Bản tin thời sự sáng 3/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ông Tất Thành Cang và đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại 730 tỷ đồng; triệt phá đường dây làm giả 2.500 bộ hồ sơ cấp giấy phép lái xe tại Hà Nam; Vĩnh Phúc thu hồi dự án y tế 125 triệu USD tại Tam Đảo; Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với đường có nguồn gốc từ Thái Lan…

Ông Tất Thành Cang và đồng phạm gây thiệt hại 730 tỷ đồng

Cựu Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM Tất Thành Cang và những người của Công ty Tân Thuận bị cáo buộc sai phạm ở hai dự án, gây thiệt hại hơn 730 tỷ đồng.

Ông Tất Thành Cang

Ông Tất Thành Cang

Ngày 2/8, hành vi phạm tội của ông Tất Thành Cang; Trần Công Thiện (Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) cùng 8 đồng phạm được nêu trong cáo trạng do VKSND TP.HCM ban hành, dài 49 trang. Các bị can bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 10 - 20 năm tù.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận có 100% vốn Nhà nước, thuộc Văn phòng Thành uỷ được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng Dự án Phước Kiển tại huyện Nhà Bè...

Tháng 8/2016, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với tỷ lệ 75/25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% Dự án Phước Kiển.

Cuối tháng 5/2017, Phạm Văn Thông, Phó chánh Văn phòng Thành uỷ, trình Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương cho chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với giá tạm tính là hơn 427 tỷ đồng. Vài ngày sau, ông Cang bút phê "đồng ý" với đề xuất trên.

Theo VKS, ông Cang, Thông và 6 bị can khác xây dựng giá, thống nhất chủ trương, ký hợp đồng để chuyển nhượng 324.000 m2 đất đã không thực hiện thẩm định giá... gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 202 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại Dự án Khu dân cư Ven Sông, cuối tháng 9/2017, ông Thiện ký văn bản gửi Văn phòng Thành uỷ xin chủ trương phân chia sản phẩm bằng hình thức hoán đổi 10% vốn góp thành sàn căn hộ và thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận lập thủ tục chuyển nhượng Dự án cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư.

Nhà chức trách cáo buộc ông Thiện, Thông cùng 8 bị can khi chuyển nhượng đã không đấu giá theo quy định, gây thiệt hại hơn 532 tỷ đồng.

Sai phạm tại hai dự án Khu dân cư Phước Kiển và Khu dân cư Ven Sông đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 730 tỷ đồng.

Triệt phá đường dây làm giả 2.500 bộ hồ sơ cấp giấy phép lái xe tại Hà Nam

Với thủ đoạn đăng thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, sau đó làm giả các bộ hồ sơ cấp giấy phép lái xe các loại bán ra ngoài, 5 đối tượng đã thu lợi hơn 5 tỷ đồng.

Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam trực tiếp chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự điều tra làm rõ vụ án

Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam trực tiếp chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự điều tra làm rõ vụ án

Ngày 2/8, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Hà Nam cho biết, đơn vị này đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng gồm: Trần Văn Thưởng, Trần Trung Dũng cùng trú ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định; Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Thúy Hằng cùng trú ở thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam và Trần Thanh Dương ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ - Công an tỉnh Hà Nam đã bắt giữ 5 đối tượng nêu trên, thu giữ 4 điện thoại di động các loại; 150 bộ hồ sơ cấp giấy phép lái xe ô tô; 200 bộ hồ sơ cấp giấy phép lái xe mô tô và nhiều máy móc, phương tiện sử dụng để làm giả tài liệu.

Các đối tượng khai nhận, với thủ đoạn đăng thông tin quảng cáo trên mạng xã hội facebook sau đó làm giả các bộ hồ sơ cấp giấy phép lái xe các loại rồi bán cho khách hàng với giá từ 800.000 đồng đến 3 triệu đồng/bộ.

Cơ quan công an xác định, từ tháng 4 - 7/2022, các đối tượng đã làm giả khoảng 2.500 bộ hồ sơ cấp giấy phép lái xe, thu lợi bất chính trên 5 tỷ đồng.

Hiện cơ quan công an đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Vĩnh Phúc thu hồi dự án y tế 125 triệu USD tại Tam Đảo

Dự án Trung tâm dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe tại thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo với diện tích hơn 20 ha, tổng vốn đầu tư 125 triệu USD (khoảng 2.600 tỷ đồng, kinh phí chưa bao gồm trang thiết bị y tế) bị thu hồi đất do chậm triển khai.

