Bản tin thời sự sáng 3/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất gia hạn thời gian hoàn thành tuyến tránh Quốc lộ 1A qua Cà Mau; giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh mới đạt 21,3% sau 6 tháng đầu năm 2023; bắt khẩn cấp hacker nâng khống sổ tiết kiệm từ 1 triệu lên 51,5 tỷ đồng; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao lãi 3 tỷ đồng trong năm 2023…

Đề xuất gia hạn thời gian hoàn thành tuyến tránh Quốc lộ 1A qua Cà Mau

Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A qua Cà Mau được đề xuất gia hạn hoàn thành vào tháng 9/2023 do vướng mắc về mặt bằng và thủ tục chuyển nhà thầu.

Thi công tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP. Cà Mau nhìn từ trên cao

Thi công tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP. Cà Mau nhìn từ trên cao

Cập nhật tình hình thực hiện Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A, tỉnh Cà Mau, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, hiện tại, Dự án không thể hoàn thành theo kế hoạch (30/6/2023).

Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin, nguyên nhân chậm tiến độ do còn vướng 143 m mặt bằng khu vực cuối tuyến. Công tác triển khai thi công của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Đồng thời, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị Ban Quản lý dự án (QLDA) 7 phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết dứt điểm diện tích mặt bằng còn lại, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh thi công, bù lại tiến độ đã bị chậm.

Theo lãnh đạo Ban QLDA 7, khối lượng chậm của Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A chủ yếu nằm ở Gói thầu XL1, XL2.

Nhằm tăng tốc tiến độ Dự án, thời gian qua, đơn vị quản lý Dự án đã cắt chuyển khối lượng của một số nhà thầu, song, do các nhà thầu mới phải hoàn thành các thủ tục bàn giao, tiếp nhận khối lượng công việc còn lại, đến trung tuần tháng 6/2023, việc thi công mới bắt đầu ổn định trở lại.

Đối với vướng mắc mặt bằng 143 m còn lại, theo đại diện Ban QLDA 7, dự kiến, vấn đề này sẽ được địa phương giải quyết, bàn giao vào khoảng 15/8/2023.

Căn cứ vào thực tiễn triển khai, Ban QLDA 7 đã có văn bản đề xuất cấp có thẩm quyền cho gia hạn thời gian hoàn thành Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A qua TP. Cà Mau đến ngày 30/9/2023.

Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Cà Mau có tổng chiều dài hơn 14 km; quy mô đầu tư đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế đạt 80 km/h; bề rộng nền đường 12 m (gồm 2 làn xe chạy). Tổng mức đầu tư Dự án là hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là hơn 1.200 tỷ đồng.

Giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh mới đạt 21,3% sau 6 tháng đầu năm 2023

Tính đến hết ngày 22/6/2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trên 14.841 tỷ đồng, trong đó đã phân khai chi tiết trên 14.234 tỷ đồng.

Nút giao Hạ Long Xanh có quy mô vốn 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Tỉnh, đã thi công đạt hơn 80% khối lượng.

Nút giao Hạ Long Xanh có quy mô vốn 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Tỉnh, đã thi công đạt hơn 80% khối lượng.

Hiện toàn Tỉnh mới giải ngân trên 3.025/14.234 tỷ đồng, đạt 21,3% so với số kế hoạch đã phân khai chi tiết. Mặc dù có cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước (đạt 20,1%), tuy nhiên vẫn thấp hơn 7,8% so với cùng kỳ năm 2022 của Tỉnh (cùng kỳ là 29,1%).

Trong đó, ngân sách trung ương giải ngân đạt 66,36%; ngân sách cấp tỉnh giải ngân đạt 15,24% kế hoạch; ngân sách cấp huyện, xã giải ngân đạt 22,74%.

Một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, cao hơn trung bình cả tỉnh, như: Viện Kiểm sát nhân dân Tỉnh (35,5%); Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp Tỉnh (27,4%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tỉnh (24,9%); Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh (24,2%); Ban Quản lý dự án trồng rừng Việt Đức (22,3%); UBND TP. Hạ Long (32,3%); UBND huyện Ba Chẽ (27%); UBND thị xã Quảng Yên (25%).

