Bản tin thời sự sáng 4/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 2,3 tỷ USD đổ vào chứng khoán trong phiên ngày 3/11; TP.HCM lập 3 cơ sở điều trị F0 tại khu công nghiệp; Bộ Công an phá đường dây đánh bạc online 30.000 tỷ đồng; bãi rác Nam Sơn tiếp nhận rác trở lại từ tối 3/11; cao tốc TP.HCM - Trung Lương hoàn tất sửa chữa cuối tháng 11…

2,3 tỷ USD đổ vào chứng khoán trong một phiên ngày 3/11

Tổng thanh khoản sàn TP.HCM và Hà Nội ngày 3/11 đạt hơn 52.000 tỷ đồng, đánh dấu kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phiên 3/11 đánh dấu kỷ lục mới của thị trường về thanh khoản, giá trị giao dịch riêng tại HoSE đạt hơn 43.200 tỷ đồng

Phiên 3/11 đánh dấu kỷ lục mới của thị trường về thanh khoản, giá trị giao dịch riêng tại HoSE đạt hơn 43.200 tỷ đồng

Riêng sàn TP.HCM, giá trị giao dịch ngày 3/11 lên đến 43.200 tỷ đồng, tăng trên 14.000 tỷ đồng so với phiên 2/11. Đây là phiên có thanh khoản cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, xô đổ kỷ lục cũ 38.350 tỷ đồng được thiết lập ngày 20/8.

Nếu tính cả sàn Hà Nội (HNX và UPCoM) thì giá trị giao dịch chứng khoán ngày 3/11 đạt gần 52.150 tỷ đồng, tương ứng khoảng 2,3 tỷ USD.

Phiên tăng dường như khiến tâm lý nhà đầu tư thêm hứng khởi và chờ đợi thị trường tiếp tục chinh phục đỉnh mới. VN-Index đi lên đầu phiên, nhưng đến gần giờ nghỉ trưa đột ngột đảo chiều. Chỉ số giằng co quanh tham chiếu trong phiên chiều trước khi đóng cửa tại 1.444,3 điểm, giảm hơn 8 điểm bất chấp chỉ số đại diện cho rổ vốn hoá lớn tăng mạnh…

Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân tiền nhiều vào các mã vốn hoá lớn như HPG, HDB, VCB, VNM, VHM. Giá trị mua vào của nhóm này hơn 1.800 tỷ đồng trong khi bán ra xấp xỉ 1.540 tỷ đồng.

TP.HCM lập 3 cơ sở điều trị F0 tại khu công nghiệp

Ba cơ sở thu dung, điều trị ca mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ đang được hoàn thiện và đưa vào sử dụng tại các khu công nghiệp ở TP.HCM.

Người lao động Công ty Datalogic ở Khu công nghệ cao trong giờ sản xuất

Người lao động Công ty Datalogic ở Khu công nghệ cao trong giờ sản xuất

Phó Ban Quản lý Khu công nghệ cao (SHTP) Lê Bích Loan cho biết, cơ sở đầu tiên quy mô 100 giường đặt tại SHTP sẽ hoạt động cuối tuần này. Cơ sở có tivi, máy giặt, khu vực tập luyện thể thao... đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người đến điều trị. Toàn bộ trang thiết bị, chi phí vận hành do doanh nghiệp trong khu đóng góp với sự tham gia của một đơn vị y tế.

Cơ sở thứ hai nằm ở Khu chế xuất Linh Trung 2 (phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức), quy mô 250 giường đã hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa, lắp đặt các trang thiết bị để chuẩn bị vận hành.

Cơ sở cuối cùng quy mô 250 - 300 giường, nằm ở Khu công nghiệp Đông Nam (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi), đã được chủ đầu tư khu công nghiệp này và Công ty TNHH Worldon thống nhất thành lập.

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM (Hepza), cơ quan này đang rà soát các khu công nghiệp khác, nếu đủ điều kiện sẽ tham mưu UBND Thành phố lập cơ sở điều trị Covid-19. Việc này giúp doanh nghiệp chủ động xử lý, điều trị khi phát hiện ca nhiễm, duy trì chuỗi sản xuất, tránh đứt gãy đơn hàng.

