hoạt nhưng tiêu dùng ở cấp điện áp hạ áp. Thống kê cho thấy, nhóm này lên tới 56.000 khách hàng, việc trang bị hệ thống đo đếm hai thành phần là chưa thể thực hiện được ở giai đoạn trước mắt. Vì vậy, giai đoạn đầu chưa đề xuất áp dụng mà có thể xem xét phương án giá 2 thành phần theo cách thức áp dụng với hộ có sản lượng dưới 2.000 KWh/tháng, tức thu giá cố định theo gói và giá điện năng không đổi.

Với nhóm khách hàng có sản lượng tiêu dùng thấp (dưới 2.000 KWh/tháng), biểu giá sinh hoạt 2 thành phần sẽ bao gồm giá cố định theo quy mô tiêu dùng và giá điện năng đồng giá (mức 1.598 đồng/KWh). Do đông, nhóm khách hàng tiêu dùng dưới 50 KWh/tháng vẫn đang được hưởng sự hỗ trợ từ Chính phủ. Vì vậy, quy mô tiêu dùng để tính giá cố định đang được xây dựng theo dạng bậc thang hiện hành.

Báo cáo của EVN cũng đề xuất lộ trình áp dụng cụ thể: Giai đoạn thử nghiệm được thực hiện trên dữ liệu thời gian thực với việc tiếp tục áp dụng biểu giá bán lẻ điện hiện hành để tính hóa đơn tiền điện đến hết năm 2024.

Sau giai đoạn thử nghiệm, EVN đề xuất áp dụng chính thức giá 2 thành phần thí điểm cho khách hàng sản xuất trong tệp khách hàng Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

"Phương án lý tưởng là áp dụng từ 1/1/2025, nếu như giai đoạn thử nghiệm đề xuất trên được triển khai và kết thúc như dự kiến", EVN cho biết.

Thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND 2 huyện ở tỉnh Đồng Nai

Thanh tra tỉnh Đồng Nai quyết định thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom và Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch.

Thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom và Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch

Thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom và Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch

Ngày 4/11, Thanh tra tỉnh Đồng Nai vừa công bố 2 quyết định về việc thanh tra trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom và Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch.

Theo đó, Thanh tra tỉnh Đồng Nai quyết định về việc thanh tra trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom trong việc thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra; tiếp công dân, xử lý đơn; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền tại Quyết định số 1628/QĐ-UBND ngày 7/7/2023 của UBND tỉnh về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể.

Đối tượng thanh tra là Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023. Trường hợp cần thiết, có thể xem xét trước và sau thời kỳ thanh tra.

Thanh tra tỉnh Đồng Nai cũng quyết định thành lập đoàn thanh tra trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chấp hành pháp luật đối với việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Đối tượng thanh tra là Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023.

Hiện nay, bà Minh Châu và Giang Hương đều không còn tại vị. Trong đó, bà Châu đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì vi phạm liên quan sai phạm tại Khu dân cư Tân Thịnh của LDG, xây dựng trái phép hơn 500 biệt thự. Bà Châu đã được cho thôi việc theo nguyện vọng từ tháng 6/2024.

Cũng trong tháng 6/2024, bà Nguyễn Thị Giang Hương bị cách chức Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch sau vụ không trung thực trong kê khai tài sản.

Hồi tháng 3/2024, nhóm đối tượng lừa đảo công nghệ cao, chiếm đoạt của bà Giang Hương hơn 170 tỷ đồng.

Vào cuộc xác minh tài sản, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai tiến hành xác minh tài sản, xác định bà Hương đã không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập qua các lần kê khai tài sản, thu nhập.

Cả nước có thêm 615 giáo sư, phó giáo sư năm 2024

Năm 2024, cả nước có tổng số 615 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, trong đó, có 45 ứng viên giáo sư.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024

Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024

Ngày 4/11, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã công bố danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.

Đây là kết quả xét tại phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029, diễn ra trong 2 ngày từ 2 và 3/11.

Theo danh sách này, có tổng số 615 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 (gồm các ứng viên từ hội đồng giáo sư ngành khoa học an ninh và hội đồng giáo sư ngành khoa học quân sự). Trong đó, có 45 ứng viên giáo sư, 570 ứng viên phó giáo sư.

Trước đó Hội đồng Giáo sư nhà nước đã công bố danh sách 582 ứng viên được 25 hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.

Ngoài ra, còn có 48 ứng viên thuộc hội đồng giáo sư ngành khoa học an ninh (17 ứng viên) và hội đồng giáo sư ngành khoa học quân sự (31 ứng viên).

