Bản tin thời sự sáng 3/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đường 4.800 tỷ đồng ở cửa ngõ Tân sơn Nhất khởi công cuối năm 2021; cưỡng chế các tài khoản ngân hàng của Thuduc House; cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân Hà Nội theo 3 ca; đề nghị truy tố nam tiếp viên hàng không làm lây lan Covid-19 ở TP.HCM…

Đường 4.800 tỷ đồng ở cửa ngõ Tân sơn Nhất khởi công cuối năm 2021

Tuyến đường mới nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa dự kiến khởi công trong tháng 12/2021 và hoàn thành tháng 7/2023 để đảm bảo đồng bộ với tiến độ, phục vụ khai thác Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Ùn xe kéo dài từ đường Cộng Hòa đến đường Hoàng Văn Thụ, cửa ngõ Tân Sơn Nhất

Ùn xe kéo dài từ đường Cộng Hòa đến đường Hoàng Văn Thụ, cửa ngõ Tân Sơn Nhất

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) vừa báo cáo UBND TP.HCM về thực hiện Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), cửa ngõ thứ 2 vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Tuyến đường mới nối từ Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa dài hơn 4 km với 6 làn xe rộng 29,5 - 48 m. Dự án cũng xây dựng mới hầm chui tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện dài 42m, rộng 9m (2 làn xe) và nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý dài 65m, rộng 22m (5 làn xe); xây dựng cầu vượt rộng 17m (4 làn xe) dài 1,2m trước nhà ga T3.

Tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây lắp hơn 1.731 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 2.640 tỷ đồng, còn lại là kinh phí quản lý dự án, tư vấn, dự phòng...

Theo Ban giao thông, để đảm bảo đồng bộ với tiến độ, phục vụ khai thác Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất thì Dự án đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa phải khởi công trong tháng 12/2021 và hoàn thành tháng 7/2023 (thời gian thi công dự kiến 18 tháng).

Hiện Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đã thống nhất ranh Dự án. Để Dự án có thể triển khai theo kế hoạch, Ban giao thông kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành sớm hoàn tất thủ tục điều chỉnh quy hoạch 1/2000, phê duyệt dự án đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng,…

Lựa chọn xong nhà thầu thi công, khởi công và hoàn thành công trình (thi công trước phạm vi có mặt bằng) trong thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 7/2023.

Cưỡng chế các tài khoản ngân hàng của Thuduc House

Ít nhất 22 tài khoản ngân hàng của Thuduc House sẽ bị phong tỏa trong một tháng để cơ quan thuế thu hồi 451 tỷ đồng.

Yêu cầu 22 ngân hàng cưỡng chế thu hồi nợ thuế của Thuduc House

Yêu cầu 22 ngân hàng cưỡng chế thu hồi nợ thuế của Thuduc House

Cục Thuế TP.HCM vừa yêu cầu 22 ngân hàng cưỡng chế thu hồi nợ thuế của Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) bằng cách trích tiền từ tài khoản của Công ty mở tại các nhà băng này.

Theo thông tin từ Cục Thuế, doanh nghiệp này có khoản nợ thuế 451 tỷ đồng quá hạn 90 ngày. Trong một tháng, 22 nhà băng sẽ phải thông báo số dư tài khoản của Thuduc House và trích tiền từ tài khoản nộp vào ngân sách nhà nước, đồng thời phong tỏa các tài khoản còn lại của doanh nghiệp tương ứng với số tiền bị cưỡng chế.

Nếu sau một tháng vẫn không cưỡng chế đủ 451 tỷ đồng theo cách này, Cục Thuế TP.HCM sẽ có các bước tiếp theo bao gồm không cho doanh nghiệp sử dụng hóa đơn, phong tỏa và bán cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp...

Nguyên nhân của việc truy thu thuế Thuduc House xuất phát từ việc Tổng cục Hải quan phát hiện Thuduc House vi phạm nhiều quy định và chiếm đoạt tiền thuế VAT. Cơ quan thuế khẳng định việc yêu cầu doanh nghiệp khắc phục hậu quả, thu hồi tiền hoàn thuế là đúng pháp luật.

Cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân Hà Nội theo 3 ca

Các đơn vị thuộc Công an Hà Nội vẫn đang tổ chức cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân thủ đô theo 3 ca (sáng, chiều và tối).

Người dân Hà Nội đi làm thẻ căn cước công dân gắn chip

Người dân Hà Nội đi làm thẻ căn cước công dân gắn chip

Thực hiện đề án cấp thẻ căn cước công dân gắn chip của Bộ Công an, Hà Nội sẽ cấp cho khoảng 2,5 triệu người đủ từ 14 tuổi trở lên từ ngày 31/12/2020 đến 1/7/2021.

Theo đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, các đơn vị đang triển khai rất tích cực việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip lưu động cho người dân.

Đại tá Ky thông tin, hiện nay nhà máy sản xuất thẻ đã hoạt động tốt nên việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân đủ từ 14 tuổi trở lên sẽ nhanh chóng đến tay người dân trong thời gian sớm.

Tuy nhiên, đó là những trường hợp có địa chỉ thường trú tại Hà Nội. Với những người tạm trú (không có hộ khẩu tại Hà Nội), Công an Hà Nội sẽ phải gửi hồ sơ lên Bộ Công an (Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội) để kiểm tra. Sau đó, Bộ sẽ gửi lại cho Hà Nội xác định hồ sơ của người làm căn cước công dân gắn chip đã chính xác.

Liên quan đến việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip trên toàn quốc, lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội cho biết, các địa phương vẫn đang làm cấp tập. Phấn đấu đến ngày 1/7/2021, khoảng 50 triệu công dân được cấp thẻ này.

