Bản tin thời sự sáng 31/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam dự kiến thương mại hóa dịch vụ 5G vào cuối năm 2023; Công ty Lâm nghiệp 1-5 tại Thừa Thiên Huế khai thác đất trái phép; Hà Nội muốn chuyển 3.200 căn hộ thương mại thành nhà xã hội; cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị truy tố trong vụ án tại Quảng Ninh…

Việt Nam dự kiến thương mại hóa dịch vụ 5G vào cuối năm 2023

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có Quyết định số 1652/QĐ-BTTTT ban hành kế hoạch thương mại hóa 5G. Thời gian dự kiến cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Việt Nam dự kiến thương mại hóa dịch vụ 5G vào cuối năm 2023

Việt Nam dự kiến thương mại hóa dịch vụ 5G vào cuối năm 2023

Cụ thể theo kế hoạch dự kiến cuối năm 2023, đầu năm 2024, các nhà mạng sẽ chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G tới khách hàng.

Việc thương mại hóa dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng công nghệ IMT-2020 (5G) theo nguyên tắc phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, là nền tảng từng bước phát triển các ứng dụng, dịch vụ của 5G, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Việc thương mại hóa 5G trên cơ sở đấu giá và cấp phép băng tần triển khai 5G, cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho doanh nghiệp.

Việc đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông 5G tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở lựa chọn kiến trúc, công nghệ thích hợp, thực hiện các giải pháp chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp khi triển khai thương mại công nghệ mới.

Ưu tiên thương mại hóa 5G trên thiết bị do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.

Công ty Lâm nghiệp 1-5 tại Thừa Thiên Huế khai thác đất trái phép

Chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa hoàn tất thủ tục thuê đất song Công ty Lâm nghiệp 1-5 (tỉnh Thừa Thiên Huế) tự ý khai thác đất bán cho nhiều dự án, theo cơ quan thanh tra.

Khu rừng keo tràm bị Công ty cổ phần Lâm nghiệp 1-5 khai thác đất trái phép

Khu rừng keo tràm bị Công ty cổ phần Lâm nghiệp 1-5 khai thác đất trái phép

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Điền vừa lập biên bản khai thác đất trái phép ở thôn Phường Hóp, xã Phong An, huyện Phong Điền đối với Công ty CP Lâm nghiệp 1-5.

Thanh tra xác định, Công ty tự ý khai thác đất trái phép dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thuê đất của Nhà nước. Đại diện doanh nghiệp cho biết, có khoảng 150 m3 đất được các xe tải vận chuyển ra bên ngoài trong sáng cùng ngày.

Tuy nhiên, tại hiện trường, khu rừng keo tràm rộng hơn 8 ha đã bị xe múc đào bới tan hoang để lấy đất. Hàng chục xe tải chở đất liên tục di chuyển từ mỏ đất hướng ra Quốc lộ 1A để phục vụ công trình.

Năm 2014, Công ty CP Lâm nghiệp 1-5 được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực Phường Hóp, xã Phong An, huyện Phong Điền, gia hạn tại Giấy phép khai thác số 18/GP-UBND ngày 7/3/2019.

Tuy nhiên, năm 2020, Công ty bị tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt 120 triệu đồng vì hành vi chiếm đất nông nghiệp là đất rừng sản xuất trong hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp tại khu vực này.

Cơ quan chức năng còn yêu cầu Công ty khắc phục hậu quả với số tiền hơn 422 triệu đồng và thực hiện thủ tục thuê đất theo quy định.

Tháng 11/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép Công ty CP Lâm nghiệp 1-5 khai thác đất làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại Phường Hóp để phục vụ Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn và một số dự án giao thông đô thị có nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn Tỉnh.

Trong giấy phép khai thác khoáng sản, Tỉnh yêu cầu công ty trước khi khai thác, phải nộp cho cơ quan nhà nước có quyền thiết kế mỏ, lập thủ tục thuê đất và báo cáo để Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực địa, xác định tọa độ, cắm mốc giới phạm vi khai thác.

