Hải Dương đầu tư gần 1.900 tỷ đồng xây hai cầu Tân An và cầu Vạn
UBND tỉnh Hải Dương vừa phê duyệt dự án xây cầu Tân An và cầu Vạn kết nối TP. Chí Linh với huyện Nam Sách và thị xã Kinh Môn, vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng.
Phối cảnh cầu Vạn kết nối TP. Chí Linh và thị xã Kinh Môn |
Cụ thể, Dự án xây dựng cầu Vạn và đường dẫn dài 13 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 37 thuộc xã Đồng Lạc, TP. Chí Linh; điểm cuối giao với Đường tỉnh 389 và đường dẫn cầu Triều, thuộc xã Lê Ninh, thị xã Kinh Môn.
Trong đó, tuyến chính dài 9,7 km, xây dựng theo quy mô đường cấp ba đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, nền đường rộng 12 m và mặt đường rộng 11 m.
Tuyến nhánh một dài 2 km được cải tạo, nâng cấp theo quy mô đường cấp bốn đồng bằng, tốc độ thiết kế 60 km/giờ, nền đường rộng 9 m, mặt đường rộng 8 m.
Tuyến nhánh hai dài 1,32 km được cải tạo, mở rộng mặt đường theo quy mô 7 - 11 m phù hợp với điều kiện mặt bằng.
Cầu Vạn thuộc Dự án dài 894 m, rộng 12 m, xây mới theo phương án thiết kế có tên Chuột Gốm, lấy cảm hứng từ gốm Chu Đậu và dòng sông Kinh Thầy.
Tổng mức đầu tư Dự án hơn 1.290 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Tỉnh, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030.
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tân An và đường dẫn dài khoảng 2,5 km, điểm đầu thuộc phường Chí Minh, TP. Chí Linh và điểm cuối thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2023 - 2025.
Điểm nhấn của công trình là cầu Tân An dài 574 m, rộng 12 m, được lấy ý tưởng từ tháp bút và búp sen, có 8 sợi dây cáp cùng hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật.
Để triển khai 2 dự án, TP. Chí Linh sẽ thu hồi 33 ha đất của 403 tổ chức, hộ dân, kinh phí thực hiện hơn 430 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, 2 dự án đều xây cầu vượt sông Kinh Thầy, sẽ từng bước hoàn thành trục giao thông kết nối liên vùng, nối Quốc lộ 5, trung tâm Tỉnh với các địa phương lân cận, rút ngắn khoảng cách giữa huyện thị trong Tỉnh.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 12 cầu lớn vượt các tuyến sông do trung ương quản lý và 15 cầu trên hệ thống đường tỉnh và quốc lộ vượt các sông của địa phương.
8 dự án bất động sản tại TP.HCM được gỡ vướng pháp lý
Có 8 trên tổng số 64 dự án bất động sản tại TP.HCM gặp vướng mắc pháp lý được tháo gỡ hoàn toàn.
Gỡ vướng 8 dự án trên tổng số 64 dự án bất động sản tại TP.HCM |
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình, tiến độ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của 64 dự án bất động sản do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến.
Ngày 3/10/2023, UBND TP.HCM đã ban hành quy chế hoạt động Tổ công tác của Thành phố nhằm tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản trên địa bàn. Từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác đã triển khai 10 cuộc họp và ban hành 15 thông báo kết luận, xem xét giải quyết cho 30 dự án.
Trong đó, 8 dự án đã được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn và 22 dự án còn vướng mắc, đang được các sở, ngành và đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu, xử lý theo quy định.
Trong số 8 dự án được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn có Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty CP Quốc Lộc Phát; dự án nhà ở xã hội của Công ty CP VTHouse và Công ty CP Tâm Giao; dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; Khu chung cư và thương mại Metro Star, TP. Thủ Đức của Công ty CP Đầu tư Metro Star.
Ngoài ra, điều chỉnh tiến độ Dự án Celadon City của Công ty CP Gamuda Land; dự án 1,1 ha tại thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn của Công ty CP Western Sài Gòn; Khu nhà ở cao tầng Sông Đà - Thăng Long, Quận 7 của Công ty CP Hưng Thịnh Incons; Khu giáo dục quận Bình Thạnh của Công ty Trí Tuệ.
Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi gần 500 ha dự kiến vận hành từ 2025
Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1) thuộc Khu kinh tế Dung Quất dự kiến đưa vào kinh doanh từ quý IV/2025.
Vị trí khu vực quy hoạch dự án Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1) |
Thông tin được Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi đang tham vấn ý kiến.
Theo đó, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1) thuộc Khu kinh tế Dung Quất, nằm trên địa bàn 2 xã Bình Thanh, Bình Hiệp, huyện Bình Sơn. Vị trí này cách cảng Dung Quất khoảng 23 km và sân bay Chu Lai 33 km về phía Bắc.
