Bản tin thời sự sáng 31/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Metro Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu thi công 4 km ngầm; thi công thủy điện Cam Ly Đà Lạt gây sạt lở; Thanh Hóa sẽ làm đường vành đai gần 10.000 tỷ đồng; Đà Nẵng chính thức giảm 9 phường, bỏ một số tên gọi cũ…

Metro Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu thi công 4 km ngầm

Robot dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn bắt đầu đào ngầm 4 km đoạn từ khách sạn Daewoo đến trước ga Hà Nội với thời gian dự kiến 16 tháng.

Robot đào hầm giống máy khoan hình trụ nằm ngang với đường kính 7-17,5 m, đủ để chứa thiết bị máy móc và công nhân ở bên trong để vận hành

Robot đào hầm giống máy khoan hình trụ nằm ngang với đường kính 7-17,5 m, đủ để chứa thiết bị máy móc và công nhân ở bên trong để vận hành

Sáng 30/7, tại ga S9 - Kim Mã, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cùng tư vấn và nhà thầu khởi công khoan hầm bằng máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) cho đoạn đi ngầm của Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội.

Theo kế hoạch, máy đào TBM1 (được đặt tên Thần tốc) khoan từ ga S9 - Kim Mã tại độ sâu 17,8 m. Khi TBM1 khoan khoảng 200 m thì máy TBM2 (tên Táo bạo) sẽ bắt đầu khoan. Sau khi hoàn thành 240 m đầu tiên, các máy khoan hầm sẽ tăng tốc đến tốc độ tiêu chuẩn khoảng 10 m/ngày để tiếp cận các ga tiếp theo.

Trên toàn tuyến đào ngầm có 6 tòa nhà phải phá dỡ, 42 tòa nhà người dân phải tạm cư một tháng. Hiện MRB đã hoàn thành trả chi phí đền bù, tạm cư cho các hộ dân. Tất cả hộ dân đã ký biên bản thỏa thuận và cam kết bàn giao nhà theo kế hoạch thi công.

Dự kiến việc đào ngầm 4 km kéo dài 16 tháng, tổng số nhân sự hơn 150 người, trong đó có những công tác chính như vận hành máy TBM, cánh tay robot lắp vỏ hầm, thay đầu cắt... Khi hoàn thành, các máy TBM sẽ được tháo dỡ tại ga S12 - Trần Hưng Đạo (đối diện ga Hà Nội), hệ thống thiết bị phụ trợ sẽ được kéo về và tháo dỡ tại ga S9 - Kim Mã.

Song song với quá trình thi công tuyến hầm bằng TBM, các hạng mục khác của đoạn tuyến ngầm (dốc hạ ngầm, các ga ngầm, gara và đường chuyển làn) được tiếp tục triển khai theo đúng kế hoạch.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài là 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4 km.

Thi công thủy điện Cam Ly Đà Lạt gây sạt lở

Đơn vị thi công khi đào đắp xây đường ống ngầm thuộc công trình thủy điện Cam Ly, TP. Đà Lạt gây sạt lở đường giao thông.

Hiện trường sạt lở đất

Hiện trường sạt lở đất

Khu vực sạt lở thuộc xã Tà Nung, nơi Công ty CP Xây dựng số 1 Việt Hưng (chủ đầu tư) đang đào đắp để xây đường ống ngầm. Điểm sạt lở phía trên đường ống, cao hơn 12 m, rộng 20 m, gồm phần đường giao thông khoảng 4 m, dài 30 m và một phần diện tích đất của một hộ dân đang canh tác. Vị trí này có khả năng sẽ tiếp tục bị sạt trong thời gian tới.

Tại biên bản làm việc với các phòng chức năng TP. Đà Lạt, đại diện chủ đầu tư cho biết, thửa đất công ty thi công được chủ sở hữu cho thuê với diện tích 1.350 m2. Ngoài ra, Dự án thủy điện Cam Ly đang thi công đào móng công trình trên nền đất yếu, gặp thời tiết mưa kéo dài dẫn đến sạt lở ngoài phần đất đã thuê gần 300 m2.