Đặc biệt, 50% số dân cư trú thuộc 10 tỉnh thành gồm: Thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh từ 14 tuổi trở lên phải được cấp căn cước công dân điện tử trước 30/4/2021.

Cần hơn 8.200 tỷ đồng để xây dựng đường hầm 3,7 km qua sân bay Đà Nẵng

Trong danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2020 - 2025, Đà Nẵng cho biết cần hơn 8.200 tỷ đồng để xây dựng đường hầm xuyên qua sân bay Đà Nẵng.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Đà Nẵng cần hơn 8.200 tỷ đồng để xây dựng đường hầm xuyên sân bay Đà Nẵng

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Đà Nẵng cần hơn 8.200 tỷ đồng để xây dựng đường hầm xuyên sân bay Đà Nẵng

Ngày 2/3, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND Thành phố vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào Thành phố giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, danh mục này có 57 dự án ở 9 lĩnh vực.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực giao thông, UBND Thành phố đã công bố thông tin thu hút đầu tư vào Dự án đường hầm qua sân bay Đà Nẵng với tổng mức vốn kêu gọi là 8.228 tỷ đồng. Tuyến hầm này có chiều dài khoảng 3,7 km với phần hầm khoảng 2,48 km. Quy mô 6 làn xe cơ giới và xây dựng các nhánh kết nối với khu đô thị phía tây sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Trong số 57 dự án Đà Nẵng kêu gọi đầu tư, đáng chú ý còn có các dự án tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, tổng vốn đầu tư (dự kiến) 400 tỷ đồng; trung tâm mua sắm giải trí ngầm có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 910 tỷ đồng; trường đua ngựa và trang trại nuôi ngựa với tổng vốn đầu tư dự kiến 4.554 tỷ đồng...

Đề nghị truy tố 36 bị can trong vụ hỏng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có vốn đầu tư 34.516 tỷ đồng nhưng vừa xây xong đã hỏng. Riêng 65km thuộc giai đoạn 1 có tới 380 điểm hư hỏng, trung bình 1km bị hỏng 6 chỗ.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có rất nhiều điểm bị hỏng

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có rất nhiều điểm bị hỏng

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Bộ Công an đã ra kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Vụ án có 35 bị can người Việt gồm Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào - cùng giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hoàng Việt Hưng - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (BQL) và 32 người khác là cán bộ, kỹ sư TVGS thuộc BQL. Có một bị can người Nhật Bản là Takao Inami - Tư vấn trưởng, Giám đốc Văn phòng tư vấn giám sát dự án.

Tất cả 36 bị can đều bị CQĐT đề nghị viện kiểm sát truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo điều tra, Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài gần 140km trong đó giai đoạn 1 của dự án dài 65km từ TP. Đà Nẵng tới TP. Tam Kỳ (Quảng Nam); giai đoạn 2 dài hơn 74km.

Dự án được khởi công năm 2013 và từ năm 2017 đã đưa vào sử dụng 65km của giai đoạn 1; năm 2018 thông xe giai đoạn 2. Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, gây bức xúc trong nhân dân.

CQĐT khẳng định, đến nay, riêng 65km thuộc giai đoạn 1 Dự án đã có tới 380 điểm hư hỏng trên tuyến chính.

Ngoài 36 bị can bị đề nghị truy tố, cảnh sát còn chuyển hồ sơ 2 gói thầu, phần thi công cho Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng thụ lý.

Đến năm 2030 không bổ sung sân bay mới, 2050 đề xuất bổ sung sân bay Cao Bằng

Theo Bộ GTVT, từ nay đến năm 2030 sẽ không bổ sung cảng hàng không mới so với hệ thống 28 cảng hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2050 mới đề xuất bổ sung sân bay Cao Bằng vào quy hoach.

Tư vấn đề nghị không bổ sung thêm sân bay mới vào quy hoạch trong giai đoạn 2021 - 2030

Tư vấn đề nghị không bổ sung thêm sân bay mới vào quy hoạch trong giai đoạn 2021 - 2030

Ngày 2/3, đại diện Bộ GTVT cho biết thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ đang tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, Việt Nam có tổng cộng 28 cảng hàng không, trong đó có 15 cảng hàng không quốc nội và 13 cảng hàng không quốc tế. Các cảng hàng không được phân bổ theo khu vực quản lý như sau:

- Khu vực miền Bắc có 10 cảng hàng không, gồm: 5 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh) và 5 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới).

- Khu vực miền Trung có 8 cảng hàng không, gồm: 4 cảng hàng không quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai) và 4 cảng hàng không quốc nội (Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà).

- Khu vực miền Nam có 10 cảng hàng không, gồm: 4 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Long Thành) và 6 cảng hàng không quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).

Đề nghị truy tố nam tiếp viên hàng không làm lây lan Covid-19 ở TP.HCM

Nam tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines bị đề nghị truy tố vì không tuân thủ quy định cách ly làm lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng.

Công an TP.HCM tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Dương Tấn Hậu

Công an TP.HCM tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Dương Tấn Hậu

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Dương Tấn Hậu (bệnh nhân 1342, nam tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines) về tội Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.

Hôm 14/11/2020, Dương Tấn Hậu đi trên chuyến bay từ Nhật Bản về Việt Nam và được cách ly theo quy định. Tuy nhiên, Hậu không thực hiện nghiêm việc cách ly và bị nhiễm bệnh từ một bệnh nhân khác.

Sau đó, Dương Tấn Hậu không tuân thủ quy định tự cách ly tại nhà nên lây bệnh cho 3 người khác (bệnh nhân 1347, 1348 và 1349).

Ngày 11/1, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Dương Tấn Hậu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư