Bản tin thời sự sáng 5/10

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khách du lịch toàn cầu chọn Phú Quốc vào top đảo đẹp nhất châu Á 2023; dùng trí tuệ nhân tạo AI quản lý khai thác khoáng sản ở Bình Định; ngân hàng cho vay gần 120.000 tỷ đồng trong 9 ngày; TP.HCM sẽ sáp nhập 70 phường đến năm 2030; cựu Tổng giám đốc VEAM bị khởi tố…

Khách du lịch toàn cầu chọn Phú Quốc vào top đảo đẹp nhất châu Á 2023

Tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Condé Nast Traveler vinh danh Phú Quốc trong top hòn đảo đẹp nhất châu Á do độc giả toàn cầu bình chọn.

Những bãi tắm đẹp hoang sơ yên tĩnh bậc nhất hành tinh nằm ở Phú Quốc

Những bãi tắm đẹp hoang sơ yên tĩnh bậc nhất hành tinh nằm ở Phú Quốc

Nằm ở vị trí thứ 8 trong danh sách, Phú Quốc là một trong những hòn đảo đẹp nhất châu Á với 88,89 điểm bình chọn từ độc giả.

Đảo ngọc Phú Quốc được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng, một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam. Phú Quốc có diện tích lớn nhất cả nước, nổi tiếng với bãi biển dài cát trắng, làn nước trong xanh cùng vẻ đẹp thơ mộng.

Không những vậy, Phú Quốc còn sở hữu những khu nghỉ dưỡng sang trọng, đẳng cấp quốc tế. Du khách đến đây có thể tham quan, trải nghiệm tại bãi Rạch Vẹm, Bãi Dài, Hòn Một, hay ghé thăm làng chài, vui chơi các môn thể thao dưới nước...

Đây là năm thứ hai liên tiếp Phú Quốc được độc giả Condé Nast Traveler bình chọn trong top những hòn đảo đẹp nhất châu Á. Năm 2022, đảo ngọc của Việt Nam nằm vị trí thứ 6 trong danh sách.

Bên cạnh Phú Quốc, trong danh sách 10 hòn đảo tuyệt nhất châu Á 2023 còn có Boracay, Siargao và Palawan (Philippines); Koh Samui và Phuket (Thái Lan); Langkawi (Malaysia); Sri Lanka; quần đảo Okinawa và Ryuku (Nhật Bản).

Dùng trí tuệ nhân tạo quản lý khai thác khoáng sản ở Bình Định

Tỉnh Bình Định lắp đặt camera, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Tỉnh.

Mỗi mỏ khoáng sản ở Bình Định sẽ được lắp 2 - 4 camera giám sát để ngăn chặn khai thác "chui"

Mỗi mỏ khoáng sản ở Bình Định sẽ được lắp 2 - 4 camera giám sát để ngăn chặn khai thác "chui"

Ngày 4/10, ông Phạm Đình Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Định cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tỉnh, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản lắp đặt camera giám sát tại khu vực mỏ.

Theo ông Chương, toàn Tỉnh có 145 mỏ có giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, khai thác 4 loại khoáng sản chính: đá xây dựng, đá khối dùng làm ốp lát, cát xây dựng và đất san lấp. Các doanh nghiệp cơ bản hoàn thành việc lắp đặt camera tại khu vực mỏ.

Sở TN&MT đã có văn bản hướng dẫn cài đặt phần mềm, cung cấp địa chỉ IP (địa chỉ số của thiết bị kết nối mạng), mật khẩu camera của doanh nghiệp gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, Cục Thuế Tỉnh, Sở GTVT, Công an… để phối hợp quản lý, giám sát.

Lãnh đạo Sở TN&MT cũng cho biết, UBND Tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Tỉnh thực hiện việc xây dựng phần mềm kết nối hệ thống camera thông minh (ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đo đếm, trích xuất báo cáo số lượt xe ra, vào mỏ theo thời gian) được lưu trữ và quản lý tại trung tâm điều hành đô thị thông minh, phục vụ công tác quản lý.

Theo ông Trương Bá Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản thuộc Sở TN&MT, về cơ bản, các doanh nghiệp khai thác cát tuân thủ quy định thời gian khai thác, bảo đảm môi trường trong quá trình vận chuyển.

