Thành phố Vinh mở rộng từ ngày 1/12
Kể từ ngày 1/12, thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc sẽ sáp nhập vào TP. Vinh (tỉnh Nghệ An), nâng tổng diện tích lên 166,22 km2, gấp hơn 1,5 lần so với hiện tại.
Một góc của TP Vinh |
Theo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn bộ diện tích tự nhiên 29,09 km2, dân số 77.813 của thị xã Cửa Lò; 32,14 km2 và 45.130 người dân của xã Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái và Nghi Phong, huyện Nghi Lộc sẽ sáp nhập vào TP. Vinh.
TP. Vinh hiện tại rộng 105 km2, dân số hơn 450.000. Sau khi mở rộng, TP. Vinh có diện tích 166,22 km2, dân số 580.669. 4 phường được lập mới gồm Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Phúc và Nghi Đức. Phường Hồng Sơn được sáp nhập vào Vinh Tân, phường Đội Cung và Lê Mao vào Quang Trung…
Sau sắp xếp, TP. Vinh có 33 đơn vị hành chính cấp xã, là đô thị có biển, địa giới giáp huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và Biển Đông.
Theo UBND tỉnh Nghệ An, TP. Vinh khi mở rộng sẽ là đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của Tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ. Đây là đô thị loại I, trung tâm của vùng về các lĩnh vực tài chính, thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, giáo dục, đối ngoại..., có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế.
TP. Vinh sẽ phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp sạch, công nghệ cao, tổ hợp khu công nghiệp và dịch vụ; du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái... TP. Vinh hiện hữu tiếp tục hoàn thiện các chức năng về dịch vụ thương mại cấp vùng. Với các địa bàn vừa sáp nhập, Cửa Lò được định hướng là trung tâm du lịch biển, 4 xã của Nghi Lộc là trung tâm công nghiệp cảng biển.
Cảng hàng không quốc tế Vinh cũng thuộc TP. Vinh mở rộng, được định hướng phát triển thành trung tâm dịch vụ thương mại, logistic và du lịch quốc tế, tạo kết nối cho tỉnh Nghệ An và Bắc Trung Bộ thông qua đường hàng không.
Ông Nguyễn Khắc Thận được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình
Chiều 2/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về nội dung công tác cán bộ. Ông Nguyễn Khắc Thận - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025 |
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị đồng ý để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình thực hiện quy trình kiện toàn chức danh Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ nguồn nhân sự tại chỗ, ngày 19/11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện các bước quy trình giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo quy định, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình, Chủ tịch HĐND Tỉnh đã thông báo ý kiến của Bộ Chính trị đồng ý giới thiệu ông Nguyễn Khắc Thận để bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Kết quả, với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối, ông Nguyễn Khắc Thận được Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trước đó, ông Ngô Đông Hải - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông Nguyễn Khắc Thận sinh năm 1974; quê quán xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Ông Nguyễn Khắc Thận có trình độ Cử nhân Cao đẳng Kiểm sát (Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội), Cử nhân Luật (Trường đại học Quốc gia Hà Nội), Thạc sĩ Quản lý kinh tế (Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa
Với 100% phiếu bầu, ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ông Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và các Phó Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên |
Chiều 2/12, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Kỳ họp thứ 23, khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) để bầu chức danh Chủ tịch HĐND Tỉnh.
Với 100% phiếu bầu, ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2021 - 2026 thay ông Đỗ Trọng Hưng đã được điều động, phân công làm Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Ngay sau kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc bầu Chủ tịch HĐND Tỉnh, theo đúng quy định của pháp luật.
Hà Nội có gần 100 triệu hành khách đã trải nghiệm đi xe buýt điện
Các tuyến xe buýt điện của thành phố Hà Nội được đưa vào vận hành khai thác đã thu hút đông đảo người dân lựa chọn làm phương tiện đi lại, góp phần giảm xe cá nhân và ô nhiễm môi trường.
Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thêm các tuyến xe buýt điện |
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội, sau 3 năm vận hành, các tuyến xe buýt điện của Thành phố đã vận chuyển gần 100 triệu hành khách.
