Bản tin thời sự sáng 5/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi cụm Sinh Tồn; SEA Games 31 khai mạc vào ngày 12/5 năm 2022; Mỹ, Nhật Bản, Anh và Belarus đồng ý công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam; Quảng Trị xin đầu tư cảng hàng không 5.800 tỷ đồng theo hình thức PPP; cựu Tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên tiếp tục hầu tòa vào ngày 9/11…

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi cụm Sinh Tồn

Bộ Ngoại giao yêu cầu tàu Trung Quốc chấm dứt hoạt động ở lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Ảnh vệ tinh chụp khu vực bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Ảnh vệ tinh chụp khu vực bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Trước thông tin gần 150 tàu nghi thuộc dân quân biển Trung Quốc hiện diện ở cụm Sinh Tồn của Việt Nam, sau nhiều tháng tản ra các thực thể xung quanh, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi khu vực trên và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Phó phát ngôn viên khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình theo quy định của UNCLOS.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) gần đây công bố ảnh vệ tinh cho thấy đội tàu Trung Quốc quay trở lại khu vực cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến tháng 9, đội tàu Trung Quốc ở cụm Sinh Tồn tăng lên hơn 100 chiếc và tiếp tục tăng lên 150 chiếc một tháng sau đó.

SEA Games 31 khai mạc vào ngày 12/5 năm 2022

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tại Việt Nam chính thức chốt ngày khai mạc, bế mạc, sau khi phải lùi thời gian tổ chức vì dịch Covid-19.

SEA Games 31 diễn ra vào trung tuần tháng 5/2022.

SEA Games 31 diễn ra vào trung tuần tháng 5/2022.

Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất thời gian tổ chức SEA Games của Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội.

Theo đó, SEA Games 31 khai mạc vào ngày 12/5, bế mạc vào ngày 23/5. Các môn bóng đá và một số môn thể thao sẽ thi đấu từ trước khai mạc khoảng 1 tuần.

Như vậy, sau khi SEA Games lùi thời gian vì dịch Covid-19, sự kiện thể thao rất được chờ đợi này đã chính thức chốt ngày khai mạc. Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á có hơn 5 tháng để chuẩn bị cho Đại hội thể thao lớn nhất khu vực.

Theo tính toán của BTC SEA Games, thời điểm tổ chức SEA Games 31 các quốc gia Đông Nam Á có thể đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 khoảng 70 - 80% dân số.

Ở kỳ Đại hội lần này, chủ nhà Việt Nam không đăng cai tổ chức ASEAN Para Games 11 (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á).

SEA Games 31 sẽ tổ chức 40 môn với đầy đủ các nội dung thi đấu, đặc biệt không bỏ các nội dung liên quan đến các môn thể thao Olympic. Đây cũng là lần đầu tiên ở Đông Nam Á tổ chức theo hình thức này.

SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang. Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai, sau lần đầu rất thành công vào năm 2003 với ngôi nhất toàn đoàn.

Mỹ, Nhật Bản, Anh và Belarus đồng ý công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam

Mỹ, Nhật Bản, Anh và Belarus đã có thông báo chính thức về việc đồng ý công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam, với một số tiêu chuẩn cụ thể liên quan tới chủng loại vaccine.

Mỹ, Nhật Bản, Anh và Belarus đã có thông báo chính thức về việc đồng ý công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam

Mỹ, Nhật Bản, Anh và Belarus đã có thông báo chính thức về việc đồng ý công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, Ấn Độ cũng đã đồng ý về mặt nguyên tắc. Các đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN và Liên minh châu Âu đều xem xét tích cực và chờ Việt Nam ban hành giới thiệu mẫu hộ chiếu vaccine thống nhất.

Tới đầu tháng 11, Mỹ, Nhật Bản, Anh và Belarus đã có thông báo chính thức về việc đồng ý công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam, với một số tiêu chuẩn cụ thể về chủng loại vaccine.

Các cơ quan chức năng Việt Nam đang tích cực trao đổi để sớm ban hành mẫu hộ chiếu vaccine theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bà Hằng cho biết thêm, Bộ Ngoại giao đang khẩn trương trao đổi với 80 đối tác để đẩy nhanh việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine.

Quảng Trị xin đầu tư cảng hàng không 5.800 tỷ đồng theo hình thức PPP

UBND tỉnh Quảng Trị cho biết vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin đầu tư cảng hàng không theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Phối cảnh cảng hàng không Quảng Trị

Phối cảnh cảng hàng không Quảng Trị

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.800 tỷ đồng và được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn hơn 2.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước ở cả 2 giai đoạn là hơn 310 tỷ đồng. Việc giải phóng mặt bằng được tách thành một dự án riêng, sử dụng ngân sách của tỉnh Quảng Trị.

Cụ thể, sân bay được xây dựng tại các xã Gio Mai, Gio Quang, Gio Hải (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), với tổng diện tích 265ha.

Giai đoạn một sẽ xây dựng các công trình cơ bản của cảng hàng không Quảng Trị đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, đạt công suất khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.

