Bản tin thời sự sáng 3/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là các đô thị tắt đèn chiếu sáng, đèn trang trí để tiết kiệm điện; hầm chui hơn 800 tỷ ở TP.HCM tái khởi động sau thời gian dài tạm dừng; Phú Quốc chi 55 tỷ đồng xử lý bãi rác tạm 200.000 tấn; nhiều dự án trọng điểm tại Quảng Ninh chậm tiến độ do thiếu vật liệu san lấp…

Các đô thị tắt đèn chiếu sáng, đèn trang trí để tiết kiệm điện

Đèn chiếu sáng, đèn trang trí của trụ sở các cơ quan quanh Hồ Gươm (Hà Nội), Nhà hát lớn Hải Phòng, hay cầu Rồng (Đà Nẵng) đều đang được tiết giảm tối đa.

Khu vực ngã tư Hàng Khay - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài

Khu vực ngã tư Hàng Khay - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài

19h ngày 1/6, đèn đường các tuyến phố trung tâm Hà Nội bắt đầu bật, muộn hơn 30 phút so với thông thường. Toàn bộ hệ thống đèn trang trí, quảng cáo gắn trên cột đèn đường đều tắt. Khu vực xung quanh Hồ Gươm, hệ thống chiếu sáng vườn hoa, vỉa hè và quanh hồ tắt gần hết, chỉ đủ ánh sáng để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự…

Theo UBND TP. Hà Nội, hệ thống chiếu sáng công cộng của 12 quận và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ của 17 huyện, thị xã có khoảng 230.000 bộ đèn. Trong bối cảnh thiếu điện, từ cuối tháng 5, TP. Hà Nội bắt đầu tiết giảm đèn chiếu sáng, đèn trang trí. Mục tiêu là giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng công cộng; bật đèn muộn hơn 30 phút, tắt sớm 30 phút; giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trước 22h, sau 22h tắt toàn bộ.

Tương tự, TP. Hải Phòng cũng đang tiết giảm đèn chiếu sáng. Theo lãnh đạo Công ty CP Điện chiếu sáng Hải Phòng, việc cắt điện trang trí tạm thời trong cao điểm nắng nóng nhằm tiết kiệm điện. Ngoài ra, một số tuyến đường cũng sẽ cắt đèn chiếu sáng từ 22h30 để thực hiện mục tiêu tiết kiệm 30 - 50% điện.

Tại Quảng Ninh, Ban Quản lý dịch vụ công ích đã cắt giảm luân phiên đèn chiếu sáng ở một số tuyến đường, cài đặt lại giờ bật đèn cho phù hợp với mùa hè. Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư đã giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời.

Từ cuối tháng 5, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã yêu cầu tắt 100% điện chiếu sáng trang trí, quảng cáo từ 20h. Cùng khung giờ này, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời.

Hầm chui hơn 800 tỷ ở TP.HCM tái khởi động sau thời gian dài tạm dừng

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7) tái khởi động sau thời gian dài trì hoãn vì vướng di dời hạ tầng kỹ thuật.

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Tối 2/6, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Chủ đầu tư) cho biết, Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7) đã đạt 40% tổng khối lượng và đang được khẩn trương thi công trở lại sau thời gian dài tạm dừng.

Đến nay, nhánh hầm HC1 và đường giao thông đã triển khai xong hạng mục đường tạm; đốn hạ, bứng dời cây xanh ảnh hưởng đến phạm vi công trình.

Nhánh hầm chui HC2 đã hoàn thành 70%, công trình đã xong phần kết cấu của các đốt hầm hở, cống hộp đốt hầm kín...

Ông Phúc cho biết thêm, trong tháng 6/2023, đơn vị thi công sẽ tập trung di dời hệ thống điện, nước trong khu vực nút giao. Từ 20/6 sẽ tiến hành phân luồng giao thông, tổ chức thi công nhánh hầm HC1 (bên cạnh nhánh hầm HC2 hiện nay).

Đến tháng 10/2023, sau khi hoàn tất việc di dời hệ thống điện, nước, nhà thầu sẽ tiến hành thi công song song nhánh hầm HC2 và nhánh hầm HC1 để đảm bảo tiến độ hoàn thành Dự án.

Trước đó, Chủ đầu tư dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 công trình vào cuối năm 2022 và giai đoạn 2 vào năm 2023. Tuy nhiên, sau gần 1 năm trì hoãn vì vướng di dời hạ tầng kỹ thuật, tiến độ thông xe nhánh hầm 2 dự kiến dời sang mốc trước ngày 30/4/2024 và nhánh hầm 1 dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2024.

Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, giai đoạn 1 được khởi công tháng 4/2020 với tổng mức đầu tư khoảng 830 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2 của Dự án, TP.HCM tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh nút giao với 2 cầu vượt, 2 hầm chui với kinh phí khoảng 1.780 tỷ đồng.

Khánh Hòa xem xét hủy quy hoạch Dự án Nhà máy Điện mặt trời Diên Sơn

Khánh Hòa sẽ xem xét hủy bỏ quy hoạch Dự án Nhà máy Điện mặt trời Diên Sơn của Công ty TNHH Encom Nha Trang.

Dự án Nhà máy Điện mặt trời Diên Sơn do Công ty TNHH Encom Nha Trang khảo sát, đề xuất thực hiện. Ảnh minh họa

Dự án Nhà máy Điện mặt trời Diên Sơn do Công ty TNHH Encom Nha Trang khảo sát, đề xuất thực hiện. Ảnh minh họa

Theo phản ánh của người dân xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, diện tích đất tại khu vực Trảng Găng của một số hộ gia đình thuộc quy hoạch Dự án Nhà máy Điện mặt trời Diên Sơn nhưng đã lâu không triển khai. Nếu không triển khai Dự án, đề nghị UBND Tỉnh hủy bỏ quy hoạch để người dân có thể chủ động trong việc đầu tư, phát triển sản xuất.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Dự án Nhà máy Điện mặt trời Diên Sơn do Công ty TNHH Encom Nha Trang khảo sát, đề xuất thực hiện.

Dự án này có công suất 50 MW với diện tích 60 ha. Hiện trạng khu đất nghiên cứu thực hiện Dự án đang trồng các loại cây mía, keo, mì và cây trồng khác. Do đất bạc màu nên cây trồng kém phát triển, hiệu quả kinh tế không cao.

UBND Tỉnh đã trình Bộ Công Thương bổ sung Dự án Nhà máy Điện mặt trời Diên Sơn vào Quy hoạch phát triển điện lực Tỉnh và đã được Bộ Công Thương lấy ý kiến của các bộ, ngành Trung ương thẩm định.

Tuy nhiên, Dự án không có điểm đấu nối và khó khăn trong công tác giải tỏa công suất. Bộ Công Thương đã phản hồi về việc tạm dừng đề xuất, thỏa thuận đối với các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FIT theo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, UBND Tỉnh sẽ xem xét, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất hủy bỏ quy hoạch đất năng lượng tại xã Diên Sơn để người dân có thể chủ động trong việc đầu tư phát triển sản xuất trong thời gian tới.

Phú Quốc chi 55 tỷ đồng xử lý bãi rác tạm 200.000 tấn

Đơn vị trúng thầu sẽ đốt 200.000 tấn rác tại bãi rác tạm ở xã Cửa Dương, TP. Phú Quốc với kinh phí 55 tỷ đồng, thời gian thực hiện gần hai năm.

Bãi rác tạm ở xã Cửa Dương, TP. Phú Quốc

Bãi rác tạm ở xã Cửa Dương, TP. Phú Quốc

Ngày 2/6, ông Nguyễn Minh Hùng, Trưởng ban Quản lý công trình công cộng TP. Phú Quốc cho biết, Công ty CP Công nghệ và Vật liệu chuyên dụng Licogi 13 là đơn vị trúng thầu, dùng lò đốt rác (chạy bằng điện, không khói). Hợp đồng có thời hạn 22 tháng.

Trước đó, Phú Quốc nhiều lần tổ chức đấu thầu tìm đơn vị xử lý bãi rác tạm rộng 5 ha, hình thành 3 năm trước nhưng không có đơn vị nào nộp hồ sơ dự thầu. Hiện Licogi 13 đã san lấp mặt bằng hơn 1.000 m2, chuẩn bị lắp đặt thiết bị đốt rác. Để tạo điều kiện cho Nhà thầu, chính quyền Thành phố đã kéo điện, tu sửa đường vào bãi rác. Trong quá trình xử lý, bãi rác sẽ được phun hóa chất để giảm mùi hôi.

Ngoài bãi rác tạm, Phú Quốc đang gặp khó khi Nhà máy Xử lý rác Bãi Bổn đã ngừng hoạt động hơn nửa năm trước sau thời gian chạy thử nghiệm không đạt yêu cầu. Tỉnh giao nhà máy này cho Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc quản lý, tìm nhà đầu tư mới.

Phú Quốc có 9 phường, xã với dân số hơn 180.000 người, năm 2022 đón gần 5 triệu khách du lịch. Hiện mỗi ngày Thành phố thải ra 180 tấn rác.