Các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm, như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Tỉnh (10,4%); TP. Cẩm Phả (10,6%); TP. Uông Bí (10,6%); thị xã Đông Triều (12,2%); huyện Hải Hà (12,2%); huyện Đầm Hà (12,7%); huyện Tiên Yên (16,1%); huyện Vân Đồn (16,4%); huyện Bình Liêu (18,3%); TP. Móng Cái (18,8%). Đặc biệt, có 5 đơn vị cấp tỉnh thậm chí chưa giải ngân, bao gồm: Công an Tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh; Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327; Trường Đại học Hạ Long.

Đối với các dự án trọng điểm, có nguồn vốn lớn, tình hình giải ngân gặp nhiều khó khăn. Hiện Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ Đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1) mới đạt 19,5% kế hoạch vốn; Dự án cải tạo Đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ mới đạt 22,4% kế hoạch; Dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 279, đoạn từ Km0+00 đến Km8+600 mới đạt 0,6%; Dự án nâng cấp Trường Cao đẳng Việt - Hàn mới đạt 28,3%.

Bắt khẩn cấp hacker nâng khống sổ tiết kiệm từ 1 triệu lên 51,5 tỷ đồng

Tâm hack mã lệnh vay thế chấp sổ tiết kiệm để chuyển vào tài khoản 10,5 tỷ đồng.

Tâm nâng khống tài sản cầm cố để chiếm đoạt hơn 10,5 tỷ đồng của ngân hàng. Ảnh minh hoạ.

Tâm nâng khống tài sản cầm cố để chiếm đoạt hơn 10,5 tỷ đồng của ngân hàng. Ảnh minh hoạ.

Công an TP.HCM vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Dương Minh Tâm (ngụ quận Tân Bình) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Theo cơ quan điều tra, vào ngày 21/6, một ngân hàng tại TP.HCM tố giác Dương Minh Tâm xâm nhập trái phép vào hệ thống thông tin tài chính ngân hàng này để chiếm đoạt số tiền lớn.

Các điều tra viên đã xác minh và thực hiện lệnh bắt khẩn cấp. Quá trình điều tra xác định ngày 23/11/2022, Tâm mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng này.

Đến 23/5, Tâm đăng ký tài khoản qua ứng dụng của ngân hàng và kích hoạt trên điện thoại di động với hạn mức thanh toán đối với giao dịch không quá 100.000.000 đồng/ngày. Sau đó, Tâm mở một sổ tiết kiệm online trên ứng dụng với trị giá 1 triệu đồng.

Theo quy định của ngân hàng, Tâm được cầm sổ tiết kiệm để vay online trên ứng dụng, số tiền tối đa 85%/trị giá của sổ tiết kiệm được cầm cố nhưng không vượt quá 2 tỷ đồng/lượt vay.

Với việc cầm cố sổ tiết kiệm 1.000.000 đồng, Tâm chỉ được vay tối đa 850.000 đồng. Mặc dù biết quy định này nhưng Tâm đã can thiệp trái phép vào hệ thống của ngân hàng, chỉnh sửa mã lệnh tài sản cầm cố là sổ tiết kiệm trị giá 1 triệu đồng thành 51,5 tỷ đồng.

Từ ngày 23/5 đến ngày 9/6, Tâm đã 7 lần rút tiền từ ngân hàng trên chuyển về tài khoản của mình hơn 10,5 tỷ đồng. Sau đó Tâm chuyển trả ngược hơn 500 triệu đồng, còn lại chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng.

Tâm rút ra xài 6,5 tỷ đồng, còn khoảng 3,5 tỷ đồng chưa kịp rút thì bị ngân hàng phát hiện phong tỏa tài khoản và báo cơ quan công an.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao lãi 3 tỷ đồng trong năm 2023

Đây là một trong những chỉ tiêu kinh doanh quan trọng mà đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước giao cho Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn thành trong năm 2023.

