Bản tin thời sự sáng 4/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Đà Nẵng sẽ đấu giá sân vận động Chi Lăng để thi hành án; đề xuất lập Cục Phòng, chống lãng phí thuộc Bộ Tài chính; TP.HCM gỡ khó cho 5 dự án, tăng nguồn thu cho ngân sách; Việt Nam thu gần 1,1 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả chế biến…

Đà Nẵng sẽ đấu giá sân vận động Chi Lăng để thi hành án

Chính quyền Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.

Khu vực sân vận động Chi Lăng sẽ được đấu giá để thi hành án liên quan đến ông Phạm Công Danh

Khu vực sân vận động Chi Lăng sẽ được đấu giá để thi hành án liên quan đến ông Phạm Công Danh

Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 3/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội TP. Đà Nẵng, cho biết Chính phủ đã trình Quốc hội phương án tháo gỡ vướng mắc tại sân vận động Chi Lăng. Quốc hội qua thẩm tra đã giao việc này cho Chính phủ và Đà Nẵng quyết định.

Bước đầu tiên, Thành phố sẽ điều chỉnh, chuyển đổi đất tại sân vận động Chi Lăng từ dành cho hoạt động thể thao thành đất thương mại dịch vụ, đúng với tài sản khu đất khi doanh nghiệp thế chấp ngân hàng.

"Bộ Chính trị và Chính phủ cho phép Đà Nẵng thi hành án đấu giá toàn bộ khu vực sân Chi Lăng chứ không chia nhỏ ra theo các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trước đó. Đây là một hướng để thành phố giải quyết triệt để vấn đề", ông Quảng nói.

Năm 2011, đất sân vận động Chi Lăng đã được UBND Đà Nẵng phân thành 14 lô, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 10 lô cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh đem thế chấp, vay vốn ngân hàng. Bốn lô còn lại chưa được cấp sổ đỏ và chưa giải tỏa.

Liên quan quyền lợi của các ngân hàng đã nhận thế chấp sổ đỏ và cho Tập đoàn Thiên Thanh vay vốn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết giải quyết theo hướng sau khi đấu giá sẽ phân chia tỷ lệ theo giá trị tài sản đảm bảo tại các ngân hàng.

Sân vận động Chi Lăng rộng hơn 55.000 m2 là đất vàng giữa trung tâm Đà Nẵng bao quanh là 4 tuyến đường Lê Duẩn - Chi Lăng - Hùng Vương - Ngô Gia Tự. Năm 2010, UBND TP. Đà Nẵng dưới thời cựu Chủ tịch Trần Văn Minh đã giao sân vận động Chi Lăng cho tập đoàn Thiên Thanh để làm dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ.

Đề xuất lập Cục Phòng, chống lãng phí thuộc Bộ Tài chính

Bộ Tài chính đề xuất thành lập một đơn vị chuyên trách cấp cục để thống nhất tham mưu và quản lý công tác phòng, chống lãng phí trên phạm vi toàn quốc.

Trụ sở Bộ Tài chính

Trụ sở Bộ Tài chính

Đề xuất này được Bộ đưa ra khi xây dựng dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí. Dự thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Hồ sơ nêu 7 nhóm chính sách lớn, trong đó có việc thành lập Cục Phòng, chống lãng phí. Cục này sẽ có nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện chế độ, chính sách; triển khai, ban hành các chương trình tổng thể về tiết kiệm, chống lãng phí; hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương thực hiện quy định của Luật.

Ngoài ra, Cục sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra, và báo cáo Chính phủ, Quốc hội, cơ quan Đảng về kết quả công tác tiết kiệm, chống lãng phí trên cả nước, cũng như tình hình thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương.

Theo Bộ Tài chính, mô hình này tương đồng với các cơ quan phụ trách chống tham nhũng đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đều có các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, và Bộ trưởng Công an chịu trách nhiệm quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị chuyên trách này.

Việc thành lập Cục Phòng, chống lãng phí được cho là bước tiến nhằm thiết lập nền tảng pháp lý vững chắc, thúc đẩy trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia. Bộ Tài chính cho biết việc kiện toàn đơn vị cấp cục tại bộ sẽ không làm tăng thêm số lượng cơ quan, tổ chức hay biên chế công chức, mà chỉ sắp xếp lại nguồn lực hiện có trong ngành.

TP.HCM gỡ khó cho 5 dự án, tăng nguồn thu cho ngân sách

Ngày 3/12, UBND TP.HCM đã tổ chức họp Tổ công tác xem xét tháo gỡ cho 5 dự án có vướng mắc, khó khăn theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND thành phố Thủ Đức.

Công trình xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức. Ảnh minh họa

Công trình xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức. Ảnh minh họa

Cụ thể, các dự án được xem xét tháo gỡ gồm Khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty TNHH Lotte Properties HCMC làm chủ đầu tư; Khu đất 14,8 ha tại phường An Phú, thành phố Thủ Đức thanh toán cho Hợp đồng BT dự án đường Song Hành cao tốc Long Thành - Dầu Giây do Công ty Nguyên Phương làm chủ đầu tư; Khu phức hợp Tháp Quan sát thuộc Khu chức năng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương - Empire City làm chủ đầu tư; Khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, Quận 7 do Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư; Khu thương mại và căn hộ I-Home tại số 359 đường Phạm Văn Chiêu, Phường 14, quận Gò Vấp.

Theo Văn phòng UBND TP.HCM, kết quả tháo gỡ cho 5 dự án này sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách trên 18.000 tỷ đồng, hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đầu tư, cấp phép xây dựng, nghĩa vụ tài chính để triển khai thi công xây dựng hoàn thành dự án nhằm phát triển đô thị theo quy hoạch, tránh lãng phí đất đai.

Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc để giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 498 trường hợp đã mua căn hộ tại Dự án Khu thương mại và căn hộ I-Home, đảm bảo quyền và lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Từ thời điểm kiện toàn Tổ công tác cho đến nay, Tổ công tác đã họp 10 phiên với tổng số dự án được xem xét, tổ chức họp tháo gỡ là 33 dự án và chỉ đạo các đơn vị rà soát, xử lý 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Việt Nam thu gần 1,1 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả chế biến

Sản phẩm chế biến từ dừa, xoài, mít của Việt Nam ngày càng được thị trường quốc tế ưa chuộng, giúp kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,1 tỷ USD trong 10 tháng.

Sản phẩm mít sấy của Vinamit

Sản phẩm mít sấy của Vinamit

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 10, xuất khẩu rau quả chế biến đạt 127 triệu USD, tăng gần 28% so với tháng trước và 18% cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 10 tháng, các sản phẩm nông sản chế biến đem về gần 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Các sản phẩm từ dừa, hạt dẻ cười, xoài và mít tiếp tục là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trong đó, hàng chế biến từ dừa và xoài được các nước mua tăng gấp rưỡi cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt trên 187 triệu USD và 97 triệu USD trong 10 tháng.

Hạt dẻ cười đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 111 triệu USD, tăng 35% so với cùng thời điểm 2023.

Mỹ, Nhật Bản là những thị trường mua nhiều rau quả chế biến từ Việt Nam. Bên cạnh đó, các nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh... ký với Trung Quốc, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nông sản trong nước tiếp cận thị trường tỷ dân.

Việc tăng xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến cho thấy chiến lược mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt. Năm nay, rau chế biến dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 1,3 tỷ USD, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Đóng dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 9 tại Quảng Trị

Ngày 3/12, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về phương án đóng Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1.

Đề xuất đóng Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 qua Quảng Trị vay vốn WB

Đề xuất đóng Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 qua Quảng Trị vay vốn WB

Theo đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ GTVT hoàn tất thủ tục thanh, quyết toán và đóng Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 vay vốn Ngân hàng thế giới (WB) theo quy định của Việt Nam và WB.

Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9, đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 sử dụng vốn dư của Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) vay vốn WB. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2021. Đến tháng 11/2021, Dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư và giao Tổng cục Đường bộ (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) làm chủ đầu tư.

Dự án có chiều dài 13,8 km, điểm đầu từ cảng Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh), điểm cuối là nơi giao giữa Quốc lộ 1, đoạn ngã tư Sòng (xã Thanh An, huyện Cam Lộ); quy mô đường cấp II, 4 làn xe; tổng bề rộng nền đường 28 m, không bao gồm phần hè đường. Tổng mức đầu tư Dự án là 19,05 triệu USD (tương đương 440,37 tỷ đồng), thời gian thực hiện 2021 - 2022. Dự án chính thức động thổ khởi công vào tháng 3/2022, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.

UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9, đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 được xác định là dự án trọng điểm của Tỉnh. Do vậy, HĐND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Giải phóng mặt bằng (GPMB) riêng cho Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9, đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1, với tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, sau đó được điều chỉnh tăng lên 345,55 tỷ đồng.

Bình Định tái định cư cho người dân vùng núi lở

Tỉnh sẽ xây khu tái định cư cho 78 hộ dân ở huyện miền núi An Lão, di dời người dân khỏi vùng núi lở.

Sạt lở ở huyện miền núi An Lão cuối tháng 11 vừa qua

Sạt lở ở huyện miền núi An Lão cuối tháng 11 vừa qua

UBND Bình Định vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khu tái định cư vùng thiên tai thôn Trà Cong, xã An Hòa, huyện An Lão nhằm di dời các hộ nằm trong khu vực bị sạt lở đất do thiên tai, ổn định đời sống người dân.

Dự án rộng khoảng hơn 4 ha, trong đó diện tích tái định cư cho 78 hộ dân là hơn 1,7 ha bao gồm: các hạng mục san nền, hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống cấp nước, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, hệ thống cấp điện chiếu sáng, cây xanh.

Dự án do UBND huyện An Lão làm chủ đầu tư. Tổng vốn gần 45 tỷ đồng trong đó 38,5 tỷ đồng là ngân sách tỉnh, còn lại là ngân sách huyện. Thời gian thực hiện 2025 - 2027.

Trước đó, từ ngày 23 - 24/11, huyện miền núi An Lão mưa lớn, 8 khu vực bị sạt lở với tổng khối lượng đất đá sạt lở hơn 1.500 m3, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân.

Khai trừ Đảng Phó Chủ tịch UBND thành phố Sông Công

Ông Lưu Trí Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Sông Công bị khai trừ ra khỏi Đảng vì có vi phạm, khuyết điểm.

Trụ sở UBND thành phố Sông Công

Trụ sở UBND thành phố Sông Công

Thông tin từ Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Thái Nguyên, tại Kỳ họp thứ 81, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Sau khi xem xét đề nghị của UBKT Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên nhận thấy, ông Lưu Trí Vượng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Sông Công đã vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý đất đai trong quá trình thực hiện Dự án đường Thắng Lợi kéo dài, TP. Sông Công (giai đoạn II) và Khu dân cư đường Thắng Lợi kéo dài, bị Công an tỉnh Thái Nguyên khởi tố bị can.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm của đảng viên, theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lưu Trí Vượng. Đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 75, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Lê Văn Khôi - nguyên Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP. Sông Công nhiệm kỳ 2016 - 2021 do thiếu trách nhiệm trong tổ chức, triển khai thực hiện dự án.

Chuyên đề