Bản tin thời sự sáng 31/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng có thể giảm tiếp 1.000 đồng/lít vào ngày 1/8; TP.HCM khởi động tháng cao điểm tiêm vaccine Covid cho trẻ; khôi phục một phần dung lượng trên tuyến cáp quang biển APG; đầu tư gần 1.200 tỷ đồng nâng cấp đường sắt Vinh - Nha Trang…

Giá xăng có thể giảm tiếp 1.000 đồng/lít vào ngày 1/8

Giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục giảm khiến nhiều doanh nghiệp dự báo, giá xăng dầu trong nước có thể giảm lần thứ 4 liên tiếp. Đợt điều chỉnh giá ngày 1/8 sắp tới, nếu không trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu, giá xăng được dự báo giảm quanh mức 1.000 đồng/lít.

Nếu không trích quỹ bình ổn, giá xăng dầu có giảm tiếp vào ngày 1/8. ảnh minh hoạ

Nếu không trích quỹ bình ổn, giá xăng dầu có giảm tiếp vào ngày 1/8. ảnh minh hoạ

Sau đợt điều chỉnh giá ngày 21/7 của liên Bộ Tài chính – Công thương, giá xăng dầu thành phẩm ở thị trường Singapore liên tiếp giảm. Tiêu biểu như, trên thị trường Singapore ngày 25/7, giá xăng thành phẩm RON92 ở mức 105,58 USD/thùng, xăng RON95 là 158,26 USD/thùng, dầu diesel mức 123,86 USD/thùng. Mức giá này giảm khá mạnh so với thời điểm ngày 20/7.

Những ngày sau đó, có thời điểm giá xăng A95 nhập từ Singapore đã giảm xuống chỉ còn 107 USD/thùng. Đây là mức giá rớt rất mạnh trong vòng 5 tháng qua. Mức này tương đương mức giá ngày 4/2/2022, khi đó giá xăng RON 95 là 24.360 đồng. Đây là mức giá chưa trừ thuế bảo vệ môi trường (3.300 đồng/lít).

Tuy nhiên, ngày 30/7, cập nhật từ thông tin giá thị trường xăng dầu cho thấy, xăng RON 95 tiếp tục tăng lên 120,1 USD/thùng, xăng E5 RON 92 ở mức 115,47 USD/thùng, dầu diesel 136,96 USD/thùng.

Nếu giá dầu thô giữ nguyên mức như hiện nay, giá xăng kỳ tới có thể giảm tiếp khoảng 700-1.200 đồng/lít.

Một trong những lý do tác động giá xăng ở kỳ điều chỉnh ngày 1/8 phụ thuộc vào việc trích lập quỹ bình ổn xăng dầu. Nếu mức trích lập quỹ như 2 lần trước với xăng là 950 đồng/lít, dầu 500 đồng/lít thì tại kỳ điều chỉnh này, giá xăng không giảm mà còn tăng.

TP.HCM khởi động tháng cao điểm tiêm vaccine Covid cho trẻ

TP.HCM chọn tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ, trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng do biến thể Omicron BA.4 và BA.5.

Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ tại TP.HCM

Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ tại TP.HCM

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, hoạt động này nhằm tăng tỷ lệ mũi tiêm, đảm bảo sự an toàn cho trẻ, trong đó có việc chuẩn bị cho khai giảng năm học mới. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM đã chỉ đạo tăng cường tiêm vaccine phòng Covid cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi, bao gồm mũi cơ bản và mũi nhắc lại, đảm bảo miễn dịch đầy đủ, hoàn thành tiêm chủng trước 30/8.

Các điểm tiêm sẽ được tổ chức tại các trường học đối với trẻ đi học và điểm tiêm cộng đồng đối với những trẻ không đi học.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, vaccine ngừa Covid-19 là vũ khí quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch, bảo vệ người dân, làm giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh. Việc tiêm các mũi nhắc lại nhằm khôi phục khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đã bị suy giảm theo thời gian, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người lớn tuổi và người mắc bệnh nền; bảo đảm duy trì miễn dịch cộng đồng, kiểm soát dịch bền vững.

Hiện, thành phố đã tiêm hơn 22,6 triệu mũi vaccine phòng Covid, bao gồm hơn 8,5 triệu mũi một, hơn 7,6 triệu mũi hai, hơn 686.000 mũi bổ sung, gần 4,6 triệu mũi ba, hơn 1,15 triệu mũi bốn.

Khôi phục một phần dung lượng trên tuyến cáp quang biển APG

Sau khi đối tác quốc tế cấu hình lại nguồn, dung lượng kết nối hướng HongKong (Trung Quốc) và Singapore của tuyến cáp quang biển quốc tế APG hiện đã được khôi phục.

