Bản tin thời sự sáng 3/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề nghị xét nghiệm 3.200 nhân viên sân bay Nội Bài; VN-Index tăng hơn 40 điểm; Hà Nội đóng cửa quán game, Internet từ ngày 2/2; Quảng Ninh sẽ phong tỏa toàn bộ thị xã Đông Triều; công an TP.HCM tìm chủ nhân lô điện thoại 3 tỷ đồng…

Đề nghị xét nghiệm 3.200 nhân viên sân bay Nội Bài

Lãnh đạo sân bay Nội Bài đề nghị xét nghiệm nCoV cho toàn bộ 3.200 cán bộ, nhân viên, sau khi 16 người làm việc ở đây trở thành F1.

Nhân viên an ninh hàng không kiểm tra thân nhiệt cho tiếp viên

Nhân viên an ninh hàng không kiểm tra thân nhiệt cho tiếp viên

Ngày 2/2, ông Tô Tử Hà, quyền Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết đã có công văn đề nghị gửi Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội. Cảng xác định 16 nhân viên là F1, do tiếp xúc với hành khách là F0 đi Nhật Bản qua sân bay Nội Bài và bệnh nhân 1553, nhân viên an ninh sân bay Vân Đồn. Ngoài ra, hàng trăm nhân viên là F2 đang tự cách ly tại nơi cư trú.

Ông Hà cho rằng, việc xét nghiệm nCoV cho nhân viên sân bay là cần thiết và cấp bách, đem lại sự an tâm và đảm bảo an toàn cho hành khách cả nước đi lại bằng đường hàng không.

Từ ngày 28/1, sân bay Nội Bài đã yêu cầu toàn bộ nhân viên đeo khẩu trang nơi làm việc, cho nghỉ cách ly tại nhà đối với người lao động đi qua các vùng dịch, trang bị đầy đủ bảo hộ cần thiết cho khối lao động trực tiếp phục vụ hành khách.

Sân bay cũng phân bổ lại các chuyến bay để đảm bảo giãn cách hành khách ở các khu vực làm thủ tục, kiểm tra an ninh, phòng chờ và cửa ra tàu bay; thường xuyên phát thanh khuyến cáo hành khách khai báo y tế, đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn với tần suất 30 phút mỗi lần. Các quầy làm thủ tục hàng không đã được lắp đặt màn chắn giọt bắn.

Hành khách trước khi bay đều phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang suốt hành trình bay. Một số hãng hàng không đã bắt đầu thực hiện giãn cách hành khách ở khu vực làm thủ tục bay và lắp đặt thảm phun dung dịch khử khuẩn để hành khách bước qua cửa lên máy bay.

VN-Index tăng hơn 40 điểm

Sắc xanh chiếm ưu thế khi lực bán chững lại, dòng tiền tham gia tích cực đẩy VN-Index tăng hơn 40 điểm lên trên 1.075 điểm.

VN-Index tăng 3,86% trong phiên 2/2

VN-Index tăng 3,86% trong phiên 2/2

Sau phiên giảm điểm ngày 1/2, chứng khoán mở cửa phiên ngày 2/2 trong trạng thái thận trọng. VN-Index biến động trong biên độ hẹp gần tham chiếu với lực mua - bán giữ cân bằng cho đến giữa phiên sáng. Đến gần 11h, thanh khoản giảm, lực bán cho thấy dấu hiệu chững lại, khiến bên mua dần mất kiên nhẫn. Dòng tiền tham gia tích cực đẩy giá nhiều cổ phiếu lên cao. Chỉ số theo đó vượt qua khỏi khung đi ngang từ đầu phiên.

Sang phiên chiều, lực mua tiếp tục làm chủ xu hướng. Chỉ số nới rộng đà tăng và chốt phiên ở mức cao nhất trong ngày. VN-Index tăng hơn 40 điểm (3,86%) lên 1.075,53 điểm. VN30-Index tăng tích cực hơn với 4,84% lên 1.079,7 điểm, vượt qua VN-Index.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng hơn 3%, còn UPCOM-Index tăng gần 1%.

