Lọc dầu Nghi Sơn sắp nhận hơn 8.200 tỷ đồng bù giá
Chính phủ đồng ý chi hơn 8.240 tỷ đồng để thanh toán tiền bù giá bao tiêu sản phẩm cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Lọc dầu Nghi Sơn sắp nhận hơn 8.200 tỷ đồng bù giá |
Theo quyết định dự toán ngân sách do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký hôm 29/12, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao 8.247 tỷ đồng để xử lý tài chính, thanh toán tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn 2018 - 2023. Khoản tiền này được Quốc hội quyết định tháng 11 năm ngoái, lấy từ nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương 2023.
Bộ Tài chính và PVN chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về kết quả bao tiêu sản phẩm và số tiền bù giá.
Cuối năm ngoái, Quốc hội xem xét khoản tiền bù giá cho Lọc dầu Nghi Sơn, gồm số còn nợ của giai đoạn 2018 - 2023 là 8.247 tỷ đồng và số phát sinh năm 2024 khoảng 9.653 tỷ đồng. Nhưng sau đó, cơ quan này chỉ quyết nghị chi 9.650 tỷ đồng và yêu cầu Chính phủ soát xét lại số liệu.
Theo thỏa thuận cam kết bảo lãnh Chính phủ (GGU) năm 2013, PVN bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương giá nhập khẩu cùng thời điểm cộng ưu đãi 3% thuế với các sản phẩm hóa dầu, 5% với LNG và 7% với các sản phẩm xăng dầu. Trong 10 năm (đến 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.
Nhận được nhiều ưu đãi nhưng nhà máy này liên tục báo lỗ. Tới cuối 2020, Lọc dầu Nghi Sơn lỗ lũy kế 61.200 tỷ đồng.
Với vốn đầu tư 9 tỷ USD, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi). Bốn liên doanh góp vốn vào nhà máy này gồm PVN (25,1%), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu mỗi bên nắm 35,1% và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản) giữ 4,7%. Lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại từ cuối năm 2018.
Năm 2024, TP.HCM sẽ có 38 công trình giao thông về đích
Năm 2024, TP.HCM có 38 công trình giao thông sẽ hoàn thành đưa vào khai thác, trong đó có các dự án trọng điểm gồm: hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Quốc lộ 50, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)...
Thi công đường nối từ đường Cộng Hòa đến đường Trần Quốc Hoàn, Quận Tân Bình |
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, năm 2024 có 16 dự án khởi công mới, trong đó có một số dự án trọng điểm như: mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, các gói thầu còn lại của nút giao thông An Phú và nút giao thông Mỹ Thủy, nút giao Ngã Tư Đình (giao Quốc lộ 1 với đường Nguyễn Văn Quá), Quận 12, các công trình kè chống sạt lở bờ sông...
Trong khi đó, số lượng dự án hoàn thành trong năm 2024 là 38 dự án (cao gấp 2 lần so với số lượng dự án hoàn thành năm 2023). Rất nhiều dự án quan trọng giao thông được đưa vào khai thác gồm: đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; một số gói thầu của nút giao thông An Phú, nút giao thông Mỹ Thủy; mở rộng Quốc lộ 50; cầu Phước Long nối Quận 7 với huyện Nhà Bè,...
Và dự án đặc biệt quan trọng với TP.HCM là tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ khai thác vào tháng 7/2024.
Để kịp hoàn thành theo đúng tiến độ, các dự án nút giao thông An Phú; mở rộng Quốc lộ 50; đường nối đường Trần Quốc Hoàn-Cộng Hoà; hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ sẽ thi công xuyên Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trong năm 2023, TP.HCM hoàn thành đưa vào sử dụng 19 dự án như: đường song hành từ đường Mai Chí Thọ, mở rộng đường Lê Văn Chí (TP. Thủ Đức), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ), cầu Long Đại (TP. Thủ Đức),..