Dự án có quy mô gần 500 ha, một mặt giáp Quốc lộ 1A. Hiện trạng khu vực triển khai Dự án chủ yếu là đất nông nghiệp, đất ở nông thôn, sông ngòi, thuỷ lợi. Dự án có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất khoảng 154 ha đất trồng cây lâu năm, gần 145 ha đất trồng lúa, hơn 60 ha đất rừng sản xuất... Ngoài ra, khoảng 17 ha đất ở nông thôn dự kiến bị ảnh hưởng với khoảng 130 hộ dân đang sinh sống.
Hiện Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và UBND huyện Bình Sơn đã xây dựng Khu tái định cư Bình Long gần 15 ha và khu nghĩa trang nhân dân Phượng Hoàng (giai đoạn 2) gần 5 ha để đáp ứng tiến độ Dự án VSIP II Quảng Ngãi và khu công nghiệp đô thị, dịch vụ Bình Thanh.
Theo quy hoạch, Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi gồm các hạng mục chính như khu công trình dịch vụ, công trình sản xuất, kho tàng, hạ tầng kỹ thuật... Dự án sẽ phát triển đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường gắn với khu đô thị - dịch vụ hỗ trợ. Các ngành được ưu tiên thu hút đầu tư gồm sản xuất ôtô, dệt may, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến, chế tạo...
Tổng vốn đầu tư dự án gần 3.800 tỷ đồng. Quy mô công nhân dự kiến khoảng 49.000 lao động.
Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm. Chủ đầu tư cho biết, giai đoạn thi công trong vòng 60 tháng (5 năm). Từ quý IV/2025, Dự án có thể đưa vào vận hành, kêu gọi đầu tư và giao đất cho chủ dự án thứ cấp.
Foxconn sẽ rót thêm 80 triệu USD vào Bắc Giang để sản xuất chip
Công ty TNHH Công Nghệ Shunsin Việt Nam thuộc Foxconn đang xin cấp phép môi trường cho dự án đầu tư 80 triệu USD vào Bắc Giang để sản xuất, gia công chip.
Một dự án nổi bật của Foxconn tại Bắc Giang là Fukang Technology có vốn đầu tư hơn 12.507 tỷ đồng |
Trong Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đang xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Shunsin cho biết sẽ góp 20 triệu USD để thực hiện dự án. Ngoài ra, vốn vay và huy động là 60 triệu USD, tương đương 75% tổng vốn đầu tư.
Mục tiêu của dự án là sản xuất, gia công linh kiện điện tử (bản mạch tích hợp) với tổng quy mô công suất 4,5 triệu sản phẩm một năm. Các sản phẩm được xuất khẩu 100% cho Mỹ, EU, Nhật Bản.
Shunsin dự kiến hoàn thành các thủ tục, bao gồm giấy cấp phép xây dựng vào tháng 12, sau đó xây dựng các hạng mục công trình và lắp đặt máy móc thiết bị tới tháng 5/2026. Dự án đặt kế hoạch vận hành thử nghiệm từ tháng 6/2026 và vận hành chính thức từ tháng 12/2026.
Dự án này có tổng diện tích quy hoạch là 44.343,8 m2 trong Khu công nghiệp Quang Châu tỉnh Bắc Giang, được chủ dự án thuê lại của Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang. Đây là công ty con của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC), một đơn vị lớn trong ngành bất động sản công nghiệp.
Khi hoạt động sản xuất ổn định đạt 100% công suất thiết kế, dự kiến dự án cần khoảng 1.450 người, trong đó có 35 người nước ngoài.
Foxconn là tập đoàn gia công linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới của Đài Loan. Tập đoàn này đang trong quá trình chuyển dịch đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trong một báo cáo gửi tỉnh Bắc Giang, Foxconn cho biết họ muốn mở rộng đầu tư vào Bắc Giang, "dựa trên vào chiến lược dịch chuyển khỏi Trung Quốc của tập đoàn và nhu cầu thực tế của các khách hàng lớn".
Foxconn bắt đầu xây dựng nhà xưởng tại Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh của Việt Nam từ tháng 3/2007 và sản xuất đa dạng sản phẩm, từ máy tính, công nghệ thông tin, hàng điện tử tiêu dùng, linh kiện ôtô đến thiết bị bán dẫn.
Một dự án nổi bật của Foxconn tại Bắc Giang là Fukang Technology có vốn đầu tư hơn 12.507 tỷ đồng. Đơn vị này đang xin cấp phép môi trường cho hệ thống xử lý khí thải dây chuyền sản xuất iPad, Macbook tại nhà máy ở tỉnh này.
Đem tiền phát hành trái phiếu cho cổ đông vay, CIENCO4 bị phạt nặng
CIENCO4 bị xử phạt gần 700 triệu đồng do hàng loạt vi phạm liên quan đến công bố thông tin, sử dụng vốn phát hành trái phiếu và giao dịch với cổ đông.