Hà Nội muốn chuyển 3.200 căn hộ thương mại thành nhà xã hội

TP. Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về điều chỉnh dự án của Him Lam tại quận Long Biên thành nhà ở xã hội.

Hà Nội muốn chuyển 3.200 căn hộ thương mại thành nhà xã hội

Hà Nội muốn chuyển 3.200 căn hộ thương mại thành nhà xã hội

Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội, tái định cư và thương mại Him Lam Phúc Lợi tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên được UBND TP. Hà Nội duyệt chủ trương đầu tư tháng 6/2018 cho Công ty CP Him Lam.

Dự án có quy mô 13,4 ha với hơn 3.200 căn hộ thương mại, 1.944 căn nhà ở xã hội và 504 căn nhà ở tái định cư theo đặt hàng của Thành phố. Tổng vốn đầu tư của dự án này khoảng 7.000 tỷ đồng.

Sau đó, Him Lam đã đề xuất Hà Nội cho chuyển toàn bộ dự án này thành nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu của người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, Công ty cũng xin giữ lại 20% quỹ đất tại Dự án để kinh doanh thương mại nhằm thu hồi vốn đầu tư.

UBND TP. Hà Nội cho biết cần Bộ Xây dựng xem xét, cho ý kiến trước khi điều chỉnh chủ trương của Dự án theo đề nghị của chủ đầu tư. Trước đó, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã thống nhất chủ trương đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận về nguyên tắc chuyển Dự án Him Lam Phúc Lợi thành nhà ở xã hội.

Giải trình về các yêu cầu này, Hà Nội cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội của Thành phố giai đoạn sau 2020 rất lớn, lên tới khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 1,21 triệu m2 sàn nhà ở. Về hạ tầng khu vực Dự án Him Lam Phúc Lợi phù hợp với chuyển đổi dự án và đúng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị truy tố trong vụ án tại Quảng Ninh

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC, bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới dùng các công ty con làm "quân xanh" để AIC trúng thầu tại Dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh.

Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh

Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh

VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh.

Trong đó, cơ quan tố tụng truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng liên quan vụ án này, VKSND Tối cao còn truy tố anh trai bà Nhàn là ông Nguyễn Anh Dũng (Giám đốc Công ty CP Bất động sản Phúc Hưng) và 14 bị can khác tại Công ty AIC, Sở Y tế Quảng Ninh, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh...

Đây là vụ án thứ 3 bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố. Trước đó, cựu Chủ tịch AIC bị tuyên 30 năm tù trong vụ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai dù đang trốn truy nã.

Kết luận điều tra của Bộ Công an xác định, bà Nhàn là người thành lập, xây dựng và điều hành toàn bộ hoạt động của Công ty AIC, các công ty thành viên và công ty do bà Nhàn thành lập để phục vụ việc tham gia đấu thầu của Công ty AIC.

Tại Dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, bà Nhàn giao ông Nguyễn Hồng Sơn (Phó tổng giám đốc AIC) và bà Trương Thị Xuân Loan (Trưởng Ban QLDA 3) trực tiếp thực hiện Dự án.

Kết luận điều tra xác định, bà Nhàn đã cung cấp các thông tin không trung thực về năng lực tài chính, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, gian lận trong đấu thầu, sau đó chỉ đạo hợp thức hóa số liệu qua Công ty Kiểm toán KTV để Công ty AIC đáp ứng hồ sơ mời thầu.

Ngoài ra, cựu Chủ tịch AIC chỉ đạo 3 cấp dưới sử dụng các công ty trong hệ sinh thái và các công ty có quan hệ phụ thuộc, tham gia dự thầu với vai trò "quân xanh" cho Công ty AIC trúng thầu…

Bộ Công an kết luận, Công ty AIC đã trúng 4 gói thầu, Công ty Mopha trúng 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi với tổng số tiền hơn 230 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỷ đồng.

