Bản tin thời sự sáng 3/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là xóa tư cách 1 Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân (Hà Nội) trong vụ cháy chung cư mini 56 người chết; đầu tư 3.900 tỷ đồng xây cầu vượt biển vịnh Rạch Giá; xuất khẩu sầu riêng tăng vọt; cống ngăn mặn lớn nhất miền Trung sắp hoàn thành…

Xóa tư cách 1 Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân (Hà Nội) trong vụ cháy chung cư mini 56 người chết

Liên quan đến vụ cháy chung cư mini làm 56 người chết tại phường Khương Đình, UBND TP. Hà Nội vừa quyết định xóa tư cách Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân với ông Đặng Hồng Thái; còn ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân bị kỷ luật khiển trách.

Tòa chung cư mini bị cháy vào tháng 9/2023 khiến 56 người thiệt mạng

Tòa chung cư mini bị cháy vào tháng 9/2023 khiến 56 người thiệt mạng

Liên quan đến vụ cháy chung cư mini làm 56 người chết tại phường Khương Đình xảy ra vào tháng 9/2023, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định kỷ luật đối với ông Đặng Hồng Thái, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân và ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân.

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội quyết định xóa tư cách Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đối với ông Đặng Hồng Thái do có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thi hành kỷ luật về Đảng vào ngày 29/3/2024.

Ông Thái là người đã cấp giấy phép xây dựng cho công trình (tòa chung cư mini bị cháy) ở số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình). Dù được cấp phép 6 tầng, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng công trình này lên đến 9 tầng, với diện tích khoảng trên 200 m2.

Liên quan đến vụ cháy chung cư mini, UBND TP. Hà Nội còn quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân.

Ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân bị xác định có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Trước đó, đêm 12/9 rạng sáng 13/9/2023, chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ bị cháy làm 56 người chết.

Đầu tư 3.900 tỷ đồng xây cầu vượt biển vịnh Rạch Giá

Cầu dài 2,8 km, 6 làn xe, vượt vịnh Rạch Giá thuộc tuyến kết nối hai tỉnh Kiên Giang - Cà Mau dài 3,7 km, tổng vốn đầu tư khoảng 3.900 tỷ đồng.

Vi trí dự kiến xây cầu vượt biển vịnh Rạch Giá

Vi trí dự kiến xây cầu vượt biển vịnh Rạch Giá

Theo Sở Giao thông vận tải Kiên Giang, việc xây dựng cầu vượt biển vịnh Rạch Giá, nhằm hoàn thành tuyến đường ven biển, kết nối liên vùng qua địa bàn TP. Rạch Giá, huyện An Biên đến Cà Mau.

Dự án có điểm đầu tại xã Tây Yên, huyện An Biên; điểm cuối tại nút giao đường 3 tháng 2 và đường Ngô Quang Hơn (TP. Rạch Giá). Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đang tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Công trình dự kiến được xây dựng trong giai đoạn 2024 - 2029 bằng vốn ngân sách. Khi khi hoàn thành, Dự án sẽ giảm tải cho Quốc lộ 63 hiện hữu, đồng thời mở rộng không gian đô thị, thúc đẩy kinh tế khu vực ven vịnh Rạch Giá.

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang cũng đang lập chủ trương xin đầu tư Dự án đường ven biển nối tỉnh Cà Mau dài 60 km bằng nguồn vốn ODA. Tuyến đường này cùng với cầu vượt vịnh Rạch Giá sẽ khép kín tuyến ven biển liên vùng.

