Bản tin thời sự sáng 31/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 13 cơ quan trung ương hoàn thành tinh gọn bộ máy; TP.HCM đồng loạt khánh thành 4 công trình trọng điểm; thưởng Tết ở Hà Nội cao nhất 311 triệu đồng; cựu Vụ phó Nguyễn Lộc An bị cáo buộc gọi doanh nghiệp "hỗ trợ" 9 tỷ đồng để mua nhà…

13 cơ quan trung ương hoàn thành tinh gọn bộ máy

Sáng 30/12, Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của 13 cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định của Bộ Chính trị cho đại diện 13 cơ quan

Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định của Bộ Chính trị cho đại diện 13 cơ quan

Ông Nguyễn Quang Dương, Phó ban Tổ chức Trung ương cho biết, 13 cơ quan gồm: Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, việc 13 cơ quan Đảng, Đoàn thể Trung ương hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là sự cố gắng, nỗ lực lớn, là tinh thần gương mẫu, nghiêm túc trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của từng cơ quan. Đây cũng là sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương.

Tổng Bí thư lưu ý đây mới là bước khởi đầu, phía trước còn rất nhiều công việc phải làm và phức tạp hơn vì liên quan đến cơ chế vận hành, việc sắp xếp tinh gọn đội ngũ cán bộ.

Tổng Bí thư đề nghị, từng cơ quan phải bảo đảm công việc tiếp tục bình thường, không gián đoạn, bỏ sót. Trong quá trình thực hiện có thể có bất cập nên các cơ quan cần rà soát, thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương, báo cáo Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung khi cần thiết; đồng thời khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý về hành chính để hoạt động, giao dịch theo pháp nhân của cơ quan mới. Các cơ quan phải nhanh chóng xây dựng hoặc sửa đổi quy chế làm việc theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng".

Người đứng đầu Đảng lưu ý, trong sắp xếp trụ sở, chỗ làm việc không để xảy ra tình trạng phân biệt, mất đoàn kết; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ đầm ấm.

Đội ngũ cán bộ cũng phải được rà soát cơ cấu và sắp xếp lại để nâng cao chất lượng công việc. Mục đích của sắp xếp tổ chức bộ máy là đạt được tinh gọn, tránh trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, tránh bỏ sót, cắt khúc công việc, phải rõ cơ quan chủ trì để sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ, bảo đảm sau sắp xếp thì cơ quan, đơn vị hoạt động hiệu quả hơn.

TP.HCM đồng loạt khánh thành 4 công trình trọng điểm

Cầu Phước Long, hầm chui đại lộ Nguyễn Văn Linh, đoạn song hành Quốc lộ 50 và đường Tân Kỳ - Tân Quý thông xe sáng 30/12 góp phần khơi thông các cửa ngõ TP.HCM.

Cầu Phước Long thông xe sáng 30/12

Cầu Phước Long thông xe sáng 30/12

4 dự án trọng điểm đều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư nhằm giảm ùn tắc, chỉnh trang đô thị cho khu vực cửa ngõ phía Nam và Tây Nam của Thành phố.

Trong đó, Dự án cầu Phước Long mới nối Quận 7 và Nhà Bè, tổng mức đầu tư gần 740 tỷ đồng, đưa vào khai thác giúp thay cầu cũ nhỏ hẹp, xuống cấp. Công trình nằm trên đường Phạm Hữu Lầu bắc qua rạch Phú Xuân, dài 359 m, rộng 10,5 m và đường dẫn hai đầu đã hoàn thành đồng bộ cùng với hệ thống cây xanh, thoát nước, chiếu sáng...

Cầu Phước Long đưa vào sử dụng kỳ vọng giảm tải cho cầu Phú Xuân 2 trên đường Huỳnh Tấn Phát, đồng thời góp phần giải quyết một trong các điểm ùn tắc, rút ngắn thời gian đi từ huyện Nhà Bè sang quận 7 và ngược lại.

