Bản tin thời sự sáng 31/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lấy 1,6 triệu test nhanh, TP.HCM phát hiện 64.300 mẫu dương tính SARS-CoV-2; đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sử dụng hệ thống thu vé tự động; tiếp nhận hơn 250.000 liều vaccine Covid-19 từ Cộng hòa Czech; đề xuất quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới dài 2.378 km; nữ đại gia bất động sản TP.HCM bị điều tra lừa hơn 234 tỷ đồng…

Lấy 1,6 triệu test nhanh, TP.HCM phát hiện 64.300 mẫu dương tính SARS-CoV-2

Thành phố đã lấy hơn 1,6 triệu mẫu test nhanh và phát hiện 64.300 ca dương tính SARS-CoV-2, tỷ lệ xấp xỉ 3,8%.

TP.HCM đang siết chặt giãn cách, tập trung test nhanh tất cả người ở "vùng đỏ" và "vùng cam" với tần suất 2 ngày một lần

TP.HCM đang siết chặt giãn cách, tập trung test nhanh tất cả người ở "vùng đỏ" và "vùng cam" với tần suất 2 ngày một lần

Theo ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, từ 18h ngày 28/8 đến 18h ngày 29/8, Thành phố đã lấy gần 370.000 mẫu, trong đó có hơn 7.500 mẫu đơn và 9.554 mẫu gộp; 292.348 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Sau 7 ngày xét nghiệm diện rộng, TP.HCM đã lấy hơn 1,6 triệu mẫu test nhanh, phát hiện 64.300 F0 (3,8% trong tổng số mẫu lấy).

Con số được ghi nhận trong tuần qua, khi TP.HCM siết chặt giãn cách, tập trung test nhanh tất cả người dân tại "vùng đỏ" và "vùng cam" với tần suất hai ngày một lần. Riêng khu vực "vùng xanh", Thành phố xét nghiệm RT-PCR với mẫu gộp 10, "vùng vàng" mẫu gộp 5 với tần suất 7 ngày một lần.

Thành phố đang điều trị 40.133 bệnh nhân. Trong ngày 29/8, TP.HCM có 2.372 bệnh nhân xuất viện, 245 trường hợp tử vong, cộng dồn từ 1/1 đến nay là 8.869 ca. Tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 107.216 người. Từ 27/4 đến chiều 30/8, TP.HCM có hơn 210.000 ca nhiễm Covid-19.

Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 29/8 là 6.123.510, trong đó, tổng số mũi 1 hơn 5,7 triệu, mũi 2 là hơn 332.000. Số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền đã tiêm gần 640.000.

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sử dụng hệ thống thu vé tự động

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vừa tiếp nhận “gói” thiết bị thuộc hệ thống thu vé tự động.

Tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vận hành thử nghiệm

Tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vận hành thử nghiệm

Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) Lê Trung Hiếu cho biết, đơn vị vừa phối hợp cùng các nhà thầu hoàn tất các thủ tục thông quan tại cảng Hải Phòng và đang tiến hành vận chuyển các thiết bị thuộc hệ thống thu vé tự động phục vụ cho giai đoạn vận hành đoạn trên cao về Hà Nội bằng xe chuyên dụng.

Theo ông Hiếu, hệ thống thu vé tự động thuộc Gói thầu CP09 (Thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống đường sắt 4). Hệ thống thu vé tự động (AFC) là gói thầu cuối cùng của Dự án Tuyến ĐSĐT thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Các nội dung phần việc của Gói thiết bị, lãnh đạo MRB cho biết, gồm thiết kế, cung cấp và lắp đặt Hệ thống thu vé tự động gồm 4 hạng mục chính: Phương tiện vé; Các thiết bị nhà ga phục vụ giao diện hành khách (gồm các máy bán vé tự động, các cổng kiểm soát vé ra vào tự động…); Các thiết bị điều khiển và giám sát tại các nhà ga; Thiết lập và điều khiển dữ liệu tại trung tâm điều hành OCC… Gói thiết bị và hệ thống vận hành thẻ vé được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, có xuất xứ chủ yếu từ Pháp.

Sáng 30/8, lô hàng đầu tiên của Gói thầu thiết bị thẻ vé đã được vận chuyển về đến công trường Dự án và sẵn sàng cho việc lắp đặt.

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội (tuyến đường sắt đô thị số 3), dài 12,5 km. Toàn tuyến có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - Ga Hà Nội) dài 4 km.

Tiếp nhận hơn 250.000 liều vaccine Covid-19 từ Cộng hòa Czech

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tiếp nhận hơn 210.000 liều vaccine AstraZeneca và 40.800 liều Moderna do Chính phủ Cộng hòa Czech tài trợ vào sáng 30/8.