Cụ thể, cuối năm 2021, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội đưa vào hoạt động 3 tuyến xe buýt điện, giai đoạn 2022 đưa vào hoạt động 6 tuyến và cuối năm 2023 có thêm một tuyến. Đến nay, thành phố Hà Nội có 10 tuyến xe buýt điện hoạt động của Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus.
Thống kê trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện tại có hơn 2.000 xe buýt được trợ giá đang hoạt động, nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe sử dụng khí hóa lỏng (CNG) và 138 xe buýt điện.
Tại Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đưa ra lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố đạt 100% vào năm 2035.
Theo đó, giai đoạn 2026 - 2035, Thành phố sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG (khí thiên nhiên hóa lỏng). Tổng số phương tiện cần chuyển đổi là 2.051 xe. Trong đó, năm 2025, Thành phố sẽ chuyển đổi 103 xe điện (tỷ lệ 5%); giai đoạn 2026 - 2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe (93,4%), trong đó 859 xe điện và 851 xe LNG/CNG; giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi 2.051 xe (đạt 100%).
Từ đầu năm 2025, các đơn vị vận tải đang triển khai các thủ tục để đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.
Trong năm 2025 sẽ chuyển đổi với các phương tiện buýt diesel lớn hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt điện lớn. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.
Hơn 9.000 tỷ đồng gửi vào hệ thống ngân hàng mỗi ngày
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết tháng 9, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, tăng hơn 3,4%; tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,95 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm ngoái.
Hơn 9.000 tỷ đồng gửi vào hệ thống ngân hàng mỗi ngày |
Ngày 2/12, Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu mới nhất về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến tháng 9/2024.
Cụ thể, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến hết tháng 9, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 7,07 triệu tỷ đồng, tăng 3,43%; tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,95 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm ngoái.
So với cuối tháng trước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 238.000 tỷ đồng trong khi tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 32.700 tỷ đồng. Tính chung chỉ trong tháng 9, trung bình mỗi ngày có hơn 9.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng.
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng Khoán KBSV cho biết, lãi suất tiền gửi tiết kiệm không có biến động nhiều trong tháng 10.
Tính đến ngày 31/10, lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của nhóm ngân hàng thương mại duy trì mức 4,9% ở kỳ hạn 12 tháng.
Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh duy trì ở mức 4,6 - 4,7%, giảm 0,25% so với cùng kỳ. Nhóm các ngân hàng thương mại lớn có xu hướng giảm nhẹ từ 0,05 - 0,1% ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục được duy trì ở mức thấp và có thể tăng nhẹ 0,1 - 0,3% tùy từng ngân hàng trong những tháng còn lại của năm 2024.
Kỷ luật Bí thư Thị ủy Cửa Lò Phạm Thị Hồng Toan
Bí thư Thị ủy Cửa Lò Phạm Thị Hồng Toan bị kỷ luật khiển trách; nguyên Bí thư Thị ủy Cửa Lò Nguyễn Thị Kim Chi bị đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.
Bí thư Thị ủy Cửa Lò Phạm Thị Hồng Toan bị kỷ luật khiển trách |
Tại phiên họp ngày 2/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã xem xét, thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đảng viên có vi phạm liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát; công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại thị xã Cửa Lò.
Tại phiên họp, sau khi nghe báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, căn cứ các quy định của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã quyết định thi hành kỷ luật bà Phạm Thị Hồng Toan, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy Cửa Lò (chịu trách nhiệm người đứng đầu Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò từ tháng 9/2021 đến nay) bằng hình thức Khiển trách.
Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật bà Nguyễn Thị Kim Chi, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thị ủy Cửa Lò (chịu trách nhiệm người đứng đầu Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò từ tháng 1/2020 đến tháng 8/2021).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 bằng hình thức Khiển trách. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An đã quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Long, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thị xã Cửa Lò bằng hình thức Khiển trách.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã nghe báo cáo, xem xét kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các tổ chức đảng, đảng viên khắc phục kịp thời, triệt để các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, từng trải qua các chức vụ như Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An; giữ chức Bí thư Thị ủy Cửa Lò (tỉnh Nghệ An); Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Nghệ An.