Nhiều dự án trọng điểm tại Quảng Ninh chậm tiến độ do thiếu vật liệu san lấp

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, việc thiếu vật liệu san lấp là nguyên nhân làm chậm tiến độ đối với nhiều dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh hiện nay.

Phối cảnh Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh
Phối cảnh Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh

Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh là một trong 4 dự án động lực tăng trưởng dài hạn của tỉnh Quảng Ninh, được khởi công tháng 10/2021 trên diện tích 82,79 ha tại xã Vạn Ninh, TP. Móng Cái với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 2.248 tỷ đồng. Dự án do Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV/2024.

Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thiếu nguồn vật liệu san lấp đang ảnh hưởng tới tiến độ Dự án. Theo Chủ đầu tư, đến cuối tháng 5, công việc nạo vét khu nước trước bến, bơm cát vào ống địa kỹ thuật của đê bao quanh Dự án đạt hơn 60%; nạo vét san lấp nền bãi Dự án đạt hơn 40% khối lượng.

Theo tính toán, nguồn vật liệu san lấp mặt bằng cảng và đường ra cảng khoảng từ 2,2 đến 2,3 triệu m3, nhưng đến nay mới có hơn 700 nghìn m3. Để đảm bảo tiến độ Dự án, Chủ đầu tư đang khẩn trương làm việc với các đơn vị mỏ đã được cấp phép để có nguồn vật liệu san lấp.

Tương tự, một loạt công trình, dự án động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, liên kết nội vùng, kiến tạo không gian và hành lang phát triển mới theo hướng bền vững của tỉnh Quảng Ninh cũng chậm tiến độ vì thiếu nguyên vật liệu san lấp.

Đó là, Dự án Xây dựng nút giao Km6+700 đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thuộc Dự án Đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại Km6+700) đến Đường tỉnh 338, giai đoạn 1; Dự án Xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại Km20+50 đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng) và Dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến Đường tỉnh 338, giai đoạn 1).

Phạt Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico vì vi phạm quy định môi trường

Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico.

Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico

Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico

Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico đã có các hành vi vi phạm: không báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc lưu giữ chất thải nguy hại trong trường hợp lưu giữ quá 1 năm kể từ thời điểm phát sinh mà chưa tìm được cơ sở xử lý chất thải nguy hại phù hợp, chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi.

Không có giấy phép môi trường theo quy định đối với Mỏ kẽm chì Cúc Đường thuộc Xí nghiệp Kẽm chì Làng Hích; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 5 m3/ngày (24 giờ).

Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 5 m3/ngày (24 giờ).

Thải khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 1,1 lần (mẫu khí thải ống khói hệ thống lò quay số 2 tại Phân xưởng Luyện kim màu II có thông số SO2 = 286,60 mg/Nm3, vượt 1,06 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT, cột B).

Hình thức xử phạt chính bằng tiền và áp dụng khắc phục hậu quả với tổng số tiền là 444,697 triệu đồng, đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở trong thời hạn 4,5 tháng.

Khánh Hòa xây cung thiếu nhi hơn 540 tỷ đồng

Cung văn hoá thiếu nhi Khánh Hoà vừa được khởi công xây dựng trên khu đất hơn 2,7 ha tại trung tâm TP. Nha Trang, dự kiến hoàn thành sau hai năm.

Phối cảnh Cung văn hóa thiếu nhi Khánh Hòa và khu đất xây dựng Dự án

Phối cảnh Cung văn hóa thiếu nhi Khánh Hòa và khu đất xây dựng Dự án

Công trình nằm ở khu đất trung tâm Thành phố, bao quanh là đường Thái Nguyên, Lê Thành Phương, Yersin. Khu vực này trước đó là Nhà thiếu nhi Tỉnh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp tổng hợp. Hồi tháng 5, chính quyền đã tháo dỡ một số công trình cũ xuống cấp.

Cung thiếu nhi có diện tích gần 7.000 m2, quảng trường 3.922 m2, khu thể thao - cây xanh gần 11.000 m2, đường đi hơn 5.200 m2. Dự án sẽ có những khu chức năng gồm khối nhà hát măng non; khối nhà phòng học trung tâm; cụm sân thể dục thể thao; hồ bơi ngoài trời; khu vui chơi thiếu nhi... Sau khi hoàn thành, Cung thiếu nhi có thể phục vụ tối đa 2.500 thiếu nhi vui chơi, học tập.

Hà Nội sẽ có thêm 5 tuyến đường chính ở Nam Thăng Long

Khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sẽ có thêm 5 tuyến đường chính để kết nối với các trường đại học và Vành đai 3.