Cũng trong năm 2023, ngành giao thông đã khởi công 12 công trình trọng điểm gồm Quốc lộ 50, hầm chui nút giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý…
Đặc biệt là Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM được khởi công với thời gian kỷ lục chỉ sau 1 năm kể từ ngày Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, nhanh hơn từ 1 - 1,5 năm so với cách triển khai trước đây.
EVN cần bổ sung tài sản đảm bảo cho khoản nợ gần 3 triệu USD khi tách A0
Chính phủ đồng ý, khi tách A0, EVN cần bổ sung tài sản đảm bảo để chuyển giao hai khoản vay gần 3 triệu USD.
Các kỹ sư vận hành hệ thống điện tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) |
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) sau khi tách khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO), thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước khi về Bộ Công Thương.
EVN đang cấp cho A0 gần 3 triệu USD thuộc hiệp định vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là hai khoản vay cho các dự án trung tâm điều độ hệ thống điện mới và hạ tầng thông tin cho thị trường phát điện cạnh tranh.
Tập đoàn này đề xuất phương án ký hợp đồng cam kết và phụ lục hợp đồng thế chấp với NSMO liên quan tài sản của hai khoản vay trên. Việc này tương tự thực hiện với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, hoặc vay lại ODA cho các công ty con, công ty liên kết của EVN.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng tình và đề nghị EVN phải bổ sung các tài sản hợp pháp, để làm tài sản đảm bảo cho hai khoản vay triệu USD này khi tách A0. Lý do, hiện các tài sản hình thành từ hai khoản vay lại được dùng làm tài sản thế chấp. EVN là bên vay lại nên có trách nhiệm đảm bảo bằng tài sản thế chấp từ vốn vay hoặc tài sản khác. Do đó, theo Bộ Tài chính, việc bổ sung thêm tài sản thế chấp cho hai khoản vay này nhằm đảm bảo dư nợ theo quy định.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khi kết luận cuộc họp về tách A0 khỏi EVN cũng đồng tình với ý kiến của Bộ Tài chính, theo thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ ban hành cuối tháng 12/2023. Ông giao Bộ Tài chính hướng dẫn EVN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương thực hiện các bước để bàn giao các tài sản hình thành từ nguồn vốn vay lại WB cho NSMO.
Vốn điều lệ của công ty điều hành hệ thống điện sau khi tách A0 khỏi EVN, theo đề án của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, là 776 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lo nguồn lực này không đủ để NSMO thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động, nên đề nghị bổ sung tới năm 2028 là 3.520 tỷ đồng.
Ông Võ Ngọc Hiệp điều hành UBND tỉnh Lâm Đồng
Phó Chủ tịch Võ Ngọc Hiệp được phân công tạm điều hành UBND tỉnh Lâm Đồng đến khi cấp thẩm quyền có quyết định nhân sự mới.
Ông Võ Ngọc Hiệp điều hành UBND tỉnh Lâm Đồng |
Ngày 4/1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng thống nhất phân công ông Hiệp điều hành công việc Ban cán sự Đảng và UBND Tỉnh. Quyết định được đưa ra sau ba ngày ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ.
Ông Võ Ngọc Hiệp được bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cuối năm 2022. Trước đó, ông từng giữ chức Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt, Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng.
Liên quan đến sai phạm tại Dự án Khu đô khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (huyện Đức Trọng), trước đó, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh thanh tra Lâm Đồng đã bị bắt về tội Nhận hối lộ.
Bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I) của Văn phòng Chính phủ, bị cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
TP.HCM dành hơn 1.000 tỷ đồng lo Tết cho người dân
TP.HCM sẽ tặng tiền mặt, quà Tết cho người có công, bảo trợ xã hội, lao động khó khăn với nguồn từ ngân sách hơn 915 tỷ đồng và kinh phí của các đoàn thể.
TP.HCM dành hơn 1.000 tỷ đồng lo Tết cho người dân |
Thông tin được bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết tại họp báo kinh tế, xã hội thường kỳ, chiều 4/1.