Không điều chỉnh bổ sung xe khách liên tỉnh chạy xuyên tâm qua Hà Nội
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có phản hồi trước đề xuất của một số doanh nghiệp vận tải xin điều chỉnh bổ sung xe khách tuyến cố định liên tỉnh chạy xuyên tâm qua địa bàn Thành phố.
Hà Nội không chấp thuận điều chỉnh bổ sung xe khách liên tỉnh tuyến cố định chạy xuyên tâm qua địa bàn Thành phố |
Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ GTVT và sở giao thông vận tải các tỉnh thành, phố về đề xuất của một số doanh nghiệp xin điều chỉnh bổ sung hành trình tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đi xuyên tâm thông qua địa phận thành phố Hà Nội.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, khu vực trung tâm là khu vực có nguy cơ ùn tắc và mất trật tự an toàn giao thông. Do vậy, căn cứ Quyết định số 927 của Bộ GTVT về việc công bố danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó với địa bàn thành phố Hà Nội, xe khách sau khi xuất bến xe đi theo các hướng đã được quy hoạch.
Cụ thể, xe khách đi các tỉnh phía Đông, Đông Bắc (của thành phố Hà Nội) di chuyển theo hướng Quốc lộ 5 (hoặc đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hoặc Quốc lộ 1A) đường Vành đai 3 - cầu Thanh trì - đường Vành đai 3 trên cao - Đại lộ Thăng Long - Quốc lộ 21 - Quốc lộ 6 (hoặc Quốc lộ 32)… và ngược lại.
Xe khách đi các tỉnh phía Đông, Đông Nam (Hà Nội) di chuyển theo hướng: Quốc lộ 5 (hoặc đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Vành đai 3 - Quốc lộ 5) - đường Nguyễn Văn Linh - đường Lý Sơn - cầu Đông Trù - đường Trường Sa - đường Hoàng Sa - đường Võ Văn Kiệt - Quốc lộ 2 (hoặc đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai)… và ngược lại.
Xe khách đi các tuyến có hành trình đi qua địa bàn thành phố Hà Nội nằm ngoài đường Vành đai 3 bố trí hành trình theo nhu cầu và đề xuất của sở giao thông vận tải hai đầu tuyến.
Từ thực tế này, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và hạn chế ùn tắc giao thông, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Vụ Vận tải (Bộ GTVT) và Cục Đường bộ Việt Nam không chấp thuận đối với đề xuất điều chỉnh bổ sung hành trình tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có hành trình mang tính chất xuyên tâm qua thành phố Hà Nội và không theo nguyên tắc đã đề ra tại Quyết định số 927 của Bộ GTVT…
Xử phạt ban quản lý dự án huyện ở Bắc Giang liên quan đến cầu Đồng Việt
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Yên Dũng 350 triệu đồng.
Dự án “Đất ở tái định cư dự án xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu” do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Dũng làm chủ đầu tư |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Dũng.
Theo quyết định, Dự án “Đất ở tái định cư dự án xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu” do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Dũng làm chủ đầu tư đã có vi phạm hành chính khi không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Dũng và trích lục bản đồ địa chính khu đất, diện tích đất sử dụng để thực hiện Dự án là 1,71ha, trong đó diện tích đất có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên là 1,71 ha.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Dũng đã triển khai Dự án (tổ chức san lấp mặt bằng, thi công xây dựng một phần các hạng mục san nền đường giao thông, hệ thống thoát nước, lắp dựng cột đèn chiếu sáng trên diện tích khoảng 1,3 ha) khi chưa có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.
UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Yên Dũng số tiền 350 triệu đồng. Đồng thời, đình chỉ hoạt động triển khai thi công xây dựng các hạng mục công trình của Dự án “Đất ở tái định cư dự án xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu” trong thời hạn 9 tháng để khắc phục vi phạm theo quy định.