Bộ Y tế tiếp nhận hơn 250.000 liều vaccine Covid-19 từ Cộng hòa Czech

Bộ Y tế tiếp nhận hơn 250.000 liều vaccine Covid-19 từ Cộng hòa Czech

Theo Thứ trưởng Cường, Bộ Y tế sẽ phân bổ số vaccine này tới các địa phương phòng, chống dịch khẩn cấp.

Lô vaccine này đã về đến sân bay Nội Bài ngày 27/8. Những ngày qua, vaccine được bảo quản trong một khoang nhiệt độ từ 2 - 8 độ C cho vaccine AstraZeneca, một khoang âm 20 độ C cho vaccine Moderna.

Đại biện lâm thời Cộng hòa Czech tại Việt Nam Lukas Musil cho biết, Việt Nam là ưu tiên trong chính sách hỗ trợ vaccine của Cộng hòa Czech.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 28/8, tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên cả nước là 19.431.093 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 16.999.888 liều, tiêm mũi 2 là 2.431.205 liều.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 27 triệu liều vaccine Covid-19, từ nhiều nguồn khác nhau gồm hợp đồng mua, từ Cơ chế Covax cung cấp, viện trợ từ các chính phủ... Trong đó, vaccine AstraZeneca hơn 17 triệu liều, Moderna hơn 5 triệu, Pfizer hơn 3 triệu, vaccine Sinopharm 2,5 triệu.

Đề xuất quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới dài 2.378 km

Đến năm 2030, cả nước dự kiến có thêm 9 tuyến đường sắt mới dài 2.378 km, ngoài 7 tuyến đường sắt quốc gia hiện tại.

Hành khách đi tàu tại ga Sài Gòn

Hành khách đi tàu tại ga Sài Gòn

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt đã trình Bộ quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030. Theo đó, đến năm 2030, ngành đường sắt đề xuất thu xếp vốn để khởi công một số dự án quan trọng như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, kết nối đến các cảng biển, thành phố lớn...

Trong 9 tuyến đường sắt mới được đề xuất quy hoạch, đáng chú ý là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Tuyến đường sắt này là đường đôi, khổ 1.435 mm, dài khoảng 1.559 km. Trước năm 2030 dự kiến đầu tư trước hai đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.

Hai tuyến đường sắt kéo dài đến cảng biển Quảng Ninh và Hải Phòng là tuyến Yên Viên - Cái Lân, dài khoảng 129 km; tuyến Hải Phòng - Lạch Huyện, từ ga Mạo Khê tới cảng biển Đình Vũ, Lạch Huyện, dài khoảng 78 km.

Khu vực Hà Nội có tuyến vành đai phía Đông kéo dài từ ga Ngọc Hồi đến ga Bắc Hồng, dài 59 km.

Miền Trung có tuyến Vũng Áng - Cha Lo (đèo Mụ Giạ, tỉnh Quảng Bình) kết nối với tuyến đường sắt Lào dài khoảng 119 km.

Ở phía Nam, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu kéo dài từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu dài 84 km.

Tuyến TP.HCM - Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cần Thơ, dài khoảng 174 km.

Tuyến Dĩ An - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư) dài 128 km.

TP.HCM còn có tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành từ ga Thủ Thiêm đến ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành với khổ đường đôi, dài 38 km.

Hiện nay, mạng đường sắt quốc gia có 7 tuyến vẫn được duy trì. Sau khi hoàn thành 9 tuyến đường sắt mới, mạng lưới đường sắt quốc gia sẽ có 16 tuyến với tổng chiều dài 4.746 km.

Để đạt được như vậy, nhu cầu vốn đầu tư dự kiến đến năm 2030 là 239.030 tỷ đồng, trong đó đường sắt tốc độ cao 112.325 tỷ đồng, đường sắt thường 126.705 tỷ đồng.

TP.HCM đề xuất chi hơn 9.200 tỷ đồng giúp người khó khăn

Với lý do dịch kéo dài, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đề xuất bổ sung 9.247 tỷ đồng hỗ trợ nhiều hộ nghèo, lao động tự do, làm thuê, gia đình chính sách...

Người khó khăn ở Phường 14 (quận Gò Vấp) nhận túi an sinh, tiền hỗ trợ từ chính quyền

Người khó khăn ở Phường 14 (quận Gò Vấp) nhận túi an sinh, tiền hỗ trợ từ chính quyền

Trong tờ trình vừa gửi UBND TP.HCM, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, Nghị quyết 09 đã có hai gói hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi Covid-19 trong tháng 6. Tuy nhiên đến nay, dịch vẫn tiếp diễn, Thành phố áp dụng Chỉ thị 16 và nhiều biện pháp siết giãn cách nên số người dân khó khăn tăng lên. Do đó, nghị quyết này cần điều chỉnh theo hướng mở rộng nhóm được giúp đỡ và kéo dài thời gian hỗ trợ đến cuối năm 2021.

