Bản tin thời sự sáng 4/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khánh thành trùng tu Chùa Cầu; TP.HCM sẽ cổ phần hóa 10 doanh nghiệp nhà nước đến năm 2025; hơn 191.000 người tại Thanh Hóa sẽ bị ảnh hưởng sau sáp nhập xã, phường; Bình Dương có trung tâm phân loại hàng tự động 30 triệu USD…

Khánh thành trùng tu Chùa Cầu

Sau 19 tháng tháo dỡ toàn bộ để tu bổ, thay thế những phần hư hỏng, Chùa Cầu được khánh thành chiều 3/8.

Chùa Cầu sau trùng tu

Chùa Cầu sau trùng tu

Lễ khánh thành được chính quyền TP. Hội An tổ chức nhân sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20.

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, sau hơn 19 tháng trùng tu, hình dáng của kiến trúc, cấu trúc của kết cấu Chùa Cầu được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Công trình cũng khắc phục các khiếm khuyết, gia tăng sự chắc chắn và nâng cấp hạ tầng, cảnh quan, môi trường xung quanh.

Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) được thương nhân Nhật Bản xây dựng từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Công trình bắc qua con lạch trong phố cổ Hội An, đảm nhiệm ba chức năng chính là cầu kết nối hai khu phố người Nhật và Hoa; nơi thực hành tín ngưỡng (thờ thần hộ mệnh Bắc Đế Trấn Vũ, vị thần lớn của Đạo giáo bảo vệ người dân khỏi tai ương) và nơi nghỉ ngơi vãn cảnh.

Sau hơn 400 năm, Chùa Cầu đã trải qua 7 lần trùng tu, gần nhất là năm 1986. Đến năm 2010, móng cầu bị lún, nứt; chùa và cầu tách rời; kèo cột mối mọt, mục nát có nguy cơ đổ sập. Trong khi đó, mỗi ngày cầu phải gánh hàng nghìn người dân và du khách qua lại. Chính quyền TP. Hội An phải dùng gỗ chống đỡ và dây cáp để níu giữ các bộ phận của công trình.

Để cứu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Chùa Cầu, chính quyền TP. Hội An quyết định trùng tu toàn diện. Cuối tháng 12/2022, Chùa Cầu được hạ giải (tháo dỡ toàn bộ).

TP.HCM sẽ cổ phần hóa 10 doanh nghiệp nhà nước đến năm 2025

TP.HCM công bố 10 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa đến năm 2025, với tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ còn lại phổ biến mức 50 - 65%.

Nhà nước sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn

Nhà nước sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn

Theo Quyết định về kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM đến hết năm 2025 vừa được ban hành, trong 10 doanh nghiệp được cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn.

Có 8 doanh nghiệp khác sau cổ phần hóa có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ trên 50% đến dưới 65% (Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn, Tổng công ty Bến Thành, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, Công ty TNHH MTV 27/7 TP.HCM). Riêng Công ty Công nghiệp in bao bì Liksin sẽ còn từ 50% trở xuống là vốn điều lệ nhà nước. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn được thực hiện theo quy định pháp luật về sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp.

Cùng với cổ phần hóa, TP.HCM tiếp tục duy trì nắm giữ 100% vốn điều lệ với 32 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên như: Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, Công ty Đường sắt đô thị số 1, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Thảo cầm viên Sài Gòn.

Các công ty thuộc nhóm công ích tại TP.HCM cũng được Nhà nước tiếp tục nắm giữ như: Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, Thoát nước đô thị, Môi trường đô thị, Công viên cây xanh và các công ty dịch vụ công ích quận, huyện. Riêng 3 công ty dịch vụ công ích Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức sẽ tiến hành sáp nhập.

TP.HCM đặt mục tiêu thực hiện cổ phần hóa và đảm bảo đến hết năm 2025 hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp với 10 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc UBND, theo danh mục đã được Thủ tướng phê duyệt.

Hơn 191.000 người tại Thanh Hóa sẽ bị ảnh hưởng sau sáp nhập xã, phường

Toàn bộ dân số hơn 101.000 của huyện Đông Sơn và gần 90.000 người ở 14 xã, phường khác phải sửa địa chỉ trong lý lịch tư pháp sau sáp nhập.

TP. Thanh Hóa sau sáp nhập sẽ rộng hơn 228 km2 với quy mô dân số hơn 615.000 người

TP. Thanh Hóa sau sáp nhập sẽ rộng hơn 228 km2 với quy mô dân số hơn 615.000 người

HĐND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, từ nay đến hết năm 2025, Tỉnh sẽ giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 11 xã, phường.

Cụ thể, toàn bộ diện tích gần 83 km2 và hơn 101.000 dân của huyện Đông Sơn sẽ được sáp nhập vào TP. Thanh Hóa. TP. Thanh Hóa giữ nguyên tên gọi cũ. 14 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Đông Sơn vẫn giữ nguyên.

Ngoài huyện Đông Sơn, đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa còn 11 xã, phường nằm trong diện giải thể, sáp nhập ở các huyện Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định, Triệu Sơn, Thạch Thành, TP. Thanh Hóa, Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn.