Ở giai đoạn hai sẽ tiến hành đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại cảng hàng không, mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách. Mở rộng nhà ga hàng hóa đợt 1 năm 2043 với công suất khoảng 13.700 tấn/năm, đợt 2 năm 2059 với công suất khoảng 25.500 tấn/năm.

Từ năm 2021 - 2024, dự án chuẩn bị và đầu tư xây dựng. Cảng hàng không thực hiện theo hợp đồng BOT, nhà đầu tư được thu phí để hoàn vốn trong 47 năm 4 tháng.

Bộ Y tế phân bổ hơn 4,1 triệu liều vaccine AstraZeneca

Số lượng vaccine Covid-19 này nằm trong các đợt phân bổ từ 76 - 79 của Bộ Y tế.

Đến hết ngày 3/11, Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ tổng cộng hơn 109 triệu liều.

Đến hết ngày 3/11, Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ tổng cộng hơn 109 triệu liều.

Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế vừa phân bổ 4.141.300 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca phục vụ công tác tiêm chủng cho các địa phương. Như vậy, đến hết ngày 3/11, Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ tổng cộng hơn 109 triệu liều.

Đến nay, cả nước đã tiêm được 84.215.474 liều (tăng 961.071 liều so với ngày trước đó), trong đó đã có 32,9 triệu người tiêm một liều vaccine và 25,6 triệu người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vaccine là 81% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 35,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% là Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Dương.

Một số tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm chủng cho trẻ 12 - 17 tuổi là TP.HCM, Bình Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Ninh Bình, Sóc Trăng, Cà Mau. Tống số liều vaccine đã được tiêm là hơn 600.000 liều.

Bộ Y tế đang hướng tới tỷ lệ vaccine bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% trong quý IV/2021 và đầu năm 2022.

Xem xét miễn visa cho du khách đến Phú Quốc nghỉ dưỡng 30 ngày

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã có văn bản, đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét miễn visa cho du khách khi đến Phú Quốc trong thời gian 30 ngày.

UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản đề nghị bộ, ngành Trung ương xem xét miễn visa cho du khách, khi họ đến Phú Quốc trong thời gian 30 ngày.

UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản đề nghị bộ, ngành Trung ương xem xét miễn visa cho du khách, khi họ đến Phú Quốc trong thời gian 30 ngày.

Liên quan công tác chuẩn bị đón khách quốc tế đến TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) sử dụng "hộ chiếu vaccine", Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, trong văn bản góp ý dự thảo về việc đón khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có TP. Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản đề nghị bộ, ngành Trung ương xem xét miễn visa cho du khách, khi họ đến Phú Quốc trong thời gian 30 ngày.

Theo ông Thái, hiện nay về quy trình đón du khách, thủ tục xuất nhập cảnh, phục vụ du khách… như thế nào để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, UBND tỉnh Kiên Giang đang chờ hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL.

Sau khi Bộ VH-TT&DL ban hành hướng dẫn, tiêu chí dành cho các đơn vị cung ứng dịch vụ, Sở Du lịch Kiên Giang tham mưu UBND Tỉnh phối hợp ngành chức năng tiến hành thẩm định phương án đón khách, phương án phòng, chống dịch của các đơn vị cung ứng dịch vụ, nếu đơn vị nào không đáp ứng được yêu cầu sẽ không được tham gia đón khách quốc tế.

Cũng theo lãnh đạo Sở Du lịch Kiên Giang, đã có 34 cơ sở lưu trú, điểm tham quan, vui chơi giải trí mua sắm được đề xuất tham gia cung ứng dịch vụ.

Hiện Sở Du lịch tham mưu UBND Tỉnh rà soát, bổ sung danh sách các đơn vị cung ứng dịch vụ để xuất với Bộ VH-TT&DL chọn những đơn vị đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo hướng dẫn.

Cựu Tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên tiếp tục hầu tòa vào ngày 9/11

TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa có quyết định xét xử phúc thẩm đối với 12 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Gang thép Thái Nguyên vào ngày 9/11 tới.

Phiên tòa sơ thẩm vụ Gang thép Thái Nguyên

Phiên tòa sơ thẩm vụ Gang thép Thái Nguyên

Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của nguyên Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên - TISCO Trần Trọng Mừng và các bị cáo nguyên lãnh đạo các đơn vị của TISCO là Đặng Văn Tập, Đồng Quang Dương, Đỗ Xuân Hòa, Uông Sỹ Bính, Lê Thị Tuyết Lan.

Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS Đậu Văn Hùng và các bị cáo là nguyên lãnh đạo các đơn vị của VNS là Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Văn Tráng, Nguyễn Chí Dũng, Hoàng Ngọc Diệp, Đoàn Thu Trang.

Trước đó, các bị cáo này bị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin miễn trách nhiệm hình sự, miễn bồi thường dân sự, miễn án phí dân sự sơ thẩm.

Theo bản án sơ thẩm, Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS).

Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn KH-CN và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu USD.

Khi Dự án triển khai, các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đạt được hiệu quả của Dự án mà còn gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn.

Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu, nhưng đã đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, MCC còn đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC.

Hành vi của các bị cáo đã khiến dự án phải dừng thi công, gây thất thoát, lãng phí trên 830 tỷ đồng.

Chuyên đề