CIENCO4 bị phạt tới gần 700 triệu đồng do hàng loạt vi phạm trên thị trường chứng khoán |
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 (CIENCO4). Tổng số tiền phạt mà CIENCO4 phải nộp là 697,5 triệu đồng.
Trong đó, theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính CIENCO4 bị phạt tiền 65 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật nhiều báo cáo tài chính (BCTC) và BCTC đã soát xét từ năm 2021 đến năm 2023 và hàng loạt tài liệu như điều lệ công ty, nghị quyết HĐQT…
Doanh nghiệp này bị phạt 125 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này. Cụ thể, theo danh sách cổ đông do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam chốt ngày 26/3/2024, Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Trustlink (Trustlink) là cổ đông của Công ty; tuy nhiên, từ ngày 01/4/2024, Công ty đã sử dụng tiền thu được từ đợt chào bán ra công chúng năm 2023 để cho Trustlink vay theo các Hợp đồng cho vay đã ký.
Đặc biệt, CIENCO4 bị phạt tới 350 triệu đồng do hành vi thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không thông qua ĐHĐCĐ.
Theo phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2023 đã được thông qua tại Nghị quyết ĐHĐCĐ, số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để: thanh toán các khoản nợ của Công ty vay ngân hàng; thanh toán các khoản công nợ dự kiến phải trả cho các nhà thầu phụ và nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ; thanh toán tiền mua nguyên vật liệu, vật tư; ứng trước cho nhà thầu; thanh toán chi phí quản lý.
Tuy nhiên, từ ngày 11/5/2023 đến ngày 18/5/2023, Công ty đã sử dụng 600 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2023 để cho Trustlink vay. Như vậy, Công ty đã thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán với giá trị thay đổi lớn hơn 50% số tiền thu được từ đợt chào bán (1.123,6 tỷ đồng) mà chưa được ĐHĐCĐ thông qua.
Đối với vi phạm này, CIENCO4 còn bị phạt tiền 92,50 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật…
Phạt 2 doanh nghiệp bán vàng không rõ nguồn gốc trên TikTok
Hai doanh nghiệp vàng tại TP.HCM bị xử phạt 200 triệu đồng do bán vàng không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội (TikTok, Zalo).
Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra tại một cửa hàng kinh doanh vàng |
Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết Đội Quản lý thị trường số 18 thuộc đơn vị này liên tiếp phát hiện 2 doanh nghiệp giới thiệu, chào bán vàng trên mạng xã hội (Zalo, TikTok) là Doanh nghiệp tư nhân Kinh doanh vàng và cầm đồ K.H tại xã Bà Điểm và Công ty TNHH Kinh doanh vàng K.B.N tại thị trấn Hóc Môn.
Lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với công an kinh tế địa bàn kiểm tra 2 doanh nghiệp trên, tạm giữ 4 sản phẩm vàng trang sức có tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Hai doanh nghiệp này cũng bị xử phạt 200 triệu đồng, theo quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM.
Gần đây, nhiều hội nhóm trao đổi vàng 24K trên mạng xã hội, có nhóm lên đến hơn 65.000 thành viên. Hàng ngày, các bài đăng mua, bán vàng miếng và nhẫn trơn diễn ra sôi nổi, với giá bán cao hơn thị trường 1 - 3 triệu đồng, tức lên đến 92 triệu đồng một lượng.
Không chỉ rao bán, một số tài khoản mạng xã hội cũng thường xuyên đăng bài chuyên thu mua vàng nhẫn các thương hiệu lớn như Bảo Tín Minh Châu, DOJI, PNJ... giá cao theo thỏa thuận. Nhiều người dân cũng lên mạng tìm kiếm người bán lại vàng tại các địa phương.
Trước đó, quản lý thị trường tại nhiều địa phương cũng tiến hành hoạt động kiểm tra với kinh doanh, mua bán vàng, trang sức. Việc kiểm tra đồng loạt trên cả nước trong bối cảnh giá vàng trong nước biến động mạnh.
Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố giám đốc công ty khai thác, kinh doanh khoáng sản
Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Lương Ngọc Hải, ở số 133, tổ dân phố 6, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, do "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".
Cơ quan Cảnh sát Điều tra thi hành quyết định khởi tố đối với Lương Ngọc Hải |
Ngày 3/11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với Lương Ngọc Hải, sinh năm 1971, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Kỳ về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” được quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015.
Lương Ngọc Hải, sinh năm 1971, số 133, tổ dân phố 6, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phê chuẩn các lệnh và quyết định trên.
Theo kết quả điều tra của Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang, Công ty TNHH Quốc Kỳ có địa chỉ tại số 133, tổ dân phố 6, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản (đất san lấp) tại khu vực núi Một (núi Rùa), tổ dân phố 6, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang đang điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.