Xuất khẩu sầu riêng tăng vọt

Xuất khẩu sầu riêng trong tháng 5 đạt 450 triệu USD, tăng 107% so với tháng trước và 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhân viên kiểm tra sầu riêng tại kho để chuẩn bị xuất khẩu

Nhân viên kiểm tra sầu riêng tại kho để chuẩn bị xuất khẩu

Lũy kế 5 tháng đầu năm, mặt hàng này xuất khẩu đạt 919 triệu USD, tăng hơn 74% so với cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê từ hải quan. Sầu riêng tiếp tục dẫn đầu kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu. Hiện kim ngạch sầu riêng gấp 3,5 lần so với thanh long, loại quả từng giữ vị trí hàng đầu trong nhóm rau quả xuất khẩu.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc vẫn tăng mua sầu riêng Việt Nam đều đặn. Ước tính trong tháng 6, lượng sầu riêng xuất khẩu sẽ đạt 600 triệu USD, nâng tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 1,5 tỷ USD.

Theo ông Nguyên, sầu riêng Việt Nam có lợi thế với sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, nhiều thời điểm không bị cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Thái Lan. Thời gian vận chuyển nhanh và giá thành hợp lý, đặc biệt khi sầu riêng đông lạnh được kiểm soát chất lượng tốt hơn.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt trên 2,65 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ 2023. Trung Quốc là thị trường chính, chiếm 64,5% tổng kim ngạch, với giá trị gần 1,71 tỷ USD, tăng 32,94%. Các thị trường khác như Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, xuất khẩu rau quả năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng 15 - 20%, với kim ngạch có thể đạt 7 tỷ USD, tăng 0,5 - 1 tỷ USD so với kế hoạch cuối năm ngoái.

Cống ngăn mặn lớn nhất miền Trung sắp hoàn thành

Các hạng mục chính của cống ngăn mặn hơn 630 tỷ đồng trên sông Lèn (Thanh Hóa) đã cơ bản hoàn thiện, chờ vận hành thử vào tháng 8.

Hệ thống cửa van đã được lắp đặt đang trong quá trình thử tải

Hệ thống cửa van đã được lắp đặt đang trong quá trình thử tải

Ngày 2/7, đại diện Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cống thủy lợi ngăn mặn sông Lèn đã đạt trên 90% khối lượng. Hạng mục quan trọng và khó thi công nhất là ba cửa van, mỗi tấm nặng hơn 200 tấn (cao 7,7 m, rộng 45 m) đã lắp đặt và đang thử tải.

Con đường dài 405 m, rộng 7,5 m nối hai bờ sông Lèn, có chức năng hỗ trợ vận hành dự án cống ngăn mặn, giúp người dân hai bờ sông đi lại thuận lợi đã được thảm nhựa, lắp hộ lan. Đơn vị thi công đang sơn vạch kẻ đường, lắp đèn chiếu sáng, biển báo giao thông.

Theo Ban Quản lý dự án, các nhà thầu đang huy động nhân công hoàn thiện hạng mục cuối cùng như lắp trang thiết bị trong khu nhà điều hành, xây bờ kè, nạo vét lòng sông, hoàn trả mặt bằng và trồng cây xanh tạo khuôn viên quanh dự án. Dự kiến trong tháng 8, cống thủy lợi sông Lèn sẽ vận hành thử và nghiệm thu, bàn giao vào cuối năm nay.

Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn (Thanh Hóa) và sông Hoàng Mai (Nghệ An) được Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc tài trợ, cho vay theo hình thức ODA. Hệ thống thủy lợi sông Lèn khởi công tháng 6/2021, còn hệ thống sông Hoàng Mai chưa triển khai.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.610 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA gần 1.250 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của trung ương và địa phương (khoảng 360 tỷ đồng). Dự án do Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư.

Hạng mục trọng tâm của hệ thống thủy lợi sông Lèn là công trình đầu mối sông Lèn đoạn hạ lưu tiếp giáp giữa hai huyện Nga Sơn và Hậu Lộc (Thanh Hóa) chiếm hơn 630 tỷ đồng.