"Hệ thống camera cơ bản giám sát giờ làm, khai thác ban đêm, quá giờ, quá trình lưu thông có làm ướt đường hay không… Về kiểm đếm sản lượng phải kiểm tra thực tế, bản đồ hiện trạng mỏ kết hợp với đo vẽ, sổ ghi chép. Tuy nhiên, khi kết nối thiết bị thông minh đếm lượt xe để quy ra khối lượng, sẽ giám sát đầy đủ doanh nghiệp vi phạm để xử lý", ông Vinh cho hay.

Ngân hàng cho vay gần 120.000 tỷ đồng trong 9 ngày

Sau nhiều tháng ảm đạm, tín dụng đã tăng mạnh trong tuần cuối tháng 9 khi gần 120.000 tỷ đồng (tương đương 1% tổng dư nợ) được bơm ra nền kinh tế.

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại

Đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của Ngân hàng Nhà nước (6,1 - 6,2%).

Trước đó, cơ quan quản lý từng cho biết, đến 21/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 5,9% so với đầu năm (tức tín dụng bình quân mỗi tháng chỉ tăng hơn 0,6%), đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong khoảng 9 ngày cuối tháng 9, tín dụng tăng được 1%, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.

Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14 - 15%. Tín dụng bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và tính đến hết quý III mới đạt một nửa kế hoạch năm.

Thời gian qua, nhu cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng... èo uột kéo theo sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém. Do đó, tín dụng tăng trưởng ì ạch là vấn đề lớn, được các cơ quan chức năng lưu tâm trong bối cảnh cần thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ thường xuyên có các cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, tìm cách bơm tiền vào nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh, 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm giảm mặt bằng lãi suất xuống. Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022.

Hiện, mặt bằng lãi suất huy động đã về thấp hơn cả giai đoạn Covid-19 trong bối cảnh giới ngân hàng "thừa" vốn. Lãi suất cho vay giảm chậm hơn tiết kiệm, nhưng cũng đã hạ nhiệt so với giai đoạn trước. Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng đã cam kết tổng tiền lãi giảm cho người đi vay là khoảng 22.000 tỷ đồng.

TP.HCM sẽ sáp nhập 70 phường đến năm 2030

TP.HCM chưa vội sáp nhập các quận và chỉ dự kiến sáp nhập khoảng 70 phường đến năm 2030.

TP.HCM có 6 quận thuộc diện phải sáp nhập vì không đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo quy định

TP.HCM có 6 quận thuộc diện phải sáp nhập vì không đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo quy định

Thông tin trên được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết tại buổi giám sát tình hình thực hiện sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn các quận 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, vào chiều 4/10.

Trước đó, qua rà soát của Sở Nội vụ TP.HCM, giai đoạn 2023 - 2025, các quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận mỗi địa phương rộng dưới 7 km2, dân số dưới 300.000 người, chưa đáp ứng tiêu chuẩn nên thuộc diện phải sáp nhập.

Ngoài ra, 142 phường, thị trấn ở các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, thành phố Thủ Đức và huyện Hóc Môn thuộc diện phải sáp nhập.

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Hoan, đến năm 2030, TP.HCM chưa sắp xếp các quận và chỉ dự kiến sắp xếp khoảng 70 phường.

Theo kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025, trong năm 2023, TP.HCM xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp đối với 3 trường hợp. Thứ nhất, cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn; thứ hai, đơn vị hành chính cấp huyện diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn; thứ ba, cấp xã diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Sở Nội vụ đã rà soát từng xã, phường, thị trấn để xem xét yếu tố đặc thù nhằm đưa vào diện chưa sắp xếp.

Trong năm 2024, TP.HCM sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Cũng trong năm này, TP.HCM sắp xếp lại trụ sở, tài sản công, thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, đơn vị và chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của người dân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi đơn vị hành chính.

Thu nhập bình quân lao động Hà Nội vượt TP.HCM

Quý III/2023 ghi nhận thu nhập bình quân lao động tại Hà Nội đạt 9,9 triệu đồng, trong khi tại TP.HCM là 9,3 triệu đồng.

Lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM

Lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động tại Hà Nội trong 3 tháng qua tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng 873.000 đồng. Tốc độ tăng thu nhập của lao động tại TP.HCM khoảng 0,6%, tức 56.000 đồng.

Thu nhập bình quân của lao động tại các tỉnh thành lớn đều tăng so với cùng kỳ năm trước, như Đồng Nai đạt 8,7 triệu đồng (tăng 155.000 đồng); Thái Nguyên 7,3 triệu (tăng 979.000 đồng); ngược lại Bắc Ninh giảm 328.000 đồng.

Xét trên diện rộng, lao động vùng Đồng bằng sông Hồng tăng thu nhập nhanh nhất, hơn 6%. Đông Nam Bộ có sự chững lại, chỉ 2,2%. Đây cũng là vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất nước quý III, khoảng 3,08%.

Nhìn chung, thu nhập bình quân lao động cả nước trong quý III đạt 7,1 triệu đồng, tăng 146.000 đồng so với quý II/2023. Thu nhập tăng nhưng tốc độ chậm, vì thế đời sống lao động chưa được cải thiện trong bối cảnh giá cả sinh hoạt và các mặt hàng thiết yếu, điện, nước, xăng đều tăng.

Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực vì đơn hàng trong quý này giảm so với quý II, tập trung tại 2 ngành da giày, dệt may. Số mất việc còn 118.000 người, giảm gần một nửa, chủ yếu ở TP.HCM và Bình Dương. Lao động nghỉ giãn việc còn 54.000 người, giảm 187.000 người, phần lớn trong doanh nghiệp FDI. Trong đó, da giày chiếm gần 32% và dệt may chiếm 31%.

Cựu Tổng giám đốc VEAM bị khởi tố

Ông Nguyễn Thanh Giang, cựu Tổng giám đốc VEAM, bị khởi tố với cáo buộc chỉ đạo mua 305 bộ khuôn dập cabin ôtô SV110 về rồi "bỏ không", gây thiệt hại 27 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Thanh Giang (trái) và Hồ Mạnh Tuấn

Bị can Nguyễn Thanh Giang (trái) và Hồ Mạnh Tuấn

Ngày 4/10, Công an Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa khởi tố, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Giang và Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc VEAM, để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Nhà chức trách cáo buộc trong năm 2005 và 2011, ông Giang chỉ đạo ông Tuấn (lúc đó là Trưởng phòng kỹ thuật VEAM, Chủ tịch HĐQT VEAM Korea) lập các báo cáo, tờ trình mua 305 bộ khuôn dập cabin xe ôtô SV110.

Việc mua phụ kiện này bị cơ quan điều tra cho rằng không đúng quy định về đầu tư mua tài sản cố định của doanh nghiệp nhà nước. Số tài sản trên do không có giá trị sử dụng nên bỏ không, gây lãng phí cho Nhà nước gần 27 tỷ đồng.

Ngoài vụ này, ông Giang đang bị điều tra về cùng tội danh trong vụ án khác với cáo buộc cùng nhiều người có hành vi trái pháp luật trong quản lý, sử dụng khu đất gần 9.000 m2 tại số 220 đường Bình Thới, Phường 14, Quận 11, TP.HCM.

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) hoạt động theo mô hình tổng công ty nhà nước. Năm 2010, VEAM chuyển sang hình thức công ty mẹ - con theo quyết định của Bộ Công Thương, với 25 công ty con và đơn vị thành viên. Năm 2017, VEAM hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm hơn 88%.

Doanh nghiệp nhà nước lãi hơn 2 tỷ USD khi đầu tư ra nước ngoài

Sau nhiều năm đầu tư ra nước ngoài, 72 dự án (chủ yếu là dầu khí, viễn thông, nông sản) của 16 doanh nghiệp đã chuyển lãi về Việt Nam khoảng 2 tỷ USD.

PetroVietnam (PVN) đã đầu tư trên 4 tỷ USD ra nước ngoài. Ảnh minh họa

PetroVietnam (PVN) đã đầu tư trên 4 tỷ USD ra nước ngoài. Ảnh minh họa

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết tới cuối năm 2022, 30 doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp qua các công ty con cấp 1 và 2. Tổng vốn các đơn vị này đã rót ra nước ngoài tính tới cuối năm ngoái là 6,62 tỷ USD.

Trong số này, PetroVietnam (PVN) đã đầu tư trên 4 tỷ USD, chiếm gần 61% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước. Kế đến là Viettel và Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), lần lượt gần 1,5 tỷ USD và trên 0,77 tỷ USD.

Riêng năm ngoái, 72 dự án của 16 doanh nghiệp đã thu về hơn 427,4 triệu USD, trong đó hơn một nửa là lợi nhuận chuyển về nước.

Sau hàng chục năm đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp này (chủ yếu là PVN và Viettel) đã có lãi chuyển về nước khoảng 2 tỷ USD. Các dự án này cũng thu được gần 2,1 tỷ USD tiền gốc và các khoản khác. Trong đó, PVN vẫn là đơn vị ghi nhận số tiền thu về lớn nhất từ các dự án đầu tư ở nước ngoài, trên 2,9 tỷ USD, tiếp theo là Viettel với hơn 0,95 tỷ USD.

Chính phủ cho biết, năm 2022 có 94 dự án ghi nhận doanh thu gần 9,7 tỷ USD, tăng 24% so với 2021. Trong đó, 67 dự án có lợi nhuận, nhưng tổng lãi sau thuế và lợi nhuận được chia của nhà đầu tư Việt Nam đều giảm so với năm 2021, lần lượt 30% và 10,6%.

Chính phủ đánh giá, nhiều dự án ghi nhận doanh thu tốt. Một số dự án hiệu quả, vốn thu hồi lớn hơn số bỏ ra đầu tư, như Dự án thăm dò khai thác dầu khí 4 lô tại Nga của PVN; Dự án khai thác sắt, vàng của Tổng công ty Hợp tác kinh tế (Quân khu 4); Dự án viễn thông của Viettel tại Campuchia, Lào.

Tuy nhiên, lợi nhuận có được vẫn giảm do chưa sử dụng chi phí hiệu quả. Điều này dẫn tới số lợi nhuận được chia trong năm 2022 của các nhà đầu tư Việt Nam giảm gần 10% so với năm 2021.

Khởi tố, bắt tạm giam 2 Phó Giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Gia Lai

Cao Anh Tuấn và Hoàng Nam Đàn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-02D đã lợi dụng chức vụ cũng như việc chịu trách nhiệm phụ trách cải tạo xe cơ giới tại Trung tâm Đăng kiểm để nhận tiền của các chủ phương tiện.

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-02D tại làng Phung, xã Biển Hồ

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-02D tại làng Phung, xã Biển Hồ

Ngày 4/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết vừa phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP. Pleiku thi hành các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 3 bị can liên quan về tội “Nhận hối lộ” và tội “Môi giới hối lộ”.

Theo đó, 3 bị can gồm: Cao Anh Tuấn (trú tại phường Tây Sơn, TP Pleiku), nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-02D trong thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 4/2021 về tội “Nhận hối lộ”.

Hoàng Nam Đàn (trú tại phường Hoa Lư, TP Pleiku), nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-02D trong thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2022 về tội “Nhận hối lộ” và Trần Xuân Hải (trú tại phường Trà Bá, TP Pleiku) về tội “Môi giới hối lộ”.

Trước đó, ngày 30/9/2023 Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku đã ra quyết định khởi tố vụ án về tội “Nhận hối lộ và môi giới hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-02D thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuân Tùng (làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku).

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Pleiku xác định, từ năm 2020 - 2022, đối tượng Cao Anh Tuấn và Hoàng Nam Đàn đã lợi dụng chức vụ là Phó Giám đốc, đồng thời chịu trách nhiệm phụ trách cải tạo xe cơ giới tại Trung tâm Đăng kiểm để nhận tiền của các chủ phương tiện.

Đối tượng môi giới là Trần Xuân Hải, với số tiền từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng/1 xe đưa cho Tuấn, Đàn để làm khống hồ sơ cải tạo xe cơ giới, tiến hành nghiệm thu cải tạo trái quy định để hưởng lợi bất chính.

Chuyên đề