Bản tin thời sự sáng 4/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhà thầu đòi gần 4.000 tỷ đồng chi phí phát sinh ở Dự án Metro số 1; Đồng Nai báo cáo UBTVQH việc xử lý nguồn đất đắp từ Dự án sân bay Long Thành; Kiểm toán Nhà nước chuyển 19 vụ sang cơ quan điều tra…

Nhà thầu đòi gần 4.000 tỷ đồng chi phí phát sinh ở Dự án Metro số 1

Nhà thầu Hitachi đòi chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành tuyến Metro số 1 gần 4.000 tỷ đồng, song chủ đầu tư cho rằng chưa đủ pháp lý.

Tàu thuộc tuyến Metro số 1 tại depot Long Bình

Tàu thuộc tuyến Metro số 1 tại depot Long Bình

Đây là nội dung vừa được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) gửi Sở Ngoại vụ Thành phố, để dự thảo báo cáo Thủ tướng và Bộ Ngoại giao về giải pháp tháo gỡ vướng mắc Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Tuyến metro đầu tiên ở Thành phố đã hoàn thành hơn 98% khối lượng, đang được đặt mục tiêu khai thác thương mại vào quý IV năm nay. Tuy nhiên, MAUR cho biết, giai đoạn cuối của Dự án vẫn còn vướng mắc liên quan cách diễn giải về hợp đồng và sự phối hợp giữa Liên danh tư vấn NJPT với các nhà thầu Nhật Bản, làm chậm tiến độ.

Trong đó, Hitachi là nhà thầu chính phụ trách Gói thầu số 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray, đào tạo, bảo dưỡng...). Gói thầu này có thời gian thực hiện từ tháng 8/2013 đến tháng 4/2018 (244 tuần). Do quá trình triển khai Dự án gặp nhiều vướng mắc, kéo dài, nhà thầu yêu cầu tính thêm chi phí cho việc gia hạn thời gian hoàn thành là 4.124 ngày. Liên danh tư vấn chung NJPT đánh giá, thời gian Hitachi được hưởng do kéo dài thực hiện hợp đồng là 2.161 ngày.

Không đồng ý với tư vấn, Hitachi khởi kiện Chủ đầu tư tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) với yêu cầu gia hạn thời gian hoàn thành ít nhất 2.773 ngày và chi phí bồi thường khoảng 527 tỷ đồng. Đến nay, tổng chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành Metro số 1 được nhà thầu trên đơn phương đưa ra khoảng 23,721 tỷ yen (gần 4.000 tỷ đồng).

Trong khi đó, theo Chủ đầu tư, các điều kiện và đòi hỏi của nhà thầu Hitachi chưa đủ pháp lý để giải quyết. Bởi theo quy định của hợp đồng, nhà thầu sẽ được hưởng các chi phí liên quan nếu việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng (Extension of Time - EoT) do lỗi từ Chủ đầu tư. Ngược lại, họ phải bồi thường thiệt hại nếu việc chậm tiến độ do lỗi của mình gây ra. Do vậy, MAUR cho rằng, tổng chi phí phát sinh do Hitachi đưa ra nêu trên chưa phản ảnh được những chậm trễ do nhà thầu này gây ra nên phải được đánh giá lại để xác định cụ thể.

Ngoài vấn đề trên, MAUR cho biết, Dự án còn vướng mắc liên quan quá trình đào tạo nhân sự vận hành, công tác chạy thử. Dù đã quy định ở hợp đồng, các nội dung liên quan đào tạo, công tác chạy thử bị kéo dài do những tranh cãi và thoái thác công việc của Hitachi. Các nội dung này hiện chưa thống nhất.

Đồng Nai báo cáo UBTVQH việc xử lý nguồn đất đắp từ Dự án sân bay Long Thành

Tỉnh Đồng Nai báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chấp thuận chủ trương cho phép thu hồi vật liệu san lấp tại một phần khu vực quy hoạch nhà ga T3 để phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Thi công hạng mục nhà ga tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Thi công hạng mục nhà ga tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Ngày 3/6, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý nguồn đất đắp từ Dự án sân bay Long Thành phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tỉnh Đồng Nai đã thu hồi xong toàn bộ 5.000 ha đất phục vụ Dự án sân bay Long Thành; trong đó đã bàn giao hơn 2.530 ha để các đơn vị liên quan triển khai giai đoạn 1 của Dự án.

Với diện tích đất thuộc giai đoạn 2 của Dự án (hơn 2.400 ha) chưa được phê duyệt và theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 năm 2017 của Quốc hội khóa XIV, Đồng Nai đang quản lý, khai thác, sử dụng phần diện tích này.

Phạm vi giai đoạn 2 sân bay Long Thành bao gồm nhiều khu vực, trong đó có khu vực quy hoạch nhà ga T3 với diện tích gần 190 ha.