Là một trong những nút giao lớn nhất Nam Sài Gòn, nhánh hầm theo đại lộ Nguyễn Văn Linh chui dưới đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7, thông xe giúp giảm ùn tắc cho khu vực. Nhánh hầm này cho ôtô chạy theo hướng Bình Chánh về Tân Thuận. Đây là một trong hai nhánh thuộc dự án xây hầm chui qua nút giao, tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng (giai đoạn một). Trước đó, hồi tháng 10, nhánh hầm theo hướng ngược lại đã hoàn thành.

Khởi công năm 2020, Dự án xây hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ gồm 2 hầm ở mỗi chiều đại lộ Nguyễn Văn Linh, mỗi hầm dài 456 m, 3 làn xe. Phía trên làm đảo tròn cùng các nhánh rẽ. Đây là giao lộ có mật độ ôtô trọng tải lớn dày đặc nên cả 2 nhánh hầm đưa vào khai thác giúp hạn chế giao cắt giữa các dòng xe, hạn chế ùn tắc, tai nạn cho khu vực.

Cũng nằm ở cửa ngõ phía Nam Thành phố, một đoạn đường song hành Quốc lộ 50 được TP.HCM đưa vào khai thác ngày 30/12 giúp giảm áp lực giao thông cho quốc lộ hiện hữu. Tuyến song hành là một phân đoạn của Dự án mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, khởi công cuối năm 2022 tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Toàn Dự án dài gần 7 km, bắt đầu từ đoạn giao với đường Nguyễn Văn Linh đến giáp ranh tỉnh Long An.

Sáng 30/12, Dự án mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý, đoạn qua quận Bình Tân, thông xe giúp giảm ùn tắc cho trục đường huyết mạch cửa ngõ Tây Nam Thành phố. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng...

Thưởng Tết ở Hà Nội cao nhất 311 triệu đồng

Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất ở Hà Nội thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 311 triệu đồng, hơn Tết năm trước 106 triệu đồng.

Bình quân thưởng Tết năm nay cao hơn so với năm trước. Ảnh minh hoạ

Bình quân thưởng Tết năm nay cao hơn so với năm trước. Ảnh minh hoạ

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP, Hà Nội vừa có báo cáo nhanh tình hình thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo đó, dự kiến mức thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ bình quân năm nay sẽ tăng so với dịp Tết năm 2024.

Mức thưởng Tết đối với các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cho dịp Tết Dương lịch cao nhất là 10 triệu đồng/người, thấp nhất là 500.000 đồng/người. Còn với Tết Nguyên đán Ất Tỵ, mức thưởng cao nhất là 38 triệu đồng/người, mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người.

Đối với công ty cổ phần có vốn góp chi phối của nhà nước, doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất trong dịp Tết Dương lịch là 15 triệu đồng/người, doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người. Trong khi đó, dịp Tết Ất Tỵ năm 2025, doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người và doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người.

Đối với khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng trong dịp Tết Dương cao nhất là 30 triệu đồng/người, thấp nhất là 500.000 đồng/người. Ở dịp Tết Nguyên đán, mức thưởng cao nhất là 280 triệu đồng/người, thấp nhất là 500.000 đồng/người.

Đối với khối doanh nghiệp FDI, mức thưởng bình quân dịp Tết Dương lịch là 1 triệu đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 90 triệu đồng/người; doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người.

Còn Tết Nguyên đán, mức thưởng bình quân là 4,5 triệu đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 311 triệu đồng/người; doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người.

Cựu Vụ phó Nguyễn Lộc An bị cáo buộc gọi doanh nghiệp "hỗ trợ" 9 tỷ đồng để mua nhà

Theo kết luận điều tra, trong quá trình giúp đỡ doanh nghiệp làm đầu mối kinh doanh xăng dầu, Nguyễn Lộc An, cựu Vụ phó Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã gọi điện cho Chủ tịch Công ty Bách Khoa Việt "đề nghị" hỗ trợ 9 tỷ đồng để mua nhà và sau đó được đáp ứng.