Kết luận sai phạm tại dự án nhà ở chuyên gia Khu công nghệ cao TP.HCM

Thanh tra TP.HCM vừa ban hành văn bản thông báo kết luận thanh tra toàn diện Dự án khu nhà ở và dịch vụ chuyên gia tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Dự án nhà ở chuyên gia Senturia Central Point tại Khu công nghệ cao TP.HCM

Dự án nhà ở chuyên gia Senturia Central Point tại Khu công nghệ cao TP.HCM

Dự án khu nhà ở và dịch vụ chuyên gia tại Khu công nghệ cao TP.HCM do Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Công nghệ cao (Công ty CNC) làm chủ đầu tư.

Theo kết luận, Ban Quản lý Khu công nghệ cao (Quận 9 cũ, nay là TP. Thủ Đức) chưa xác định đúng diện tích đất cho thuê, thời điểm tính tiền thuê đất, dẫn đến việc xác định số tiền thuê đất phải thu từ 2014 - 2018 không chính xác, chậm xác định số tiền thuê đất từ năm 2019 - 2023.

Đây là nguyên nhân dẫn đến việc Công ty CNC vẫn chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2019 đến nay, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Thanh tra TP.HCM chỉ ra Ban Quản lý Khu công nghệ cao đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để chủ đầu tư ký kết hợp đồng cho thuê nhà có một số trường hợp không đúng đối tượng, không đảm bảo về thời hạn cư trú trong Khu công nghệ cao.

Đối với Công ty CNC, kết luận thanh tra nêu đơn vị này đã cho thuê bất động sản hình thành trong tương lai khi chưa nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án là không thực hiện đúng quy định.

Đơn vị này cũng ký hợp đồng cho thuê nhà không đúng đối tượng được cư trú trong Khu công nghệ cao; thời hạn cho thuê nhà không phù hợp với thời hạn làm việc của người lao động tại Khu công nghệ cao; ký 2 hợp đồng với 4 cá nhân mà không xác định rõ nhu cầu thực tế của người thuê nhà.

Trên cơ sở kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND Thành phố giao Ban Quản lý Khu công nghệ cao tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý từng thời kỳ có liên quan đến những sai sót, vi phạm đã nêu ở phần kết luận thanh tra.

An Giang yêu cầu lắp camera trên cần cẩu khai thác cát

UBND tỉnh An Giang đề nghị đơn vị khai thác cát lắp camera trên cần cẩu, phương tiện khai thác, mọi dữ liệu được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát.

Cần cẩu khai thác cát trên sông Hậu đoạn địa bàn tỉnh An Giang

Cần cẩu khai thác cát trên sông Hậu đoạn địa bàn tỉnh An Giang

Yêu cầu của chính quyền Tỉnh trong bối cảnh khai thác cát ở An Giang xảy ra nhiều sai phạm. Bộ Công an đã khởi tố nhiều cán bộ cấu kết doanh nghiệp để khai thác vượt giấy phép gấp nhiều lần. Trước đó, thực hiện kết luận của Thanh tra Chính Phủ, Tỉnh rút 10 giấy phép khai thác khoáng sản cấp sai quy định.

Ông Tô Hoàng Môn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho biết, Tỉnh là địa phương đầu tiên cả nước yêu cầu lắp camera vào phương tiện khai thác nhằm kiểm soát sản lượng. Các dữ liệu về khai thác sẽ được truyền về giúp cơ quan chức năng đối chiếu lượng cát đến các công trình trọng điểm; đảm bảo khai thác đúng trữ lượng, không thất thoát ra bên ngoài.

Để tăng cường quản lý, Tỉnh còn yêu cầu đo đạc, đánh giá trữ lượng còn lại tại các mỏ cát, kể cả dự án nạo vét thông luồng, chỉnh trị dòng chảy kết hợp thu hồi khoáng sản. Công an lập nhiều chốt kiểm soát nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép.

Trước đó giống như một số tỉnh thành khác, An Giang chỉ lắp camera ở vị trí khai thác, kho chứa để giám sát phương tiện không ra khỏi khu vực được cấp phép.

