Bản tin thời sự sáng 4/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận làgần 700 ứng viên được đề nghị xét giáo sư, phó giáo sư;Hà Nội lập quy hoạch cải tạo tập thể Nghĩa Tân; ngày nghỉ lễ thứ ba, cầu Rạch Miễu hai lần xả trạm; dự án nhà ở chuyên gia TP.HCM cho thuê sai đối tượng; Thừa Thiên Huế đón 90.000 lượt khách trong dịp lễ 2/9…

Gần 700 ứng viên được đề nghị xét giáo sư, phó giáo sư

695 người được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2023, tăng gần 250 người so với năm ngoái và cao nhất trong bốn năm.

Gần 700 ứng viên được đề nghị xét giáo sư, phó giáo sư. Ảnh minh họa

Gần 700 ứng viên được đề nghị xét giáo sư, phó giáo sư. Ảnh minh họa

Trong danh sách do Hội đồng Giáo sư nhà nước vừa công bố có 76 ứng viên giáo sư và 619 ứng viên phó giáo sư. Riêng Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học quân sự và Khoa học An ninh không công khai ứng viên.

Năm nay, ngành Kinh tế áp đảo với 102 người, gồm 10 ứng viên giáo sư, 92 phó giáo sư. Ngành Y học đứng thứ hai với 9 ứng viên giáo sư, 73 phó giáo sư, tổng 82 người. Kế đó, ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm có 60 ứng viên.

Một số ngành không có ứng viên được đề cử giáo sư là Giáo dục học, Triết học - Xã hội học - Chính trị học, Dược học, Ngôn ngữ học, Văn học, Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học.

So với năm ngoái, nhiều ngành có số ứng viên giáo sư và phó giáo sư tăng gấp đôi, riêng Tâm lý học tăng 8 lần. Ngành này năm ngoái chỉ có một ứng viên phó giáo sư, năm nay có 8 người.

Luyện kim và Dược học có số ứng viên tăng gấp ba lần, lần lượt tăng từ 1 lên 3 người và từ 4 lên 13 người. Nhiều ngành khác tăng gấp đôi là Ngôn ngữ học, Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học, Luật học, Xây dựng - Kiến trúc...

Xét số tuyệt đối, số ứng viên ngành Kinh tế tăng mạnh nhất - 43 người (từ 59 lên 102). Ngành Y học đứng thứ hai, chênh lệch 29 người, Cơ khí - Động lực 23, Nông nghiệp - Lâm nghiệp, Xây dựng - Kiến trúc, Điện - Điện tử - Tự động hóa cùng tăng 15 người.

Khoa học Trái đất - Mỏ là ngành duy nhất giảm ứng viên, từ 18 xuống 17. Ngành Công nghệ thông tin có 19 ứng viên, tương tự năm ngoái.

Theo Niên giám thống kê năm 2021, trong 76.000 giảng viên đại học có 682 giáo sư, 4.760 phó giáo sư giảng dạy toàn thời gian. Số giáo sư, phó giáo sư là một trong những điều kiện để các trường mở chương trình đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ).

Hà Nội lập quy hoạch cải tạo tập thể Nghĩa Tân

UBND TP Hà Nội vừa quyết định lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại 23 chung cư cũ với khoảng 6.000 dân ở khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.

Một góc khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội

Một góc khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch rộng khoảng 30 ha, thuộc phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, phía bắc trùng với tim đường Hoàng Quốc Việt, phía tây trùng với mép vỉa hè đường Nguyễn Phong Sắc, các phía còn lại trùng với tim phố Tô Hiệu.

Số tiền dự toán lập quy hoạch hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, bao gồm cả chi phí tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư; công bố quy hoạch và thực hiện công tác thầu.

Với quyết định trên, tập thể Nghĩa Tân trở thành khu chung cư cũ đầu tiên được thành phố lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại trong giai đoạn 2021-2025. Trước đó việc cải tạo chung cư cũ chỉ thực hiện với từng tòa nhà, không làm đồng bộ cả khu chung cư.

Năm 2016, thành phố có chủ trương xã hội hóa cải tạo đồng bộ cả khu chung cư, không làm riêng lẻ từng tòa nhà. Theo danh mục thành phố đưa ra, hàng chục doanh nghiệp đã đăng ký tham gia, lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo khu chung cư cũ. Tuy nhiên, đến nay chưa khu chung cư nào được cải tạo theo hình thức trên.

Tập thể Nghĩa Tân gồm 23 nhà chung cư, cao từ 3 đến 5 tầng, diện tích trung bình căn hộ 18-20 m2, xây dựng năm 1987. Trong gần 30 ha diện tích nghiên cứu lập quy hoạch có gần 5 ha đất là nhà chia lô được xây dựng, ăn ở ổn định, đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở.

Thống kê đến năm 2020, TP Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, bao gồm gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, còn có 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960-1994 và trước năm 1954.