Theo chủ đầu tư, việc xảy ra sạt lở là ngoài ý muốn. Sau khi xảy ra sự cố, đơn vị đã làm đường tránh đảm bảo cho người dân đi lại, đồng thời lắp biển cảnh báo cùng rào chắn để đảm bảo an toàn. Sau khi hoàn thành xây dựng công trình, Công ty sẽ hoàn trả mặt bằng và khôi phục đường dân sinh theo vị trí ban đầu.

Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty CP Xây dựng số 1 Việt Hưng dừng thi công, di dời máy móc, thiết bị đến nơi đảm bảo an toàn. Chủ đầu tư sẽ được tiếp tục thi công khi hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan.

Thủy điện Cam Ly được khởi công vào năm 2020, với công suất thiết kế 9,6 MW, với tổng vốn đầu tư 306 tỷ đồng. Dự án dự kiến đưa vào hoạt động giữa năm 2022, song đến nay chậm tiến độ.

Thanh Hóa sẽ làm đường vành đai gần 10.000 tỷ đồng

Vành đai 3 dài hơn 21 km đi qua huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương và TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) có chức năng như tuyến tránh Quốc lộ 1, mở rộng không gian phát triển đô thị.

Vành đai 1 tại nút giao BigC cũ phía Đông TP Thanh Hóa

Vành đai 1 tại nút giao BigC cũ phía Đông TP Thanh Hóa

Ngày 30/7, ông Trịnh Huy Triều, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở đang hoàn thiện bước tư vấn thiết kế và thủ tục cần thiết trước khi trình UBND Tỉnh và HĐND phê duyệt Dự án vành đai 3 nhánh Đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án vành đai 3 nhánh Đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến Quảng Xương có tổng mức đầu tư 9.985 tỷ đồng từ ngân sách, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2024 - 2030. Tuyến đường dài hơn 21 km với điểm đầu tại giao giữa Quốc lộ 10 và Quốc lộ 1 ở xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa, kết thúc tại điểm giao với Quốc lộ 1 tại ngã tư Cống Trúc mới thuộc xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương.

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, vận tốc tối đa 80 km/h, nền đường rộng 31,5 m, bao gồm dải phân cách giữa 6 m, đoạn rộng nhất có 6 làn xe cơ giới. Toàn tuyến sẽ có 3 cây cầu gồm Đại Hưng, Thống Nhất và cầu vượt sông Nhà Lê.

Điểm nhấn của cung đường là cầu Đại Hưng vượt sông Mã nối phường Hoằng Đại với phường Quảng Hưng. Cầu dài hơn 1,7 km dự kiến thiết kế kiểu dây văng nhằm tạo điểm nhấn cho người dân và du khách khi đến Thanh Hóa.

TP. Thanh Hóa hiện có 3 tuyến vành đai gồm vành đai 1, 2 và vành đai phía Tây.

Lên kế hoạch xây Cảng khách quốc tế hơn 7.000 tỷ đồng ở Vũng Tàu

Nếu được triển khai, Cảng khách quốc tế có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng tại Vũng Tàu sẽ có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam.

Phối cảnh Cảng khách quốc tế đang được xem xét triển khai tại TP Vũng Tàu.

Phối cảnh Cảng khách quốc tế đang được xem xét triển khai tại TP Vũng Tàu.

Ngày 30/7, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức cuộc họp nghe báo cáo và lấy ý kiến các nhà đầu tư tiềm năng về phương án đầu tư Cảng khách quốc tế Vũng Tàu.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải và liên danh tư vấn, vị trí Cảng khách quốc tế tiếp tục được khảo sát tại khu vực Bãi Trước, bên cạnh tổ hợp nhà ga Cáp treo và Thủy cung đang được triển khai và đã đưa ra 4 phương án thiết kế.