Bị can Nguyễn Lộc An

Bị can Nguyễn Lộc An

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vừa hoàn tất Kết luận vụ án "Đưa, Nhận hối lộ", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" xảy ra tại Bộ Công Thương, Công ty Thương mại tư vấn đầu tư Bách Khoa Việt, Công ty Thương mại Dịch vụ Long Hưng.

Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị truy tố bị can Nguyễn Lộc An, cựu Vụ phó Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương về tội "Nhận hối lộ".

Theo Kết luận điều tra, cuối năm 2012, Chủ tịch Công ty Bách Khoa Việt là Trần Thị Loan Phương quen Nguyễn Lộc An, khi đó là Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương phụ trách mảng xăng dầu, khí đốt. Đầu năm 2013, bà Phương gọi điện đến nhà An hướng dẫn Công ty Bách Khoa Việt kinh doanh cây xăng. An hướng dẫn bà Phương thành lập pháp nhân kinh doanh khí hóa lỏng, thuê cây xăng có sẵn để kinh doanh nhỏ lẻ trước.

Đầu năm 2015, Công ty Bách Khoa Việt xin Bộ Công Thương cấp giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu. Nguyễn Lộc An được giao làm trưởng đoàn kiểm tra điều kiện thực tế của Công ty Bách Khoa Việt. Sau đó, bà Phương đến gặp An tại nhà khách Bộ Công Thương ở Quận 1, TP.HCM, nhờ An hỗ trợ để Công ty Bách Khoa Việt được cấp giấy phép sớm. Theo Kết luận điều tra, khi đó bà Phương đưa An 200 triệu đồng.

Khoảng tháng 8/2015, bà Phương đến nhà An tại quận Ba Đình, TP. Hà Nội nhờ An giúp cho Công ty Bách Khoa Việt được làm thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. An nói bà Phương cứ làm đi, An sẽ giúp. Trong lúc nói chuyện, An nói đang có ý định mua căn nhà to hơn nhưng không đủ tiền và gợi ý bà Phương hỗ trợ tiền mua nhà.

Bà Phương hiểu Công ty Bách Khoa Việt đang hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu do An phụ trách và cần nhờ An giúp đỡ thì Bách Khoa Việt mới được nâng cấp lên làm thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Đến tháng 9/2015, An gọi điện cho bà Phương báo hỗ trợ cho An 9 tỷ đồng để mua nhà, dặn bà Phương chuyển vào số tài khoản của vợ An.

Bà Phương đồng ý và sau đó đã giao cho cấp dưới chuyển tiền 2 lần, một lần 5 tỷ đồng và một lần 4 tỷ đồng vào số tài khoản của vợ Nguyễn Lộc An. Sau đó được An giúp đỡ, Công ty Bách Khoa Việt đã được cấp giấy phép vào năm 2016.

Hà Nội muốn hoàn thành hơn 410 km metro vào 2035

Hà Nội đã đưa vào khai thác 21,5 km đường sắt đô thị, mục tiêu hoàn thành hơn 410 km vào năm 2035 và 616,9 km vào năm 2045.

Hà Nội đã đưa vào khai thác 21,5 km đường sắt đô thị

Hà Nội đã đưa vào khai thác 21,5 km đường sắt đô thị

Tại Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 vừa diễn ra, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Hà Nội cho biết theo quy hoạch, mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn sẽ bao gồm 15 tuyến/đoạn tuyến với tổng chiều dài hơn 616,9 km.

Trong đó, TP. Hà Nội đã đưa vào vận hành 21,5 km của tuyến số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông, dài 13 km) và tuyến số 3 trên cao (đoạn Nhổn - Cầu Giấy, dài 8,5 km), chiếm khoảng 4% trên tổng quy hoạch.

Giám đốc Sở GTVT cho biết, TP. Hà Nội quyết tâm đến năm 2035 hoàn thành xây dựng khoảng 410,8 km đường sắt đô thị. Giai đoạn tiếp theo (2036 - 2045) phấn đấu hoàn thành khoảng 200,7 km, nâng tổng số chiều dài hệ thống đường sắt đô thị lên 616,9 km.