Qua 1 tháng tổ chức sản xuất theo trạng thái "bình thường mới", các nhà máy ở các khu công nghiệp vẫn ghi nhận ca nhiễm, trung bình 50 ca mỗi ngày. Đa số F0 không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ do đã tiêm 2 mũi vaccine, không ảnh hưởng nhiều kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.

17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao của TP.HCM có hơn 320.000 lao động. Sau khi Thành phố "mở cửa", 96% nhà máy hoạt động trở lại, hầu hết đã kết thúc phương án "3 tại chỗ" và thay thế phương thức sản xuất an toàn, 80% lao động quay lại làm việc.

Bộ Công an phá đường dây đánh bạc online 30.000 tỷ đồng

Đỗ Ngọc Hà và Bùi Hoàng Sơn bàn nhau tổ chức đánh bạc online thông qua trò chơi Baccarat, sử dụng tiền điện tử để thanh toán với quy mô giao dịch 30.000 tỷ đồng trong hơn 6 tháng.

C02 tạm giữ Đỗ Ngọc Hà (áo trắng) để làm rõ vai trò cầm đầu
C02 tạm giữ Đỗ Ngọc Hà (áo trắng) để làm rõ vai trò cầm đầu

Đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức chơi game casino đổi thưởng trên Internet do Đỗ Ngọc Hà (tức Hà Miên, trú quận Long Biên, Hà Nội) cầm đầu đã bị Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an triệt phá.

Đại diện Cục C02 cho biết, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã tạm giữ Hà và một số nghi phạm để mở rộng điều tra. Cục Cảnh sát hình sự ước tính hơn 3.000 tài khoản đã tham gia, tổng tiền đặt cược của hệ thống khoảng 1,1 tỷ Euro (hơn 30.000 tỷ đồng), chỉ tính từ 19/4 đến nay.

Theo cơ quan điều tra, tháng 12/2020, Đỗ Ngọc Hà và Bùi Hoàng Sơn (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) bàn nhau tổ chức đánh bạc và đánh bạc online thông qua trò chơi Baccarat, sử dụng tiền điện tử để thanh toán.

Sau khi lập trang web cp.starcsn..., Hà kết nối với nhà cái game casino đổi thưởng có máy chủ ở nước ngoài. Để tham gia, người chơi phải nạp tiền để quy đổi thành tiền điện tử rồi đặt cược trên trang web này.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy hệ thống đặt cược trên hoạt động từ đầu tháng 10 và thu hút nhiều thành viên lập tài khoản để tham gia đánh bạc trên mạng.

Ngoài Hà và Sơn, cơ quan điều tra đã triệu tập 15 người khác (5 nam, 10 nữ) tham gia đường dây trên để tiếp tục sàng lọc, làm rõ vai trò liên quan vụ án. Trong số này, Đỗ Ngọc Hà có 4 tiền án và 2 tiền sự.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương hoàn tất sửa chữa cuối tháng 11

Toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi qua TP.HCM, Long An, Tiền Giang, dự kiến hoàn tất sửa chữa cuối tháng 11 với kinh phí 105 tỷ đồng.

Công nhân đang trải nhựa tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Công nhân đang trải nhựa tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Ngày 3/11, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 (thuộc Tổng cục Đường bộ - Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Văn Thành cho biết, tiến độ sửa chữa tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đạt hơn 60%. Đây là giai đoạn 2 sửa chữa sau khi tuyến cao tốc dừng thu phí từ đầu năm 2019.

Về công tác khắc phục, đơn vị quản lý cho biết, vị trí mặt đường xuống cấp được nhà thầu cào bóc lớp nhựa cũ, bù vênh, sau đó thảm bê tông nhựa hoàn chỉnh dày 2 - 8 cm; tạo nhám mặt đường... Riêng khu vực trạm thu phí cùng hành lang bảo vệ dọc tuyến được sơn sửa, khắc phục vị trí xuống cấp.