Cụ thể, Sở LĐTB&XH đề xuất bổ sung hơn 1.660 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 1,1 triệu lao động tự do. Mỗi người nhận được 1,5 triệu đồng.

Hơn 7.210 tỷ đồng sẽ được chi cho gần 1,6 triệu hộ (khoảng 4,5 triệu người) lao động khó khăn sống trong nhà trọ, lưu trú, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa... và 300.000 lao động làm thuê theo thời vụ. Mỗi người nhận được 1,5 triệu đồng.

Gần 54.000 hộ nghèo, cận nghèo, mỗi hộ nhận 1,5 triệu đồng với tổng kinh phí gần 81 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở LĐTB&XH kiến nghị hỗ trợ gần 39.000 người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp hàng tháng, hơn 157.000 người thuộc nhóm bảo trợ xã hội, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt sống ở cộng đồng, các mái ấm. Mỗi trường hợp nhận 1,5 triệu đồng. Tổng kinh phí 294 tỷ đồng.

Kinh phí chi cho các nhóm hỗ trợ này được đề xuất từ ngân sách, trong đó có nguồn cải cách tiền lương.

Trong đợt dịch thứ tư, ngoài gói 26.000 tỷ đồng áp dụng toàn quốc, TP.HCM triển khai hai gói hỗ trợ riêng tổng trị giá gần 1.800 tỷ đồng, vừa bổ sung hơn 2.500 tỷ đồng. Đến nay, khoảng 1.840 tỷ đồng đã được giải ngân.

3 tỉnh Trà Vinh, Long An và Bến Tre tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số tỉnh miền Tây tiếp tục giãn cách xã hội để bóc tách F0, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm.

3 tỉnh Trà Vinh, Long An và Bến Tre tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16

3 tỉnh Trà Vinh, Long An và Bến Tre tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Lâm Minh Đằng, Thường trực Tỉnh ủy vừa đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Trà Vinh về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 10 ngày.

Theo đó, Trà Vinh sẽ kéo dài thời gian giãn cách xã hội từ ngày 31/8 - 10/9. Quyết định trên được đưa ra khi tình hình dịch Covid-19 ở Trà Vinh vẫn rất phức tạp, có 6 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

Tỉnh Long An cũng quyết định tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, kể từ ngày 31/8 - 13/9 đối với huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Châu Thành, Thủ Thừa, Cần Đước, Tân Trụ và TP. Tân An.

Thị xã Kiến Tường và các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và Đức Huệ sẽ áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 31/8 - 6/9.

Còn tại Bến Tre, UBND Tỉnh đã quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 từ ngày 30/8 - 10/9.

Nữ đại gia bất động sản TP.HCM bị điều tra lừa hơn 234 tỷ đồng

Bà Trương Thị Kim Soan, bị cáo buộc lừa đảo hơn 11,2 triệu USD, tương đương 234 tỷ đồng, của người đàn ông quốc tịch Australia.

Bị can Trương Thị Kim Soan

Bị can Trương Thị Kim Soan

Ngày 30/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ban hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Trương Thị Kim Soan để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự. Vụ án được khởi tố từ 1/3, xảy ra tại Công ty CP Đường Lâm, tỉnh Bình Thuận và các công ty khác có liên quan.

Theo điều tra ban đầu, bà Soan trú TP.HCM, là nhà môi giới đầu tư khai thác khoáng sản. Bà Soan nguyên là Giám đốc Công ty TNHH Vàng Titan Việt Nam, Công ty TNHH Khoáng sản Thiên Ân, Công ty TNHH Đầu tư khoáng sản Thiên Bình và một số công ty khác.

Bà Trương Thị Kim Soan bị C01 cáo buộc lừa hơn 11,2 triệu USD của ông John Koon (quốc tịch Australia) và các công ty khác do ông này làm đại diện theo uỷ quyền. Nhà chức trách chưa công bố hành vi của bà Soan song cho biết số tiền chiếm đoạt quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm nhận là hơn 234 tỷ đồng.

Bà Soan được biết đến là một đại gia bất động sản ở phía Nam, sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn. Năm 2016, bà Soan được nhắc đến nhiều khi là 1 trong 189 cá nhân, tổ chức ở Việt Nam có tên trong "hồ sơ Panama" gây chấn động. Bà cũng liên quan vụ Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng nhà đất công sản tại Số 129 Pasteur, Phường 6, Quận 3, TP.HCM.

Chuyên đề