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; và sáu khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.

Ngày nghỉ lễ thứ ba, cầu Rạch Miễu hai lần xả trạm

Chiều 3/9, mật độ xe cộ loại lưu thông trên Quốc lộ 60 từ tỉnh Bến Tre đi TP.HCM tăng đột biến.

Trạm thu phí cầu Rạch Miễu liên tục xả trạm ngày 3/9

Trạm thu phí cầu Rạch Miễu liên tục xả trạm ngày 3/9

Theo lãnh đạo Công ty BOT cầu Rạch Miễu, dù còn một ngày nữa mới hết đợt nghỉ lễ nhưng từ chiều 3/9, mật độ xe gắn máy và ô tô các loại lưu thông trên Quốc lộ 60 từ tỉnh Bến Tre đi TP.HCM tăng đột biến.

Theo đó, tại nhiều điểm như: vòng xoay An Khánh, khu vực cầu Rạch Miễu trên quốc lộ 60 thuộc địa bàn huyện Châu Thành, Bến Tre đã xảy ra ùn ứ giao thông cục bộ.

Trước tình hình đó, trạm thu phí cầu Rạch Miễu đã hai lần xả trạm (từ 15h16-15h25 và từ 16h23-16h50) từ hướng Bến Tre đi Tiền Giang để giải phóng lưu lượng.

Lực lượng CSGT tỉnh Tiền Giang và Bến Tre phối hợp điều tiết, phân luồng giao thông hai bên đầu cầu Rạch Miễu, trong đó ưu tiên cho phương tiện đi từ hướng Bến Tre qua Tiền Giang. Tuy nhiên, tuyến Quốc lộ 60 đi qua TP Mỹ Tho, Tiền Giang cũng bị quá tải nên cảnh sát giao thông Tiền Giang phải hướng dẫn dòng xe chạy vào các tuyến đường nhánh để giảm áp lực cho quốc lộ 60.

Còn tại Quốc lộ 1 từ cầu Mỹ Thuận đến ngã tư Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang), mật độ phương tiện các loại từ Cần Thơ về hướng TP. HCM tăng cao, nhiều khu vực cũng xảy ra ùn ứ giao thông cục bộ.

Dự án nhà ở chuyên gia TP.HCM cho thuê sai đối tượng

Chủ đầu tư dự án khu nhà ở chuyên gia công nghệ cao TP.HCM cho một số người không làm việc tại đây thuê nhà, không đúng quy định.

Dự án nhà ở chuyên gia TP.HCM cho thuê sai đối tượng

Dự án nhà ở chuyên gia TP.HCM cho thuê sai đối tượng

Đây là một trong nhiều sai phạm tại Khu nhà ở và dịch vụ chuyên gia tại Khu công nghệ cao vừa được Thanh tra TP.HCM nêu trong kết luận sau thanh tra toàn diện dự án này.

Khu nhà ở và dịch vụ chuyên gia tại Khu công nghệ cao TP.HCM được giao cho Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Công nghệ cao làm chủ đầu tư. Với mục tiêu phục vụ nhà ở cho chuyên gia, cán bộ làm vụ tại Khu công nghệ cao TP.HCM, dự án được chia làm 2 giai đoạn quy mô 27 ha và 35 ha. Giai đoạn 1, dự án sẽ được phát triển hơn 220 biệt thự, 1.660 căn hộ chung cư, hiện hoàn thành một phần. Tuy nhiên, Thanh tra TP.HCM cho biết Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Công nghệ cao đã cho thuê bất động sản hình thành trong tương lai khi chưa nghiệm thu việc hoàn thành cơ sở hạ tầng tương ứng theo tiến độ dự án là vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, công ty này đã cho thuê nhà không đúng đối tượng trong khu công nghệ cao. Theo cơ quan thanh tra, 17 trường hợp thuê nhà không đến làm việc dù đã được gửi giấy mời, 28 trường hợp cần tiếp tục xác minh.

Bên cạnh đó, công ty này cũng ký hợp đồng cho thuê nhà dài hạn (đến hết thời hạn thuê đất của dự án) mà không căn cứ thời gian làm việc của người thuê nhà là không đúng quy định…

Ban quản lý khu công nghệ cao cũng chưa xác định đúng diện tích và thời điểm tính tiền thuê đất dẫn đến số tiền thuê phải thu (giai đoạn 2014 - 2018) không chính xác, chậm xác định số tiền thuê cho chu kỳ 5 năm tiếp theo. Việc này khiến Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Công nghệ cao chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2019 đến nay, làm thất thu ngân sách…

Cùng với đó, cơ quan thanh tra cho rằng, Ban quản lý khu công nghệ cao đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để chủ đầu tư ký hợp đồng cho thuê nhà với một số trường hợp không đúng đối tượng, không đảm bảo về thời hạn cư trú trong khu công nghệ cao.