Cuối phiên, sắc xanh chiếm ưu thế với 331 mã tăng, 30 mã tham chiếu và 130 mã giảm. Trong nhóm VN30, toàn bộ 30 mã bluechip đều tăng giá.

Hai sàn niêm yết giao dịch hơn 14.500 tỷ đồng, trong đó riêng HoSE giao dịch gần 13.100 tỷ đồng. Do thanh khoản không còn đột biến, tình trạng nghẽn giao dịch không còn xảy ra.

Khối ngoại phiên ngày 2/2 tiếp tục mua ròng hơn 100 tỷ đồng trên HoSE, vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm bluechip.

Hà Nội đóng cửa quán game, Internet từ ngày 2/2

Một ngày sau khi tạm dừng hoạt động quán karaoke, bar, vũ trường, TP. Hà Nội tiếp tục yêu cầu đóng cửa quán game, Internet.

Hà Nội đóng cửa quán game, Internet từ ngày 2/2

Hà Nội đóng cửa quán game, Internet từ ngày 2/2

Chỉ đạo trên được Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố.

Theo ông Chử Xuân Dũng, từ 0h ngày 2/2, cửa quán game, Internet phải đóng cửa để phòng dịch vì Thành phố đang đứng trước nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng rất lớn. Khác với các đợt dịch trước, chủng virus lần này từ F1 thành F0 với tỷ lệ rất cao; thời gian từ khi tiếp xúc đến khi phát bệnh ngắn và trong cộng đồng có mầm bệnh, cần giải pháp cấp bách ngăn chặn.

Trước đó, Thành phố quyết định từ 1/2 dừng hoạt động quán karaoke, bar, vũ trường để phòng Covid-19; hạn chế tối đa tập trung đông người khi không cần thiết.

Phó chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly F1, F2, truy vết đến tận F3 để chủ động trước mọi tình huống; tăng cường năng lực xét nghiệm, phải thông tin sớm cho các trường hợp F1 âm tính, tránh tình trạng lo lắng, thấp thỏm.

Thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm được trên 5.400 người và phát hiện 5 ca dương tính. Hà Nội đặt mục tiêu sẽ hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm xong trước ngày 2/2 với toàn bộ người về từ vùng dịch.

Quảng Ninh sẽ phong tỏa toàn bộ thị xã Đông Triều

Do các ca Covid-19 tiếp tục gia tăng, tỉnh Quảng Ninh sẽ phong tỏa toàn bộ thị xã Đông Triều từ 0h ngày 3/2, thay vì chỉ 14 đơn vị cấp xã như hiện nay.

Xe quân đội phun khử khuẩn tại thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều

Xe quân đội phun khử khuẩn tại thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh thông tin tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các địa phương ghi nhận ca nhiễm Covid-19 cộng đồng liên quan ổ dịch tại 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh chiều 2/2.

Thị xã Đông Triều rộng hơn 390 km2, dân số 200.000, cách TP. Hạ Long chừng 60 km, cách thủ đô Hà Nội 100 km. Thị xã tiếp giáp với tâm dịch Chí Linh (Hải Dương), nơi mỗi ngày có vài trăm lao động qua làm việc, nguy cơ lây nhiễm lớn. Hiện 14 xã, phường của thị xã Đông Triều đã bị phong tỏa.

Bộ trưởng Long cũng yêu cầu Tỉnh tăng công suất, bảo đảm truy vét, xét nghiệm được 200.000 dân ở thị xã Đông Triều. Đặc biệt, ở vùng lõi nhiều thì phải nâng năng lực xét nghiệm.

Công an TP.HCM tìm chủ nhân lô điện thoại 3 tỷ đồng

Lô điện thoại trị giá 3 tỷ đồng bị thu giữ ở ga Sài Gòn không có chủ nhân đến nhận nên công an TP.HCM phát thông báo truy tìm.

Sơn cùng lô điện thoại bị thu giữ tại ga Sài Gòn

Sơn cùng lô điện thoại bị thu giữ tại ga Sài Gòn

Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an TP.HCM vừa phát thông báo truy tìm chủ nhân lô điện thoại di động trị giá 3 tỷ đồng.