Cống quy mô cấp 2, gồm ba khoang với chiều rộng mỗi khoang 40 m. Hệ thống cống này tạo thành những con đập di động có thể trữ nước ngọt và ngăn nước mặn từ biển xâm nhập vào đất liền. Đây là cống ngăn mặn, giữ ngọt lớn nhất miền Trung, chỉ đứng sau cống Cái Lớn - Cái Bé ở Kiên Giang.

Hoàng Anh Gia Lai chậm trả lãi và gốc trái phiếu gần 4.400 tỷ đồng

Hoàng Anh Gia Lai chậm trả lãi, gốc trái phiếu do chưa thu đủ tiền từ khoản nợ của công ty nông nghiệp và chưa thanh lý được tài sản không sinh lợi.

Xưởng sơ chế chuối của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào

Xưởng sơ chế chuối của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa thông báo về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu phát hành ngày 30/12/2016 (HAGLBOND16.26). Theo đó, 30/6 là ngày doanh nghiệp này phải trả lãi định kỳ theo kế hoạch 140 tỷ đồng, nhưng họ chưa thể thanh toán cho trái chủ.

Tính chung, lũy kế tiền lãi và gốc chậm thanh toán của Hoàng Anh Gia Lai tới 30/6 là 4.364 tỷ đồng, trong đó lãi 3.349 tỷ đồng và gốc là 1.015 tỷ đồng. Doanh nghiệp này dự kiến sẽ thanh toán vào quý III năm nay, thay vì cuối quý II theo kế hoạch.

Nguyên nhân chậm trả, theo Hoàng Anh Gia Lai, họ chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lời và chưa thu đủ nguồn tiền từ khoản nợ của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) - doanh nghiệp do ông Trần Bá Dương làm Chủ tịch. Trước đó, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã thỏa thuận lộ trình trả nợ ba bên với khoản nợ này.

Dù chậm trả trái phiếu, tình hình kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai dần ổn định trở lại. Quý I, Công ty đạt hơn 1.200 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn cùng kỳ 27%, nhưng lãi gộp ở mức 498 tỷ, tăng 10% so với cùng thời điểm 2023. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế HAG là 226 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 12 liên tiếp công ty của bầu Đức báo lãi trở lại kể từ quý II/2021.

Tổng dư nợ vay cuối quý I của Hoàng Anh Gia Lai là 7.816 tỷ, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty đang tái cơ cấu tài chính nhằm giảm nợ ngân hàng, chi phí lãi vay và duy trì dòng tiền ổn định.

Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết các khoản nợ của HAG đang thấp nhất so với các doanh nghiệp có cùng quy mô hiện nay. Năm nay công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 7.750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.320 tỷ đồng.

Côn Đảo dừng bơi, lặn biển nhiều nơi để bảo vệ san hô bị tẩy trắng

Côn Đảo dừng bơi lội và lặn biển ngắm san hô ở nhiều nơi sau khi các rạn san hô bị tẩy trắng do tác động của El Nino.

Một rạn san hô chuyển màu, chết dần

Một rạn san hô chuyển màu, chết dần

Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo thông báo tạm dừng hoạt động bơi lội, lặn xem san hô tại các địa điểm: Vịnh Côn Sơn (trừ vùng đệm), hòn Trác Lớn, hòn Trác Nhỏ, hòn Tài, hòn Thỏ, hòn Bông Lan, hòn Bảy Cạnh, hòn Cau, mũi Tàu Bể, Đầm Tre, hòn Trứng, bãi Ông Cường, bãi Sạn, bãi Đất Thắm, bãi Bàn, Ông Đụng, Ông Câu, hòn Tre Nhỏ, hòn Tre Lớn, đầm Quốc - hòn Bà và hòn Vung từ 1/7 tới 30/9.

Các địa điểm còn lại là Bãi Giông - Hòn Bảy Cạnh, Bãi Cát Lớn - Hòn Cau, Bãi trước Trạm Kiểm lâm Hòn Tre Lớn được hoạt động bơi lội, lặn xem san hô phục vụ du lịch bình thường.