5 tuyến đường sẽ được mở mới tại khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, theo quy hoạch phân khu đô thị H2-1, Kế hoạch sử dụng đất quận Bắc Từ Liêm năm 2022

5 tuyến đường sẽ được mở mới tại khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, theo quy hoạch phân khu đô thị H2-1, Kế hoạch sử dụng đất quận Bắc Từ Liêm năm 2022

Tuyến số 1 trên thực tế là tuyến đường 6 làn xe, rộng 40 m từ cầu Nhật Tân đến Khu công nghiệp Nam Thăng Long. Trong đó, đoạn từ cầu Nhật Tân đến phố Thượng Thụy đã hoàn thành, còn đoạn từ Thượng Thụy đi chung cư IA20 (thuộc Khu đô thị Ciputra) đang xây dựng.

Đoạn từ cầu Thăng Long đến Khu công nghiệp Nam Thăng Long chưa triển khai. Đoạn này có điểm đầu trùng nút giao Kẻ Vẽ - Tân Xuân, đi qua đường Đức Thắng gần UBND phường Đông Ngạc, qua Trường Tiểu học Đông Ngạc A. Đây là tuyến đường kết nối Vành đai 2 (Võ Chí Công), Vành đai 2,5 (Nguyễn Văn Huyên kéo dài), Vành đai 3 (Phạm Văn Đồng) đến gần Vành đai 4.

Tuyến số 2 (rộng 25 m) và 3 (rộng 17,5 m) là hai tuyến đường trục kết nối đường số 1 đến đường Nguyễn Đình Tứ. Các tuyến đường này đi qua khu nhà ở Ecohome, đường Hoàng Tăng Bí, Dự án The Jade Ordchid và hai dự án mở rộng Đại học Mỏ - Địa chất, Học viện Tài chính.

Trong đó, tuyến số 2 đi qua trước mặt khu nhà ở Ecohome 1, tuyến số 3 hiện có một phần đã xây dựng đi qua Trường Tiểu học Đông Ngạc B và khu nhà ở Ecohome 2, 3.

Tuyến số 4 (rộng 15,5 m) kết nối Tân Xuân, qua khoảng giữa khu nhà ở Ecohome 2 và 3 đến đường Đông Thắng, Thụy Phương.

Tuyến số 5 (rộng 60 m) kết nối từ Khu đô thị Ciputra, đường Nguyễn Hoàng Tôn qua Vành đai 3 (Phạm Văn Đồng) đến Đức Thắng. Đây là đường ranh giới giữa hai dự án mở rộng Đại học Mỏ - Địa chất, Học viện Tài chính và đi qua Dự án The Jade Orchid.

Côn Đảo thiếu xăng do thiếu nguồn hàng

Các cửa hàng xăng dầu ở huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bán khống chế 30.000 đồng mỗi xe máy, 100.000 đồng với ô tô do thiếu nguồn hàng.

Người dân chờ đổ xăng ở cửa hàng xăng dầu Thu Tâm

Người dân chờ đổ xăng ở cửa hàng xăng dầu Thu Tâm

Sáng 2/6, nhiều người đi xe máy tới cửa hàng xăng dầu trên đường Nguyễn Huệ, huyện Côn Đảo được nhân viên thông báo bán số lượng hạn chế. Phía cửa hàng giải thích mỗi người chỉ được mua tối đa 30.000 đồng do lượng xăng trong bồn rất ít. Mấy ngày qua, các cửa hàng không nhận được nguồn hàng từ đất liền.

Theo UBND huyện Côn Đảo, Huyện có 5 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, nguồn hàng do Công ty CP Tập đoàn Dương Đông cung cấp. Vừa qua, doanh nghiệp này chỉ cung ứng được một phần đơn hàng dẫn đến tình trạng thiếu hụt, trong khi các cửa hàng không có kho lớn dự trữ. Việc thiếu xăng kéo dài ảnh hưởng tình hình phát triển của địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Côn Đảo hụt nguồn xăng do tàu chở hàng ra đảo trong thời gian đưa đi kiểm định. Công ty CP Tập đoàn Dương Đông đã thuê tàu khác chở hàng ra đảo nhưng khối lượng nhỏ nên không đủ cung cấp cho người dân.

Theo ông Đồng, theo quy định hiện nay, mỗi cửa hàng xăng dầu chỉ có một thương nhân phân phối. Ở Côn Đảo, các cửa hàng xăng dầu chỉ ký với một doanh nghiệp phân phối nên khi xảy ra trục trặc rất khó xoay xở. Do đó, địa phương đang đề xuất Bộ Công Thương cho đảo cơ chế đặc thù: một cửa hàng ký với hai thương nhân để đảm bảo nguồn cung thông suốt.

Chuyên đề