Một đoàn tàu chở container trên tuyến đường sắt Bắc - Nam của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Một đoàn tàu chở container trên tuyến đường sắt Bắc - Nam của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa ký quyết định về việc giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp năm 2023 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Theo đó, trong năm 2023, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải đạt tổng doanh thu 6.505 tỷ đồng, trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư năm 2023 là 3.850 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 3 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) > 0,0%; không có nợ phải trả quá hạn; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn > 1.

Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải chấp hành chế độ, pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thuế, thu nộp ngân sách, chế độ báo cáo tài chính, báo cáo giám sát tài chính và báo cáo khác, việc thực hiện kết quả thanh tra, kiểm tra.

Là một trong những doanh nghiệp chịu tác động nặng nề nhất từ dịch Covid-19 nhưng nhờ một loạt các giải pháp điều hành hiệu quả, sát với diễn biến thị trường nên trong năm 2022, doanh thu hợp nhất Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt 7.718,2 tỷ đồng, bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt - 130,5 tỷ đồng, vượt 75,7% so với cùng kỳ (tương ứng giảm lỗ 407 tỷ đồng) và vượt 74,1% kế hoạch (tương ứng giảm 373 tỷ đồng).

Trong đó, Công ty mẹ đạt doanh thu 5.368 tỷ đồng, bằng 123% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế là - 200 tỷ đồng, bằng 163,6% kế hoạch. Công ty mẹ không xuất hiện các khoản nợ quá hạn.

Bảo hiểm Quân đội bị phạt và truy thu hơn 441 triệu đồng

Do khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến thiếu số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước, Bảo hiểm Quân đội bị phạt và truy thu tới hơn 441 triệu đồng.

Bảo hiểm Quân đội bị phạt và truy thu hơn 441 triệu đồng. Ảnh minh họa

Bảo hiểm Quân đội bị phạt và truy thu hơn 441 triệu đồng. Ảnh minh họa

Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (Mã CK: MIG) vừa nhận được quyết định từ Cục thuế TP. Hà Nội về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Theo đó, do khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến thiếu số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước, Bảo hiểm Quân đội bị phạt 20% (tương đương 71,6 triệu đồng) trên số thuế khai sai.

Đồng thời doanh nghiệp buộc phải nộp đủ 358 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu và 11,7 triệu đồng tiền thuế chậm nộp. Tổng cộng số tiền chậm nộp, tiền phạt và truy thu lên tới hơn 441 triệu đồng.

Trong quý I/2023, Tổng công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 837,6 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 68,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý I/2022.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm Quân đội, dự kiến 6 tháng đầu năm, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 160 tỷ đồng, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 46% kế hoạch cả năm.

Năm 2023, Bảo hiểm Quân đội đặt mục tiêu đạt 6.100 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc và 350 tỷ đồng lợi nhuận. Ngày 28/6, Tổng công ty đã chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền năm 2022 tỷ lệ 5% (1 cổ phiếu được nhận 500 đồng). Theo đó, với hơn 164 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Bảo hiểm Quân đội sẽ phải chi trả khoảng hơn 82,2 tỷ đồng để trả cổ tức cho đợt này. Ngày thanh toán dự kiến là 11/8.

Từ 10/7 đăng ký cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ làm qua mạng

Việc đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa thường trú, hỗ trợ mai táng sẽ thực hiện liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ 10/7.

Hai nhóm dịch vụ liên thông sắp triển khai trên cả nước

Hai nhóm dịch vụ liên thông sắp triển khai trên cả nước

Ngày 2/7, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 Bộ Công an) cho biết, để triển khai việc này, hơn 500 lãnh đạo, cán bộ của các bộ ngành như Tư Pháp, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các địa phương, đã được tập huấn nghiệp vụ, quy trình giải quyết liên thông điện tử với hai nhóm thủ tục hành chính như trên.

Với Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, cha, mẹ, hoặc người giám hộ, người thân của trẻ điền thông tin vào tờ khai điện tử theo mẫu trên cổng dịch vụ công. Khi hồ sơ hợp lệ, nhà chức trách sẽ xử lý trong vòng hai ngày.