Việc dừng diễn ra khoảng một tháng sau khi Ban Quản lý cho biết nhiều rạn san hô ở Côn Đảo bị tẩy trắng. Nguyên nhân được xác định do tác động của El Nino, khiến nhiệt độ nước tầng đáy tăng cao, lên tới 32 độ C, trong khi nhiệt độ lý tưởng của san hô dao động 24 - 30 độ C.

Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo Nguyễn Khắc Pho cho biết, quyết định dừng này là cần thiết để tạo điều kiện cho san hô phục hồi. Quyết định được đưa ra sau khi đơn vị phối hợp nghiên cứu cùng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát đầu tháng 6, các rạn ở khu vực phía Đông Bắc, Đông Nam như Đầm Tre, Hòn Cau, Hòn Tài và Cựu Gà san hô bị tẩy trắng từ 80-100%, trong đó khoảng 15 - 20% vừa mới chết sau tẩy trắng. Hầu hết các giống san hô cứng phổ biến trên rạn đều bị ảnh hưởng, san hô mềm bị tẩy trắng toàn bộ.

Các rạn khu vực phía Tây và phía Bắc như hòn Tre Lớn, hòn Tre Nhỏ, bãi Ông Cường, bãi Ông Đụng san hô bị tẩy trắng khoảng 60 - 70%, trong đó san hô vừa mới chết sau khi bị tẩy trắng khoảng 10%. Nhiệt độ nước biển ở độ sâu 20 m có thời điểm ghi nhận 32 độ C.

Đề xuất không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia lên 100%

Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát đề xuất lùi thời hạn và giảm mức thuế, tối đa chỉ 80% vào năm 2031, thay vì 100% như dự kiến của Bộ Tài chính.

Đề xuất không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia lên 100%

Đề xuất không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia lên 100%

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn (bia, rượu) và nước ngọt. Theo đó, cơ quan này đề xuất tăng thuế này theo lộ trình với rượu trên 20 độ lên 100% vào 2030. Tương tự, rượu dưới 20 độ chịu thuế 50% sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%.

Trong kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia lên mức tuyệt đối sẽ khiến doanh nghiệp trong ngành gặp "khó khăn chưa từng có trong lịch sử". Do đó, họ đề xuất lùi thời hạn và giảm mức tăng thuế này.

Cụ thể, VBA kiến nghị lùi thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vào năm 2027, thay vì 2026 như dự kiến của Bộ Tài chính.

Về thuế suất, với rượu trên 20 độ, Hiệp hội đề nghị tăng từ 75% vào 2027, theo lộ trình lên 80% vào 2031. Với rượu dưới 20 độ, mức thuế sẽ từ 40% lên tối đa 50%. Bia các loại từ 70% lên cao nhất 80%.

Hiện tại, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35 - 65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Bộ Tài chính muốn tăng thuế nhằm điều chỉnh giá bán thêm 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, VBA cho rằng, cơ sở đề xuất điều chỉnh thuế, đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo chỉ tập trung vào mục tiêu tăng giá bán, chưa nhìn nhận ở góc độ ảnh hưởng tới giảm tiêu dùng, ngân sách hay doanh nghiệp.

Họ cho rằng báo cáo đánh giá tác động tập trung ở giai đoạn trước dịch - năm 2019, khi ngành đồ uống chưa gặp khó khăn như hiện nay. Do đó, điều này không phản ảnh đúng tình hình doanh nghiệp lúc này.

Theo VBA, ngành bia chiếm 98,6% thị phần ngành đồ uống có cồn. Việt Nam sản xuất, tiêu thụ khoảng 4 tỷ lít bia một năm. Sabeco, Heineken Việt Nam, Habeco, Carlsberg là những doanh nghiệp nắm giữ gần 95% thị phần và tổng sản lượng ngành. Song, các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn do giảm sản lượng bán hàng.

Chuyên đề