Trên cơ sở đó ưu tiên lựa chọn phương án 1 có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng vì tính phù hợp, và đã có trong hồ sơ đề xuất quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải; đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất trong nội dung điều chỉnh quy hoạch gửi Bộ Giao thông vận tải.

Trong đó, quy mô xây dựng Cảng khách quốc tế tại Vũng Tàu bao gồm: nhà ga hành khách kết hợp cửa hàng miễn thuế; văn phòng khách sạn và căn hộ du lịch; bến du thuyền; bãi xe taxi, xe buýt; các công trình hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, cầu tàu, kè bờ, đê chắn sóng; khu bến cảng công vụ, hoa tiêu...

Cầu cảng bến tàu khách cho phép đậu 2 bên, đáp ứng cho cỡ tàu 225.000 - 228.000 GT. Tổng chiều dài bến khoảng 400 m, trong đó sàn đón khách dài 140 m. Cầu cảng nối với bờ bằng cầu dẫn dài khoảng 700 m.

Phía trong bố trí các bến 2 du thuyền, bến tàu công vụ, dịch vụ hàng hải cho hoa tiêu, cảng vụ; bến thủy phi cơ được bố trí bến riêng phía Đông, Đông Nam. Nếu được triển khai xây dựng, cảng tàu khách này sẽ có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam.

Đà Nẵng chính thức giảm 9 phường, bỏ một số tên gọi cũ

Theo nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng, khi sáp nhập đơn vị hành chính, Thành phố sẽ giảm từ 45 phường xuống còn 36 phường và sẽ có tên chung hoặc thay thế.

Đà Nẵng sẽ giảm 9 phường sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính

Đà Nẵng sẽ giảm 9 phường sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính

Ngày 30/7, HĐND thành phố Đà Nẵng thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Trong đó, Đà Nẵng sẽ giảm 9 phường (từ 45 phường thuộc 6 quận và 11 xã thuộc 2 huyện, sau sắp xếp sẽ còn 36 phường và 11 xã). Riêng phường Thạch Thang (quận Hải Châu) có yếu tố đặc thù nên các đại biểu thống nhất không thuộc diện sắp xếp.

Theo nghị quyết, tại quận Hải Châu có phường Hải Châu 1 và Hải Châu 2 được sáp nhập, lấy tên là phường Hải Châu; nhập phường Phước Ninh, Nam Dương và Bình Hiên thành phường Phước Ninh; nhập phường Bình Thuận với Hòa Thuận Đông thành phường Bình Thuận.

Tại quận Thanh Khê, phường Tam Thuận nhập với Xuân Hà thành phường Xuân Hà; Thạc Gián nhập với Vĩnh Trung thành phường Thạc Gián; Tân Chính nhập với Chính Gián thành phường Chính Gián; Thanh Khê Đông nhập với Hòa Khê thành phường Thanh Khê Đông.

Quận Sơn Trà có 2 phường An Hải Đông và An Hải Tây được sáp nhập, lấy tên gọi mới là An Hải Nam.

Các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và Liên Chiểu không có phường nào sáp nhập.

Đà Nẵng cũng điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phường Thuận Phước vào phường Thanh Bình (quận Hải Châu); điều chỉnh địa giới phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) vào phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) và một phần diện tích phường Thọ Quang vào phường Mân Thái (quận Sơn Trà).

TP.HCM sắp có phố thương mại ẩm thực ở Quận 7

Phố thương mại - ẩm thực Sky Garden ở Quận 7 sẽ hoạt động cuối tháng 8, là điểm đến mới cho kinh tế đêm TP.HCM.

Phối cảnh khu công viên ánh sáng trong quần thể Phố thương mại ẩm thực Sky Garden

Phối cảnh khu công viên ánh sáng trong quần thể Phố thương mại ẩm thực Sky Garden

Phố thương mại - ẩm thực này là một phần của Đề án thí điểm Kinh tế đêm TP.HCM đang được triển khai, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đêm độc đáo và chất lượng.