Tỉnh Đồng Nai báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chấp thuận chủ trương cho phép thu hồi vật liệu san lấp tại một phần khu vực quy hoạch nhà ga T3 để tạo nguồn đất đắp phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tỉnh sẽ có trách nhiệm tính toán, bổ sung quy hoạch vật liệu nhằm đáp ứng đủ nguồn vật liệu san lấp khi thi công giai đoạn 2 sân bay Long Thành.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chỉ tiến hành san nền tại khu vực hơn 1.800 ha thuộc phạm vi Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. Khu vực quy hoạch nhà ga T3 do Dự án chưa được phê duyệt nên chưa san nền.

Điều này dẫn đến chênh lệch cao độ của 2 khu vực rất lớn (từ 8 - 10m), cần thiết phải hạ cao độ tại khu vực quy hoạch nhà ga T3 để không ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay.

Việc khai thác đất từ khu vực quy hoạch nhà ga T3 đến công trường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có nhiều thuận lợi, khoảng cách gần (hơn 7 km)…

Kiểm toán Nhà nước chuyển 19 vụ sang cơ quan điều tra

19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán giai đoạn 2019 - 2023 được chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét, xử lý.

Kiểm toán Nhà nước chuyển 19 vụ sang cơ quan điều tra

Kiểm toán Nhà nước chuyển 19 vụ sang cơ quan điều tra

Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước Phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, Kiểm toán Nhà nước cho biết, 5 năm gần nhất (từ 2019 - 2023), cơ quan này có 1.345 báo cáo kiểm toán. Theo đó, họ kiến nghị xử lý gần 331.400 tỷ đồng, gồm tăng thu ngân sách hơn 30.500 tỷ đồng; giảm chi ngân sách gần 96.200 tỷ đồng.

Cùng đó, cơ quan kiểm toán cũng chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét, xử lý.

Ngoài ra, kết quả kiểm toán các dự án đầu tư cho thấy, vẫn còn những sai sót thường gặp từ khâu chuẩn bị đến quyết toán, hoàn thành. Chẳng hạn, thẩm định, duyệt chủ trương đầu tư dự án còn chậm, khi chưa có quy hoạch hoặc không phù hợp quy hoạch, chưa đúng thẩm quyền.

Có dự án được duyệt, xác định nguồn vốn, nội dung đầu tư chưa phù hợp, điều chỉnh chưa bảo đảm quy định. Còn dự án có tổng mức đầu tư vượt chủ trương, hạng mục thiết kế trùng dự án khác, chưa phù hợp tiêu chuẩn.

Một số dự án được chỉ định thầu chưa bảo đảm quy định, hồ sơ mời thầu, yêu cầu chưa đủ nội dung, đưa ra tiêu chí làm hạn chế tính cạnh tranh giữa các nhà thầu, phân chia gói thầu chưa phù hợp. Tỷ lệ dự án tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng chưa đảm bảo quy định.

Ngoài ra, nhiều gói thầu có hợp đồng ký kết thiếu chặt chẽ, chưa đủ nội dung, không phù hợp quy định của hồ sơ mời thầu. Nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài rất nhiều năm, giải ngân không đạt kế hoạch phải điều chỉnh nguồn vốn.

Theo cơ quan kiểm toán, tình trạng sai sót trong hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước vẫn diễn ra tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn.

Một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, đầu tư tài chính hiệu quả chưa cao, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ. Một số khoản đầu tư của tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ…

Thanh Hóa sẽ có thêm Khu đô thị số 06, Khu kinh tế Nghi Sơn gần 750 ha

Đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 Khu đô thị số 06, Khu kinh tế Nghi Sơn vừa được Thanh Hoá phê duyệt với tổng diện tích gần 750 ha.

Thanh Hóa sẽ có thêm Khu đô thị số 06, Khu kinh tế Nghi Sơn gần 750 ha. Ảnh minh họa

Thanh Hóa sẽ có thêm Khu đô thị số 06, Khu kinh tế Nghi Sơn gần 750 ha. Ảnh minh họa

Theo đó, Dự án nằm trên địa bàn các phường Hải Hòa, Ninh Hải và xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn, một mặt giáp đường sắt Bắc - Nam và núi Am Các. Tổng diện tích hơn 744 ha, quy mô dân số gần 31.000 người, bằng một phần mười dân số thị xã Nghi Sơn hiện nay.

Dự án thuộc khu đô thị trung tâm Khu kinh tế Nghi Sơn với chức năng là khu dịch vụ thương mại, nhà ở đô thị có hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ. Ba phân khu chính gồm trung tâm đầu mối giao thông vận tải giáp phía Tây Quốc lộ 1A (bến xe, kho bãi, dịch vụ thương mại tổng hợp); trung tâm hành chính, giáo dục, văn hóa thể thao phía Tây Quốc lộ 1A và trung tâm y tế, công cộng dịch vụ phía Đông Quốc lộ 1A.

Theo Đồ án quy hoạch, khu dân cư mới của dự án sẽ phát triển đa dạng các loại hình như chung cư, liên kế, nhà vườn cao 2 - 7 tầng theo kiến trúc hiện đại. Còn khu vực công cộng như hành chính, y tế, thương mại, dịch vụ tổng hợp, vui chơi giải trí được khuyến khích hợp khối, cao 5 - 20 tầng.

