Bản tin thời sự sáng 31/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM sẽ xét nghiệm Covid-19 người dân toàn Thành phố; gần 12.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường mỗi tháng; hơn 13.500 học sinh lớp 12 Vĩnh Phúc trở lại trường học từ ngày 31/5; đề xuất giảm giá 10% căn hộ bị ế trên đất vàng Thủ Thiêm; Hà Nội yêu cầu học sinh lớp 9 và lớp 12 không ra khỏi thành phố…

TP.HCM sẽ xét nghiệm Covid-19 người dân toàn Thành phố

TP.HCM sẽ lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng toàn Thành phố, dự kiến mỗi ngày khoảng 100.000 mẫu và tiến hành ưu tiên những khu vực nguy cơ cao trước.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân Phường 9, quận Gò Vấp

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân Phường 9, quận Gò Vấp

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong chỉ đạo như trên, tại cuộc họp khẩn về phòng chống Covid-19 ngày 30/5. Trước mắt, ngành y tế tập trung lấy mẫu tất cả các đơn vị bầu cử nơi có hội viên Hội thánh Truyền giáo Phục hưng cư ngụ; tất cả công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, Thành phố đã lấy hơn 50.000 mẫu xét nghiệm. Thành phố dự kiến kích hoạt công suất mỗi ngày lấy khoảng 100.000 mẫu để phát hiện nhanh các ca mắc, sớm kiểm soát dịch. Lực lượng chức năng cố gắng tập trung lấy mẫu vào ban ngày, chỉ lấy ban đêm nếu có tình huống phát sinh.

TP.HCM hiện có hơn 400 đội lấy mẫu trên toàn Thành phố, bao gồm nhân viên hệ thống Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế, trạm y tế, nhân viên từ các bệnh viện... Sở Y tế Thành phố điều động thêm khoảng 400 sinh viên từ các trường đại học y khoa, triển khai lấy mẫu xét nghiệm thần tốc.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, những ngày qua nhân viên y tế đang dồn lực lấy mẫu các khu vực phong tỏa, có ca nhiễm, ca nghi nhiễm. Sau khi hoàn tất lấy mẫu người dân ở những khu vực này, ngành y tế sẽ xem xét mở rộng lấy mẫu xét nghiệm tầm soát toàn bộ những khu vực khác. Kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tiến hành dựa theo phân loại nhóm nguy cơ.

Trước mắt, Thành phố đang lấy mẫu mở rộng cho toàn bộ người dân sống tại các Phường 3, 5, 9, 14, 15, thuộc quận Gò Vấp. Đây là quận có trụ sở sinh hoạt của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng.

Gần 12.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường mỗi tháng

Cả nước có 78.300 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm, nhưng cũng có gần 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tương đương mỗi ngày có 400 doanh nghiệp.

Gần 12.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường mỗi tháng

Gần 12.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường mỗi tháng

Thông tin trên vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Theo đó, trong 5 tháng, cả nước có gần 55.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778.300 tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và 39,5% về vốn đăng ký.

Số doanh nghiệp trở lại hoạt động là 22.600 doanh nghiệp, tăng gần 4%. Tính chung hai nhóm này, trong 5 tháng đầu năm có tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là 78.300 doanh nghiệp, tức trung bình mỗi tháng có gần 15.700 doanh nghiệp.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm là 14 tỷ đồng. Nếu tính cả 975.100 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 27,5% cùng kỳ.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường cũng ghi nhận 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ.

Trong đó, 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3%; 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tương đương mỗi ngày có 400 doanh nghiệp.

Hơn 13.500 học sinh lớp 12 Vĩnh Phúc trở lại trường học từ ngày 31/5

Sau 1 tháng tạm dừng đến trường để phòng chống dịch bệnh Covid-19, học sinh lớp 12 ở Vĩnh Phúc sẽ quay trở lại trường học để ôn thi tốt nghiệp THPT từ ngày 31/5 đến ngày 3/7.