Trước đó, trinh sát Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an TP.HCM phát hiện Nguyễn Lê Lâm Sơn (Quận 3, TP.HCM) vận chuyển 4 kiện hàng có biểu hiện nghi vấn ở khu vực ga Sài Gòn.

Qua kiểm tra, cảnh sát tìm thấy 325 chiếc điện thoại di động đã qua sử dụng có giá trị khoảng 3 tỷ đồng.

Sơn không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng trên. Anh ta khai được một người chưa rõ lai lịch thuê vận chuyển lô hàng trên với giá 3 triệu đồng.

Bị phạt tù vì nhận hơn 3,5 tỷ đồng chăm sóc khách hàng của Oceanbank

Cựu kế toán trưởng Nguyễn Thị Kim Anh bị phạt 24 tháng tù với cáo buộc nhận hơn 3,5 tỷ đồng của OceanBank để đề xuất lãnh đạo PVTrans gửi tiền vào Ngân hàng.

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh trong phiên xét xử ngày 2/2

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh trong phiên xét xử ngày 2/2

Ngày 2/2, bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh, cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán của Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) bị TAND Hà Nội tuyên mức án trên về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Giai đoạn năm 2009 - 2014, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn dầu khí (PVN) về việc ưu tiên sử dụng dịch vụ tài chính của OceanBank, PVTrans mở các tài khoản thanh toán và ký các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng này.

Từ tháng 8/2013 đến tháng 7/2014, Kim Anh 7 lần nhận tiền "chăm sóc khách hàng" từ Nguyễn Thị Minh Phương, cựu Phó tổng giám đốc OceanBank, tổng cộng 3,54 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, số tiền này thực chất là lãi suất ngoài hợp đồng được chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm chỉ đạo cấp dưới chi cho lãnh đạo, kế toán doanh nghiệp lớn để họ đề xuất, ủng hộ việc sử dụng dịch vụ gửi tiền tại OceanBank.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thừa nhận hành vi. Trước phiên xét xử, bị cáo đã nộp toàn bộ 3,54 tỷ đồng chiếm đoạt bất chính.

Theo cựu kế toán PVTrans, việc đưa tiền do Phương chủ động đề xuất, không có sự bàn bạc, thoả thuận. 7 lần đều nhận tiền mặt tại văn phòng của Kim Anh; trong đó, 4 lần Phương trực tiếp mang tới, 3 lần sau là cấp dưới.

Kim Anh khai toàn bộ số tiền nhận đã đưa Tổng giám đốc PVTrans để chi đối nội, đối ngoại và an sinh xã hội cho đơn vị, song không có tài liệu chứng minh.

Ôtô chở 4 người Trung Quốc vượt chốt kiểm dịch tại Quảng Trị

Sau khi vượt chốt kiểm tra y tế, tài xế điều khiển ôtô chở nhóm người Trung Quốc dừng lại ở một quán nước ven đường.

Chốt kiểm tra y tế ở Quảng Trị

Chốt kiểm tra y tế ở Quảng Trị

Ngày 2/2, ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết cơ quan chức năng đã đưa 5 người trên ôtô vượt chốt kiểm tra y tế đi cách ly tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Quảng Trị.

Trước đó, ôtô 7 chỗ mang biển TP.HCM lưu thông trên Quốc lộ 1 theo hướng từ Bắc - Nam. Trên xe lúc này có 6 người, gồm 4 người Trung Quốc, 2 người Việt Nam.

Đến xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, ôtô này vượt chốt kiểm tra y tế. Sau đó, tài xế điều khiển xe rẽ vào hướng thôn Tân Định, xã Vĩnh Chấp rồi dừng lại tại một quán nước bên đường.

Thấy người lạ vào thôn và nói tiếng Trung Quốc, chủ quán đã thông báo cho lực lượng chức năng. Chính quyền xã Vĩnh Chấp lập tức chỉ đạo các lực lượng đến kiểm tra và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện Vĩnh Linh.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 4 người Trung Quốc không có giấy tờ tùy thân và 1 người Việt Nam. Riêng tài xế ôtô đã bỏ trốn.

Theo cơ quan chức năng, sức khỏe nhóm người này không có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Lực lượng y tế đã phun thuốc khử khuẩn quán nước nơi 5 người này ghé qua.

Chuyên đề