Theo đó, dịp Tết Giáp Thìn 2024, kinh phí chăm lo cho người dân từ ngân sách Thành phố tăng 34 tỷ đồng so với năm ngoái. Với nguồn này, Thành phố sẽ trao hơn 475.400 suất quà cho người có công, nhóm bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn... trên địa bàn. Mức hỗ trợ mỗi trường hợp 1,3 - 3,1 triệu đồng.
TP.HCM cũng tặng quà Tết với 1,8 triệu đồng mỗi suất, cho hơn 135.300 cán bộ, công chức, người lao động làm việc trên địa bàn.
Bên cạnh nguồn từ ngân sách, các cấp công đoàn cũng dành hơn 130 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động khó khăn. Nhóm được ưu tiên là công nhân bị mất việc, thiếu giờ làm, lương giảm... Hình thức chăm lo bao gồm tặng tiền mặt, quà Tết, tặng vé xe...
Thành đoàn TP.HCM cũng vận động kinh phí hơn 15 tỷ đồng để tặng hơn 22.000 suất quà cho người khó khăn; tặng hơn 3.700 vé tàu, xe cho sinh viên, học sinh và thanh niên công nhân về quê.
Tàu hàng 15.000 tấn mắc cạn ở biển Dung Quất
Các phương tiện cơ giới sẽ đào, hút cát khu vực xung quanh tàu hàng bị nạn ở biển Dung Quất, tạo luồng đủ độ sâu để tàu hàng nổi và quay hướng ra biển.
Tàu hàng bị mắc cạn ở bờ biển Dung Quất |
Ngày 4/1, Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và các cơ quan chức năng họp bàn, thẩm định, phê duyệt phương án giải cứu tàu hàng New Energy.
Tàu có tải trọng 15.000 tấn, bị mắc cạn ở vùng biển Dung Quất, giáp ranh 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam.
Tại cuộc họp, sau khi nghe đại diện chủ sở hữu con tàu trình bày ý tưởng, các đơn vị chức năng thống nhất phương án giải cứu tàu hàng bằng cách sử dụng phương tiện cơ giới đào, hút cát khu vực xung quanh tàu bị nạn, tạo luồng đủ độ sâu để tàu nổi và quay hướng ra biển.
Sau khi đảm bảo các điều kiện trên, sẽ dùng tàu lai dắt, kết hợp tời cáp kéo tàu ra khỏi vùng cát bị mắc cạn và lai dắt về vị trí được chỉ định.
Hiện trên tàu New Energy có khoảng 27 tấn dầu FO. Để phòng ngừa các sự cố về môi trường, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi và các đơn vị phối hợp yêu cầu chủ tàu và đơn vị trục vớt phải huy động đầy đủ thiết bị, nhân lực sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu và các biện pháp phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai...
Trước đó, ngày 14/11/2023, tàu New Energy, thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin (dài 160 m, rộng 22 m, trọng tải 15.000 tấn) đang vận chuyển 13.895 tấn quặng sắt đi từ cảng Cửa Lò (Nghệ An) vào cảng Dung Quất (Quảng Ngãi). Sau khi bốc dỡ hàng, thuyền trưởng điều động tàu neo đậu tại vùng nước cảng biển Dung Quất thì bị sóng đánh trôi dạt vào bờ biển nói trên.
Bắt tạm giam Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Bể
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Ba Bể bị khởi tố, bắt tạm giam |
Ngày 4/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Mạc Văn Cầu (sinh năm 1986, trú tại thôn Phiêng Chì, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Mạc Văn Cầu là Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Bể đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để điều chỉnh, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư sai quy định gây thiệt hại tài sản nhà nước đối với tuyến đường giao thông liên xã Bản Pục (xã Thượng Giáo) - Pác Nghè 1 (xã Địa Linh), huyện Ba Bể. Dự án này khởi công năm 2020, tổng mức đầu tư trên 4 tỷ đồng, được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2022.