Hơn 13.500 học sinh lớp 12 Vĩnh Phúc trở lại trường học từ ngày 31/5

Hơn 13.500 học sinh lớp 12 Vĩnh Phúc trở lại trường học từ ngày 31/5

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản đồng ý trước đề xuất của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc về việc cho học sinh lớp 12 quay lại trường học từ ngày 31/5-3/7.

Cụ thể, trên 13.500 học sinh lớp 12 năm học 2020 - 2021 của Vĩnh Phúc sẽ có 5 tuần ôn luyện trực tiếp tại trường học cho đến sát kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong các ngày 6 - 8/7/2021. Việc học ôn trực tiếp trong giai đoạn nước rút có ý nghĩa tích cực về mọi mặt, giúp thầy và trò đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác ôn thi.

Theo số liệu thống kê, có 13.563 học sinh lớp 12 Vĩnh Phúc đăng ký tham dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là 10.132 em, chiếm trên 72%.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định của ngành Y tế, các bộ, ngành liên quan và của Tỉnh. Tuyệt đối đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia dạy, học, ôn tập và dự các kỳ thi; Thực hiện khai báo y tế 3 ngày một lần.

Đề xuất giảm giá 10% căn hộ bị ế trên đất vàng Thủ Thiêm

HoREA cho rằng nếu đợt đấu giá lại 3.790 căn tái định cư tại Thủ Thiêm tới đây vẫn không có khách mua, Thành phố nên hạ giá 10%.

Đề xuất giảm giá 10% căn hộ bị ế trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức

Đề xuất giảm giá 10% căn hộ bị ế trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức

Trong tháng 6, TP.HCM sẽ đấu giá lại 3.790 căn hộ tái định cư trên đường Mai Chí Thọ, Quận 2, TP.Thủ Đức sau nửa thập niên bị bỏ hoang vì bán không ai mua. Quỹ nhà sắp đấu giá lại này có vị trí đắc địa, nằm bên Đại lộ Mai Chí Thọ, là tuyến đường có giá đất đắt đỏ nhất Thủ Thiêm hiện nay.

Phiên đấu giá sắp tới được đề xuất 9.900 tỷ đồng cho 3.790 căn, cao hơn mức khởi điểm lần đầu 900 tỷ đồng, diễn ra trong bối cảnh Covid-19 bùng phát trở lại tại TP.HCM và có nguy cơ tiếp tục ế khách như các đợt đấu giá trước đó.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), Thành phố đã đấu giá nhiều lần thất bại vì có quá nhiều vấn đề bất cập cần phải thay đổi để thúc đẩy việc chào bán thành công.

Mức giá đề xuất cho các đợt đấu giá sau cao hơn đợt trước trong khi không có nhà đầu tư tham gia có thể là một rào cản. Theo ông Châu, nếu đấu giá lại lần này không thành công, trong thời hạn một tháng sau đó, Thành phố nên giảm giá 10%.

Hàng nghìn căn hộ này có nguồn gốc là quỹ nhà tái định cư thường bị định kiến chất lượng không bằng nhà thương mại. Thêm vào đó, dự án còn bị bỏ trống nhiều năm không người ở sẽ nhanh bị cũ và xuống cấp…

Phương thức đấu giá trọn lô không phù hợp đối với quỹ nhà tái định cư quy mô quá lớn. Việc bán sỉ hàng nghìn căn sẽ hạn chế khách mua vì chỉ thu hút các nhà đầu tư tổ chức có vốn lớn tham gia, hiện số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính cỡ này không nhiều. Để khắc phục, ông Châu cho rằng, nếu đấu giá một lần hàng nghìn căn bị ế, Thành phố nên chia nhỏ theo block vài trăm sản phẩm trong phiên đấu giá lại ngay sau đó.

Cao tốc Bắc - Nam qua Bình Định, Phú Yên sẽ đầu tư công trong giai đoạn 2021 - 2025

Đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn Bình Định, Phú Yên dự kiến dài 137km vừa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình dự án đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục để sớm đầu tư Dự án.

Cao tốc Bắc – Nam qua Bình Định, Phú Yên sẽ đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025

Cao tốc Bắc – Nam qua Bình Định, Phú Yên sẽ đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025

Bộ GTVT dẫn quy hoạch cho thấy, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Bình Định có tổng chiều dài khoảng 137km, gồm các đoạn: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Tuy Hòa.