Dự án đã được bố trí đất tái định cư mới hơn 15 ha tại ba đơn vị hành chính trong ranh giới quy hoạch. Còn quỹ đất xây nhà ở xã hội khoảng 8,3 ha, được xác định từ quy hoạch chi tiết 4 khu dân cư. Riêng đất xây mới nhà xã hội gần 3,3 ha, được duyệt quy hoạch cao 12 - 25 tầng, mật độ xây dựng 40%, đáp ứng nhu cầu hơn 3.900 người.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chung và các khu tái định cư của dự án sẽ được đầu tư bằng vốn ngân sách. UBND thị xã Nghi Sơn được giao tổ chức lập các quy hoạch chi tiết đô thị và danh mục dự án ưu tiên đầu tư.

Thủy sản Minh Phú tham vọng lãi kỷ lục gần 1.300 tỷ đồng

Minh Phú đặt mục tiêu lãi sau thuế khoảng 1.266 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 105 tỷ đồng.

Kết thúc quý I, Minh Phú chỉ hoàn thành được 0,5% mục tiêu lợi nhuận năm

Kết thúc quý I, Minh Phú chỉ hoàn thành được 0,5% mục tiêu lợi nhuận năm

Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 22/6 tại TP.HCM.

Năm nay, Minh Phú đặt kế hoạch sản xuất 70.000 tấn tôm. Mục tiêu doanh thu gần 18.600 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế khoảng 1.266 tỷ đồng trong khi vào năm 2023, công ty lỗ 105 tỷ đồng. Nếu đạt mục tiêu, đây sẽ là con số lợi nhuận cao kỷ lục của Minh Phú.

Thực tế, kết thúc quý I, Minh Phú ghi nhận 2.751 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7 tỷ đồng, con số này cải thiện rất nhiều so với khoản lỗ 98 tỷ đồng hồi quý I/2023, nhưng vẫn còn cách rất xa mục tiêu năm.

Ban lãnh đạo dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn còn nhiều biến động. Song, công ty vẫn đặt chiến lược trọng tâm đến năm 2030 sẽ có giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng giá Ecuador.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Minh Phú dự kiến đẩy mạnh nuôi và sản xuất tôm giống theo công nghệ sinh học MPBiO. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ sản xuất 15 tỷ post (tôm giống) và đáp ứng 50% nhu cầu tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của mình.

Ngoài tập trung cho thị trường xuất khẩu chủ lực, công ty cũng tìm kiếm thêm đơn hàng tại các thị trường mới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...

Cùng với đó, Minh Phú cũng gia tăng thị phần tôm nội địa trong năm nay, mục tiêu tăng lên 5 - 10%.

Rà soát hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản yêu cầu báo cáo tình hình xây dựng và hoạt động của hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn.

Khu công nghiệp Yên Phong 2C

Khu công nghiệp Yên Phong 2C

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh nhận được công văn của Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh và công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo tình hình xây dựng và hoạt động của hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh rà soát các nội dung theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo đảm thời gian theo quy định.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 16 KCN tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển với tổng diện tích là 6.397,68 ha.

Hiện có 12/16 KCN đã đi vào hoạt động, 15 KCN đã được thành lập với diện tích 5.946,99 ha, với diện tích đất công nghiệp đã cho thuê khoảng 2.481,57 ha.

Tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất công nghiệp cho thuê theo quy hoạch đạt 60,04%.

Lũy kế đến hết tháng 6/2023, các KCN Bắc Ninh đã thu hút 1.869 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 24,469 tỷ USD, trong đó có 1.284 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,145 tỷ USD; 585 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,324 tỷ USD.

Khởi tố lãnh đạo doanh nghiệp khai thác cát vượt mức cho phép

Ngày 3/6, Công an tỉnh Gia Lai có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Đình Thái Anh (trú tại phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Cơ quan Công an đọc lệnh khởi tố bị can với Phan Đình Thái Anh (bìa phải)

Cơ quan Công an đọc lệnh khởi tố bị can với Phan Đình Thái Anh (bìa phải)

Kết quả điều tra bước đầu xác định, Công ty CP Xây dựng Tây Nguyên Gia Lai được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép khai thác cát trong diện tích khoảng 6 ha tại buôn Chư Bang, xã Chư Gu, huyện Krông Pa.

Năm 2023, Phan Đình Thái Anh là Phó Giám đốc được ủy quyền trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp này. Anh đã chỉ đạo nhân viên khai thác vượt công suất cho phép, tổng khối lượng là 16.200 m3 cát, thu lợi hơn 1,6 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 12/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai kiểm tra và phát hiện trạm cân của Công ty CP Xây dựng Tây Nguyên Gia Lai đã ngừng hoạt động nhưng xe ô tô vẫn vận chuyển cát đi tiêu thụ. Sau đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Gia Lai vào cuộc điều tra, phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật tại đây. Hiện, vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.

Chuyên đề