Theo ước tính, sẽ có 191.000 người dân ở các địa phương kể trên bị tác động do quá trình sáp nhập đơn vị hành chính. Họ phải thay đổi thông tin cư trú trên các loại giấy tờ cá nhân, hồ sơ sổ sách về quyền sở hữu tài sản, đất đai...

Dự kiến các thủ tục sáp nhập, giải thể đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải thực hiện trước dịp bầu cử HĐND các cấp vào năm 2026.

Đây là lần thứ hai trong 5 năm qua Thanh Hóa sắp xếp đơn vị hành chính quy mô lớn. Trước đó, giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh này đã sáp nhập 143 đơn vị hành chính cấp xã. Số đơn vị cấp xã sau sắp xếp giảm 76, còn 559 xã, phường, thị trấn. Dự kiến đến hết năm 2025, Tỉnh còn 26 đơn vị hành chính cấp huyện; số xã, phường, thị trấn giảm thêm 11 đơn vị, còn 548.

Bình Dương có trung tâm phân loại hàng tự động 30 triệu USD

Dự án Trung tâm phân loại hàng hóa tự động khi đi vào vận hành năm 2025 có thể xử lý 4 triệu đơn hàng mỗi ngày.

Trung tâm phân loại hàng tự động tại phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một vừa được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025

Trung tâm phân loại hàng tự động tại phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một vừa được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025

SPX Express (trước đây là Shopee Xpress) vừa hợp tác với Frasers Property Vietnam khởi công xây dựng Trung tâm Phân loại hàng tự động với vốn đầu tư 30 triệu USD tại Bình Dương. Trung tâm phân loại này có tổng diện tích lên tới 106.000 m2 (10,6 ha). Hệ thống phân loại hàng hóa tự động tiên tiến nhất hiện nay sẽ được trang bị tại đây.

Giai đoạn xây dựng đầu tiên dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2025. Dự án sẽ góp phần mang đến hàng nghìn cơ hội việc làm và cải thiện chất lượng dịch vụ logistics của tỉnh Bình Dương.

Chia sẻ về lý do chọn Bình Dương là nơi đầu tư Dự án, bà Nguyễn Kim Anh - Giám đốc SPX Express đánh giá cao hạ tầng mang tính kết nối của địa phương. Bên cạnh đó, Dự án được xây dựng tại Khu công nghiệp Bình Dương (Binh Duong Industrial Park - BDIP) thuộc Tập đoàn Frasers Property Vietnam - nơi đang trên đà trở thành khu công nghiệp xanh, đạt chứng chỉ LEED. Điều này giúp SPX Express thực hiện định hướng phát triển logistics xanh, bền vững như cam kết.

Đại diện doanh nghiệp này nhấn mạnh, với công suất xử lý 4 triệu đơn hàng mỗi ngày, Trung tâm phân loại hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong chuỗi vận hành của SPX Express tại khu vực phía Nam. Với dự án này, đơn vị sẽ tập trung đơn giản hóa quy trình xử lý, hỗ trợ khách hàng rút ngắn thời gian nhận hàng và nâng cao chất lượng phục vụ.

Cưỡng chế, thu hồi toàn bộ “đất vàng” mặt biển ở TP. Vũng Tàu

Để thực hiện Dự án Chỉnh trang trục đường Thùy Vân, UBND TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành các quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất và cưỡng chế tháo dỡ đối với đất, tài sản trên đất tại khu 28 ha Bãi Sau.

Việc cưỡng chế, thu hồi "đất vàng" mặt biển ở TP. Vũng Tàu nhằm triển khai Dự án Chỉnh trang trục đường Thuỳ Vân

Việc cưỡng chế, thu hồi "đất vàng" mặt biển ở TP. Vũng Tàu nhằm triển khai Dự án Chỉnh trang trục đường Thuỳ Vân

Cụ thể, UBND TP. Vũng Tàu sẽ cưỡng chế thu hồi đất đối với diện tích hơn 38.800 m2 do Công ty Xây lắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là Công ty CP Bất động sản và đầu tư VRC) sử dụng.

Đồng thời, TP. Vũng Tàu áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc tháo dỡ, di dời các tài sản nằm trên khu đất hiện do Công ty CP Du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty CP Du lịch quốc tế Hải Dương sử dụng.

Cả 2 doanh nghiệp này có các tài sản trên khu đất do Công ty Xây lắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuê của Nhà nước và đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt bồi thường hoa màu, nhà, vật kiến trúc trên đất.

Trước đó, để triển khai Dự án Chỉnh trang trục đường Thuỳ Vân, UBND TP. Vũng Tàu đã thu hồi 28 ha “đất vàng” Bãi Sau. Khu đất này có 9 doanh nghiệp thứ cấp thuê lại của Công ty Xây lắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để kinh doanh du lịch.

Theo quy hoạch chi tiết 1/500 đường Thùy Vân, khu vực này có diện tích khoảng 77,9 ha, với tính chất là khu du lịch, dịch vụ - thương mại, nhà ở, công viên công cộng và bãi biển. Khu hiện hữu sẽ là khu dân cư, kinh doanh khách sạn.

