Bản tin thời sự sáng 4/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới; mưa lớn ở thượng nguồn, Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng lưu lượng điều tiết nước tại các hồ chứa; thu hẹp quy hoạch khu du lịch Măng Đen; dự kiến ngày 15/12 sẽ khởi công Khu công nghiệp VSIP Quảng Trị…

Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới

Vượt qua nhiều ứng viên nặng ký là Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản, UAE, Brazil và Armenia, Việt Nam lần thứ 4 đón nhận giải thưởng danh giá Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới.

Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)

Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)

Cục Du lịch Quốc gia thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Việt Nam tiếp tục được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới năm 2023 tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) ở thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE).

Đây là lần thứ 4, Việt Nam đón nhận giải thưởng danh giá này, vượt qua nhiều ứng viên nặng ký là Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản, UAE, Brazil và Armenia.

Các lần vinh danh trước của Việt Nam là vào năm 2019, 2020 và 2022. Điều đó cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của di sản văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Cùng với danh hiệu Điểm đến Di sản Hàng đầu Thế giới 2023, Việt Nam còn có các điểm đến cấp địa phương cũng được trao tặng hạng mục giải thưởng.

Cụ thể, Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu “Điểm đến Du lịch Thành phố hàng đầu Thế giới 2023”. Đảo ngọc Phú Quốc đạt danh hiệu “Điểm đến Biển đảo Thiên nhiên hàng đầu Thế giới 2023”. Mộc Châu được tôn vinh là “Điểm đến Thiên nhiên Địa phương hàng đầu Thế giới 2023”. Hà Nam giành giải thưởng “Điểm đến Văn hóa Địa phương hàng đầu Thế giới 2023”. Tam Đảo đạt danh hiệu “Điểm đến Thị trấn hàng đầu Thế giới 2023”.

Theo Cục Du lịch Quốc gia, việc được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới sẽ tiếp tục khẳng định tiềm năng, sức hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa lâu đời của Việt Nam.

Giải thưởng sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam sâu rộng hơn tới bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản của cộng đồng người dân.

Mưa lớn ở thượng nguồn, Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng lưu lượng điều tiết nước tại các hồ chứa

Ngày 3/12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế liên tiếp phát 2 lệnh vận hành hồ chứa đối với hồ thủy điện Bình Điền và thủy điện Hương Điền nằm trên lưu vực sông Hương và sông Bồ.

Hồ thủy điện Hương Điền nhận lệnh tăng lưu lượng điều tiết nước về hạ du nhằm bảo đảm an toàn công trình và ứng phó mưa lũ

Hồ thủy điện Hương Điền nhận lệnh tăng lưu lượng điều tiết nước về hạ du nhằm bảo đảm an toàn công trình và ứng phó mưa lũ

Theo báo cáo của Công ty CP Thủy điện Bình Điền, mực nước hồ Bình Điền lúc ngày 3/12 ở mức +84,76 m, lưu lượng đến hồ 593 m3/s, lưu lượng xả về hạ du 319 m3/s; mực nước trên sông Hương tại trạm thủy văn Kim Long ở mức +0,96 m.

Nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu, thủy điện Bình Điền điều chỉnh tăng lưu lượng vận hành điều tiết nước hồ chứa qua tràn và tuabin, với mức tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 450 - 650 m3/s.

Điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Khi mực nước hồ đạt mực nước dâng bình thường +85 m sẽ thực hiện vận hành duy trì mực nước hồ với lưu lượng đến và đi bằng nhau.

Trong ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phát lệnh yêu cầu tăng lưu lượng vận hành điều tiết về hạ du đối với thủy điện Hương Điền qua tràn và tua bin với lưu lượng 1.537 m3/s.

Các địa phương thuộc hạ du thủy điện Bình Điền, Hương Điền nghiêm cấm các hoạt động thuyền, bè, vớt củi, câu cá trên các sông; đồng thời thông báo đến người dân để chủ động phòng tránh.

Trước đó, nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế từng phát lệnh yêu cầu các chủ hồ đập tăng lưu lượng vận hành điều tiết lũ. Cụ thể, hồ Hương Điền tăng lưu lượng vận hành từ 300 - 700 m3/s; hồ Bình Điền tăng lưu lượng từ 100 - 400 m3/s; hồ thủy điện A Lưới vận hành điều tiết lớn nhất khoảng 800 m3/s và hồ chứa thủy điện A Lin B1 (cụm hồ A Lin 3 - A Lin B1) vận hành điều tiết lớn nhất khoảng 500 m3/s.

Thu hẹp quy hoạch khu du lịch Măng Đen

Quy hoạch đến năm 2045, vùng du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, được thu hẹp từ 138.000 ha xuống hơn 90.000 ha.

Khu du lịch Măng Đen được quy hoạch 90.000 ha năm 2045

Khu du lịch Măng Đen được quy hoạch 90.000 ha năm 2045

Đây là nội dung trong quyết định Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chấp thuận.

Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch Khu du lịch Măng Đen được thực hiện trên 90.000 ha, bao gồm thị trấn Măng Đen và 5 xã Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, Hiếu và Pờ Ê. Trong đó, 19.000 ha không có rừng tự nhiên được sử dụng xây dựng nhà ở, công trình đô thị... và khoảng 71.000 ha rừng tự nhiên được quy hoạch khai thác hoạt động du lịch.

Quy hoạch Vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen được Thủ tướng phê duyệt năm 2013 rộng 138.000 ha, bao gồm toàn bộ diện tích huyện Kon Plông.

Mục đích thu hẹp quy mô nhằm tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng Khu du lịch Măng Đen thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực, thành điểm hấp dẫn của vùng Tây Nguyên.

Thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 60 km, ở độ cao hơn 1.200 m, thời tiết mát mẻ quanh năm. Tính đến hết tháng 11/2023, có trên 930.000 lượt khách du lịch đến Măng Đen, tăng gần gấp đôi năm ngoái.

Trước đó vào tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương bổ sung sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không theo đề xuất của tỉnh Kon Tum. Chi phí đầu tư sân bay 4.000 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư PPP. Sân bay Măng Đen dự kiến có diện tích đất khoảng 350 ha, công suất thiết kế từ 3 - 5 triệu hành khách mỗi năm, đặt tại thị trấn Măng Đen. Sân bay dự kiến thực hiện từ năm 2023 - 2027.

Dự kiến ngày 15/12 sẽ khởi công Khu công nghiệp VSIP Quảng Trị

Sau thời gian nỗ lực giải phóng mặt bằng, Khu công nghiệp VSIP Quảng Trị có vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng dự kiến sẽ khởi công vào ngày 15/12/2023.

Dự kiến ngày 15/12 sẽ khởi công Khu công nghiệp VSIP Quảng Trị. Ảnh minh họa

Dự kiến ngày 15/12 sẽ khởi công Khu công nghiệp VSIP Quảng Trị. Ảnh minh họa

Ngày 3/12, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Tỉnh đã có kế hoạch khởi công Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (VSIP Quảng Trị) tại huyện Hải Lăng vào 15/12 tới.

Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn 2.074 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có quy mô 97,4 ha, tổng vốn đầu tư 504,39 tỷ đồng.

Dự án do Liên minh Công ty TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP JV), Công ty CP Đô thị Amata Biên Hoà (thuộc Tập đoàn Amata của Thái Lan) và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản thực hiện, địa điểm tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Trường và xã Hải Lâm (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).

Dự án này được kỳ vọng góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Trị, tạo ra một trung tâm kinh tế dọc theo hành lang kinh tế Đông - Tây nối Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar.

Đến nay, Dự án đã hoàn thành các thủ tục về chứng nhận đầu tư, thành lập khu công nghiệp, quy hoạch phân khu, thủ tục đấu nối giao thông, báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, nộp tiền trồng rừng thay thế, quy hoạch chi tiết 1/500, thuê đất…

Yêu cầu Tập đoàn FLC nộp phạt vi phạm hành chính

Bị UBND thành phố Thanh Hóa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 90 triệu đồng, đã quá hạn nhưng Tập đoàn FLC chưa nộp tiền, chưa khắc phục vi phạm.

Dự án Khu nhà ở sinh thái xanh FLC Thanh Hóa

Dự án Khu nhà ở sinh thái xanh FLC Thanh Hóa

Ngày 3/12, thông tin từ UBND thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Đội kiểm tra quy tắc đô thị Thành phố mới đây đã có công văn đề nghị Công ty CP Tập đoàn FLC chấp hành nghiêm quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND Thành phố về vi phạm tại lô C4, C5 Khu đô thị mới Nam thành phố Thanh Hóa, thuộc phường Đông Vệ.

Trước đó, ngày 11/10, Đội kiểm tra quy tắc đô thị thành phố Thanh Hóa đã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, UBND phường Đông Vệ, kiểm tra, lập biên bản vi phạm tại lô C4, C5 Khu đô thị mới Nam thành phố Thanh Hóa, phường Đông Vệ, do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ dự án.

Ngày 20/10, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Tập đoàn FLC với số tiền 90 triệu đồng.

Đến nay đã quá thời hạn, Công ty CP Tập đoàn FLC chưa chấp hành nộp tiền xử phạt vào Kho bạc Nhà nước theo quy định, chưa tổ chức khắc phục hậu quả, chưa lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền cấp phép, lập hồ sơ xin điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Đội kiểm tra quy tắc đô thị thành phố Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND phường Đông Vệ yêu cầu Công ty CP Tập đoàn FLC chấp hành nghiêm nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND Thành phố.

Đề nghị Chủ tịch UBND phường Đông Vệ căn cứ theo thẩm quyền ra thông báo, đồng thời đôn đốc, giám sát yêu cầu Công ty CP Tập đoàn FLC chấp hành nghiêm nội dung quyết định xử lý vi phạm, dừng thi công, khắc phục các sai phạm, thi công đúng theo hồ sơ thiết kế quy hoạch được phê duyệt.

Hủy niêm yết gần 79 triệu cổ phiếu CTX trên HNX

Gần 79 triệu cổ phiếu CTX của Tổng công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam sẽ bị hủy niêm yết trên HNX từ ngày 12/12 tới.