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Đồng bằng sông Cửu Long đang mất cân bằng trầm tích nghiêm trọng. Mỗi năm, khối lượng cát đổ về vùng châu thổ này là 6,8 - 7 triệu tấn, trong khi lượng khai thác cát là 28 - 40 triệu tấn. Việc khai thác quá trữ lượng cho phép dẫn đến tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đời sống người dân.

Lợi nhuận Xây dựng Hòa Bình giảm hơn 800 tỷ đồng sau kiểm toán

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lỗ ròng hơn 700 tỷ đồng trên báo cáo tài chính kiểm toán bán niên, so với mức lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng ở báo cáo tự lập trước đó.

Lợi nhuận Xây dựng Hòa Bình giảm hơn 800 tỷ đồng sau kiểm toán

Lợi nhuận Xây dựng Hòa Bình giảm hơn 800 tỷ đồng sau kiểm toán

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa công bố báo cáo kiểm toán với lợi nhuận giảm mạnh.

Theo báo cáo mới công bố, đại gia ngành xây dựng lỗ ròng hợp nhất hơn 711 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, trong khi báo cáo tự lập trước đó ghi nhận lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng. Con số chênh lệch lên tới gần 815 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu kinh doanh chính của Hòa Bình đều giảm so với báo cáo công bố trước đó. Trong đó, doanh thu giảm gần 30 tỷ đồng, ghi nhận hơn 3.460 tỷ đồng sau kiểm toán. Giá vốn thay đổi không đáng kể, khiến lợi nhuận gộp sụt giảm tương đương.

Hoạt động tài chính cũng bị thu hẹp. Doanh thu tài chính sau kiểm toán giảm hơn 72 tỷ đồng do điều chỉnh giảm doanh thu chuyển nhượng công ty con và điều chỉnh tăng lãi vay với Tiến Phát Sanyo Home.

Ảnh hưởng lớn nhất lên báo cáo sau kiểm toán là lợi nhuận khác giảm hơn 650 tỷ đồng. Nguyên nhân được Hòa Bình đưa ra là điều chỉnh giảm lợi nhuận từ việc bán tài sản tại công ty mẹ.

Khoản lỗ đột biến sau kiểm toán đẩy quy mô lỗ lũy kế của doanh nghiệp này tới cuối quý II lên hơn 2.800 tỷ đồng, vượt qua vốn góp của cổ đông (2.741 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu của Hòa Bình chỉ còn hơn 500 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả ghi nhận hơn 13.300 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (EY) cũng lưu ý, ngoài khoản lỗ lũy kế, Hòa Bình có các khoản nợ vay đã quá hạn, trong đó có một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn. Đối với các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, doanh nghiệp đang trong quá trình thương thảo xin gia hạn.

"Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn", kiểm toán viên nêu ý kiến.

Hoa Kỳ rà soát thuế chống phá giá một số sản phẩm của Việt Nam

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng công báo về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị rà soát hành chính đối với một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Hoa Kỳ rà soát thuế chống phá giá một số sản phẩm của Việt Nam. Ảnh minh họa

Hoa Kỳ rà soát thuế chống phá giá một số sản phẩm của Việt Nam. Ảnh minh họa

Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng công báo về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị rà soát hành chính đối với một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Cụ thể gồm: cá tra-basa (Frozen Fish Fillets), mã vụ việc A-552-801 (chống bán phá giá), thời kỳ rà soát từ 1/8/2022 - 31/7/2023; ống đồng (Seamless Refined Copper Pipe and Tube) mã vụ việc A-552-831 (chống bán phá giá), thời kỳ rà soát từ 1/8/2022 - 31/7/2023.

Ngoài ra còn có tháp gió (Utility Wind Tower), mã vụ việc A-552-825 (chống bán phá giá), thời kỳ rà soát từ 1/8/2022-31/7/2023...

Theo Cục Phòng vệ thương mại, quy định pháp luật của Hoa Kỳ nêu rõ thời hạn để doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị rà soát hành chính với các lệnh áp thuế nêu trên (nếu muốn được xem xét lại thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp đang áp dụng) trước ngày 31/8. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày DOC thông báo khởi xướng rà soát, các bên có quyền rút lại đề nghị rà soát của mình.

Chuyên đề