Còn về phía biển được quy hoạch là không gian mở thân thiện, lấy biển làm trọng tâm với các khu chức năng, tiện ích phù hợp để người dân và du khách có thể tận hưởng tối đa những gì tự nhiên nhất từ phía biển, mở ra tầm nhìn hướng biển.

Theo ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, đây là dự án chỉnh trang quan trọng hướng đến mục tiêu phát triển TP. Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, nằm trong quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự án Chỉnh trang trục đường Thuỳ Vân có tổng mức đầu tư hơn 1.094 tỷ đồng, do UBND TP. Vũng Tàu làm chủ đầu tư. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn tất các thủ tục để khởi công vào 29/8 tới và ngày 30/4/2025 sẽ hoàn thành.

Khởi tố Giám đốc Công ty TNHH An Hưng Nông đổ 4.000 tấn chất thải gây ô nhiễm

Ngày 3/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An cho biết, ông Trần Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH An Hưng Nông bị khởi tố, cho tại ngoại và cấm xuất cảnh để điều tra hành vi gây ô nhiễm môi trường, theo khoản 3 Điều 235 Bộ luật Hình sự.

Lực lượng chức năng lấy mẫu nước dưới dòng kênh bị ô nhiễm do nước thải của Công ty TNHH An Hưng Nông

Lực lượng chức năng lấy mẫu nước dưới dòng kênh bị ô nhiễm do nước thải của Công ty TNHH An Hưng Nông

Trước đó, chiều 29/5, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Long An phát hiện 3 ô tô chở rác của một công ty di chuyển đến Chi nhánh Công ty TNHH An Hưng Nông tại Ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa nên dừng phương tiện kiểm tra. Xe chở chất thải hữu cơ là vỏ, hạt xoài. Tài xế khai chở đi đổ.

Kiểm tra bên trong Chi nhánh Công ty, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 4.000 tấn rác hữu cơ là vỏ, hạt trái cây được tập kết ở khu đất trống không có giấy phép xây dựng phía sau Nhà máy sản xuất phân bón. Khu đất này không lót đáy, để lộ thiên bên ngoài, nước thải chưa được xử lý chảy trực tiếp ra kênh, ruộng của người dân xung quanh gây ô nhiễm môi trường.

Công ty An Hưng Nông có trụ sở chính tại TP.HCM và 2 chi nhánh tại xã Tân Đông (huyện Thạnh Hóa) sản xuất phân bón và nước ép trái cây.

Theo cơ quan chức năng, dù không có chức năng xử lý chất thải nhưng từ năm 2021 đến tháng 5/2024, công ty này đã ký hợp đồng xử lý chất thải hữu cơ với nhiều công ty nông sản, trái cây, rau quả trong và ngoài Tỉnh. Khu vực tập kết chất thải của Công ty từng nhiều lần bị người dân phản ánh gây ô nhiễm, bị xử phạt gần 500 triệu đồng.

Giữa tháng 6, Nhà máy sản xuất phân bón của công ty này tiếp tục bị UBND tỉnh Long An ra quyết định xử phạt hơn 300 triệu đồng, nhưng việc xử phạt sau đó phải tạm dừng để cơ quan điều tra vào cuộc.

Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Sông Hồng bị bắt vì hành vi lừa đảo

Công ty TNHH Xây dựng Sông Hồng không đủ điều kiện và không được tham dự thầu đối với Dự án Công trình đường tuần tra biên giới 8 km - giai đoạn cuối giữa 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông, nhưng ông Tam đưa ra thông tin gian dối và các giấy tờ giả về việc đã được chỉ định thầu dự án để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam với ông Nguyễn Văn Tam (giữa)

Công an đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam với ông Nguyễn Văn Tam (giữa)

Ngày 3/8, Công an TP. Đà Nẵng cho biết, vừa tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Tam (75 tuổi, trú tại thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, vào cuối năm 2018, ông L.T.H (trú tại TP. Đà Nẵng) quen biết Nguyễn Văn Tam - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Sông Hồng.

Qua trao đổi, ông Tam hứa sẽ cho công ty ông H. liên danh thi công công trình đường tuần tra biên giới 8 km - giai đoạn cuối giữa 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông.

Tuy nhiên, thực tế, Công ty TNHH Xây dựng Sông Hồng không đủ điều kiện và không được tham dự thầu đối với dự án trên.

Để lừa đảo, Nguyễn Văn Tam đã đưa ra thông tin gian dối và các giấy tờ giả về việc đã được chỉ định thầu Dự án. Vì tin tưởng, ông H. đã chuyển vào tài khoản của Tam số tiền hàng tỷ đồng để đặt cọc liên danh thi công công trình trên.

Sau khi chuyển tiền, ông Tam nhiều lần đưa ra các văn bản để hẹn thời gian thương thảo, ký kết hợp đồng nhưng không thực hiện và đã chiếm đoạt số tiền trên.

Hiện vụ án đang được Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Đà Nẵng tiếp tục điều tra làm rõ.

Chuyên đề