Thừa Thiên Huế đón 90.000 lượt khách trong dịp lễ 2/9

Dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, đông đảo du khách đổ về các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để trải nghiệm các hoạt động lễ hội, tham quan các điểm di tích.

Khách tham quan Đại Nội Huế

Khách tham quan Đại Nội Huế

Quần thể di tích Cố đô Huế trong 3 ngày (từ ngày 1 - 3/9) đón hơn 65.000 lượt khách. Riêng ngày 2/9, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế mở cửa miễn phí tham quan cho người dân và du khách Việt Nam khi đến Đại Nội Huế, Lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị, cung An Định và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế…

Để đảm bảo các hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, ngành du lịch Thừa Thiên Huế tập trung chỉ đạo các ban quản lý khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu sản phẩm du lịch mới của địa phương để phục vụ du khách.

Các đơn vị lữ hành cũng tổ chức các tour du lịch, thu hút khách đến nghỉ lễ, có những ưu đãi để kích cầu du lịch. Trong dịp lễ này, ước tính có khoảng 90.000 lượt du khách đến Huế tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 78 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Trong dịp lễ này, các doanh nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng và hình thành được nhiều sản phẩm mang tính trải nghiệm gắn với văn hóa, giáo dục. Trong dịp lễ này có khoảng 90.000 lượt khách đến tham quan và trải nghiệm cố đô Huế”.

8 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt 2,1 triệu lượt khách, gấp 1,6 lần so với năm trước. Đặc biệt, khách quốc tế ước đạt 672.000 lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt 4.600 tỷ đồng.

Đề xuất Chủ tịch Hà Nội được tuyển dụng nhân lực không qua thi tuyển

UBND thành phố Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xem xét, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về quy định “Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội được tuyển dụng không qua thi tuyển với cá nhân có năng lực, trình độ cao đang ở ngoài khu vực nhà nước”. Đây là một nội dung được đưa ra trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trụ sở UBND thành phố Hà Nội.

Trụ sở UBND thành phố Hà Nội.

Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình về việc báo cáo tình hình tổ chức soạn thảo và xin ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo tờ trình số 16 của UBND thành phố Hà Nội nêu đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị và xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy về việc áp dụng pháp luật về quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ thủ đô.

UBND thành phố xin ý kiến về quy định việc giao HĐND thành phố quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù cấp thành phố, cấp huyện, quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng số lượng đại biểu và đại biểu chuyên trách HĐND thành phố (tăng số lượng đại biểu từ 95 lên 125 đại biểu, tỷ lệ chuyên trách 25%)…

Trong đó, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội được tuyển dụng không qua thi tuyển với cá nhân có năng lực, trình độ cao đang ngoài khu vực Nhà nước và bổ nhiệm chức danh quản lý, điều hành ở một số đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố.

CSGT chặn dòng ô tô dồn vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - TP.HCM

CSGT phải bố trí lực lượng điều tiết giao thông từ xa cho các phương tiện lưu thông theo hướng quốc lộ, để giảm ùn tắc trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Long Thành - TP.HCM.

Do kẹt xe tại trạm thu phí trên cao tốc cách khoảng 60km, nên CSGT phải điều tiết phân luồng giao thông từ xa trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ra hướng Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Xuân Lộc, Đồng Nai
Do kẹt xe tại trạm thu phí trên cao tốc cách khoảng 60km, nên CSGT phải điều tiết phân luồng giao thông từ xa trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ra hướng Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Xuân Lộc, Đồng Nai

Chiều 3/9, dòng người từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên di chuyển về các tuyến quốc lộ, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Long Thành - Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Đồng Nai khiến lượng phương tiện tăng cao đột biến.

Khoảng 16h30, trên Quốc lộ 1, các phương tiện bắt đầu đông dần lên hướng từ ngã 4 Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đi TP.HCM, các xe di chuyển chậm qua các giao lộ ngã tư và kéo dài đến cầu Đồng Nai.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua huyện Cẩm Mỹ lượng phương tiện đổ dồn về khiến cho trạm thu phí xảy ra tình trạng quá tải, giao thông qua đây kẹt xe kéo dài. Cũng trên cao tốc này, để giảm tải ùn tắc, lực lượng công an cũng đã có mặt phân luồng giao thông tại lối ra nút giao với Quốc lộ 1 (huyện Xuân Lộc).

Còn tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ đoạn vòng xoay đường dẫn lên cao tốc giao với Quốc lộ 51. Các ô tô trên Quốc lộ 51 từ hướng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi TP.HCM dồn vào đường cao tốc, cùng với lượng phương tiện từ cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đổ dồn về.

Lực lượng CSGT cũng có mặt tại đường dẫn lên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giao với Quốc lộ 51 để phân luồng giao thông, hạn chế các phương tiện di chuyển lên cao tốc này.

Chuyên đề