Hủy niêm yết gần 79 triệu cổ phiếu CTX trên HNX

Hủy niêm yết gần 79 triệu cổ phiếu CTX trên HNX

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, gần 79 triệu cổ phiếu CTX sẽ bị hủy niêm yết trên HNX từ ngày 12/12/2023. Ngày giao dịch cuối cùng trên sàn HNX là 11/12.

Cổ phiếu CTX bị hủy niêm yết do Tổng công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và cổ phiếu không có giao dịch tại sàn trong thời hạn 12 tháng, thuộc trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Từ ngày 3/8/2022, cổ phiếu CTX đã bị đình chỉ giao dịch do tổ chức niêm yết chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán 2020 và Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 quá 6 tháng so với quy định.

Ngày 10/10/2022, HNX quyết định duy trì diện đình chỉ giao dịch của cổ phiếu CTX do tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch (chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 và Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 quá 6 tháng so với thời hạn quy định).

Hết quý III/2023, doanh thu thuần của CTX ở mức 118 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ; lãi ròng gần 20 tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, CTX có lãi ròng trên 29 tỷ đồng, gấp 22 lần cùng kỳ.

Ấn Độ bắt đầu rà soát về lệnh áp thuế trợ cấp ống thép hàn không gỉ Việt Nam

Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, Cục đã nhận được thông tin từ Tổng vụ Phòng vệ Thương mại Ấn Độ (DGTR) chính thức ban hành bản câu hỏi điều tra trong vụ việc rà soát hoàng hôn lệnh áp thuế trợ cấp đối với ống thép hàn không gỉ của Trung Quốc và Việt Nam.

Sản phẩm ống thép đen hàn sản xuất tại Việt Nam

Sản phẩm ống thép đen hàn sản xuất tại Việt Nam

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, rà soát hoàng hôn là rà soát được thực hiện ngay trước khi hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức hoặc kể từ ngày có kết quả rà soát (nếu rà soát được tiến hành cả về biên phá giá và thiệt hại).

Lệnh áp thuế này đã được Bộ Tài chính Ấn Độ ban hành và có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày 17/9/2019.

Hàng hóa bị rà soát là ống thép hàn không gỉ thuộc các mã HS: 7306 40 00, 7306 61 00; 7306 69 00, 7304 11 10, 7304 11 90, 7304 41 00, 7304 51 10, 7304 90 00, 7305 11 29, 7305 90 99, 7306 11 00, 7306 21 00, 7306 29 19, 7306 30 90, 7306 50 00, 7306 90 11, 7306 90 19, 7 306 90 90. Mã HS không giới hạn phạm vi sản phẩm bị rà soát.

Quy định tại Mục 9 (6) Đạo luật Thuế quan 1975 và các quy định pháp luật về chống trợ cấp liên quan khác của Ấn Độ nêu rõ, sau 5 năm áp dụng, trên cơ sở đề nghị của đại diện ngành sản xuất nội địa, DGTR phải tiến hành rà soát hoàng hôn để xem xét sự cần thiết của việc tiếp tục áp dụng biện pháp chống trợ cấp hoặc xem xét khả năng tái diễn hành vi trợ cấp hoặc thiệt hại của ngành sản xuất nội địa nếu chấm dứt biện pháp.

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, vụ việc khởi khởi xướng điều tra vào ngày 30/9/2023. Ngày DGTR chính thức gửi bản câu hỏi điều tra tới các nhà sản xuất, xuất khẩu và các bên liên quan là 28/11/2023.

Thời kỳ điều tra bắt đầu từ 1/4/2022 - 31/3/2023. Đối với nội dung về thiệt hại, thời kỳ điều tra sẽ bao gồm thêm 3 kỳ tài chính gần nhất là 2019 - 2020, 2020 - 2021 và 2021 - 2022.

Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các nhà sản xuất/xuất khẩu liên quan nghiên cứu kỹ các tài liệu, thông tin liên quan tới vụ việc.

Hà Nội ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra khuyến cáo

Nhiều ngày qua, Thủ đô Hà Nội trải qua đợt ô nhiễm không khí, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Sáng 3/12, ứng dụng IQAir ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội cao thứ 3 thế giới.

Hà Nội đang trải qua chuỗi ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân

Hà Nội đang trải qua chuỗi ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân

Bầu trời Hà Nội nhiều ngày qua bị bao phủ bởi màn sương mù và bụi mịn dày đặc. Ứng dụng AirVisual cũng ghi nhận lúc 8h ngày 3/12, Hà Nội đứng thứ 3 trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, chỉ xếp sau Karachi và Lahore (Pakistan) với chỉ số 182.

Tại điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) thuộc quản lý của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chỉ số AQI là 167, mức không khí xấu.

Trang thông tin kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hiển thị chỉ số AQI của Thủ đô ở mức 167, mức có hại cho sức khỏe.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng thời gian qua, Cục Kiểm soát ô nhiễm thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tập trung quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn trong thời điểm thời tiết giao mùa.

Trong đó, cơ quan này đặc biệt lưu ý tới khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận đang có diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyên đề