Ông Thành cho biết thêm, khoảng 100 kỹ sư, công nhân... đang được duy trì thi công trên công trường. Tại các vị trí khi làm xong sẽ thu dọn ngay máy móc, thiết bị để an toàn cho xe chạy.

Cuối tháng 7/2020, cao tốc TP.HCM - Trung Lương bắt đầu được khắc phục, sửa chữa với kinh phí 22 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành. Khối lượng cần sửa chữa lớn và kinh phí giới hạn nên hiện mới tiếp tục triển khai giai đoạn 2.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương có 4 làn xe, đi qua TP.HCM, Long An, Tiền Giang. Đây là cao tốc đầu tiên ở miền Nam được hoàn thành năm 2011. Cuối năm 2018, cao tốc được thu phí và bán quyền thu phí. Ngày 1/1/2019, Thủ tướng chỉ đạo dừng thu phí. Sau đó, Tổng cục Đường bộ giao lại Cục Quản lý đường bộ 4 quản lý.

Bãi rác Nam Sơn tiếp nhận rác trở lại từ tối 3/11

Sau 2 ngày tạm dừng tiếp nhận do gặp sự cố hồ chứa nước rác, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận rác trở lại từ 19h30 ngày 3/11 và vận hành nâng dần công suất xử lý rác, từ 1.000 tấn lên 3.500 tấn/ngày đêm trong những ngày tới.

Xe gom đi vào bãi rác Nam Sơn tối 3/11

Xe gom đi vào bãi rác Nam Sơn tối 3/11

Đại diện Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, từ 19h ngày 3/11, Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn sẽ vận hành và tiếp nhận rác trở lại với khối lượng 1.000 tấn. Trong 3 ngày tới, khối lượng sẽ tăng lên 3.500 tấn. Sau đó, bãi sẽ tiếp nhận như bình thường, hơn 4.600 tấn.

Những ngày tới, trước khi bãi rác Nam Sơn vận hành bình thường, số lượng rác ở 17 quận, huyện của Hà Nội được phân luồng về Khu xử lý Xuân Sơn và Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, theo kế hoạch của Sở Xây dựng.

Trước đó, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) thống nhất việc tạm dừng tiếp nhận, xử lý rác tại bãi rác Nam Sơn kể từ ngày 2/11 do các hồ xử lý nước rác quá tải, vượt ngưỡng an toàn. Trong nhiều ngày, hồ xử lý nước bị rò rỉ bờ bao, nguy cơ vỡ, tràn nước rác ra môi trường. Quyết định dựa trên đề xuất của Công ty URENCO.

Hơn 4.600 tấn rác được Sở Xây dựng phân luồng về bãi Xuân Sơn, nhà máy đốt rác Thiên Ý, nhà máy đốt rác Thành Công và lưu chứa tại các quận.

Hai cán bộ quản lý thị trường Đắk Nông bị bắt

Đội trưởng Quản lý thị trường số 1 Huỳnh Văn Đại cùng cấp dưới bị cáo buộc chiếm đoạt gần 160 triệu đồng của người vi phạm.

Cảnh sát khám xét nơi làm việc của hai cán bộ quản lý thị trường

Cảnh sát khám xét nơi làm việc của hai cán bộ quản lý thị trường

Ngày 3/11, ông Huỳnh Văn Đại và Nguyễn Đình Nghinh (kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông) bị công an Tỉnh tạm giữ hình sự, điều tra hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Khám xét nơi làm việc của hai người này, cảnh sát thu giữ 159 triệu đồng được cho là tang vật, và một số tài liệu liên quan.

Theo điều tra, hôm 30/10, Đại và Nghinh đi kiểm tra, phát hiện ôtô bồn chở xăng dầu không niêm phong kẹp chì, hóa đơn chứng từ, nên đưa về trụ sở làm việc, xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, hai cán bộ này không lập biên bản kiểm tra, quyết định tạm giữ xe theo quy định mà yêu cầu tài xế phải nộp phạt 160 triệu đồng.

Hôm sau, tài xế đưa số tiền này, nhận lại xe cùng giấy tờ. Công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc.

Chuyên đề