Ông Nguyễn Phi Thường đánh giá, đây là kế hoạch táo bạo. Để đạt mục tiêu, TP. Hà Nội đề xuất 6 giải pháp, bao gồm nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; xây dựng, ban hành khung chính sách thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án.

Ngoài ra, Giám đốc Sở cho rằng, cần tập trung, ưu tiên tối đa bố trí vốn đầu tư cho đường sắt đô thị, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để giảm áp lực huy động vốn từ ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, lãnh đạo Sở kiến nghị xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chuyên ngành cho đường sắt đô thị; xây dựng và triển khai các chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt...

Cuối cùng là tuyển chọn tư vấn quốc tế có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm về quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và quản lý dự án.

UBND TP. Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp, hỗ trợ Thành phố hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư tổng thể toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị của Thành phố và các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai thực hiện.

Bắc Ninh xử lý nghiêm gần 40 dự án đầu tư công đang bị "treo"

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu tăng cường đôn đốc, rà soát và xử lý dứt điểm các dự án sử dụng vốn đầu tư công chậm/dừng thi công trên địa bàn Tỉnh.

Dự án Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh bị chậm tiến độ nhiều năm, đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống bỏ hoang

Dự án Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh bị chậm tiến độ nhiều năm, đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống bỏ hoang

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, tổng hợp báo cáo các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý.

Theo báo cáo, hiện có 37 dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong quá trình triển khai gặp khó khăn, vướng mắc đang phải tạm dừng thi công để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Trong đó, dự án do cấp tỉnh đầu tư là 6 dự án, cấp huyện đầu tư là 14 dự án, cấp xã là 17 dự án.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu tăng cường đôn đốc, rà soát và xử lý dứt điểm các Dự án sử dụng vốn đầu tư công chậm/dừng thi công trên địa bàn Tỉnh tại phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Để xử lý dứt điểm các dự án chậm/dừng thi công trên địa bàn Tỉnh.

Theo đó, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; UBMTTQ và các tổ chức Đoàn thể, chính trị, xã hội; UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công: đã hoàn thành nhưng chưa phê duyệt quyết toán; đang tạm dừng triển khai do vướng mắc; đang triển khai nhưng có khả năng chậm tiến độ từ năm 2010 đến nay.

Các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư, đồng thời tập trung, khẩn trương triển khai thực hiện các dự án đầu tư công được giao đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ giải ngân vốn; từ ngày 15/02/2025. Nếu các dự án có nguy cơ chậm tiến độ, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và các quy định có liên quan để đảm bảo dự án triển khai hoàn thành theo quy định.

Lâm Đồng tính thu hồi chủ trương cho 45 DN thuê rừng làm khu du lịch

Trong 45 doanh nghiệp được thống nhất chủ trương/chấp thuận cho lập hồ sơ, thủ tục thuê rừng để kinh doanh du lịch tại tỉnh Lâm Đồng, đến nay chưa có đơn vị nào được thuê.

Một địa điểm kinh doanh du lịch có môi trường rừng tại TP. Đà Lạt

Một địa điểm kinh doanh du lịch có môi trường rừng tại TP. Đà Lạt

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo, đề xuất UBND Tỉnh hướng xử lý, giải quyết đối với các trường hợp đã có chủ trương cho lập hồ sơ thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Qua kiểm tra hồ sơ và thực tế hiện trạng, Sở NN-PTNT cho biết, trong 45 doanh nghiệp xin thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch có 10 doanh nghiệp đã được UBND Tỉnh thống nhất chủ trương. 35 doanh nghiệp còn lại được thống nhất cho lập hồ sơ, thủ tục thuê rừng và Sở NN-PTNT đã hướng dẫn thực hiện hồ sơ.

Đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào được thuê rừng do các đơn vị chủ rừng nhà nước (thuộc địa bàn có các đơn vị được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho thuê môi trường rừng) chưa được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân thứ hai là do có sự thay đổi về một số quy định về cho thuê môi trường rừng. Cụ thể, trước đây thực hiện theo Nghị định 156/2018 và nay theo Nghị định 91/2024.

Nội dung các văn bản của UBND Tỉnh về việc thống nhất chủ trương cho các tổ chức thuê môi trường rừng hoặc lập hồ sơ, thủ tục thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch không còn phù hợp với quy định tại Nghị định 91/2024.

Bên cạnh đó, ngày 18/10 vừa qua, UBND Tỉnh đã ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực Quyết định 603/2021 quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn. Lý do, quyết định này được xây dựng dựng theo Nghị định 156/2018.

Sở NN-PTNT cho biết, đơn vị đã hoàn thành việc bàn giao dữ liệu, bản đồ hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, từng sản xuất tỉnh Lâm Đồng.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Sở NN-PTNT rà soát phạm vi, ranh giới, diện tích của các đơn vị chủ rừng để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quyết định giao đất, cho thuê đất. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ rừng trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các chủ rừng sẽ hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hà Nội tạm dừng cấp đổi GPLX từ 11h trưa 31/12

Sở GTVT Hà Nội vừa cho biết, từ 11h trưa 31/12, Sở GTVT Hà Nội tạm dừng cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX).

Sở GTVT Hà Nội tạm dừng cấp đổi GPLX từ trưa 31/12. Ảnh minh họa

Sở GTVT Hà Nội tạm dừng cấp đổi GPLX từ trưa 31/12. Ảnh minh họa

Sở GTVT Hà Nội vừa thông tin về việc triển khai thực hiện nâng cấp, cập nhật phần mềm quản lý GPLX theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo đó, để bảo đảm tiến độ thời gian cấp, đổi GPLX theo hạng GPLX cũ và cấp, đổi GPLX theo phân hạng GPLX mới, Sở GTVT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã được ủy quyền chỉ đạo bộ phận một cửa dừng tiếp nhận thủ tục hành chính cấp đổi GPLX từ 11h ngày 31/12/2024.

Cùng đó, hoàn thiện hồ sơ, đồng bộ dữ liệu và chủ động chuyển toàn bộ hồ sơ đã tiếp nhận đến 11h ngày 31/12/2024 về Sở GTVT (Phòng Quản lý phương tiện và người lái) trước 14h ngày 31/12/2024.

Rà soát điều kiện hạ tầng kỹ thuật, bố trí cán bộ phối hợp với Sở GTVT triển khai cài đặt, cập nhật phần mềm Văn phòng đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe mới sửa theo Thông tư 35 của Bộ GTVT, cử cán bộ tham gia tập huấn, cập nhật nghiệp vụ theo phần mềm mới.

Văn phòng Sở GTVT chỉ đạo bộ phận một cửa dừng tiếp nhận thủ tục hành chính cấp đổi GPLX từ 11h ngày 31/12/2024; hoàn thiện và chuyển toàn bộ hồ sơ cấp đổi GPLX chuyển về Phòng Quản lý phương tiện và người lái trước 14h ngày 31/12/2024. Triển khai cài đặt, cập nhật phần mềm Văn phòng đăng ký cấp đổi GPLX mới sửa theo Thông tư 35/2024/TT-BGTVT cho bộ phận một cửa của Sở và các UBND cấp huyện được ủy quyền.

Phòng Quản lý phương tiện và người lái có trách nhiệm bố trí cán bộ tiếp nhận nội dung cập nhật nâng cấp phần mềm quản lý GPLX theo Thông tư 35, xây dựng kế hoạch tổ chức cấp đổi, sát hạch cho người dân và ký số toàn bộ danh sách trúng tuyển, danh sách cấp đổi GPLX trước 17h ngày 31/12/2024 để bảo đảm in trả GPLX cho người dân theo phân hạng GPLX cũ.

Chuyên đề