Tổng số ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2024 thuộc 27 hội đồng giáo sư ngành/liên ngành là 630 (riêng hội đồng giáo sư ngành văn học năm nay không có ứng viên đăng ký).

Như vậy đã có thêm 15 ứng viên bị loại ở vòng xét hội đồng cấp nhà nước.

Hội đồng giáo sư ngành kinh tế có 100 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 (trước đó là 104 ứng viên). Hội đồng giáo sư ngành y học có 71 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (trước đó là 72 ứng viên). Đây là 2 ngành có số ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư nhiều nhất năm nay

Trong khi đó, hội đồng giáo sư liên ngành triết học - chính trị học - xã hội học có số ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ít nhất năm nay với 2 giáo sư và 2 phó giáo sư.

TP.HCM sẽ chi 33 tỷ đồng để người dân đi metro miễn phí trong tháng đầu khai thác

Trong tháng đầu tiên tuyến đường sắt đô thị vận hành thương mại, để người dân đi lại miễn phí tàu metro số 1 và 17 tuyến xe buýt kết nối, TP.HCM dự chi 33 tỷ đồng.

Metro số 1 dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm nay

Metro số 1 dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm nay

Sở Giao thông vận tải vừa gửi Văn phòng UBND TP.HCM dự thảo xây dựng Nghị quyết của HĐND TP.HCM về chính sách hỗ trợ người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tàu điện, cũng như hỗ trợ kinh phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng tại Thành phố.

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành thương mại từ cuối tháng 12 tới.

Do đó, TP.HCM dự kiến sử dụng ngân sách 32,6 tỷ đồng/năm để hỗ trợ 100% giá vé cho một số đối tượng chính sách như người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) và trẻ em dưới 6 tuổi có người lớn đi kèm.

Đặc biệt, trong 30 ngày đầu vận hành, TP.HCM dự kiến chi ngân sách hỗ trợ 100% giá vé cho toàn bộ hành khách đi tàu và trên 17 tuyến xe buýt kết nối. Trong đó, kinh phí vận hành tàu điện để người dân trải nghiệm metro số 1 là 15,7 tỷ đồng, đi 17 tuyến xe buýt kết nối là 17,3 tỷ đồng.

Ngoài miễn phí vé, TP.HCM cũng sẽ hỗ trợ kinh phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tàu điện; dùng ngân sách thành phố bù đắp phần chênh lệch giữa doanh thu từ vé bán và chi phí hoạt động.

Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tàu điện sẽ là 2.226 tỷ đồng/năm, trong đó hỗ trợ xe buýt là 1.843 tỷ đồng và 383 tỷ đồng cho tàu điện.

Dự kiến, đề án sẽ trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp tháng 12 tới và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Hà Nội tiếp tục tìm nhà đầu tư khu đô thị hơn 3.200 tỷ đồng ở Mê Linh

Khu đô thị hơn 3.200 tỷ đồng ở huyện Mê Linh tiếp tục tìm nhà đầu tư đến 20/11, vì chỉ có một đơn vị đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.

Hà Nội tiếp tục tìm nhà đầu tư khu đô thị hơn 3.200 tỷ đồng ở Mê Linh. Ảnh minh họa

Hà Nội tiếp tục tìm nhà đầu tư khu đô thị hơn 3.200 tỷ đồng ở Mê Linh. Ảnh minh họa

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội gia hạn đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị mới Mê Linh tại hai xã Mê Linh và Văn Khê, huyện Mê Linh đến 17h ngày 20/11. Lý do là chỉ có một nhà đầu tư - Công ty CP Đầu tư Bất động sản Taseco - đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm khi hết hạn đăng ký ngày 31/8.

Taseco Land tiền thân là Công ty CP Đầu tư Bất động sản An Bình, được thành lập năm 2009. Chủ đầu tư này đã phát triển nhiều dự án chung cư ở khu Ngoại giao đoàn, Tây Hồ Tây (Hà Nội). Công ty cũng có các dự án khu đô thị, khu dân cư ở Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa...

Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Khu đô thị mới Mê Linh có quy mô hơn 40 ha, dự kiến phát triển gần 700 căn thấp tầng (liền kề, biệt thự, shophouse...) cao 3 - 5 tầng và một tòa nhà ở xã hội 10 tầng với hơn 800 căn. Dự án cũng có khu đất cho công trình thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế, văn hóa thể thao. Tiến độ triển khai Dự án được phê duyệt đến hết năm 2028. Quy mô dân số gần 5.100 người.