Với Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng, người có nhu cầu sẽ điền thông tin trên cổng dịch vụ công theo hướng dẫn. Sau đó, Bảo hiểm Xã hội sẽ giải quyết trợ cấp mai táng hoặc làm thủ tục thôi hưởng theo quy định.

Theo đại diện C06, việc triển khai hai nhóm liên thông trên cả nước giúp người dân giảm thời gian, chi phí đi làm khi chỉ cần thực hiện một lần nhưng giải quyết được ba thủ tục hành chính kèm theo.

Hiện thời hạn trả kết quả khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi mất 15 ngày. Tuy nhiên khi đã liên thông và thực hiện qua Cổng dịch vụ công chỉ mất hai ngày là xong cả ba thủ tục.

Xây dựng Hòa Bình lỗ lũy kế hơn 2.100 tỷ đồng

Sau kiểm toán, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình báo lỗ hơn 2.570 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng phải thu khó đòi trong năm ngoái lên gần 1.700 tỷ đồng.

Xây dựng Hòa Bình lỗ lũy kế hơn 2.100 tỷ đồng

Xây dựng Hòa Bình lỗ lũy kế hơn 2.100 tỷ đồng

Sau nhiều lần trì hoãn, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 do Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam thực hiện.

Theo đó, năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần sau kiểm toán tăng 26 tỷ đồng, đạt mốc 14.149 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021.

Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán chiếm tới gần 97% của doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp của Tập đoàn về còn 470 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, các chi phí của Tập đoàn trong năm đều tăng mạnh so với năm trước đó. Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp bị đội lên 2.246 tỷ đồng, gấp 5,4 lần năm 2021, chủ yếu là do dự phòng khoản phải thu khó đòi lên tới 1.689 tỷ đồng.

Với các số liệu kể trên, Tập đoàn đã báo lỗ sau thuế 2.570 tỷ đồng, riêng lỗ sau thuế công ty mẹ là 2.566 tỷ đồng, trong khi ở báo cáo tự lập khoản lỗ này chỉ ở mức 1.138 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp báo lỗ kể từ khi niêm yết. Do vậy, khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp đã lên hơn 2.100 tỷ đồng.

Cùng với đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng âm 883 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư âm 553 tỷ đồng, trong khi dòng tiền cho hoạt động tài chính dương 1.198 tỷ đồng.

Với kết quả trên, phía kiểm toán Ernst & Young đã đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hòa Bình.

Kiểm toán viên lưu ý tại ngày phát hành báo cáo, Tập đoàn có các khoản nợ vay đã quá hạn. Trong đó, một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn. Đối với các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, Tập đoàn đang trong quá trình thương thảo với các ngân hàng để xin gia hạn nợ.

Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.

Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt khách du lịch trong nửa đầu năm 2023

Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu 15 triệu du khách du lịch, tham quan. 6 tháng đầu năm 2023, số khách du lịch đã chạm mốc 8,86 triệu lượt (tăng 61% so với cùng kỳ năm 2022).

Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt khách du lịch trong nửa đầu năm 2023

Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt khách du lịch trong nửa đầu năm 2023

Tổng doanh thu từ du lịch nửa đầu năm 2023 ước đạt 16.660 tỷ đồng (tăng 56% so với cùng kỳ). Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển du lịch cho cả năm liên quan đến từng thời điểm, từng địa phương.

Theo đó, 13 địa phương trên địa bàn Tỉnh đã tự chủ động khai thác mọi cơ hội nhằm thu hút du khách thông qua những sản phẩm du lịch mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế riêng có.

Ông Phạm Hồng Biên - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Tỉnh đã phê duyệt 38 sản phẩm du lịch mới để thu hút theo từng địa phương và có lộ trình theo từng tháng, từng năm.

Đối với sản phẩm du lịch leo núi Bài Thơ, vấn đề đặt lên hàng đầu là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách và bảo tồn được giá trị.

Với mục tiêu mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, hấp dẫn, Quảng Ninh đưa vào sử dụng hồ Hải Thịnh, khai trương phố đi bộ Bài Thơ...

Từ nay đến cuối năm 2023, Quảng Ninh sẽ khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới, hứa hẹn tiếp tục thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của du lịch của địa phương.

Chuyên đề