Đối tác quốc tế để thực hiện cấu hình lại nguồn để tạm thời khắc phục sự cố trên tuyến cáp APG. Ảnh minh họa: Internet

Đối tác quốc tế để thực hiện cấu hình lại nguồn để tạm thời khắc phục sự cố trên tuyến cáp APG. Ảnh minh họa: Internet

Thông tin nêu trên vừa được đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam có sử dụng tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gate Way (APG) cho biết.

Tuyến cáp biển APG gặp sự cố vào 15h48 ngày 26/7. Ở lần thứ hai trong năm nay gặp sự cố, tuyến cáp biển này được xác định bị đứt trên nhánh S3, với vị trí cáp lỗi cách trạm cập bờ Chongming (Trung Quốc) của tuyến cáp 427km. Sự cố này đã gây mất dung lượng kết nối trên toàn tuyến, bao gồm các hướng cáp đi Singapore, HongKong (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Theo đại diện một nhà mạng cho biết, đối tác quản lý tuyến cáp đã thực hiện cấu hình lại nguồn, nhờ vậy dung lượng kết nối hướng Singapore và HongKong (Trung Quốc) đã được khôi phục từ 12h18 ngày 28/7.

Vị đại diện nhà mạng này cũng cho biết thêm, đây chỉ là phương án cấu hình nguồn tạm thời của hệ thống để khôi phục dung lượng. Để khắc phục triệt để sự cố xảy ra ngày 26/7 trên tuyến cáp biển APG, thời gian tới, đối tác vẫn cần huy động tàu sửa chữa. Tuy vậy, hiện chưa có lịch khắc phục sự cố APG gặp phải lần này.

APG là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm (Asia - America Gateway), SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3), Liên Á (IA - Intra Asia) và AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1).

Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được đưa vào khai thác từ giữa tháng 12/2016. Có chiều dài khoảng 10.400 km, tuyến cáp này được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps.

Đầu tư gần 1.200 tỷ đồng nâng cấp đường sắt Vinh - Nha Trang

Bộ GTVT vừa phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Vinh - Nha Trang thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM, tổng mức đầu tư hơn 1.189 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm, từ năm 2022 đến năm 2025.

Đoàn tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lưu thông trên tuyến đường sắt Bắc-Nam

Đoàn tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lưu thông trên tuyến đường sắt Bắc-Nam

Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang được giao cho Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, thực hiện nâng cấp đường, cầu, ga với tổng chiều dài gần 1.000km

Phạm vi đầu tư không bao gồm các hạng mục đã được đầu tư trong Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang thuộc gói 7.000 tỷ vốn trung hạn 2016-2020.

Theo quyết định đầu tư của Bộ GTVT, vốn đầu tư cho dự án từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch bố trí vốn dự kiến, năm 2022 khoảng 83 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 330 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 530 tỷ đồng; năm 2025 khoảng 129 tỷ đồng. Dự kiến chuyển tiếp giai đoạn sau số vốn còn lại.

Dự án triển khai thi công trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án là 27,65 tỷ đồng. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách thành tiểu dự án riêng, do UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định tổ chức thực hiện.

Đề xuất bỏ vé tháng, vé quý trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do tồn tại hình thức vé tháng, vé quý nên nhiều chủ phương tiện không có tiền trong tài khoản giao thông, gây khó khăn lớn trong xử lý tình huống.

Phương tiện qua trạm thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.

Phương tiện qua trạm thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.

Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ vừa có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bỏ hình thức vé tháng, vé quý trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.

Cụ thể, văn bản do ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ ký cho hay, cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ là tuyến cao tốc duy nhất thu phí kín sử dụng vé tháng, vé quý.

Theo ông Vũ Ngọc Oánh, giá vé trên cao tốc thu phí kín được tính theo km thực tế lưu thông. Việc sử dụng vé tháng, vé quý gây mất công bằng. Trong khi phương tiện sử dụng vé lượt phải trả hơn 1.000 đồng/PCU (xe con tiêu chuẩn)/km thì phương tiện vé tháng, vé quý chỉ phải trả 400-600 đồng.

Mặt khác cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ thu phí liên thông với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC quản lý), trong khi tuyến Cầu Giẽ-Ninh Bình không sử dụng vé tháng, vé quý, dẫn đến không đồng bộ trong thu phí.

Từ phân tích trên, ông Oánh cho rằng cần bỏ hình thức vé tháng, vé quý trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ để đảm bảo công bằng giữa các chủ phương tiện, góp phần lưu thông thông suốt hạn chế ùn tắc tại các trạm thu phí, nhất là khi chỉ có thu phí tự động không dừng.

Ông Oanh cho biết thêm, hiện trên tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ có khoảng 6.000 phương tiện đang sử dụng hình thức vé tháng, vé quý. Việc bỏ loại vé này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ phương tiện. Tuy nhiên, lưu lượng xe trên tuyến đang rất cao, bình quân trên 60.000 lượt xe/ngày đêm và thường xuyên xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí….

Chuyên đề

Kết nối đầu tư