Tổng vốn đầu tư Dự án hơn 3.200 tỷ đồng, gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 200 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ trở thành khu đô thị mới đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội, góp phần tạo diện mạo mới cho huyện Mê Linh.

Nam Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà xã hội 900 tỷ đồng

UBND tỉnh Nam Định vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng khu nhà ở xã hội Bãi Viên nằm tại phường Mỹ Xá.

UBND tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu nhà ở xã hội Bãi Viên tại phường Mỹ Xá, thành phố Nam Định. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu nhà ở xã hội Bãi Viên tại phường Mỹ Xá, thành phố Nam Định. Ảnh minh họa

Dự án có quy mô dự kiến hơn 30.000 m2. Trong đó, diện tích đất xây dựng công trình khoảng 28.285 m2, còn lại để xây đường giao thông. Nội khu Dự án quy hoạch 18.785 m2 dành cho cây xanh, đường nội bộ, cảnh quan, trong khi phần xây dựng chiếm khoảng 9.500 m2.

Với tổng vốn đầu tư hơn 909 tỷ đồng, quy mô xây dựng gồm 6 tòa nhà với 9 tầng nổi và một tầng hầm. Tổng số căn hộ dự kiến khoảng 1.100 căn, diện tích mỗi căn từ 25 - 70 m2. Thời hạn hoạt động của Dự án trong 50 năm, tính từ ngày nhà đầu tư được giao, cho thuê đất.

Từ nay đến hết năm 2025, Dự án tập trung các thủ tục đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, giao đất, khởi công xây dựng. Giai đoạn 2025 - 2030 sẽ thi công, hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.

Tiến độ thi công hạng mục nhà ở thực hiện qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2025 - 2026 tiến hành thi công, đưa vào sử dụng khối nhà B, C với khoảng 324 căn hộ. Giai đoạn 2 từ 2026 - 2028 dự kiến thi công, đưa vào sử dụng khối nhà D, E với khoảng 304 căn hộ. Giai đoạn 3 từ 2028 - 2030, tập trung thi công, đưa vào sử dụng khối nhà A, F với khoảng 472 căn hộ.

Sau khi hoàn thành, khu nhà sẽ giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho những đối tượng có thu nhập thấp như cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp... trên địa bàn Tỉnh.

Hiện Nam Định chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng: khu nhà ở cán bộ chuyên gia Công ty TNHH Youngone Nam Định nằm tại Khu công nghiệp Hòa Xá, với 170 căn hộ; khu nhà ở công nhân và nhà ở chuyên gia giai đoạn 1 gồm 338 phòng của Công ty CP Đầu tư Vinatex tại khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản).

Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam

Tổng cục Thuế cho biết Temu đã được chủ sở hữu là Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 4/9.

Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam từ đầu tháng 9

Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam từ đầu tháng 9

Tổng cục Thuế thông báo, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu đã được công ty chủ sở hữu là Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vào ngày 4/9. Hiện sàn TMĐT này được cấp mã số thuế 9000001289.

Về thời hạn khai, nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định tại Thông tư số 80, Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai từ thời điểm quý III/2024 (thời hạn kê khai thuế của tờ khai quý III/2024 là ngày 31/10) kê khai cho doanh thu từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.

Như vậy, dự kiến tháng 10, Temu mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý IV/2024 với thời hạn nộp là 31/1/2025 nếu được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động.

Tổng cục Thuế khẳng định, theo quy định Nghị định 52/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021), hoạt động kinh doanh sàn TMĐT là hoạt động phải được cấp phép và chịu quản lý nhà nước bởi Bộ Công Thương.

Về công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, các nhà quản lý sàn TMĐT có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng thông tin của Tổng cục Thuế.

Tổng cục Thuế cho biết, hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới là hoạt động mới phát sinh tại Việt Nam, có nhiều đặc điểm khác biệt so với hoạt động kinh doanh truyền thống.

Hiện nay, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục đánh giá tình hình thực tiễn quản lý thu đối với các nhà cung cấp nước ngoài và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung một số luật, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 123 về hóa đơn để quản lý thuế đối với hoạt động này.

Các sàn TMĐT hoạt động tại Việt Nam đều được quản lý cấp phép và quản lý thuế chặt chẽ nhưng cũng tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế trên cơ sở thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế trên các nền tảng của ngành thuế.

Chuyên đề