Hiện Bộ GTVT đã lập báo cáo tiền khả thi các đoạn cao tốc còn lại trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, để dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo kế hoạch giao vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT được Thủ tướng chấp thuận dự kiến phân bổ khoảng 252.694 tỷ đồng, trong đó có 221.428 tỷ đồng vốn trong nước và 31.267 tỷ đồng vốn nước ngoài.

Bộ GTVT cho biết, đang phối hợp với các bộ ngành để triển khai các trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định, sớm thực hiện Dự án.

Hà Nội yêu cầu học sinh lớp 9 và lớp 12 không ra khỏi Thành phố

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu học sinh lớp 9 và lớp 12 không ra khỏi Thành phố từ nay cho đến khi hoàn thành xong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021 - 2022 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Hà Nội yêu cầu học sinh lớp 9 và lớp 12 không ra khỏi thành phố

Hà Nội yêu cầu học sinh lớp 9 và lớp 12 không ra khỏi thành phố

Theo chỉ đạo ngày 30/5 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, học sinh lớp 9 và 12 phải hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, chủ động ôn tập tại nhà, giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị tốt cho các kỳ thi. Nhà trường phải phối hợp với phụ huynh quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị, trường học trên địa bàn Thành phố chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021 - 2022 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 bảo đảm an toàn.

Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2021 - 2022 ở Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 10 - 11/6 với hơn 93.000 thí sinh dự thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong hai ngày là 7 - 8/7 với hơn 101.000 thí sinh dự thi. Qua rà soát, Thành phố hiện có hai thí sinh thuộc diện F0, 28 em F1 và 583 em F2.

TP.HCM trưng dụng 7 ký túc xá đại học, cao đẳng làm khu cách ly

UBND TP.HCM đề nghị trưng dụng 7 ký túc xá của các Trường đại học, cao đẳng tại TP. Thủ Đức và Quận 11, chuẩn bị cho tình huống 100 - 300 ca bệnh.

Khu cách ly đặt tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Khu cách ly đặt tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Đề nghị này được UBND TP.HCM đưa ra ngày 30/5 trước diễn biến phức tạp của dịch. Việc trưng dụng các khu ký túc xá nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu cách ly y tế của Thành phố thời gian tới.

Trong 7 ký túc xá, có 6 khu ở TP. Thủ Đức: Đại học Quốc gia, Sư phạm Kỹ thuật, Nông Lâm, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Cao đẳng Công Thương, Công nghệ Thủ Đức tại TP. Thủ Đức; ký túc xá Đại học Sư phạm TP.HCM ở Quận 11.

Trong đó, ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM trong Khu đô thị Đại học Quốc gia có quy mô lớn nhất. Nơi này có sức chứa 40.000 giường cho sinh viên, nếu làm khu cách ly có thể tổ chức gần 20.000 giường. Hiện lực lượng chức năng dọn dẹp các phòng, sẵn sàng đón người đến cách ly.

Trước đó, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia, TP.HCM đã có kịch bản ứng phó trong tình huống dịch lan rộng với 5.000 ca nhiễm cùng lúc và 30.000 người phải cách ly.

Thành phố đã chuẩn bị 2 khu cách ly tập trung của quân đội (Trường Quân sự Thành phố ở huyện Củ Chi và ở Trung đoàn 10, Bộ Tư lệnh Thành phố ở huyện Nhà Bè), 5 khu cách ly cấp thành phố, 23 khu cách ly cấp quận huyện và 42 khách sạn cách ly có thu phí, với tổng công suất gần 10.500 giường.

Ngoài ra, ngành y tế Thành phố phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai thêm cơ sở cách ly tập trung trong tình huống dịch lan rộng. Lúc đó, 9 khu của quân đội và một khu của ký túc xá Đại học Quốc gia sẽ được huy động với tổng công suất 19.520 giường, khả năng cách ly tập trung của Thành phố lên 30.000 người.

Chuyên đề