Dự án Trung tâm dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe tại thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo bị thu hồi đất do chậm triển khai

Dự án Trung tâm dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe tại thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo bị thu hồi đất do chậm triển khai

Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Kim Tuấn vừa ban hành thông báo thu hồi đất đã giao thực hiện Dự án Trung tâm dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe tại thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo do Công ty TNHH Dịch vụ và chăm sóc sức khỏe làm chủ đầu tư.

Theo Kết luận số 08/KL-TTr ngày 15/4/2022 của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc về thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe trong việc thực hiện Dự án, công ty này chưa triển khai thực hiện theo tiến độ đã cam kết. Cụ thể, đến thời điểm thanh tra, Dự án chậm tiến độ giai đoạn 1 là 7 năm 3 tháng, giai đoạn 2 chậm 4 năm 3 tháng, giai đoạn 3 chậm 1 năm 3 tháng...

Được biết, dự án nói trên được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ngày 31/12/2010. Dự án gồm các hạng mục: Bệnh viện đa khoa, khu an dưỡng, y tế, du lịch và trường đào tạo y tá, điều dưỡng.

Cộng hòa Czech dừng công nhận hộ chiếu Việt Nam mẫu mới

Đại sứ quán CH Czech thông báo nước này dừng công nhận hộ chiếu Việt Nam mẫu mới do không đáp ứng một số tiêu chuẩn kỹ thuật.

Hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới có màu xanh tím than

Hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới có màu xanh tím than

Đại sứ quán Czech tại Việt Nam cho biết, trong thông cáo ngày 2/8, hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam được cấp từ ngày 1/7 không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về thông số ICAO. Vì vậy, Cộng hòa Czech đồng quan điểm với các nước thành viên khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) và dừng công nhận hộ chiếu mẫu mới.

Theo Đại sứ quán Cộng hòa Czech tại Việt Nam, quyết định trên có hiệu lực từ thời điểm thông báo, song chưa nêu rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) mà hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam chưa đáp ứng là gì. Thông báo cũng không nêu rõ liệu Cộng hòa Czech có dừng cấp thị thực cho hộ chiếu Việt Nam mẫu mới hay không.

Theo Văn bản hướng dẫn số 9303 về tiêu chuẩn hộ chiếu của ICAO, các thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu là loại hộ chiếu, tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Các thông tin khác như nơi sinh tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc phải có.

Trước đó, Đại sứ quán Đức và Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam thông báo các quốc gia này dừng cấp thị thực vào hộ chiếu Việt Nam mẫu mới vì không thể hiện nơi sinh của người mang hộ chiếu.

Đại sứ quán Tây Ban Nha cho biết, nơi sinh là thông tin bắt buộc để xử lý đơn xin thị thực vào các nước thuộc khối Schengen. Cơ quan này cũng thông báo không thể tiếp nhận đơn xin thị thực Schengen cho hộ chiếu Việt Nam mẫu mới tới khi cơ quan trung ương có thẩm quyền trong khối Schengen ra quyết định có tiếp nhận mẫu hộ chiếu này hay không.

Khối Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu đã bãi bỏ các hình thức kiểm soát biên giới, cho phép đi lại tự do giữa các nước thành viên.

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với đường có nguồn gốc từ Thái Lan

Đường mía nhập khẩu từ 5 nước trong khu vực ASEAN có nguồn gốc nguyên liệu từ Thái Lan sẽ bị Việt Nam áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp hơn 47,6%.

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với đường có nguồn gốc từ Thái Lan

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với đường có nguồn gốc từ Thái Lan

Quyết định áp các biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với sản phẩm mía đường của Thái Lan được Bộ Công Thương đưa ra dựa trên cơ sở quá trình điều tra khách quan, minh bạch theo cam kết quốc tế.

Theo đó, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có nguồn gốc nguyên liệu của Thái Lan bị áp thuế chống lẩn tránh.

Mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp 4,65%. Thuế này sẽ được áp dụng từ ngày 9/8/2022 đến 15/6/2026.

Trường hợp đường nhập khẩu từ 5 quốc gia trên chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại chính nước họ sẽ không bị áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh.

Kết quả điều tra cho thấy hành vi lẩn tránh chống bán phá giá, chống trợ cấp của các doanh nghiệp tại 5 quốc gia trên khi xuất khẩu đường mía từ Thái Lan hoặc nguồn gốc nguyên liệu từ Thái Lan sang Việt Nam. Điều này đã ảnh hưởng tới ngành sản xuất mía đường trong nước.

Tháng 6 năm ngoái, Bộ Công Thương đã áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía nhập trực tiếp từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm, với mức thuế suất tổng cộng 47,64% .

Theo tính toán, 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên gần 1,5 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Chuyên đề