Theo bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó Chủ tịch UBND Quận 7, sau một thời gian chuẩn bị, khu phố này sẽ khai trương với diện tích 2,6 ha. Đây là khu vực hội tụ 222 cơ sở kinh doanh, trong đó có 125 cơ sở kinh doanh về dịch vụ ăn uống, ẩm thực; 40 cơ sở chăm sóc sắc đẹp; 25 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ và 31 cơ sở lưu trú. Đặc biệt, khu vực này sẽ được nâng cấp đồng bộ, từ hạ tầng đến các dịch vụ tiện ích, với logo, cổng chào, wifi miễn phí và QR Code giới thiệu sản phẩm.

Các tuyến phố Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Nghị, Đường số 2 và Bùi Bằng Đoàn (phường Tân Phong) sẽ là nơi tập trung của khu ẩm thực này. Thời gian hoạt động dự kiến từ 18h đến 24h hàng ngày, gồm các không gian ẩm thực cùng các hoạt động giải trí, chăm sóc sức khoẻ, mua sắm về đêm.

Theo đề án được UBND TP.HCM phê duyệt 2023, phố thương mại - ẩm thực Sky Garden không dùng ngân sách nhà nước để đầu tư. Đây cũng không phải là phố đi bộ nên xe cộ lưu thông bình thường, không giới hạn thời gian.

TP.HCM đang có 9 phố đêm gồm 2 phố đi bộ Bùi Viện và Nguyễn Huệ (đều ở Quận 1), 5 phố ẩm thực là Hồ Thị Kỷ và kỳ đài Quang Trung cùng ở quận 10, Vĩnh Khánh (Quận 4), Hậu Giang (Quận 6), Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), phố đêm Thảo Điền (TP. Thủ Đức).

Đến năm 2025, TP.HCM dự kiến mở ra 22 tuyến phố đi bộ về đêm, phố ẩm thực tại trung tâm nội đô và rải rác ở các quận, huyện

Mở 109 tài khoản để lừa nguyên Chủ tịch huyện Nhơn Trạch 171 tỷ đồng

Liên quan vụ nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị lừa đảo 171 tỷ đồng, Công an tỉnh Đồng Nai thông tin nhóm đối tượng sống tại Campuchia, lập 109 tài khoản ngân hàng để gây án.

Mở 109 tài khoản để lừa nguyên Chủ tịch huyện Nhơn Trạch 171 tỷ đồng

Mở 109 tài khoản để lừa nguyên Chủ tịch huyện Nhơn Trạch 171 tỷ đồng

Ngày 30/7, tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, công việc 6 tháng cuối năm 2024 do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức, Đại tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, thông tin thêm về vụ án nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị lừa 171 tỷ đồng.

Theo Đại tá Nguyễn Mạnh Toàn, căn cứ tài liệu, hồ sơ điều tra ban đầu, nhóm lừa đảo 171 tỷ đồng của nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch là người Việt sống ở Campuchia. Để thực hiện hành vi lừa đảo, nhóm dưới sự chủ mưu của người nước ngoài đã lập 109 tài khoản ngân hàng. Qua điều tra, cơ quan CSĐT phát hiện 12 đối tượng đang sống tại Việt Nam dùng CCCD giả để đăng ký 7 tài khoản bán cho nhóm lừa đảo tại Campuchia.

Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố 10 bị can liên quan đến vụ án này về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Hiện Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục phối hợp điều tra với Bộ Công an điều tra mở rộng vụ án.

Tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X, trong báo cáo trả lời chất vấn cử tri của Công an tỉnh Đồng Nai, đơn vị này cho hay bà Hương bị nhóm lừa đảo giả danh phó giám đốc công an tỉnh, gọi điện hù dọa.

Trước đó, tại tỉnh Đồng Nai xảy ra vụ việc bà Nguyễn Thị Giang Hương, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 171 tỷ đồng. Sau khi vụ việc xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an đã tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các cục nghiệp vụ để điều tra. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Chuyên đề